Tôi có kế hoạch về quê vào tháng 9 năm nay. Kế hoạch này được vợ con nhất trí cao. Có mấy lý do: Thứ nhất, tháng ấy là sinh nhật mình, sinh nhật mà không tổ chức ở cái nơi chôn nhau cắt rốn thì kém vui. Thứ hai là tháng ấy chúng tôi tụ họp hội chăn trâu...
Nghĩ đến ngày ấy là nôn nao trong lòng, giống như được mời đi hội nghị to lắm, oai lắm. Về ngày sinh nhật, cũng chẳng thể 100% chính xác. Cha mẹ sinh mình vào thời kháng chiến chống Pháp giữa vùng quê hương âm u thì cái sự khai sinh chắc chi đã đúng. Cứ mang máng vậy. Nghe mẹ bảo đẻ mày vào gần rằm tháng bảy, vậy thôi. Nhưng cứ về nơi mẹ sinh ra mình là sung sướng rồi. Còn cái chuyện họp hội chăn trâu thì nghe lạ hoắc, nghe tréo ngoe giữa thời nay. Nhưng tôi thì sướng, sướng như mình lúc còn bé được mẹ mua cho cái quần cộc…
Vài đêm nay cứ hay nghĩ về ngày chăn trâu, mà nghĩ về ngày ấy thì hình ảnh con trâu của đứa nào to cao béo gầy ra sao cũng hiện rõ mồn một. Thực ra cũng chả có gì lạ lẫm khó hiểu. Lúc bé bộ óc mình nó trắng tinh, mỗi sự việc xảy ra như một nét chì vạch lên đó, nó hằn sâu khó phai mờ. Chứ còn như bây giờ cả bộ não trải ra đen như đít nồi vạch mãi nó không hằn lên được. Già hay quên là thế, già rồi học khó vào cũng là thế. Tôi thấy nó đơn giản vậy thôi.
Mỗi thằng chúng tôi một tâm một tính. Con trâu cũng vậy, chúng tôi thuộc tính nhau và cũng thuộc nết trâu của nhau. Con trâu của tôi là trâu đực, to cao nhất đàn, tên nó là Dòng. Bố tôi bảo nó nhiều tuổi hơn tôi. Tôi chưa bao giờ tự trèo được lên lưng nó mà phải trèo từ đầu rồi hét “lên, lên”. Nó ngẩng đầu lên là tôi tuồn sang lưng. Nó khỏe, nên bao giờ cũng tỏ ra là đàn anh của cả đàn. Gặp đàn trâu làng khác nó hung dữ lạ thường. Hễ có con trâu nào lấn sang đàn của bọn tôi là nó lao vào xua đuổi. Rất nhiều cuộc húc nhau xảy ra với đàn trâu khác mà nguyên nhân ganh ghét nhau vì cái tội lân la làm quen với những con trâu cái trong đàn bọn tôi. Con trâu nhà thằng Thành sừng choãi ngang đến yếu. Lại còn cái tật ăn nhỏ nhẻ. Hóa ra con này gãy mất hai cái răng. Trâu mà gãy răng thì hết sách. Chỉ chọn cọng cỏ, túm mạ be bé mà ăn như liếm, không vặt ngang cọng chè vè, thân lúa như những con khỏe. Ăn ít thì đói, thì gầy. Mà đã yếu thì nhìn con nào cũng sợ, cứ lấm lét run run khi thấy con khác đến gần. Tội thế. Con