HV157 - Mỗi chữ là một lần tri ân

LTS: Năm 2016, học giả An Chi phát hành bài báo về phiên âm Nôm của PGS-TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Sau đó, PGS-TS Trần Trọng Dương đã có bài trả lời. Nay nhân một trang mạng ở Pháp đăng lại bài học giả An Chi, Hồn Việt xin đăng bài của PGS-TS Trần Trọng Dương (tóm tắt) để bạn đọc tiện theo dõi một vấn đề học thuật khó.

Một người làm khảo cứu không dám bao giờ cho rằng mình hiểu chính xác tất cả mà luôn lường trước khả năng mình có thể sai trong bất cứ trường hợp nào, kể cả có những điều mà mình cho là hiển nhiên, hoặc rất cơ bản. Khi thực hiện khảo chú cho Nhật dụng thường đàm, chúng tôi, bằng nhiều cách khác nhau, đã ghi lại các nghi ngờ của mình: hoặc đánh dấu hỏi, hoặc ghi “tồn nghi”, hoặc đưa ra hai ba cách đọc, hoặc gõ máy hoặc cắt nguyên tự dạng Nôm tại vị trí đặc dị còn nghi ngờ, hoặc đặt dấu sổ chéo (/)… Cả trăm trường hợp như thế đã được ghi chú ở cả chính văn và chú thích chân trang để chờ đợi các bậc thức giả góp ý.

Khi đọc bài viết phê bình của học giả An Chi(*) - người mà tôi rất kính trọng, chúng tôi thực sự thích thú như mọi lần đọc các bài viết góp ý của ông. Mỗi chữ (mỗi dòng) của ông là một thảo luận cụ thể, nghiêm túc về các lỗi sai mà ông cho là chúng tôi mắc phải. Trong các lỗi sai đó, có những cái sai rất sơ đẳng, có những nhầm lẫn (do) tác tộ lỗ ngư, có những chữ là “tại thằng đánh máy” (tức chính là mình), có những chỗ phiên khuyết phiên rớt do quá trình mắt di chuyển từ nguyên bản sang màn hình máy tính, và có những trường hợp hiểm hóc lần đầu tiên gặp trong đời vô cùng thú vị… Mỗi một chữ là một lần tôi muốn gửi đến ông lời tri ân từ tận đáy lòng mình. Những sai sót trong bản phiên chú này, chúng tôi xin tiếp thu và sửa chữa trong lần tái bản sau, xin không nêu ở đây. 

Dưới đây chúng tôi xin thảo luận lại 70 trường hợp trong số 135 vị trí mà học giả An Chi đã góp ý, hoặc để làm rõ hơn giả thuyết của ông, hoặc minh trưng thêm giả thuyết cũ của chúng tôi, hoặc đi đến một giả thuyết mới, hoặc để các giả thuyết trò chuyện với nhau. Các trường hợp thảo luận được để theo số thứ tự của bài góp ý (từ 1 - 135). Để tránh đoạn chương thủ nghĩa, chúng tôi sẽ trích nguyên văn và xin phép được viết tắt tên ông là AC, và phần hồi đáp của chúng tôi sẽ ghi TTD. Các chữ được thảo luận sẽ viết hoa để tiện theo dõi. Do bài đăng trên mạng nên ở đây tôi chỉ trích 3 trường hợp. Quý độc giả nào muốn đọc toàn văn bài xin theo link:

h t t p s : / / w w w . d r o p b o x . c o m / s / 7 9 6 o m 7 f a y l d x o f p / t h % C 6 % B 0 % 2 0 c % E 1 % B A % A 3 m % 2 0 % C 6 % A 1 n % 2 0 b%C3%A1c%20An%20Chi-%20TTD-5-3- 2018.dot?dl=0

24.

AC: Phụ hạ [負厦] là nhà MUỐNG tiếp mái thềm (tr.322/22b). Phiên thành “nhà muống” thì vô nghĩa. Nôm ghi bằng chữ [臱], âm Hán Việt là biên nên phải đọc thành BÊN. Và “phụ hạ” là nhà bên chứ làm gì có “nhà muống”(!).

