HV156 - Xung quanh bộ sách giáo khoa mới

←Sách Toán và Tiếng Việt tập 1 của Nhà xuất bản Giáo dục

Giáo dục Việt Nam đã vươn lên, đổi mới để hội nhập. Chương trình tổng thể ban hành đã hiện thực hóa quan điểm đổi mới giáo dục cho những năm tới. Trong khi đó sách giáo khoa (SGK) là một phương án dạy học dựa trên chương trình chuẩn quốc gia. Bộ SGK lớp 1, mới đưa vào sử dụng chưa đầy tháng, dư luận đã luận bàn dậy sóng. Chúng tôi muốn đưa ra cách nhìn bản chất hơn, qua những “sạn” nhỏ to mà bộ SGK hiện đang mắc phải. Có thể thấy hầu hết những ai có quan tâm tới giáo dục đều ước sao có được bộ SGK mới, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới giáo dục nước nhà.

Từ kỳ vọng

Ngày xưa, SGK là sách của thánh hiền, sách dạy người, là phương tiện để người thầy “mở lòng” và “mở trí” cho người học. Ngày nay SGK vẫn là tài sản quý của mỗi nhà trường, dùng để rèn nhân cách, luyện sáng tạo và nâng tầm trí tuệ cảm xúc cùng trí tuệ lý trí cho mỗi người trẻ.

Hiện nay, nhiều nơi vẫn chưa thoát ra quan niệm cũ: SGK là pháp lệnh, nên sợ sệt, chưa dám mạnh dạn thay đổi, bước ra “vùng cấm” hoạt động chuyên môn, trong khi đặc điểm học sinh và điều kiện hiện có của mỗi nhà trường không tương đồng. Có thể nói, để dạy học nhẹ nhàng, hiệu quả là quyền quyết định chủ yếu ở giáo viên, ở từng nhà trường, từng vùng miền mà không phải là chỉ “đổ tội” cho SGK. Nhiều bộ SGK sẽ nảy sinh nhiều cách dạy học khác nhau cũng như phản ánh thực tiễn giáo dục phong phú ở nhiều địa phương, đồng thời cũng để lại dấu ấn riêng, đậm chất nghệ thuật sư phạm của mỗi nhóm tác giả SGK. Giáo viên sẽ được tự do sáng tạo, trên cơ sở nghiên cứu và trải nghiệm nhiều bộ SGK khác nhau. Giáo viên chúng ta chưa có thể có bài soạn vượt ra tầm SGK như UNESCO mong muốn, nhưng chúng ta vẫn có thể giúp cho giáo viên sáng tạo theo từng cấp độ: giữ nguyên theo SGK và có thay đổi cách tổ chức hoạt động học; thay đổi đôi chút các ví dụ hay phương pháp học; thay đổi chút ít nội dung lẫn phương pháp dạy học; tích hợp vài ba cuốn SGK khác nhau cho bài soạn giảng trở lên phong phú và gần thực tiễn của mình.

Mặt khác, khi có nhiều bộ SGK, sẽ kích thích giáo viên tự chủ nội dung và phương pháp dạy học, tức là thay đổi giáo dục từ dưới lên. Điều đó giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo sát thực hơn, thực tế hơn với sự đa dạng của địa phương, cùng với đó là cách làm hiệu quả rất khác nhau ở các vùng miền trong cả nước, tức là điều chỉnh cách chỉ đạo đổi mới giáo dục ở cấp trung ương, hay chính là thay đổi từ trên xuống.

Quá trình biên soạn SGK theo cơ chế xã hội hóa giúp các tác giả và nhà xuất bản (NXB) hoàn toàn được chủ động, sáng tạo trong tất cả các khâu như: tự chủ chọn tác giả và xây dựng bản thảo; tự lo kinh phí và tự xác định cho mình có trách nhiệm lớn hơn; nhà nước dư ra một khoản tiền bao cấp không nhỏ cho in ấn SGK hằng năm. Ngoài ra, nhiều bộ SGK sẽ chống được độc quyền của một NXB trong việc in ấn và phát hành SGK, đã tồn tại suốt nhiều năm qua.

Đến thất vọng

Mong mỏi, phải nói là cháy bỏng nhưng đã được mở đầu của thời kỳ đổi mới giáo dục bằng nỗi ngỡ ngàng, dậy sóng khi xã hội phải đón nhận sự ra đời bộ SGK lớp 1.