trâu Cái nhà thằng Vân thì vừa to đẹp lại cũng tầm tầm năm tuổi như trâu Dòng nhà tôi. Con Dòng và con Cái thân nhau lạ kỳ. Không con nào lại gần con Cái được chỉ vì con Dòng lúc nào cũng vè vè con mắt. Ăn cỏ đấy, uống nước đấy nhưng nó vẫn để ý con Cái. Mà cũng lạ, con Cái cứ xán lại con Dòng mọi nơi mọi lúc. Tôi có những hôm khốn khổ vì con Dòng không chịu ăn cứ đi theo sau con Cái mà ngửi hít rồi ngửa mặt lên trời nhe hàm răng trắng ởn khoái chí. Con Cái thì đứng chạng háng cong tớn cái đuôi lên mà lim dim. Con vật nó khoái nhau nó hít cái mùi bài tiết của nhau. Chịu thật, đúng là súc vật. Tôi và thằng Vân nhìn hai con trâu tình tứ âu yếm theo kiểu phân gio ấy mà cười hinh hích với nhau. Có chiều, thả cả đàn trâu dưới hồ, chúng tôi ì ọp bơi lặn. Đàn trâu cũng phì phò đằm mình phả phê. Bỗng có đứa kêu: Ối Vân ơi trâu mày đâu? Cả lũ nhìn vừa đó mà không thấy con Cái đâu. Con Dòng thì lim dim, trời đất ạ, hóa ra con Dòng và con Cái làm cái chuyện vợ chồng. Con Cái ngụp người dưới nước cứ chừng gần phút lại thò mõm lên phì phì, lập tức con Dòng lại nhấn chìm xuống. Tôi và thằng Vân phải lao vào can thiệp vì sợ con Cái chết ngạt. Cả đàn trâu ra về. Chúng tôi ngồi vắt vẻo, con nào cũng bóng loáng. Con Dòng và con Cái có vẻ thỏa mãn lắm, dụi dụi cái sừng vào đít nhau rồi lại ngửa cổ nhe hàm răng trắng ởn lên trời.
Có ngày tôi học thêm để thi giỏi cấp huyện phải về muộn. Chúng nó đi hết cả. Con Dòng lồng lộn đi rõ nhanh. Có lúc nó chồm chổ như mất trí. Tôi dắt nó lên đồi chè. Nó đâu có ăn, nó ngó bên này nghiêng bên kia mắt cứ nhìn xuống chân đồi. Tôi cưỡi trên lưng luôn mồm thét rồi giật dây chạc mà nó không nghe. Chiều xuống bọn thằng Vân trở về. Con Dòng nhìn thấy con Cái liền phóng từ trên đồi xuống. Tôi ngã quay cu lơ, bàn chân gập lại bong gân, may không gãy xương. Con Dòng lao xuống đồi rồi chạy lại chỗ con Cái, chúng kì sừng vào nhau, con Cái cứ cong tớn cái đuôi lên. Thằng Vân hò hét thế nào cũng kệ, hai con vật cứ xoắn vào nhau. Tôi bò lết trên đồi chè. Vân bỏ trâu đấy cõng tôi xuống rồi đủn lên lưng trâu ra về. Tôi nghỉ mất vài buổi học nằm nhà bóp lá bưởi nướng rồi tập tễnh đi học. Mấy ngày sau nhìn thấy tôi con Dòng nghiêng đầu lấm lét. Thì ra con vật cũng biết ân hận về cái lỗi của mình gây ra cho loài người.
