HV157 - Chuyện nhớ đời trong hai lần kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ

←Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một gia đình đồng bào dân tộc Dao ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, năm 1952

Đối với chúng ta, mấy thế hệ những người đi theo con đường của Bác Hồ để giành độc lập rồi chiến đấu bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, chúng ta đều coi ngày 19 tháng 5 hằng năm là một ngày kỷ niệm thiêng liêng chung của toàn dân tộc, đồng thời còn coi đó là một ngày “tâm lễ” trong tấm lòng và lương tri của mỗi người yêu nước. Mỗi lần nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới, ai cũng nghĩ như có hình bóng Bác Hồ đang vẫy gọi, đang nhắc nhở mọi người hãy nghĩ đến hoặc làm một điều gì đó tốt lành, nguyện cầu cho quê hương đất nước và dân tộc muôn ngàn yêu thương của chúng ta gặp được nhiều điều tốt lành!

Bản thân người viết bài này đến nay đã từng trải qua 75 lần kỷ niệm ngày 19 tháng 5, trong đó có 2 lần đáng dùng nhất mấy từ “chuyện nhớ đời”.

Ngày 19 tháng 5 năm 1949

Đấy là trong thời gian tôi công tác ở Trà My, một huyện miền núi ở tây nam tỉnh Quảng Nam mới được thành lập vào tháng 3 năm 1947. Đồng bào các dân tộc Kor, Ka Dong, Xê Đăng, Bơ H’Nông ở đây vốn có tinh thần yêu nước, căm thù giặc, qua mấy lễ hội “cắt máu ăn thề”, đồng bào đã xóa bỏ hẳn hủ tục “ăn đầu trả đầu” do thủ đoạn chia rẽ của bọn đế quốc và phong kiến trước đây gây ra, thề cùng nhau đoàn kết để theo con đường của Bác Hồ và cách mạng, kháng chiến. Suốt trong nhiều năm chống Pháp rồi chống Mỹ, Trà My là địa bàn rất vững chắc, một số nơi như Tà Bũ, Nước Oa đã là căn cứ an toàn của các cơ quan lãnh đạo tỉnh và Liên khu ủy 5.

Trong gần 3 năm đầu sau ngày thành lập huyện Trà My, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng, tổ cán bộ dân vận chúng tôi chỉ có 10 người, cùng với đoàn cán bộ Ban công tác quốc dân thiểu số của tỉnh cử lên khoảng 15 người và trung đội Dân quân vũ trang của Huyện đội chia nhau đi làm công tác tuyên truyền và xây dựng cơ sở ở các vùng thấp, vùng giữa và vùng cao giáp liền với phía bắc tỉnh Kon Tum. Từ số 15 đảng viên đầu năm 1947 đến quý III năm 1949, toàn huyện có gần 70 đảng viên và cơ bản xây dựng đủ bộ máy chính quyền, đoàn thể, dân quân ở gần khắp các buôn nóc đến làng xã. Qua kiểm tra, Tỉnh ủy Quảng Nam đánh giá đủ điều kiện để thành lập Đảng bộ đầu tiên của huyện Trà My.

Ngày 29-10-1949, Thường vụ Tỉnh ủy cử một đồng chí lên Trà My triệu tập cuộc họp tại một địa điểm tại làng Đồng Trầu gần huyện lỵ để công bố Quyết định chỉ định Huyện ủy lâm thời gồm 5 người do đồng chí Trần Mịch, Bí thư Ban cán sự làm Bí thư Huyện ủy cùng 4 Huyện ủy viên trong đó có Nguyễn Hữu Hoằng, người ghi lại phần hồi ký này, cũng là người duy nhất chưa đi theo tổ tiên và Bác Hồ.

Trong hơn 5 tháng trước ngày lịch sử vừa nói của Đảng bộ Trà My, tôi được Ban cán sự Đảng phân công đi làm lễ kết nạp đảng viên ở một số xã sau thời gian bồi dưỡng và thử thách. Đúng vào ngày 19-5-1949, tôi đi tới xã Trà Tak spui, nay gọi là xã Trà Bui cách huyện lỵ gần một ngày đường.