Phải nói kể cả ba khâu: xây dựng bản thảo, in ấn và phát hành SGK đều có vấn đề, cần phải tìm căn nguyên để điều chỉnh. Trước hết, quá trình triển khai biên soạn SGK đã bộc lộ những hạn chế cả về nội dung dạy học lẫn sự chỉn chu về mặt sư phạm. Tại sao lại vội vàng đưa quá nhiều văn thơ nước ngoài vào SGK tiểu học, nhất là học sinh các lớp 1, 2, 3, đây là giai đoạn đầu đời của cả một con người. Bộ sách Cánh Diều có tới gần 60% bài văn sao phỏng từ truyện ngụ ngôn nước ngoài. Lứa trẻ đầu cấp tiểu học, quan trọng nhất vẫn là phải dạy sao cho các em thấm đậm tính dân tộc, truyền thống Rồng Tiên từ thời thượng cổ. Sử dụng quá nhiều phương ngữ, khẩu ngữ hay từ ít sử dụng trong thực tế, như “gà nhép”, “gà nhí”, “ca ri ri”, “quà quà”... thật quá rắc rối cho trẻ mới 6 tuổi. Rõ ràng, có nhiều “sạn” và cần phải nhặt hết “sạn” trong SGK. SGK tuy là “sách tư”, sách xã hội hóa nhưng đã được nhà nước thẩm định trước khi đưa vào trường học thì phải chuẩn, phải “sạch” và vì vậy rất cần chấm dứt tình trạng còn “sạn” trong SGK. Chớ có quan niệm SGK không là pháp lệnh như SGK cũ mà làm thiếu chu đáo để rồi vội đưa vào nhà trường. SGK phải là sách “lành”, sách “chuẩn” để sản phẩm của nhà trường trước khi vào đời đã được rèn giũa, phát lộ hoàn toàn năng lực bản thân, có đầy đủ bản lĩnh làm chủ được xã hội tương lai.

Đáng chú ý, giá SGK quá cao trong khi vẫn có thể làm giá sách giảm xuống như: đấu thầu rộng rãi công đoạn in sách; giảm tối đa số trang mỗi đầu sách; không cần có SGK ở một số môn học hoặc hoạt động giáo dục (như hoạt động trải nghiệm, giáo dục thể chất, các môn học nghệ thuật hay môn học đạo đức) mà chỉ giữ lại sách hướng dẫn dạy cho giáo viên. Chúng ta đã có thực tế rất sáng suốt và hợp lý khi xác định những môn học nào cần có sách cho học sinh và môn nào chỉ có sách cho giáo viên. Nhu cầu sách cho học sinh rất lớn và lợi nhuận cũng rất cao, cao hơn rất nhiều so với thị trường sách cho giáo viên. Phải chăng chúng ta đã thả nổi việc quy định môn học nào không cần sách cho học sinh, môn nào không. Nếu làm được điều này, chắc chắn cặp sách của các em tới trường sẽ nhẹ hơn, đỡ trĩu nặng trên đôi vai trẻ nhỏ và nhiều gia đình cũng đỡ khó nhọc lo dành tiền mua sách học cho con.

Cùng với đó việc bán sách tham khảo kèm theo SGK, theo “bó”, rồi môi giới tiếp thị sách tham khảo để nhận phí phát hành là những việc làm thiếu văn hóa, vi phạm đạo đức nhà giáo, cần được lên án và cần giám sát chặt chẽ hơn nữa từ phía Bộ GD-ĐT. Đây có thể coi là vấn nạn, nhức nhối đã tồn tại hàng chục năm qua ở các trường học. Thực tế cho thấy các NXB đều có kế hoạch tổ chức biên soạn sách tham khảo song hành với biên soạn SGK. Vì thế phát hành bộ SGK cũng là lúc phát hành bộ sách tham khảo của các môn và được gửi theo bán kèm.

Và định hướng tiếp theo

Trước hết Bộ GD-ĐT phải có quy định và giám sát quá trình dạy thử nghiệm, không phải chỉ dạy thử một số bài mà phải là toàn bộ cuốn SGK. Với tiến độ làm SGK như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức cho một số trường dạy thử nghiệm với thời gian đủ dài, ít nhất là 8 tháng. Đổi mới phương pháp dạy học trước hết là đổi mới cấu trúc bài học trong SGK. Việc đánh giá này phải được đo bằng sự thích ứng của giáo viên, chất lượng học của học sinh và còn cả đặc điểm kinh tế, xã hội của vùng miền… Không thể dựa vào quan niệm chủ quan của tác giả sách và sự thẩm định của Hội đồng, trong khi chưa có trải nghiệm dạy học, đã vội quyết định bộ SGK nào được duyệt và được đưa vào nhà trường. Tồn tại này lớn mà không nhỏ chút nào.