*
Chiến tranh phá hoại của Mỹ nổ ra. Con đường sắt qua làng thành mục tiêu của máy bay Mỹ. Dân làng tôi bắt đầu biết đến bom tạ bom tấn, rốc két, bom bi, bom nổ chậm... Có hôm máy bay ném bom làm trâu lồng lên chạy tứ tung khắp làng. Hồi đầu, bừa cày sớm nắng lên chưa kịp thả trâu máy bay đã tới. Người người bỏ trâu giữa ruộng nấp vào bờ. Con Dòng thành như đại ca của lũ trâu đang đứng im dưới đồng, nó ngăn không cho các con khác kéo bừa đi trong lúc người đang núp máy bay. Từ sau đận máy bay ném bom chết cả trâu ngoài đồng Chùa gần ga tàu hỏa, làng rút về cày cấy vào ban đêm. Ban ngày không dám thả trâu ra ngoài đồng. Ngay cả ban đêm đang kéo bừa, con Dòng vẫn chen đi gần vào lối bừa con Cái nhà thằng Vân. Trong đêm mà nghe tiếng hít thở phả vào nhau mỗi khi hai con gặp nhau ngang đường bừa. Chúng vục nước ruộng phì vào mặt nhau như mỗi lần tiến sát vào nhau. Một hôm tôi và thằng Vân đi bừa thay mẹ. Thằng Vân bảo “Đấy! đấy là tình yêu trong lao động”. Lũ trâu thấy bọn tôi cười cũng phì vục nước thích thú. Hồi ấy chúng tôi đợi đón trâu ngay ở ruộng. Mẹ về rồi tôi dắt trâu thả theo ven đường tàu hỏa nhiều cỏ và chuối. Nằm trên lưng con Dòng nghe nó thở phì phò mệt nhọc, tiếng dứt cỏ cũng mệt nhọc tôi thương lắm. Trời khuya, chả biết sương xuống hay mồ hôi mà thấy lưng nó dính nham nháp. Mùi con Dòng chua chua nồng nồng lan trong đêm.
Những ngày đông tháng giá, nhốt trâu ở trong chuồng lấy lá cọ che tứ phía mà chân nó vẫn phát cước. Mẹ tôi lấy bã quả khế ngâm bóp cho nó. Chân nó run rẩy nhấc lên hạ xuống rõ tội nghiệp. Ấy mà vài hôm sau lại phải ra đồng. Áp Tết bố tôi bảo con đi cắt cỏ về để dành mấy ngày Tết cho trâu ăn. Khổ thân nó, mình có Tết chứ nó làm gì có Tết. Mấy ngày Tết trâu nhà nào cũng buộc trong chuồng. Hết Tết người lục tục ra đồng thế là con Dòng và con Cái lại gặp nhau. Chúng nó quấn vào nhau. Con Dòng ngoắc cặp sừng vào cổ con Cái rồi tựa hông vào nhau ngúc ngắc cái đầu, hai tai cụp xuống không đờ đẫn. Mắt chúng rơm rớm nước. Thằng Vân đang đánh đáo chinh cười khanh khách: “Ghê nhỉ, nhớ nhau ghê nhỉ”. Cả lũ cười theo. Lũ trâu thây kệ mấy thằng trẻ con còn say mùi Tết nhất mải đùa nghịch dọc đường, chúng sán vào nhau ngửi hít nhau giống như người đi xa về hỏi thăm nhau ríu rít.
Tôi lên học cấp III đi xa nhà. Rồi đi đại học. Thằng Vân, thằng Thành, thằng Đức, thằng Tính... tốt nghiệp lớp 10 đi bộ đội luôn. Đàn trâu thành ra tan đàn xẻ nghé vì lũ em chúng tôi lại không đi với nhau giống chúng tôi lúc trước. Mỗi lần về nhà có ngó qua chuồng trâu, con Dòng thò mõm liếm liếm vào tay tôi mắt thật buồn. Cái lưỡi nó âm ấm ram ráp như cái bàn đánh săm xe đạp, chua loét nước dãi lên tay tôi. Nó buồn. Tôi biết. Con Cái nhà thằng Vân lâu nay đi đàn khác rồi.
Tôi đi bộ đội. Biết thằng Vân nhập ngũ trước ở Quân khu Việt Bắc rồi vào chiến trường Tây Nguyên. Thằng Thành vào tít hút Cà Mau. Thằng Tạ Chức, thằng Bùi Hồng sang Lào rồi hy sinh ở đó, chỉ có thằng Bình thì đi công nhân kiến trúc là ở ngoài này.