Buổi sáng sớm hôm đó khi gà rừng mới cất tiếng gáy te te đầu tiên, tôi cùng anh Đin, người dân tộc thiểu số công tác ở Huyện đội mới được kết nạp Đảng trước đó 3 tháng, đã sẵn sàng để lên đường. Mỗi người mang trên lưng một cái gùi gọi là xà lắc đan bằng mây đựng những đồ dùng cần thiết, chưa kể tới những thứ lỉnh kỉnh khác buộc ngang bụng và cây gậy cầm tay… vượt sông Tranh bằng xuồng độc mộc rồi đi tiếp trên những đèo, dốc, khe, suối, những đoạn đường chỉ đủ chỗ cho một người len chân bước khập khễnh gập ghềnh, đến dưới một thác nước đẹp như trong tranh; hai chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi và lấy cơm ra ăn với muối ớt sả. Anh Đin nói từ đây đi chừng hai “quăng rựa” nữa thì tới một cái đèo cao, cây cối um tùm. Nhiều người già bảo ở đó có một ông Quạo được Yàng giao cho canh giữ đèo này. Nếu gặp ông thì đừng tỏ ra sợ hãi bỏ chạy, chạy cũng không thoát được đâu, cứ đứng im không động đậy, ông thấy như rứa là ông bỏ đi thôi!

Vì nhiệm vụ được giao, phải ra sức hoàn thành, tôi bảo anh Đin đã có nhiều người đi qua đèo ấy rồi thì ta cứ đi thôi, tuy thực sự cũng thấy hơi lo lo. Chừng hai tiếng đồng hồ sau, chúng tôi lên tới giữa đèo. Đây là khu rừng già nguyên sinh, nhiều loại cây to cao vút rất đẹp, nhưng vắng lặng thâm u làm sao ấy! Không thấy một con khỏn (khỉ), con vượn nào đu nhảy trên cây! Không nghe một tiếng te te nào của gà rừng, không có tiếng chim hót líu lo và tiếng chim gõ kiến mổ cộc cộc vào thân cây ở đây cả! Chỉ thấy một số dấu chân và đống phân “ông bồ” (voi) ở đoạn này, nhưng đã khô cứng lâu rồi…

Chúng tôi vừa đi vừa hít thở không khí trong lành của đại ngàn. Dần dần cảm thấy có một thứ mùi hôi hôi khét khét tanh tanh từ đâu đưa tới. Anh Đin nhắc khẽ tôi: “Bình tĩnh nghen, có ông nớ rồi đó!”. Bỗng, một tiếng gầm nghe chát chúa trong bầu không gian yên bình. Trước mắt chừng vài chục mét, lùm cây rừng như bị quật vẹt xuống… rồi một sinh vật khổng lồ màu lông vàng sẫm có nhiều vằn đen chúm cả bốn chân lại uy nghiêm đối diện hai chúng tôi, cái đầu hơi lắc lư và cái mồm há ra ngậm vào như vừa cười chào vừa đe dọa!

Chân tôi bất giác rấn lên hai bước đứng ngang anh Đin. Rồi cũng bất giác chuyển cây gậy sang tay trái, bất giác đưa bàn tay phải lên trên miệng cái xà lắc kéo ra một cái gì đó. Bàn tay tôi tự có cảm giác nhớ ngay đó là cái gì… Hai ống trúc dài chừng 50cm bung ra bức chân dung Bác Hồ trên giấy trải dọc xuống trước ngực tôi. Tất cả đều diễn ra hầu như vô thức. Tôi đứng bất động bên anh Đin, mắt nhìn thẳng phía trước. Tôi bình tĩnh nhìn chúa sơn lâm, bình tĩnh như chưa bao giờ có sự bình tĩnh này. Tôi thấy ông Quạo thay đổi tư thế, hai chân sau rún xuống làm đế tựa cho tấm thân đồ sộ, hai chân trước như hai cột trụ dựng thẳng dưới cái cổ lắc lư, còn cái đuôi thì vẩy lên quật xuống.

