Chị bạn gởi cho một video trên mạng để giới thiệu một ban hợp ca người Việt ở Paris với hòa âm của ban nhạc thính phòng học viện âm nhạc Rouen vào năm 2016, đấy là một sự tình cờ mở ra trong tôi kỷ niệm của một trời thương nhớ của tuổi trẻ tôi và của nhiều người bạn cũ.
Hợp ca này, chúng tôi đã hát năm 1974 - bài hát Tổ quốc ta trong chương trình văn nghệ liên bang ở Berlin, rất hoàng tráng, rất khoan thai, cách đây đã 47 năm trời.
Vào thời điểm ấy, chúng tôi dốc toàn lực, không ngại thì giờ, không ngại tốn kém để giới thiệu với quần chúng Đức văn hóa của Việt Nam, một văn hóa yêu nước hào hùng của một giai đoạn chiến tranh khốc liệt.
Chúng tôi tập hát mỗi tuần, cả hai ba tháng trước khi tổ chức đêm văn hóa tại Berlin. Trong lòng ai cũng háo hức được góp mặt. Tất nhiên có một sự lựa chọn. Hồi ấy, tiếng hát là tiếng lòng, đúng như chị bạn tôi nói, anh nào cũng hát, chị nào cũng hát, lạc cả giọng, sai cả nốt. Bởi vậy, chỉ tiêu là hát đúng nốt mới được chia bè. Anh trưởng ban văn nghệ chi hội đã nhận được bản phối từ “trung ương”, kết hợp nhiều ban hợp ca trên khắp nước Đức, người điều khiển dàn hợp ca chúng tôi là anh Đồng ở Berlin. Về phần tôi, thời trẻ, còn có giọng hát trong sáng và cao, tôi lên được đến nốt sol, tất nhiên được phân loại bè soprano.
Chúng tôi đến từ Aachen, Bonn, Köln, Ruhr, Damstadt, München, Stuttgart, Hannover, Göttingen, Frankfurt… những nơi tụ họp nhiều sinh viên Việt Nam nhất. Để di chuyển tới tận Berlin, nhiều anh đã phải đi autostop(*) nhiều chặng. Tôi là nữ, được các anh chiều chuộng hơn, cho đi xe ké của anh Th.
.JPG)
Đoàn văn nghệ sinh viên Việt Nam trên sân khấu của “Đoàn kết quốc tế” - “Chiến thắng bởi đoàn kết” năm 1976 tại khán phòng Philippe Hall ở Düsseldorf
.JPG)
Tiết mục Múa nón do các chị trong đoàn văn nghệ sinh viên Việt Nam biểu diễn tại Düsseldorf
Thời ấy anh Th. đã có biệt danh là Th. 140, vì anh có xe hơi lại thích chạy tốc độ nhanh. Phần lớn chúng tôi là sinh viên nghèo lại bị cúp chuyển ngân, làm gì có xe hơi. Tình trạng kinh tế của chúng tôi có thể nói là giống nhau, bị chính quyền Sài Gòn cúp chuyển ngân, chúng tôi không nhận được tiền của gia đình chuyển cho ăn học nữa, ai cũng phải tứ tán tìm việc làm và xin trợ cấp của nhà thờ để sống và tiếp tục học hành. Người nào may mắn hơn thì tìm được chân trợ việc Hiwi (Hilfe wissenschaftliche) trong trường đại học.
Tôi chưa vào học đại học, còn đi học tiếng Đức, nên phải đi làm việc nhà, làm công nhân hãng nước hoa 4711, làm công nhân may mặc, lương chỉ có 5 DM một giờ, không có bảo hiểm. May một đường quần dài được tính là 5 xu, còn dây chuyền xà bông thì một ngày phải gói được 10.000 cục xà bông thơm. Vì thế, tôi chuyển hướng từ muốn học ngành y khoa sang học về kinh tế, hấp dẫn hơn. Các anh thì tìm việc trong hãng làm vỏ xe, hãng bột giặt.
Hai nhà thờ, Thiên Chúa giáo và Tin Lành, đã cứu vớt chúng tôi, cấp cho học bổng 400 DM một tháng. Thuê nhà điện nước đã tốn khoảng 200 DM, một bữa ăn Mensa 1,4 DM. Tôi được học bổng của nhà thờ Tin Lành, lây lất sống như thế, tài chánh rất eo hẹp khoảng 5 năm, đến khi tôi thi đậu bằng Vordiplom và được học bổng sinh viên giỏi, đời mới lên hương.
Còn chỗ ăn ngủ tại Berlin? Không biết ai đi mượn cơ sở, mà chỗ ngủ là sân vận động cũ của Berlin. Cái phòng hoàn toàn xây bằng bê tông xám, không lát gạch, không có sưởi ấm, nữ một bên, nam một bên, lạnh quá, chúng tôi trải túi ngủ nằm sắp lớp sát cạnh nhau cho ấm, tôi nằm giữa hai bạn Hằng và Tâm. Đến giờ tôi vẫn còn rùng mình vì cái khung cảnh nhắc nhở lại thời kỳ Hitler ấy. Ấy vậy mà lúc lên sân khấu, chúng tôi diện áo dài đủ màu sắc, đẹp như tiên nữ, năm đó tôi mới qua tuổi trưởng thành là 21 tuổi.
