Trong một chuyến du lịch châu Âu, chúng tôi có dịp đi thăm khu phố cổ của Verona, thành phố miền Bắc nước Ý, với những đường phố nhỏ lát đá đen được quy hoạch chẳng khác gì những ô vuông trên bàn cờ. Các đường phố này chỉ rộng tới mức cho phép hai xe song mã ngày xưa chạy và hai bên là những nhà ở nhỏ hẹp hoặc các tiệm buôn bán cũng rất chật hẹp. Ngay giữa ngã tư đường phố kia có một giếng nước với thành giếng lót đá và miệng giếng xây bằng đá xanh… Giếng nước vẫn có nước nguồn trong vắt và ở đáy lấp lánh hàng loạt tiền xu do khách tứ phương ném xuống để cầu phúc. Loanh quanh một lúc, chúng tôi cũng tới đường phố nhỏ đến ngôi nhà cổ được gọi là “nhà của nàng Juliet” (mối tình huyền thoại Romeo - Juliet trong vở bi kịch của văn hào người Anh William Shakespeare). Đó là một ngôi nhà nằm trong một hẻm nhỏ có ba ngôi nhà quây quần bên nhau. “Nhà của nàng Juliet” là nhà lớn nhất có dàn cây leo và chiếc cổng sắt được khách thập phương móc treo hàng ngàn ổ khóa. Tương truyền rằng các cặp trai gái yêu nhau nếu móc được một ổ khóa có khắc tên hai người lên cánh cổng này thì sẽ có được tình yêu thắm thiết và vĩnh cửu như Juliet và Romeo. Chính giữa sân nhà là bức tượng đồng nàng Juliet với bộ ngực trần thiếu nữ tuyệt đẹp, các du khách thi nhau chụp ảnh kỷ niệm với động tác sờ vào ngực nàng do lời đồn nhờ vậy sẽ có hạnh phúc trăm năm…
Đang tìm góc độ chụp hình ngôi nhà thì cháu gái Jessica của tôi và người yêu của nó đã trèo lên cánh cổng sắt tìm chỗ móc ổ khóa Tình Yêu cầu phúc… Sau đó hai đứa còn chạy ra chiếc ban công mà người ta cho là chỗ ngày xưa chàng Romeo leo lên để gặp người yêu ở ban công và hai người đã thắm thiết hôn nhau… Chiếc ban công này trong thực tế đã được xây dựng sau này, cách xa năm tháng xây ngôi nhà cả thế kỷ. Ấy vậy mà du khách vẫn tin nó là chiếc ban công cổ, một biểu tượng của tình yêu kỳ diệu! Cũng tại ngôi nhà này tôi được biết để viết nên vở bi kịch Romeo và Juliet, văn hào Shakespeare đã khéo chọn chính các đường phố, các quảng trường cổ của nước Anh làm bối cảnh cho vở kịch. Bối cảnh này lại giống hệt các đường phố và quảng trường ở Verona mặc dầu khi viết kịch tác giả chưa bao giờ được đặt chân tới đất nước Ý!

Du khách tham quan “nhà của nàng Juliet” ở Verona và chiếc ban công đã đi vào huyền thoại tình yêu...
Tối cùng ngày, chúng tôi vào đấu trường La Mã xem vở nhạc kịch opera Aida lừng danh của nhà soạn nhạc Ý Giuseppe Verdi soạn vào cuối thế kỷ 19 và do Nhà hát ballet quốc gia Ý trình diễn. Vé mua xem nhạc kịch Aida được bán trước đây 6 tháng và chúng tôi đã may mắn mua qua mạng Internet thành công. Theo giới phê bình nhạc kịch quốc tế, vở nhạc kịch này là điển hình tiêu biểu cho các vở nhạc kịch cổ điển Ý thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Và Verdi là một nhà soạn nhạc thiên tài, một tác gia kinh điển của châu Âu thế kỷ 19.