TTD: Chúng tôi xin bảo lưu cách phiên “nhà muống”. Chữ Nôm ghi ngữ tố này không phải là biên [臱] mà là mộng [夢]. Đại Nam quốc ngữ cũng có mục từ tương tự, nhưng bị phiên sai thành “Phụ hạ: nhà MỎNG tiếp mái thềm” (Lã Minh Hằng 2013: 129). “Nhà muống” là một thuật ngữ của kiến trúc cổ truyền, miền Bắc thường gọi là ống muống, hay tòa nhà cầu, gian nhà cầu. Còn theo kinh nghiệm điền dã của chúng tôi, ống muống là một loại kiến trúc phụ (dạng mái) dùng để nối các tòa trong một tổng thể kiến trúc liên hoàn. Có hai loại ống muống: 1) Mái ống muống song song cùng chiều với các mái nhà chính, nhìn trên cao xuống, trông như hình chữ tam, ví như ống muống ở đình Chèm. Ống muống kiểu này có khi không có chân cột mà các thanh xà của nó ăn vào các cột cái cột quân của hai kiến trúc chính. Ống muống sẽ che mưa nắng, giúp cho việc đi lại liên thông và có không gian để thắp hương, hành lễ, nên Phạm Đình Hổ mới giảng là “tiếp mái thềm”. 2) Ống muống bắc dọc, vuông góc với các mái kiến trúc chính. Theo Paulus Của (1895: 730), “Nhà cầu: nhà dài nhỏ cắt nối theo nhà lớn”. Ví dụ, nếu một di tích có ba gian song song với nhau theo hình chữ tam [三] thì sẽ có 2 ống muống nối liền 3 tòa nhà này, để tạo thành chữ vương [王], trong một tổng thể kiến trúc “nội vương ngoại vi”. (Nguyễn Văn Cương 2006: 108). Từ “nhà muống” hay “ống muống” này không thấy ghi trong từ điển Paulus Của cũng như trong các từ điển tiếng Việt hiện đại, nhưng vẫn thường xuyên được sử dụng trong các công trình nghiên cứu kiến trúc cổ.


Phụ hạ: nhà muống tiếp mái thềm, đình Chèm
                                                                                Ảnh: Trần Trọng Dương

70.

AC: Hỏa châu [火珠] là ngọc lửa, để vào đồ KHÔ thì chát (tr.358/35a). “Chát” chắc chắn là chữ cháy bị gõ sai (con chữ “t” nằm ngay bên trái con chữ “y” trên bàn phím) mà người sửa bản in không thấy. Nhưng “khô” dứt khoát là một chữ phiên âm sai vì đó là chữ gỗ (Nôm hài thanh bằng chữ khổ [苦]). Vậy câu này là “Hỏa châu là ngọc lửa, để vào đồ GỖ thì cháy”.

TTD: Chúng tôi xin bảo lưu cách đọc cũ “Hỏa châu [火珠] là ngọc lửa, để vào đồ KHÔ thì cháy”. Chữ Nôm [木+苦] dùng để ghi cả hai âm “khô” và “gỗ”, xem Tự điển chữ Nôm dẫn giải, 2014) có chữ 枯 ghi “khô”, và hai chữ 枯楛 dùng để ghi âm “gỗ”. Tuy nhiên, ở đây phiên “khô” thì hợp lý hơn. Vì nếu đã tích nhiệt đủ để cháy thì bất kỳ vật liệu nào (dù gỗ, hay cỏ, hay vải, giấy) đều có thể cháy được, trong đó gỗ là vật liệu khó bắt lửa hơn cả. Xét, hỏa châu còn có tên là hỏa tề châu (火齐珠). Sách Đại Đường Tây Vực ký chép hỏa châu “…to như trứng gà, tròn và trong vắt, sáng chiếu vài thước, giống tựa thủy tinh, vào giữa trưa mà đem ra mặt trời, dùng ngải mà đặt nó lên, thì có thể bốc cháy” (火珠,大如鸡卵,圆白皎洁, 光照数尺,状如水精,正午向日,以艾承之,即 火燃). Lại xét, chữ “khô” cũng là từ gốc Hán, mà nguyên từ của nó chính là khổ và được ghi bằng cả hai tự dạng [枯] và [楛], trong các chữ khô cảo [枯 槁]. Thuyết văn ghi: “Khổ là gỗ khô” (楛楛木也).