Run rủi tôi và thằng Vân lại gặp nhau. Tôi bổ sung về cùng đơn vị thì Vân đã là cán bộ trung đội. Hôm đón lính mới về thằng Vân há hốc mồm nhìn tôi. Cùng đại đội, hai đứa cứ được lúc nào rỗi một tí là lại ngồi với nhau như thể vẫn đang ở nhà. Đêm tôi mò sang hầm nó nằm nói chuyện quê hương. Trong bóng đêm hai đứa lại nói về con Dòng con Cái, chỉ nói chuyện con trâu thôi mà nước mắt nóng hổi trên má. Trung đội trưởng Vân vẫn cái giọng hệt như ngày xưa, rất ông cụ non. Quê hương thật là đơn giản mày nhỉ, chỉ hai con trâu nhà chúng mình mà đã thành một vùng quê rồi. Veo véo trên đầu tiếng đại bác của địch và ánh chớp loe lóe giữa rừng đêm mà chúng tôi như đang thấy hiện lên con đường tàu hỏa giữa làng và con Dòng con Cái đi xoắn vào nhau những đêm ngày xưa lúc bom Mỹ dội xuống.
Cuối năm ấy Vân hy sinh trong trận đánh đoàn xe tăng trên đường 14 ở Kon Tum. Lúc anh em khiêng xác Vân về, cái chân đứt lìa để một bên trong tấm võng bạt màu cỏ úa bê bết máu khô. Mái tóc xám vàng và nhuốm thuốc đạn khiến tôi nhớ tóc nó cháy nắng thủa chăn trâu cùng nhau. Nhiều tháng sau, khi hành quân đi chiến dịch nhìn thấy ai mắc cái võng bạt kiểu của thằng Vân tôi rất sợ. Mùi máu và màu xám vàng của tấm võng quấn chôn thằng bạn chăn trâu mãi ám ảnh trong những ngày sau đó.
*
Tôi được về ngay năm đầu tiên hòa bình để đi học lại đại học. Mùa đông năm sau tôi đã quên chuyện con Dòng thì bỗng một hôm trong bữa ăn em trai tôi buột miệng: Anh ơi con Dòng bị Hợp tác xã sắp mang đi mổ thịt rồi. Mẹ tôi mắng, thôi ăn đi không nói chuyện ấy. Thì ra con Dòng bị đem đi giết thịt vì năm ấy nó già quá rồi.
Hôm ấy cả nhà tôi bỏ cơm. Khi người ta dắt nó đi nó lê chân chậm chạp và đôi mắt õng nước. Mẹ tôi và các em tôi không dám nhìn theo. Chiều ấy Hợp tác xã bán cho mỗi nhà 2 ký thịt, mẹ tôi dứt khoát không lấy. Chỉ ra nhặt đôi sừng của nó mang về để vào đống rơm sau nhà và cả nhà đều tránh không nhìn vào đấy. Tuồng như không chịu nổi, bố tôi lấy cái mê thuyền nan úp lên che đôi sừng con Dòng lại, cứ che như thế cho đến tận bây giờ.
Nhà tôi mất vài ngày buồn hiu hiu. Chiều tối thằng em trai dẫn tôi ra sau nhà, nó lật cái thuyền nan rách úp đống rơm có đôi sừng của con Dòng. Tôi vuốt ve cái cặp sừng hai đầu nhọn còn đen bóng vẫn còn mùi khen khét quen thuộc ngày xưa. Những cái rãnh vạch ngang phía gốc sừng có chút bùn khô dính lẫn những sợi lông trâu keo lại. Con Dòng của tôi đây, to lớn hùng dũng cái đuôi thật dài đang cúi đầu cho tôi trèo lên nhẫn nhục hiền lành. Tôi lại nhớ đến con Cái nhà thằng Vân, nó thật đẹp, cặp mông nở cao, lông đuôi thật dầy, nhớ cặp mắt con Dòng và con Cái mỗi khi nhìn nhau thật đa tình âu yếm.