Đấu trường Roman Arena rộng lớn mênh mông với một vòng tròn các khán đài xếp bậc thang cao dần cũng rất rộng lớn bao quanh. Khoảng một phần tư khán đài và một phần sàn đấu được dành làm sân khấu trình diễn. Tôi ước lượng nó rộng khoảng 800 - 1.000m2 . Phần khán đài còn lại và các khoảng sàn đấu mênh mông được dành làm chỗ ngồi cho cả vài ngàn khán giả. Khi chúng tôi vào nhận ghế ngồi cũng đã thấy các khán đài chất kín khán giả. Theo lịch biểu diễn nhà hát này mỗi năm chỉ trình diễn vở nhạc kịch này vài ngày thôi.
Đúng 20 giờ, chương trình biểu diễn bắt đầu. Chúng tôi bị cuốn hút ngay từ lúc các nghệ sĩ cầm những cây đuốc rừng rực cháy tiến vào sân khấu từ nhiều cổng của đấu trường hòa trong âm thanh vô cùng quyến rũ từ dàn nhạc lớn quốc gia…
Nội dung vở nhạc kịch Aida có thể tóm tắt như sau:
Vua Ai Cập đã từng mang quân đánh chiếm nước Ethiopia và bắt sống vua cha của nước này cùng con gái của ông là nàng Aida mang về Ai Cập. Nàng công chúa Aida trở thành một nữ tỳ chuyên hầu hạ công chúa Amneris của Ai Cập. Thế nhưng các thế lực yêu nước của Ethiopia không chịu mất nước. Họ lại nổi dậy chống quân xâm lược nhằm giành lại độc lập cho xứ sở mình. Vua Ai Cập lại sai tướng quân trẻ tuổi và đầy tài năng là Radames dẫn quân chinh phạt Ethiopia một lần nữa. Tướng Radames đã dẹp tan các phiến quân và dẫn đoàn quân chiến thắng trở về trong niềm hân hoan kính phục của toàn dân… Để thưởng công cho chàng và thể theo nguyện vọng của công chúa Amneris luôn hâm mộ, yêu thầm vị dũng tướng, nhà vua Ai Cập quyết định gả con gái cho chàng. Thế nhưng oái oăm thay Radames lại thầm yêu nữ tỳ Aida, công chúa Ethiopia tài sắc vẹn toàn. Hai người thường lén lút gặp nhau và hò hẹn kết nghĩa trăm năm. Amneris biết chuyện nên luôn cho người theo dõi đôi tình nhân ấy. Cũng vì quá yêu Aida, Radames quyết định chỉ đường cho cha con Aida vượt ngục qua một lối thoát không hề có quân canh giữ. Không may cuộc chuyện trò này lọt vào tai đám thám tử của công chúa Amneris. Vua Ai Cập rất giận vì Radames phản bội và dám từ chối cưới con gái mình nên ra lệnh mở phiên tòa kết tội chàng. Tòa xử Radames phải bị chôn sống vì tội phản quốc. Aida biết tin liền quay lại trốn vào huyệt mộ để cùng chết với người yêu. Trong huyệt mộ nàng cất tiếng hát cuối cùng trong vòng tay người yêu. Và huyệt mộ bị đập sập xuống chôn sống hai người cùng mối tình thiêng liêng và vĩnh cửu của họ…
Suốt 4 giờ liền khán giả say mê theo dõi những khung cảnh hoành tráng của nước Ai Cập cũng như đắm chìm trong những khúc hát mê hồn, diễn xuất tuyệt vời của nhân vật Radames và Aida do các nghệ sĩ opera tài hoa của nước Ý biểu diễn… trong âm thanh cuốn hút của dàn nhạc quốc gia.
Đến nửa đêm vở nhạc kịch mới kết thúc, và chúng tôi ra về trong niềm hân hoan vui sướng vì được xem một vở nhạc kịch điển hình cho trường phái opera Ý và cũng là vở nhạc kịch xuất sắc nhất trong số 22 vở nhạc kịch nổi tiếng của Giuseppe Verdi…♦