HV155 - “Nương tử”, “Vỡ núi mở đường” cho văn học nữ giới Việt Nam đầu thế kỷ 20

Từ bản sách xuất bản lần thứ nhất, do nhà Bảo Tồn, Sài Gòn in năm 1927, cuốn Tây phương mỹ nhân của nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa, đến khi nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân phát hiện, tìm lại được vào năm 2001 và năm 2003, nhà nghiên cứu văn hóa Thi Hảo Trương Duy Hy có công sưu tầm biên soạn in lại trong cuốn Huỳnh Thị Bảo Hòa - người phụ nữ viết tiểu thuyết đầu tiên (gồm 3 tác phẩm: Tây phương mỹ nhân, Chiêm Thành lược khảoBà Nà du ký) do NXB Văn học ấn hành, là cuộc hành trình dằng dặc của một tác phẩm văn học ngót nghét 100 năm (kể cả lần tái bản thứ 3, năm 2010, có bổ sung thêm kịch bản tuồng Huyền Trân công chúa).

Trong thế giới sách thuần Việt vừa đa dạng, phong phú và cũng lắm xô bồ trong những thập niên đầu thế kỷ 21 (như dư luận xã hội và chúng ta đã biết), tôi đã đọc Huỳnh Thị Bảo Hòa như một sự tự thân cuốn hút, khám phá, suy gẫm bởi những lý do bắt nguồn sự cảm phục từ nhiều người, nhiều chiều, nhiều phía xung quanh cuốn sách, mà đến hôm nay mới có điều kiện nhìn lại một tác phẩm, một con người, một thời đại (xu thế thời đại cũng là một phần tác nhân tạo ra những sự kiện, những dấu ấn, số phận con người, hình thái tư tưởng, thái độ hành xử).

1.Tôi muốn lấy mấy từ “nương tử”, “vỡ núi mở đường” của học giả, nhà báo, nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng, dưới danh nghĩa Tiến sĩ, Trung Kỳ nhân dân viện, Viện trưởng, viết lời đề tựa cho cuốn Tây phương mỹ nhân đặt tên cho bài viết nhỏ này.

Một nhà báo thâm Nho, lại tiếp thu Tây học thông tuệ như cụ Huỳnh; đổi mới và cách tân mạnh mẽ tờ Tiếng dân do cụ sáng lập, thể hiện quan điểm yêu nước, chống thực dân, phong kiến, thức tỉnh hồn nước, hồn dân tộc, đề xướng và tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh “nâng dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” chấn động xã hội đương thời. Một con người lăn lộn trong “trường văn trận bút” đã dành tình cảm, không tiếc thời gian, lời lẽ viết bài từ giới thiệu cho một tác phẩm mà cụ vừa mới đọc qua đã không ngần ngại hạ bút tự so sánh mình, như cụ nói: “Cũng dè chút công trong xã hội một đôi điều thật sự”, cụ nêu gương những nữ kiệt thuở xưa như “Bà Trưng, Bà Triệu, bà Phạm Thị Thuấn, bà Nguyễn Thị Kim”, còn các bậc “khuê tú như Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Diệu Liên công chúa đều là nữ sĩ...”. Cụ nói đến tiểu thuyết, một thể loại lợi hại, khó viết, Âu Tây, Nhật, Tàu “đương lúc canh tân, tiểu thuyết rất là thịnh hành, có sức mạnh ngấm ngầm, làm cho xã hội nảy được những tư tưởng mới...”, “tiểu thuyết mới thành ra một thứ lợi khí truyền bá trong xã hội...”.

Tiểu thuyết ở nước ta đang còn trong lúc nảy chồi, mọc mống, trong đám mày râu cũng mới xuất hiện một đôi bản như Quả dưa đỏ, Cảnh thu di hận v.v... còn nữ giới thì thật chưa có”. Cụ nói rộng ra chỉ để khắc họa “Nay bà [chỉ nữ sĩ Bảo Hòa] đem cái thì giờ quý báu mà làm được bản này [tức tiểu thuyết Tây phương mỹ nhân], lấy cái học thức sở đắc mà ra công thêu dệt, để tự tạo cho thành một nhà văn trong nữ giới, cái công vỡ núi mở đường, thật không những ngọn cờ tiên phong cho đạo quân “nương tử” trong làng quần thoa...” (Tôi nhấn mạnh cụm từ “cái công vỡ núi mở đường”).

