HV156 - Tản mạn thơ Đường

Tiếng Việt của chúng ta có đại bộ phận là từ Hán Việt, âm Hán Việt. Đó là Đường âm mà cụ thể hơn là âm Trường an thế kỷ thứ 8, 9 được mô phỏng và giữ lại đến bây giờ; trong khi tiếng Bắc Kinh (cơ sở chủ yếu của Quan thoại, tiếng tiêu chuẩn của Trung Quốc) ngày nay, lại đã đổi khác rất nhiều. Ta thử đọc một bài thơ Đường theo âm đời Đường, nghĩa là theo âm Hán Việt:

Hàn vũ liên giang dạ nhập Ngô

Bình minh tống khách Sở sơn cô

Lạc dương thân hữu như tương vấn,

Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ.

Và đọc nó theo âm Bắc Kinh ngày nay:

Hán yǔ lián jiāng yè rù wú

Píng míng sòng kè chǔ shān gú

Luò yáng qīn yǒu rú xiāng wèn

Yī piàn bīng xīn zài yù hú

Thì thấy rất rõ sự khác biệt trong âm thanh, mà trong thơ, âm thanh cũng đồng thời là ý nghĩa, vì thơ, nói như P. Valéry là “sự phân vân giữa âm thanh và ý nghĩa”. Ngô, cô, hồ vần ôm nhau đẹp như thế, trọn vẹn như thế mà phải đổi qua wú, gú, hú (từ bằng sang trắc) thì còn gì là thơ! Người Việt Nam mình, nghe một câu thơ Đường, chưa kịp hiểu hết nghĩa, thì đã cảm cái nhạc, cảm cái đẹp của âm thanh rồi. Người Việt Nam, hóa ra, lại đang là chủ nhân của thơ Đường. Thôi thì để cho chủ nhân xưa kia của nó là người Trung Quốc không tự ái, ta sẽ nói như thế này chăng: người Việt Nam, do một sự ngẫu nhiên của lịch sử, đã được chia một phần hơn trong cái di sản vĩ đại của nhân loại là thơ Đường.

Đêm đầu tiên đến Bắc Kinh, đêm phương Bắc, đến 8 giờ tối mà trời vẫn còn sáng, vẫn còn ánh mặt trời hắt trở lại. Trong cái đêm ngắn ngủi đó, tôi đã bồi hồi ngắm vầng trăng hạ tuần vàng úa trên kinh thành nổi tiếng này. Thế là tôi đang ở trên quê hương của Lý Bạch, Đỗ Phủ… và cái vầng trăng mà tôi đang ngắm nhìn kia là vầng trăng tự ngàn xưa bao nhà thơ đã ngắm, và đã đưa nó vào thơ của mình. Vầng trăng, ấy là một biểu tượng, một hình tượng thơ chủ yếu là thơ ca Trung Quốc, Việt Nam xưa. Vì tâm hồn người xưa giao hòa với thiên nhiên, với vũ trụ; con người là vũ trụ nhỏ trong cái vũ trụ lớn.

Trương Nhược Hư, một thi nhân Sơ Đường, đã băn khoăn về vầng trăng trên dòng sông: “Khả liên lâu thượng nguyệt bồi hồi,/ Ưng chiếu ly nhân trang kính đài” (Đáng thương cho trên lầu vầng trăng bồi hồi, phải chiếu sáng gương người biệt ly).

Còn trăng đối với Lý Bạch là một con người sống. Ông đã mời trăng uống rượu, ông đã gởi lòng mình theo trăng sáng (“ngã ký sầu tâm dũ minh nguyệt”), ông cũng thấy vầng trăng từng soi kim cổ - chứng nhân im lặng, muôn đời của bao hưng phế:

Cựu uyển hoang đài dương liễu tân

Lăng ca thanh xướng bất thăng xuân 

Chỉ kim duy hữu Tây giang nguyệt,

Tằng chiếu Ngô vương cung lý nhân…

(Vườn cũ, đài hoang, dương liễu mới nảy xanh.

