HV155 - Nói chuyện trâu nhân năm Sửu

Theo thuyết Can Chi trong lịch pháp Trung Quốc, 5.000 năm trước, trong số 12 con vật tượng trưng cho 12 chi là Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi thì trâu (Sửu) xếp thứ hai, sau chuột (Tý).

Trong nền sản xuất nhỏ với công cụ thô sơ, hơn 2.000 năm qua, vị trí con trâu đã được nâng lên “hàng đầu cơ nghiệp” của nhà nông ta.

Hình ảnh con trâu đã được thể hiện trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật qua các thời đại như là tượng trưng cho sự khỏe mạnh, cần cù, dũng cảm mà người nông dân đã gửi vào đó lòng thương yêu, quý mến. Ngày Tết, có được một bức tranh làng Hồ vẽ trâu bò, gà lợn để treo là một nhu cầu của đồng bào nhiều vùng nông thôn miền Bắc, còn hơn cả cây nêu, tràng pháo. Hai nhà văn quen biết Trần Tiêu và Nguyễn Văn Bổng đã lấy Con trâu đặt tên cho tác phẩm của mình. Trong thơ Tố Hữu, con trâu gắn chặt mối tình miền ngược, miền xuôi, làm xanh lại ruộng đồng:

Mình về, ta gửi về quê

Thuyền nâu trâu mộng với bè nứa mai

Nâu này nhuộm áo không phai

Cho lòng thêm đậm, cho ai nhớ mình

Trâu về, xanh lại Thái Bình…

Nhạc sĩ Trần Chương nhìn chiếc máy kéo liên tưởng đến con trâu và chiếc máy kéo đã trở thành Con trâu sắt trong bản nhạc của anh được nhiều người ưa thích.

Trong kho tàng văn học dân gian, hình ảnh con trâu xuất hiện rất nhiều trong các thể loại: thần thoại, cổ tích, ca dao, tục ngữ, thành ngữ, hò vè, câu đố…

Ở núi Tiên Du (nay thuộc Bắc Ninh) có con tinh Trâu Vàng, nửa đêm thường tỏa ra ánh sáng. Có nhà sư lấy tích trượng yểm lên trán trâu, trâu vàng bỏ chạy húc vào đất làm sụp thành cái hồ. Nơi này sau gọi là thôn Húc. Trâu chạy đến Văn Giang (nay thuộc Hưng Yên), vì vậy ở đây có cái vũng lớn tên gọi là Vũng Trâu Đằm.

Trong đời sống tình cảm, hình ảnh con trâu vẫn được đôi trai gái đưa ra để ví von: “Bao giờ cho mạ lên non/ Một trăm mẫu đất có con trâu cày/ Bao giờ hết cỏ đồng hoang/ Cho trâu tìm cột, cho tằm tìm dâu…”. Trong những lời tán tỉnh cũng có hình ảnh con trâu: “Hỡi cô cắt cỏ đồng màu/ Chăn trâu cho béo làm giàu cho cha”. Hay những lời lẽ mang sự chê trách trong việc kén chọn: “Trâu kia kén cỏ bờ ao/ Anh kia không vợ đời nào có con”. Hay trong những lời “khuyên răn” đầy tình ý: “Trâu ta ăn cỏ đồng ta/ Đừng ham cỏ tốt ăn qua đồng người”, vì “Tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm”, còn “Đồng người cỏ tốt nhưng hôi/ Đồng ta cỏ xấu nhưng bùi trâu ăn”.



Xe trâu chở xác máy bay trên đường phố Hà Nội

Cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người nông dân, cho rằng có ruộng sâu trâu nái là đủ. Và luôn có ước mong đừng có cảnh sẩy đàn tan nghé, tránh cảnh “Mất chồng như nẫu mất trâu/ Chạy lên chạy xuống, cái đầu chơm bơm”... Hay như có cô vợ mất chồng lẫn mất nết đi năn nỉ người đàn bà có chồng:

- Của chua ai thấy chẳng thèm

Em cho chị mượn chồng em vài ngày

và được đáp lại:

- Chồng em nào phải trâu cày

Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm!

Vai trò con trâu cũng không kém phần quan trọng trong ngành giao thông vận tải. Đường xa quên lối về nhà, cứ theo trâu là đến: “Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu”. Trâu kéo gỗ, kéo xe, kéo thuyền, kéo pháo... và trong thời đại siêu âm phản lực này, trâu còn lôi xác lũ giặc trời Mỹ: Thần sấm, Con ma, B-52... Hình ảnh độc đáo trên chiến truờng Việt Nam được nhà nhiếp ảnh Vũ Tiu thu vào ống kính làm nảy ra sự bàn tán xôn xao trong giới báo chí và nhiếp ảnh quốc tế. Tác giả bức ảnh Trâu Việt Nam kéo xác máy bay phản lực Mỹ được Huy chương bạc trong cuộc liên hoan ảnh quốc tế tại Leipzick (CHDC Đức).