Trên đây, tôi chỉ trích dẫn một số câu trong bài tựa như một áng văn ấm áp tình tiết, con người, sự việc của cụ Huỳnh (nên đọc toàn văn bài của cụ) để thấy hết cái tham bác, cái tâm, cái tình và sự trong sáng của bậc trí giả dành viết về người nữ sĩ như một “vì sao vụt sáng giữa văn đàn”, mà cụ cho là “Ngọn cờ tiên phong cho đội quân nương tử trong nữ giới ta cũng thật ít có”. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở và sự kính trọng cụ, đã phát hiện ra một tài văn Huỳnh Thị Bảo Hòa, tìm thấy một cây bút nữ sớm tỏa sáng, có sức vóc văn chương thấm đẫm triết lý nhân văn đằm sâu, mượt mà, để không ngần ngại đặt bút viết “lời giới thiệu” chân tình, cởi mở và sâu sắc đến thế. Ở cương vị cụ, có lẽ không dễ gì cụ nhận làm ngay cái việc “thảo lời tựa” cho tác phẩm đầu tay của một ai đó, nếu tác phẩm đó không có gì gọi là tác phẩm văn học đích thực về chất lượng nội dung và nghệ thuật diễn đạt.

Ở trường hợp nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa với Tây phương mỹ nhân, những lời vàng, thước ngọc của cụ Huỳnh vẫn còn nguyên giá trị, khi cụ không tiếc lời khen ngợi, xác tín và đánh giá trung thực, chân xác để chúng ta ngày nay có cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu và đọc tác phẩm, tác giả này mà không ngại có sự nhầm lẫn, hoặc quá lời trước cuốn tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ ra đời đầu tiên ở nước ta nửa đầu thế kỷ 20.

Cùng với cụ Huỳnh, thi gia Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, khi đến Đà Nẵng, gặp gỡ nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa từng một thời “có văn lai cảo cho An Nam tạp chí khi xưa” đã viết lời đề tặng tác giả và nhận xét tác phẩm: “Tây phương mỹ nhân có trọng giá nhất, còn ngoài ra, văn từ có phần lưu hoạt, cảm tưởng nhiều mối khích ngang, lại vở tiểu thuyết thứ nhất của trong bạn quần thoa mới soạn ra”. Và cụ viết lời cuối cùng: “Kính đưa trình bà Vương Khả Lãm” (tức Huỳnh Thị Bảo Hòa).

Ở đây, mấy từ “Kính đưa trình” mà cụ Tản Đà viết là sự biểu lộ lòng mến mộ, cảm phục của cụ đối với tác giả ở hai khía cạnh: Một là tình tiết và nội dung cốt truyện đầy tính nhân văn, tiết nghĩa, lễ tục của đôi vợ chồng người Pháp, người Việt thật hiếm có, được cấu tạo, thể hiện bằng một nghệ thuật hành văn hấp dẫn. Hai là tác phẩm văn xuôi quốc ngữ thứ nhất trong giới phụ nữ cầm bút viết tiểu thuyết mới soạn ra lúc bấy giờ.

Chúng ta cám ơn cụ Tản Đà có con mắt tinh đời. Cụ đề từ tặng Tây phương mỹ nhân cũng có nghĩa là giới thiệu, quảng bá một tài văn chớm nở mà đã có độ chín vững vàng trưng ra với người đọc.

Đồng thời với hai nhân vật trên đây còn có chủ bút Đông Pháp thời báo, Bùi Thế Mỹ ở Sài Gòn được nữ sĩ nhờ ông “nhuận sắc” rồi trông nom xuất bản tiểu thuyết Tây phương mỹ nhân. Nhà báo Bùi Thế Mỹ trực tiếp viết lời tựa, ông cho rằng: “Lối tản văn ở nước ta xưa nay chưa thịnh hành, tuyệt nhiên chưa có. Nay tiểu thuyết Tây phương mỹ nhân của bà Vương Khả Lãm (Huỳnh Thị Bảo Hòa) ra đời. Song có một điều, là nếu pho sử văn học của nước ta mà có ngày xuất thế, thời tôi tin rằng tiểu thuyết Tây phương mỹ nhân của bà Vương Khả Lãm đây cũng sẽ được liệt vào trong thời kỳ thứ nhất của mục văn tiểu thuyết đàn bà vậy!”.