Bộ SGK khi được công bố lưu hành sẽ trở thành “sách công”, có giá trị về mặt tư cách để trở thành công cụ giáo dục tâm lực, trí lực cho thế hệ trẻ. Thế sao không đưa bản thảo SGK để phổ biến, trưng cầu rộng rãi để toàn dân, trước hết cộng đồng mạng phát hiện và nhặt “sạn” giúp? Chúng ta phải làm vậy vì không thể bỏ qua và thông cảm do bản thảo sách phải được “bảo mật” vì là tài sản riêng của các nhà làm SGK xã hội hóa!

Thứ hai, SGK xã hội hóa là tốt, là tiến bộ nhưng dễ gặp phải cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhóm tác giả và các NXB. Nghĩa là SGK được làm trong cơ chế thị trường mà không độc quyền như trước thì cần phải có những ràng buộc rất khác và cần sự giải trình minh bạch của các NXB là quan trọng. Không thể dựa trên căn cứ bảng kê các khoản chi, kể cả tiếp khách, tiếp thị trong quá trình làm sách và phát hành làm thành giá cấu thành cho mỗi cuốn sách bán ra thị trường.

Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần quyết liệt với những chế tài chặt chẽ hơn để ngăn chặn lợi ích nhóm hay tình trạng nể nang khi thẩm định SGK. Khi lựa chọn và quyết định từng thành viên trong nhóm tác giả cũng như các ủy viên của Hội đồng thẩm định cần một sự chuẩn xác ở nhiều khâu và đảm bảo tính khoa học. Thành viên Hội đồng thẩm định không thể chỉ là những người có trình độ học thức cao về chuyên ngành mà cần phải có thực tiễn giáo dục phổ thông. Giáo viên tham gia thẩm định SGK là cần thiết nhưng phải là những giáo viên có kiến thức đổi mới giáo dục mà không chỉ là giáo viên dạy giỏi theo SGK cũ, càng hạn chế cán bộ quản lý vốn chỉ quen chỉ đạo, ít đứng lớp dạy học sinh.

Không nên hiểu SGK là “sách tư” nên tự cho mình mọi quyền quyết định, miễn là đáp ứng những quy định viết SGK của Bộ GD-ĐT. Cần tránh làm SGK theo nhóm kiểu thân quen hay người nhà mà ít chú ý tới sự đóng góp năng lực từng cá nhân cho toàn nhóm, cho chất lượng cả cuốn SGK. Tác giả SGK phải theo chuẩn quy định hiện hành, tuy nhiên cần được giải trình mỗi tác giả có nhiệm vụ cụ thể gì khi tham gia viết SGK, tránh tình trạng “bạn thân hóa” tác giả sách. Cá biệt còn tình trạng “gia đình hóa” làm sách, dễ dẫn đến xuê xoa, cả nể và cho qua những sơ suất đáng nhẽ là không nên để xảy ra.

Các thành viên trong nhóm tác giả cũng như thẩm định SGK phải là một tập thể chuyên môn mạnh, bao gồm sự kết hợp hài hòa của những cá nhân có năng lực học thức sâu, có hiểu biết và trải nghiệm giáo dục phổ thông với những giáo viên giỏi có tầm nhìn, các chuyên gia đầu ngành vững vàng, am hiểu sâu sắc tư tưởng đổi mới giáo dục.

Ngoài ra, SGK đưa ra tham vấn công khai tới các trường còn chậm. Giáo viên mòn mỏi đợi chờ “công cụ”, “phương tiện” hành nghề của mình nó như thế nào? có dễ dàng sử dụng không? Và vì thế rất khó cho mỗi trường khi nghiên cứu, chứ chưa nói được dạy thử một bài trong SGK mới, để trước khi quyết định lựa chọn dùng bộ SGK nào trong 5 bộ SGK hiện hành. Như trên đã nói, tiến độ làm sách đã nhanh và cần đẩy nhanh hơn nữa, vì đây là cơ hội tốt nhất giúp các trường có điều kiện tiếp cận SGK một cách sớm nhất.

Con đường làm SGK còn dài, còn gian nan vất vả. Chúng ta mới xong được một bộ sách đầu tiên, nghĩa là mới đi được một phần, còn 11 phần (ứng với 11 bộ SGK) còn lại của con đường. “Ngày đầu chưa quen, đường cày đâu thẳng ngay”, xã hội sẽ vị tha và thể tất, một khi ngành giáo dục biết lắng nghe, cầu thị, biết tự rút ra cho mình những bài học hết sức quý hiếm, có được từ bộ SGK lớp 1 đầu tay.♦


* Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam


GIỚI THIỆU SÁCH

Ban biên tập tạp chí Hồn Việt nhận được từ hai tác giả Lê Quang Trang và Hoàng Hương Việt các tập sách và thơ với nhan đề Sóng đồng & cây núi (tiểu luận, phê bình, chân dung), Và nghìn năm đợi (thơ).

Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

ĐẶNG TỰ ÂN*