95.

AC: Dạ đố [夜蠧] là cái xô tiểu tiện (tr.378/41a). Thật là ngộ nghĩnh. Nguyên văn là chữ hồ [壺], chỉ một thứ đồ dùng để đựng, bị biến thành chữ “đố” [蠧] chỉ loài mọt gỗ, rồi chữ “đố” này lại được dịch thành “(cái) xô”! Nhưng thời xưa làm gì có “xô” vì đây là phiên âm từ tiếng Tây (seau). Còn chữ Nôm trong nguyên văn là [趙] (bị viết sai?), âm Hán Việt là “triệu”, đọc Nôm là chậu. Vậy “Dạ hồ là cái chậu tiểu tiện”.

TTD: Nhìn hồ [壺] mà ra đố [蠧], thì đúng là “ngộ nghĩnh”! (xưa nay, tôi rất thích chữ này của bác An Chi), vì chữ [壺] viết theo lối tục tự Việt Nam có đánh thêm một dấu chấm ở nét ngang sau cùng, nên chúng tôi nhìn nhầm thành bộ trùng, chứ chữ này cũng đã từng được chú là tục tự của “hồ” tại trang 370, và có thể so sánh với tục tự của “đố” tại chú 7 trang 333. Phải là [夜 壺] mới đúng (Hán ngữ đại từ điển, 1994 Q2: 361). Chữ Nôm trong nguyên bản khắc/in mờ, nên chúng tôi đoán là [趨], và đọc là “XÔ”. Học giả An Chi đoán đọc tự dạng là [趙] và phiên là “CHẬU”. Bản Nguyễn Văn Thanh thì ghi tự dạng rõ ràng là chữ [走+鳥] viết tắt từ chữ [越+鳥], có thể đọc là “vịt”, ví dụ “cái vịt” là đồ dùng để bắt cá giống hình con vịt” (Paulus Của 1895: 1168), tiếng Huế gọi là “oi vịt”. Mục từ này có thể đọc là “Dạ đố [夜壺] là cái VỊT tiểu tiện”.

Nhiều người sẽ cười là làm gì có cái vịt tiểu tiện. Nhưng ta thấy “dạ hồ” là một loại “lọ tiểu tiện” chuyên dùng cho đàn ông. Loại lọ này xuất phát từ phía bắc, chuyên dùng để đàn ông đi đái vào ban đêm khi trời lạnh rét. Lọ thường làm bằng đồ sành đồ sứ, phía trên có tay cầm, và có một cái ống thò ra để đàn ông có thể chế nước tiểu vào đó. Toàn bộ cái lọ này trông như hình con vịt! Ở Việt Nam hiện vẫn còn dùng loại “vịt đi tè” này trong bệnh viện. Dạ hồ chỉ dành cho đàn ông, còn dành cho đàn bà thì mới gọi là “chậu tiểu tiện”. Ngoài ra, còn phải kể mã dũng [馬桶] là cái thùng/cái bô (có nắp) để đi cả tiểu tiện lẫn đại tiện (Hán ngữ đại từ điển, 1994 Q12: 775). Còn Phạm Đình Hổ thì ghi: “Thủy mã tử (水馬子) là cái chậu đàn bà tiểu tiện” (352, 33a).