Tiếng hát Lăng ca (nước Ngô) tình xuân khôn xiết

Nay chỉ còn vầng trăng trên Tây giang,

Từng soi người đẹp trong cung vua Ngô ngày xưa).

Truyền thuyết (và cũng chỉ là truyền thuyết thôi) nói Lý Bạch đã ôm trăng chết giữa dòng và vì trăng đã chiếm một vị trí đặc biệt trong thơ ông. Đỗ Phủ, nhà thơ của bao nỗi trầm thống nhân gian, một lần, ở Trường An nhớ vợ đã viết: “Kim dạ Phu Châu nguyệt/ Khuê trung chỉ độc khan” (Vầng trăng ở Phu Châu đêm nay, chỉ có một người trong phòng khuê ngắm). Câu thơ có một thi pháp lạ: nhà thơ nói mình tưởng nhớ vợ ở Phu Châu, nhưng để nói điều đó, ông nói vợ đang ngắm vầng trăng và nhớ đến mình!

Trăng, ôi trăng, cái vú mộng của muôn đời thi sĩ” (Nam Cao) - Tôi đã gặp vầng trăng sầu mộng ấy của các nhà thơ vĩ đại nhất nhân loại.

Nhớ Chế Lan Viên có lần viết rằng bạn anh ngày xưa ao ước làm sao trong đời có một lần được nhìn thấy cái lá lau trên bến Tầm Dương! Bao người đã vì yêu thơ Đường mà yêu luôn cả hoa cỏ, gió trăng… trong nền thơ ấy. Thật đúng như Nguyễn Du viết: “Thi thành thảo thụ giai thiên cổ” (Thơ làm xong, cây cỏ cùng được truyền đến muôn đời). Đó là cái sự vĩ đại của chính nghệ thuật, nhưng đó cũng là cái vĩ đại của người chiếm hữu nghệ thuật.

Trong 12 ngày, chúng tôi đã đi thăm 6 thành phố lớn của Trung Hoa, đã đến thăm các thắng cảnh, di tích nổi tiếng như Cố Cung, Di Hòa Viên, Vạn Lý Trường Thành; Dự Viên ở Thượng Hải, Chính Viên và Hổ Khâu ở Tô Châu, Bạch Vân Sơn ở Quảng Châu…; đã nhìn toàn cảnh Thâm Quyến và nhìn qua Hồng Kông trên một cái lầu quay - ăn sáng… Liễu, hòe, sen... xưa kia ẩn hiện trong thơ Đường, tranh Tống, giờ ở ngay trước mắt mình. Nó có mất đi cái vẻ huyền diệu, thấm đẫm trong thế giới nghệ thuật không? Tôi không biết. Dù sao, tôi nghĩ, cuộc sống bao giờ cũng là thực tại thứ nhất của nghệ thuật. “Nếu không liễu thơ Đường/ Nếu không màu tranh Tống/ Không huyền ảo chiêm bao/ Chắc gì trong cuộc sống/ Liễu đã mang thơ vào/ Chắc gì mắt em như lá liễu/ Đã cắt lòng anh một nét dao” (Tế Hanh).

Ở Quảng Châu chúng tôi đến thăm một ngôi chùa cổ, Lục Dung Tự, ở đó có bài văn bia của Vương Bột đời Đường, có di tích của Tuệ Năng, tổ thứ 6 Thiền tông và của Tô Đông Pha đời Tống. Đi trên đất Trung Hoa, bạn sẽ liên tục gặp gỡ nền văn hóa mấy nghìn năm - và bạn sẽ có những cảm xúc lạ lẫm. Nhưng có lẽ ấn tượng sâu đậm nhất là ở Tô Châu.