Đầu óc tôi bật nhớ ra một điều: con hổ trước khi phóng lên để vồ thường thu mình lại. Tới lúc này tôi mới thấy hơi rờn rợn gai ốc trong người! Từng giây từng phút trôi qua, vũ trụ như đông đặc khô cứng lại. Tôi khẽ đưa cái nhìn xuống ngực mình, thấy Bác Hồ trong tờ ảnh chân dung, vầng trán rộng, đôi mắt hiền từ nhân hậu của Bác như đang nói chuyện với chúa sơn lâm…

Bầu không gian yên lặng đến tê người trên đỉnh đèo bỗng dưng bị xé tan bởi một tiếng gầm thứ hai. Tôi rùng mình… chờ đợi điều gì tới thì sẽ tới. Chúa sơn lâm quật đuôi xoay mình nhảy phốc ngang qua lùm cây bên phải nhanh như tia chớp, thoáng chốc mất hút vào rừng sâu! Anh Đin hình như cũng vừa mở mắt ra sau khoảnh khắc thót tim vừa rồi! Anh cúi nhìn chân dung Bác Hồ, nắm chặt tay tôi lắc lắc, giọng nói như hụt hơi: “Úi chui cha! Úi Yàng ơi! Nhờ có Bác Hồ! Nhờ có Bác Hồ!”.

Hai chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Tới bây giờ mới thấy buồng tim trong ngực đập thình thịch, đập nhanh hơn nhịp bước chân. Khoảng ba giờ chiều tới đầu đoạn đường vào nóc ông Già Giáp ở làng Bui, Đin gặp mấy người quen. Họ nói chuyện với nhau bằng tiếng dân tộc thiểu số… đều có vẻ vừa sợ hãi vừa thích thú. Chỉ trong buổi chiều hôm đó, cái tin vui ấy như một thông điệp truyền đi không cần bằng đường vô tuyến đã lan nhanh từ nóc này tới nóc kia.

Ông Già Giáp, trưởng bản, chừng trên 50 tuổi, nghe tôi và Đin kể lại tỉ mỉ câu chuyện. Ông thấy trong cái xà lắc của tôi ngoài chân dung Bác Hồ còn có lá cờ búa liềm và lá cờ đỏ sao vàng cuộn lại, ông há hốc mồm lè lưỡi ra nói: “Úi Yàng ơi! Đó là nhờ Yàng xui khiến cho thằng cán bộ trẻ ni rút trúng ảnh Bác Hồ, ông Quạo nó bỏ chạy. Chớ nếu hắn rút ra hai là cờ ni, ông ngài thấy màu đỏ giống như màu máu thì ngài phóng tới vồ ngay hai đứa mi đi rồi! Úi chui cha!”. Ông Già Giáp nói tiếng Kinh chưa thạo, phải chen từng đoạn nói tiếng dân tộc thiểu số, anh Đin vừa run vừa dịch lại đầy đủ cho tôi hiểu. Đến lúc này, tôi mới thấy tóc mình dựng đứng!

Buổi lễ kết nạp hai đảng viên mới tối hôm đó diễn ra như một buổi hội làng bên đống lửa cháy bùng trước sân nhà rông, có cả nhảy múa và tiếng cồng chiêng vang lừng của già trẻ gái trai trong làng Bui.

Sau đó 2 hôm, tôi và anh Đin trở về huyện. Anh Trần Y làm nghề y tá tư, nhà ở gần cơ quan huyện, là một tay thợ săn giỏi, sau khi nghe câu chuyện trên liền cho biết: Cọp là loài thú dữ nhưng có tính đa nghi. Khi gặp cọp, nếu ta không chống cự hoặc không hoảng sợ bỏ chạy mà cứ bình tĩnh đứng yên nhìn thẳng và gần như bất động thì nó sẽ dè dặt theo dõi rồi chính nó sợ mà bỏ đi chứ không nhảy vồ tới. Bà con người dân tộc thiểu số nghe kể chuyện cọp bỏ chạy khi thấy ảnh Bác Hồ mà tin là thật… thì càng tốt chứ sao!

Cuộc đời anh Trần Y lại kết thúc rất đau lòng! Sau đó 3 tháng, trong một lần đi săn, anh bắn gục một con voi. Anh tưởng voi đã chết nên tiến lại gần để xem thì bất ngờ… con voi đưa vòi ra cuốn lấy anh và quật chết, sau đó con voi mới thật chết hẳn!

Những câu chuyện núi rừng mà tôi được biết trong hơn 3 năm ở Trà My… là như vậy đó, chỉ chưa kể ra đây được hết mà thôi.