Không chỉ có lao động nặng nhọc, trâu còn là những nghệ sĩ trên sân khấu xiếc, là những chiến sĩ chống giặc ngoại xâm. Trâu Việt Nam đã từng làm lòi ruột, gãy sườn nhiều tên giặc Pháp, giặc Mỹ.

“Con trâu quý hơn vàng mười tuổi”. Do đó mà nuôi trâu, chọn trâu là cả một nghệ thuật, phải hết sức công phu. Người mua trâu về cày, phải chọn cho được con trâu có “sừng cánh ná, dạ củ khoai, tai lá mít, đít lồng bàn”...

Khi con trâu đã là của mình thì đối với các thiếu niên trong khung cảnh thanh bình cũng là điều sướng lắm chứ! Tan học, về nhà giúp việc gia đình, được “ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bươm bướm lượn trên đám cỏ, trong khoảng trời xanh, lá biếc”(*) như vậy vui thú biết bao.

Trong y học, nhiều bộ phận của con trâu có thể giúp bảo vệ sức khỏe con người.

Con người đã biết rằng “ngưu đậu” là bệnh đậu mọc trên cơ thể trâu, bò không độc bằng đậu mọc trên cơ thể người. Các nhà dịch tễ học đã biết cách trích lấy mủ “ngưu đậu” nhân giống vi trùng đậu, tạo thành vắc xin đậu mùa rồi chủng lên cơ thể người tạo ra cơ chế miễn dịch giúp con người đủ sức chống lại sự xâm nhập của vi trùng bệnh đậu mùa. Nhờ phát minh này mà loài người đã thoát khỏi nanh vuốt của tử thần do bệnh đậu mùa gây nên.

Nhiều bộ phận của con trâu có thể chế biến để dùng làm thuốc chữa nhiều thứ bệnh cho con người. Da trâu là một ví dụ. Da trâu (ngưu bì), cạo bỏ hết lông, thịt, gân, màng, cắt thành từng miếng, phơi hay sấy khô. Khi dùng, để nguyên bản hoặc chế biến thành keo theo cách ngâm da trâu vào nước vôi trong một ngày đêm. Lấy ra, rửa sạch, luộc chín, rồi cắt nhỏ, nấu với nước xâm xấp và sôi liên tục trong một ngày, một đêm. Chắt lấy nước thứ nhất. Thêm nước, tiếp tục nấu để được nước thứ hai, thứ ba. Gộp các nước chắt lại, lọc kỹ, cô cách thủy thành cao đặc. Cao này có tên là cao da trâu hay minh giao, hoàng minh giao, có chứa canxi, gelatin, keratin và protein, có vị mặn, ngọt, mùi hơi tanh, tính bình, không độc, có tác dụng giảm đau, cầm máu, nhuận táo, được dùng trong những trường hợp chữa phong thấp, chân tay đau nhức, đau vú, đái són, động thai, thổ huyết, băng huyết, đái ra máu, chảy máu dạ dày.

Trong Đông y còn có một vị thuốc quý có tên là ngưu hoàng. Ngưu hoàng là sỏi mật của loài trâu. Sách Thần nông bản thảo ghi: “ngưu hoàng là vị thuốc chủ trị kinh giản, sốt quá hóa điên cuồng”. Các sách y học khác của phương Đông đều có bàn đến tác dụng của loại sỏi trong mật trâu: ngưu hoàng giúp cho tác dụng trấn tĩnh được kéo dài. Ngưu hoàng làm tăng hồng cầu, tăng huyết sắc tố và mạch tim. Loại biệt dược này có tác dụng thanh tâm giải độc, chữa hồi hộp. Nó là loại thuốc đặc trị các bệnh nhiệt quá phát cuồng, thần trí hôn mê, trúng phong bất tỉnh, cổ họng sưng đau, ung thư, đinh nhọt. Ngưu hoàng vị đắng, hơi độc. Do đó ngưu hoàng có thể làm trụy thai. Vì vậy với phụ nữ có thai mà bị sốt cao thì chỉ các bậc danh y thực sự cao tay mới đủ can đảm sáng suốt dùng đến ngưu hoàng…♦


(*) Sách Quốc văn giáo khoa thư

ĐẶNG MINH PHƯƠNG