Dạ hồ - cái vịt tiểu tiện, đời Thanh

Vĩ thanh:

Đọc những lời phê bình nghiêm khắc của học giả An Chi ở đoạn đầu bài viết, tôi thực sự rất cảm kích, vì mình đã cố gắng hết sức có thể trong khả năng của mình vào thời điểm đó. Nếu nhìn 135 lỗi sai cho 1 cuốn sách thì đó là một con số rất đáng nói. Nếu nhìn 100 lỗi trong 120.000 lượt chữ, thì cuốn sách đã có thể đúng tới 119.900 lượt chữ (tỷ lệ 0,08%). Nếu nhìn 100 chữ sai trong 27.293 lượt chữ của phần phiên âm chính văn Nhật dụng thường đàm, thì cuốn sách cũng có 27.193 lượt chữ có khả năng đúng (tỷ lệ sai 0,5%). Nếu nhìn 100 chữ cho 2.449 mục từ, thì có 2.314 mục từ đúng (tỷ lệ sai 4,08%). Cái nghề khảo cứu văn bản cổ là một cái nghề lầm lũi, chỉ biết đếm chữ để đánh giá tổng quan công việc. Và nếu bằng cách ấy, để nhìn lại những gì mình đã làm (không chỉ trong cuốn sách này), chúng tôi không tin là chỉ có một trăm lỗi sai mà có thể nhiều hơn thế gấp nhiều lần. Nên tôi nghĩ, mình hỏng 1-5 mà được 99-95, thì tôi vẫn chọn làm việc, hơn là không làm gì cả. Cứ nhìn vào cái được và cái chưa được (thậm chí những sai nhầm) để tiếp tục làm việc với một tinh thần cầu thị, và biết ơn những người đã chỉ ra những sai nhầm của mình. Chỉ có cách ấy, ta mới mong làm được gì đó dù bé nhỏ trong cuộc đời này.♦


 _____

(*) https://xuandienhannom.blogspot. com/2018/ 01/hoc-gia-chi-phe-binh-cuon-sach-cua-ts.html


    CHIA BUỒN

* Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, sinh năm 1950, quê quán ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, đã từ trần ngày 20-3-2021 tại Hà Nội, hưởng thọ 71 tuổi.

Ông là một trong những tác giả tên tuổi của nền văn học đương đại Việt Nam, với nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch. Tên tuổi của ông gắn liền với các truyện ngắn: Tướng về hưu, Muối của rừng, Không có vua, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê, Sang sông… và bộ ba truyện ngắn lịch sử gồm: Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết. Ba cuốn tiểu thuyết của ông đã được xuất bản: Tiểu long nữ, Gạ tình lấy điểm, Tuổi 20 yêu dấu. Các tác phẩm Tướng về hưu, Thương nhớ đồng quê đã được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh và cũng gây tiếng vang…

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng được nhận Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (năm 2007), Giải thưởng Premio Nonino, Ý (năm 2008).

* Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952, quê ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội; là con trai nhạc sĩ nổi tiếng Hoàng Giác. Ông đã qua đời ngày 20-4-2021 tại Hà Nội.

Hoàng Nhuận Cầm từng chiến đấu tại các mặt trận Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Năm 1981, ông về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam và từng là Phó giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam. Nhiều bài thơ của ông được bạn đọc yêu thích vì gắn với những kỷ niệm của tuổi trẻ, tình yêu: Chiếc lá buổi đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến... Ông còn sáng tác kịch bản phim và tham gia đóng phim. Nổi bật nhất là bộ phim Mùi cỏ cháy, đoạt giải Cánh diều vàng 2011 là hồi ức chiến đấu khốc liệt của ông và đồng đội ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ông còn nổi tiếng với nhân vật “bác sĩ Hoa Súng” trong chương trình truyền hình “Gặp nhau cuối tuần”.

Hoàng Nhuận Cầm đã đoạt giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1972-1973, Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993.

Tạp chí Hồn Việt xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

PGS-TS TRẦN TRỌNG DƯƠNG (Viện Nghiên cứu Hán Nôm )