Ngày 19 tháng 5 năm 1952

Tháng 10 năm 1950, tôi được điều động ra công tác tại Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng đóng ở xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, dưới chân đèo Le rồi chuyển dần sang vùng Trung Mang huyện Hòa Vang. Đến tháng 10 năm 1951 tôi được chuyển về tham gia Ban thường vụ Đảng ủy Khu Nam Đà Nẵng tức vùng Khuê Trung, Cẩm Lệ làm công tác vận động quần chúng xây dựng cơ sở. Từ vùng bàn đạp ở xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, thường vào lúc chiều tối chúng tôi mới thâm nhập vào bên trong thành phố sang vùng Cồn Dầu, Trung Lương rồi qua sông Cẩm Lệ vào Khuê Trung phía trên Đò Xu.

Sau mấy ngày về làm việc tại Nại Nam và xóm bà con nghề cá ở Cồn Bồi, gần tối ngày 19-5- 1952 tôi về xóm cơ sở phía trên đường Võ Tánh (nay là đường Núi Thành) đoạn trông ra cầu Đờ Lát (nay là cầu Trần Thị Lý) để kết nạp một đảng viên mới. Cùng với tôi hôm ấy có anh Lùng, một cán bộ của Khu Nam quê gốc ở đây.

Vì là lễ kết nạp đảng viên vào đợt 19 tháng 5 kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, dù trong vùng địch hậu của thành phố, các đồng chí cơ sở cũng chuẩn bị dù đơn giản song cũng nghiêm túc, có đủ ảnh Bác Hồ và hai lá cờ. Phía bên ngoài ở hai đầu đường dẫn vào xóm ven đô này có bố trí người canh gác cẩn thận. Buổi lễ kết thúc nhanh chóng lúc 10 giờ đêm. Gia đình đồng chí bí thư chi bộ cơ sở dọn ra mấy đĩa xôi nếp (đã chuẩn bị từ sớm) chấm ăn với sữa bò Nestlé đóng hộp.

Sau khi nghỉ ngơi chốc lát, anh em cơ sở lúc đầu định đưa tôi xuống cái hầm bí mật phía sau vườn nhà đồng chí bí thư, còn anh Lùng thì sang một cái hầm khác. Nhưng sau đó lại đổi ý, để anh Lùng ở lại cái hầm sau nhà đồng chí bí thư còn tôi thì được dẫn tới chui xuống cái hầm cách đó khoảng vài trăm bước chân. Theo thường lệ sáng hôm sau nếu tình hình bình yên thì gia đình cơ sở ra gõ cửa hầm gọi lên ăn sáng.

Sau một đêm trằn trọc khó ngủ vì bao nhiêu chuyện trong đầu, tôi nhìn qua lỗ thông hơi đã thấy tia sáng mặt trời quá rõ mà chưa thấy động tĩnh gì ở phía trên. Tôi đoán có điều bất thường! Chừng lâu lắm mới có người ra mở nắp hầm. Tôi chui lên và được biết: bọn chỉ điểm dẫn lính đến khui hầm và bắt anh Lùng đưa về sở mật thám “Con gà” ở đường Morin, từ lúc 6 giờ sáng rồi! Tôi bàng hoàng… trong lòng thấy may cho mình thì ít mà thương cho anh Lùng thì không biết chừng nào!

… Sau hôm đó cho đến tháng 5 năm 1954, tôi được Thành ủy Đà Nẵng đưa vào hoạt động bán công khai và hợp pháp trong nội thành với một tấm thẻ căn cước giả. Tôi vẫn có điều kiện liên hệ với cơ sở ở nơi anh Lùng bị bắt, nhưng không ai biết được tin tức gì về anh…

Cho đến mãi sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975) tôi từ Hà Nội trở về Đà Nẵng tìm đến hỏi thăm. Gặp lại một số đồng chí cũ ở địa phương, mọi người cũng chỉ đoán là: có thể sau khi bị bắt và tra tấn, anh Lùng kiên cường không khai báo gì cho nên đã bị chúng thủ tiêu mất rồi!

Thương quá! Đau lòng quá! Anh Lùng ơi!♦


NGUYỄN HỮU HOẰNG