Với ý kiến minh bạch của ba vị học giả lão làng gần như sống và làm việc ở ba miền Trung - Nam - Bắc đã nói về tác giả, tác phẩm sâu sắc, cởi mở, bộc trực như vậy. Đây là điều hết sức hi hữu và cần thiết cho những người hậu thế, muốn tìm hiểu thân thế sự nghiệp của Huỳnh Thị Bảo Hòa. Nhất là những người đã và đang sống trên mảnh đất Đà Nẵng quê bà, thưởng thức gia tài văn học, khảo cứu không nhiều của nữ sĩ, nhưng là người tiên phong trong nữ giới cầm bút viết tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên. Trong những năm gần đây, còn phải kể đến một số bài viết của nhiều tác giả như Lại Nguyên Ân, Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Thế Thịnh, Giao Hưởng, Đặng Thị Hảo, Lâm Chiêu Tranh, Cúc Phương, Nguyễn Tuấn Anh, Bích Thu, Lê Quang Đức, Thi Hảo Trương Duy Hy, Lê Thanh Hiền v.v… đều gặp nhau ở sự cảm thụ, đánh giá và khẳng định giá trị các tác phẩm và tài năng của Huỳnh Thị Bảo Hòa.

2.Vài dòng tiểu sử về Huỳnh Thị Bảo Hòa không nhiều, nhưng biết nữ sĩ là dòng dõi con nhà có học, cha làm quan dưới triều Nguyễn và có tham gia phong trào Cần vương tại Quảng Nam. Chồng bà, ông Vương Khả Lãm, được phong tước Hàn lâm Đại học sĩ, có kết giao với các học giả, chí sĩ yêu nước ở Quảng Nam, Đà Nẵng như: Lê Bá Trinh, Dương Hiển Tiến, Lê Văn Chiếu, Hồ Đắc Trung. Nữ sĩ được học chữ quốc ngữ, chữ Hán, chữ Pháp thông thạo, ham đọc sách báo và có tư tưởng tiếp thụ tinh thần duy tân của các phong trào yêu nước vận động. Nữ sĩ được xem là một phụ nữ cấp tiến, tiến bộ ở đất Quảng, tìm cách tham gia các hoạt động xã hội như diễn thuyết, hô hào phụ nữ đi học chữ quốc ngữ, thực hiện nếp sống mới. Nữ sĩ tiên phong trong việc cắt tóc ngắn, mặc âu phục, đi xe đạp. Khi chí sĩ Phan Châu Trinh qua đời (1926), nữ sĩ tham gia tổ chức lễ truy điệu tại Đà Nẵng, sau đó vận động bà con, bạn bè đóng góp xây dựng Nhà tưởng niệm cụ Phan tại đây. Khi có tổ chức Nữ công học hội ra đời, nữ sĩ được cử làm Hội trưởng ở Đà Nẵng. Con cái của nữ sĩ đều tham gia cách mạng, có con gái là liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp. Trong những năm chiến tranh vợ chồng nữ sĩ sống thanh đạm, âm thầm đón đợi ngày quê hương giải phóng, đất nước thống nhất hòa bình.

Nhưng có lẽ tên tuổi của nữ sĩ được biết đến lúc bấy giờ là trên văn đàn, báo chí. Nữ sĩ đã cộng tác viết cho các báo có tiếng vang như Thực nghiệp dân báo, Nam phong, Tiếng dân, Đông Pháp thời báo, Phụ nữ tân văn v.v… Các chủ bút coi nữ sĩ là cây bút “thông tín viên” chủ lực, năng nổ, có bút lực dồi dào, viết được nhiều thể loại, nhiều lĩnh vực. (Đọc tạp chí Tri tân và lời tựa Phạm Quỳnh viết giới thiệu tác phẩm Chiêm Thành lược khảo của nữ sĩ để rõ hơn).

Đọc các thể loại tác phẩm của nữ sĩ (rất tiếc là các bài báo của bà chưa có điều kiện sưu tầm được nhiều) có thể thấy ngay nét tài hoa, thông minh và tư duy mới, lạ trong từng đề tài và lối viết, phong cách viết không lẫn với một tác giả nữ nào. Bà Nà du ký của nữ sĩ là một thiên bút ký, phóng sự, điều tra, đặc tả ăm ắp tình tiết sự kiện, cảnh vật, con người, phong tục tập quán đến nhân tình thế thái, bối cảnh xã hội. Cũng có nghĩa là những suy tư, dằn vặt, bức bối, cắn xé nội tâm nữ sĩ về thân phận của người nghèo khổ, sự xâm lăng của kẻ thù, gây nên bất công xã hội, số phận dân tộc... bằng bút pháp, câu chữ đau đáu, nhất là những câu thơ đầy tâm sự mà nữ sĩ gửi gắm:

Cất ngòi bút láng lai dòng lệ mực

Đoái non sông man mác khói mây tuôn.