Nhưng có một chuyện mà phải ít lâu sau em trai tôi mới kể lại. Sau ngày con Dòng bị giết thịt, con Cái nhà thằng Vân đi qua nơi người ta phanh bụng con Dòng. Ở đấy còn sót lại những tàu lá cọ đầy phân và máu con Dòng. Nó ngửi nó hít, nó òng õng nước mắt. Hít mãi cái đống phân con Dòng nó ngửa cổ nhe răng lên trời đứng bất động. Em thằng Vân kéo đứt dây chạc mà nó cứ gằm đầu xuống không chịu đi, bốn chân con Cái run lên bần bật. Những ngày sau đó nó không ăn, cày bừa thì lúc đi nhanh lúc thì ghì bừa đứng lại. Rồi vài tháng sau nó gầy xơ xác. Hợp tác xã lại mổ con Cái. Thế là cặp trâu “tài sắc” một thời của xóm tôi biến mất nhẹ nhàng mà day dứt giống hệt người ta phá cái bờ ruộng con có tự bao đời để làm bờ vùng bờ thửa.
Chiều quê, tôi lững thững ra sân kho Hợp tác xã ngày xưa, nơi người ta giết thịt con Dòng và con Cái. Mùi mồ hôi trâu nồng ngái bay về. Mùi trâu ám vào tôi tưởng như rũ mãi chẳng ra. Tôi bàng hoàng. Tôi như vừa ngửi thấy mùi máu hôm nào chôn thằng Vân trong rừng Tây Nguyên.
Suốt bảy tám năm trời chăn trâu cùng nhau, lũ chúng tôi đến biết cả con nào “yêu” con nào. Thuộc cả mùi mồ hôi, thuộc cả bàn chân từng con in trên bờ ruộng. Thuộc cả cách gặm cỏ của chúng, tiếng gọi nghé ọ của từng con. Tự lúc nào con Dòng, con Cái là người bạn thân của mình mà không nhận ra.
Chuyện con vật yêu nhau lúc bé thấy vui vui, lớn lên thấy thắc mắc, lớn nữa về già thấy tình yêu của nó thật cảm động. Chuyện con vật nuôi trong nhà cứ song hành với đời con người mà con người vô tâm vô tình như không hề biết đến.
Con người cũng thật là một thứ động vật là lạ.♦
.png)
Tính độc đáo của một tác giả phụ thuộc vào suy nghĩ hơn là văn phong CHEKHOV Kẻ ngu dốt chuyên khẳng định, người thông thái thì luôn nghi ngờ, nhà minh triết thì suy nghĩ. ARISTOTLE Chớ để con rắn ghen tị chui vào tim mình. Con bò sát ấy gặm nhấm đầu óc và làm thối nát con tim. EDMONDO DE AMICIS Tuổi cao y như trèo núi. Càng lên càng mệt và thở hồng hộc, nhưng cái nhìn mới bao quát biết bao. INGMAR BERGMAN Danh vọng y như cái chợ: đôi khi nếu ta ở đấy ít lâu thì giá cả lại xuống. FRANCIS BACON Sự đam mê đánh dấu nhân loại. Không có đam mê thì tôn giáo, lịch sử, tiểu thuyết, nghệ thuật sẽ trở thành vô dụng. HONORÉ DE BALZAC Đối với nhà ngoại giao và đối với phụ nữ, nhiều khi sự im lặng là sự giải thích rõ ràng nhất. GEORGE BYRON Thà hành động rồi hối tiếc còn hơn hối tiếc vì đã chẳng làm gì. BOCCACCIO Tỏ tình và thề thốt yêu thương chẳng qua chỉ là những hối phiếu không có giá trị trước tòa án. PEDRO CALDERÓN Không có tình yêu thì cuộc sống nào mà không kèm theo nỗi thất vọng về cuộc sống? ALBERT CAMUS (Trích sách Cảo thơm lần giở của Hữu Ngọc) |