Tô Châu, cái thành phố cổ xưa, kinh đô của nước Ngô Phù Sai thời Chiến quốc, nay là một thành phố lớn của Trung Quốc. Nó cách Thượng Hải vài trăm cây số. Trong chương trình mà Hội Nhà văn Trung Quốc sắp sẵn không có Tô Châu, nhưng vì đã nghe “Trên trời có thiên đàng - Dưới đất có Tô, Hàng” tôi đã nài nỉ, và Lý Cẩm Kỳ đã điện về Thượng Hải để sắp xếp chiều theo yêu cầu đó. Cái thành phố trên sông nước, cái thành phố dệt lụa này, nay vẫn còn lưu giữ lại bao nhiêu di tích cổ xưa. Này đây, nơi Hạp Lư mài kiếm, nơi Tây Thi soi mặt vào lòng giếng trong, và đây nơi Vọng Tô Đài. Cô Tô Đài đã bị Phạm Lãi phóng hỏa đốt, lửa cháy trong một tháng trời, thời Lý Bạch đến, nó đã là phế tích. Nay chỉ còn nơi để “vọng”.

Tô Châu cũng là nơi có Phong Kiều, cái cầu ấy ở ngoại thành; ở Trung Quốc, hầu như tất cả các bức chữ thể hiện thư pháp cổ, đều viết bài Phong Kiều dạ bạc. Ở Đài Bắc mà tôi có dịp đến thăm hồi 1990 thì cũng như vậy.

Đến Tô Châu, vọng Cô Tô Đài là lại nhớ đến Tây Thi, người đẹp đầu tiên trong 4 người được xếp vào 4 người đẹp nhất Trung Hoa xưa (Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền và Dương Quý Phi). Có bao nhiêu bài thơ nhớ đến nàng, nhưng tôi nhớ nhất bài này của Lâu Dĩnh (Vãn Đường, và không rõ tiểu sử):

Tây Thi Thạch

Tây Thi tích nhật cán sa tân,

Thạch thượng thanh đài sầu sát nhân.

Nhất khứ Cô Tô bất phục phản,

Ngạn bàng đào lý vị thùy xuân?

(Tây Thi dệt lụa bến này đây,

Rêu xanh trên đá não lòng thay

Cô Tô đi mãi không về lại

Đào lý bên bờ thắm với ai?)

Nhớ người đẹp qua bến nước, qua tấm đá nàng đập lụa ngày xưa và tất cả đã trôi qua rồi, đã một đi không trở lại…

Lịch sử trôi qua, các triều đại trôi qua, các nhân vật như sóng nước cuốn hết về đông (“Đại giang đông khứ, lãng đào tận thiên cổ phong lưu nhân vật” - Tô Đông Pha). Còn lại văn hóa thơ ca, còn lại con người. Và vầng trăng, liễu, bến nước, người đẹp… trong thơ còn lại mãi như một ám ảnh.

Tiếc rằng không có “Bài thơ tình ở Tô Châu” như đã có Bài thơ tình ở Hàng Châu của Tế Hanh. Về Hà Nội, tôi ghé thăm anh Tế Hanh, anh tiếc là chuyến đi năm ấy anh không thăm được Tô Châu. “Nếu mà mình đến Tô Châu, bị cảnh đẹp ở đó quyến rũ, thì chắc gì mình đã làm được Bài thơ tình ở Hàng Châu”.

“Chuyến đi đẹp nhất là chuyến đi trong tâm tưởng”. Nguyễn Tuân đã không đến Paris theo lời mời vào lúc cuối đời và đã thốt lên như vậy. Hỡi các bạn yêu thơ Đường tranh Tống, xin các bạn đừng buồn vì đã không kịp đến Trung Hoa: tâm hồn các bạn đã đến đấy rồi.♦



Ảnh minh họa

Vườn trưa căng gió

VŨ QUẦN PHƯƠNG

Những tàu dừa ôm gió đại dương

gió từ khơi xa gió vào trong vườn

chó nằm bên cổng gà bới chân rơm

mảnh vườn thân quen hiền lành cơ chỉ

trưa nay gió bể xôn xao lá cành

 

Cổ thụ sần chai mảnh mai hành hẹ

cây rung theo gió cây nghiêng vẫy trời

gió từ xa khơi gió vào đám lá

cây vào vụ quả lá lên thủy triều

gió nói yêu kiều vườn tràn lượng bể

nhựa truyền thêm rễ sóng dào dạt hương

 

Tôi đứng giữa vườn cành vươn đẫm lá

gió vào đỉnh ngọ giục cây căng buồm

27-11-2020

 

MAI QUỐC LIÊN