Không chỉ trong Bà Nà du ký (ngày nay đã trở thành thiên đường du lịch ở Đà Nẵng), mà trong các tác phẩm Tây phương mỹ nhân, Chiêm Thành lược khảo và tuồng Huyền Trân công chúa là những trang viết thấp thoáng như chính dòng nước mắt của nữ sĩ, khi nhìn quê hương, đất nước còn đang chìm đắm bể dâu. Cái lớn lao của một tài văn là sự cảm thức, trái tim, tâm hồn lay động tận cùng trong sự vây bọc của hiện thực cuộc sống. Huỳnh Thị Bảo Hòa là hiện tượng không bình thường trong chừng ấy tác phẩm đủ để đóng đinh vào nền văn học nước nhà một dấu son tuyệt đẹp! 

3.Có bao nhiêu câu hỏi, và đến bây giờ có người còn hỏi: Huỳnh Thị Bảo Hòa là ai? Bà là người đầu tiên viết tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ thật à? Bà có bấy nhiêu tác phẩm thôi ư? Bà hoạt động, sống và viết như thế nào, không mấy người biết? Tác phẩm của bà trôi nổi, chìm khuất vì sao? Từ ấy đến nay đã trên nửa thế kỷ bà còn viết hay không viết nữa? Vân vân và vân vân...

Để trả lời cho tất cả sự quan tâm của những ai yêu quý sự nghiệp văn chương của nữ sĩ, thì đến hôm nay tên tuổi và sự nghiệp của nữ sĩ đã được tác thành đưa vào văn học sử nước nhà qua công trình biên soạn bộ Từ điển văn học, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Tổng tập văn xuôi lãng mạn Việt Nam, Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam, Kỷ lục Việt Nam được xuất bản từ những năm 2004 đến nay, và sách của nữ sĩ cũng được xuất bản, tái bản.

Theo chúng tôi nghĩ, đối với nữ sĩ “trong cái rủi cũng có cái may”, ví như một nhà văn Pháp diễn đạt chân lý dưới hình thức độc đáo: “Tác phẩm là kết lực của ba động lực: môi trường, thời điểm và bản ngã” (thời điểm là thời đại và bản ngã là tính cách của dân tộc cũng chính là tố chất của bà). Nữ sĩ có cả ba yếu tố đó, làm bà đỡ, bệ phóng để cho bà tỏa sáng và cống hiến. Số phận một con người, một tác phẩm dù bất cứ lý do nào, nói cho cùng “Đã có một ngày hôm qua, chắc chắn sẽ có một ngày mai”.

Nữ sĩ đã có một ngày mai đẹp và sẽ mãi mãi trên quê hương Đà Nẵng của bà và của đất nước chúng ta khi đọc lại những áng văn của nữ sĩ trong sự bồi hồi, kính trọng hơn một thế kỷ qua.♦

Đà Nẵng, 30-12-2020


Cây nến 

NGUYỄN HẢI YẾN

Những cây nến tròn vuông, cong vênh dù nghiêng ngả phương nào

Vẫn phải ôm trong lòng sợi bấc mới cháy lên ngọn lửa

Vẫn phải bện vào lòng sợi bấc mà nương tựa

Nến cũng sợ đời gãy đổ, nước mưa rơi

 

Những cây nến mang tia nắng mặt trời

Nhỏ từng giọt đời ra thắp lửa

Nến để ở bàn, nến nơi bậu cửa

Nghiêng ngả phương nào trên chiếc đĩa - cõi nhân gian?!

 

Ai bảo nến không có khói, có tàn

Nến cũng sợ trước bao điều may rủi

Gió làm xô, đĩa vỡ, bấc không còn?!

 

Nghiêng ngả phương nào cong vênh hay vuông tròn

Nến cũng phải tự đốt mình lên để sáng

Tự đốt mình lên và tự làm cái nạng

Hõm xuống dần cho lửa thẳng mãi lên!

 

HOÀNG HƯƠNG VIỆT