Tôi gửi cho chị bạn tôi xem tấm ảnh duy nhất của tôi còn lại trong đêm văn hóa tại Berlin. Tấm ảnh này hình màu, do một người si tình tôi tặng cho, chụp với máy Polaroid, cứ mỗi pô là một tấm ảnh duy nhất, không có hai, sang lắm lận. Cách đây 46 năm thì có máy ảnh chụp phim negative đen trắng với ống kính 50 là đã sang rồi. Chị khen, các chị đẹp quá. Thì mình còn trẻ mà.
Trong những chuyện đáng nên kể lại cho con cháu, thời “oanh liệt” nhất của tôi có vài ba kỷ niệm. Một trong những kỷ niệm nhớ đời là lần biểu diễn ở Philippe Hall ở Düsseldorf trước hơn 5.000 khán giả chật phòng. Đội văn nghệ chúng tôi đại diện Việt Nam trình diễn ba tiết mục múa nón, đơn ca và hợp ca, tôi hát đơn ca bài Xuân chiến khu với tay đàn guitar của anh Phạm Đắc Luân. Sau bài hợp ca thì cả thính phòng vỡ òa vì tiếng vỗ tay vang dội và khán giả người Chile, những người bạn thân thiết với Việt Nam thời ấy, đứng dậy hô vang dội “Hoch hoch die Internationale Solidarität!” (Đoàn kết quốc tế muôn năm!) và “Venceremos!” (Chúng ta sẽ chiến thắng!)… Tình cảm ấy, không khí ấy, làm cho tôi run cả chân tay…
Tôi vẫn còn giữ một đĩa hát 45 tours master của năm 1974 đã thâu trong cơ sở thâu băng chuyên nghiệp của Verlag Pläne. Chúng tôi tự xưng là Nhóm sinh hoạt văn nghệ Cửu Long - Tây Đức, thâu thanh ba bài hát Quảng Bình quê ta ơi, Hát cho dân tôi nghe và Thuyền em đi trong đêm… cũng là đĩa nhạc duy nhất của những tiếng hát như tiếng lòng của thời tuổi trẻ. Pierre, chồng tôi, đã chuyển âm sang định dạng mp3, anh là người biết về đời tôi nhiều nhất.
Để thâu đĩa hát này, bọn chúng tôi, thật tình là ban văn nghệ trung ương, chủ lực của hội lúc đó, gồm đâu đó cả hai ba chục người hẹn nhau tụ họp ở nhà anh Quỳnh Quế (dòng dõi hoàng tộc) ở Köln để tập dượt. Anh Quỳnh Quế rất hiền, hết lòng vì anh em. Ái chà, lo ăn lo uống cho hai ba chục người đâu phải là dễ, lại bầy hầy ở nhà anh Quế! Lại đàn hát suốt ngày, chị Helga vợ anh Quế chịu sao thấu. Anh Quế đàn mandolin, anh H. cũng mandolin và ba bốn anh đệm guitar. Đến lúc xong việc ra về tôi áy náy vô cùng. Anh L.C.C., bây giờ là một dịch giả nổi tiếng, khi ấy là giọng hát nam hay nhất trong ban, hát giọng chính. Phía nữ thì có chị Th. hát chính, trưởng ban phụ nữ của hội, bây giờ chị là bác sĩ, nhưng đến hôm thâu thì chị lên cơn sốt giọng yếu hẳn hát lên không nổi, đành chịu vậy. Chỉ có bài hát do tốp ca nữ 8, 9 chị trình bày là bảo đảm chất lượng.
Thời gian đã qua, 47 năm một đời người, nhưng mỗi khi nhớ những kỷ niệm tôi lại thấy tình cảm yêu thương quê hương, đất nước lại dâng lên theo từng lời hát, từng dòng nhạc không thể quên… và mỉm cười một mình nhớ lại một thời tuổi trẻ…!♦
(*) Dạng đi nhờ xe, khá thông dụng ở Pháp (HV)

Ngày mới ♦ TRẦN NHUẬN MINH Lá chẳng rơi buồn sau lưng em Núi xa thấm lạnh dáng gầy thêm Còn đâu hơi thu trong áo mỏng Còn đâu bóng ai trong cõi quên… Nắng đã tan dần trên tán cây Đã nghe hương ấm thoảng đâu đây Gió ơi, hãy thổi tan sương khói Tan cả âm u những đám mây… Để sáng trưng lên trời đất mới Thì giữ làm chi chút cũ càng Thôi đi em nhé, đừng ngoảnh lại Không đón thì xuân vẫn cứ sang… |