HV157 - Một “thế hệ cúi đầu” “biết cúi đầu”

←Các chiến sĩ trẻ đảo Song Tử Tây thực hiện nhiệm vụ tuần tra, canh gác

Súng nổ dồn nơi biên giới, lửa thiêu rụi Hoàng Liên Sơn, máy bay oanh tạc, lưỡi lê máy chém kéo khắp cả một vùng. Họ vẫn ra đi, họ viết đơn bằng máu để xin lên đường ra trận. Họ lao vào đạn bom, họ lao vào lửa, họ lao vào lưỡi lê, ống súng. Mặc dù họ biết, có thể, họ sẽ mãi mãi chẳng trở về… Mặc dù họ biết, máu thịt họ sẽ vùi sâu trong cát bụi… Và, họ vẫn ra đi. Có người dành cả tuổi trẻ, có người dành cả mạng sống, cả cuộc đời… Họ đã sống và chiến đấu như vậy. Họ còn sợ gì cái chết nữa? Điều họ sợ, có lẽ là sự lạnh lùng của những người đang được sống trong hòa bình, là cái lãng quên đến nhẹ bẫng của những người đang đứng trên máu xương của họ… Họ sợ, tất cả những hy sinh của họ và đồng đội sẽ bị vùi chặt, nén chặt trong lòng đất, trong chính cái nơi mà những con người kia đang dẫm chân lên…

Có một thế hệ đã trở thành huyền thoại

Trong cuốn sách Chân trần, chí thép, Trung tá Thủy quân lục chiến - James G. Zumwalt (con trai Đô đốc Chỉ huy trưởng lực lượng Hải quân Mỹ tại Việt Nam) đã từng viết: “Có lẽ, sai lầm lớn nhất của chúng ta tại Việt Nam là đã không nhận ra rằng, chúng ta đang chiến đấu với ‘thế hệ vĩ đại nhất’ của đất nước này - một thế hệ với quyết tâm thống nhất và duy trì sự tồn tại của dân tộc, họ sẵn sàng đứng lên đánh đuổi hết quân ngoại xâm này đến quân ngoại xâm khác”, “Những người tham chiến hoặc là nạn nhân của cuộc chiến tranh tại Việt Nam, đã chấp nhận trả giá với niềm hy vọng ngày mai các thế hệ con cháu có thể sống tự do, sau những đau khổ của cha ông”, “Thế kỷ 20 của người Việt Nam là một thế kỷ đầy đau thương và hào hùng, lớp người của thế kỷ trước là LỚP NGƯỜI CỦA HUYỀN THOẠI…”.

Lớp người huyền thoại ấy đã chiến đấu không ngừng nghỉ, họ chiến đấu không hề biết mệt mỏi trong suốt gần một thế kỷ. Họ đã sống và chiến đấu, với một niềm tin mãnh liệt, rằng họ sẽ thắng, non sông này sẽ thoát khỏi lầm than, con cháu của họ sẽ được sống tự do và hạnh phúc. Và, họ đã chinh chiến… Họ đã chuẩn bị 15 năm để có ngày độc lập, họ đã đợi chờ 9 năm để có một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu… Họ vẫn tiếp tục, họ dành trọn vẹn 21 năm để thống nhất non sông… Họ lại tiếp tục lao vào cuộc chiến đấu để bảo vệ biên giới, bảo vệ đảo xa… Họ chưa bao giờ ngừng nghỉ, họ chưa bao giờ mệt mỏi...

Họ đã chiến thắng!

Và, chiến tranh cũng đã lùi xa… Những con người huyền thoại ấy, có người đã nằm xuống với một tấm bia vô danh. 17, 18, 19 tuổi, trẻ măng, đầy hoài bão, vậy mà họ đã hy sinh một cách anh dũng nhất, đối với người thân của họ, thì là đau đớn nhất; có người trở về, nhưng để lại một phần máu thịt nơi chiến trường; có người trở về với những vết đạn chằng chịt, họ về với đời thường, dung dị, chân phương.

Khi chỉ còn là lịch sử…

Có một lần dừng đèn đỏ ở ngã tư, tiếng còi xe inh ỏi, tiếng nhạc xập xình ở các hàng quán ồn ào, lấn át tiếng hát một ca khúc cách mạng nào đó. Tôi ngoái nhìn, một người lính già (có lẽ vậy), ông cụt một tay, đứng đó với vài gói bông tăm, bật lửa, ông cứ hát, dòng người dừng lại, rồi dòng người đi qua… không một ai chú ý đến chiếc áo quân phục đã cũ mèm, bạc phếch của ông cụ. Tôi vội vàng lục cặp tìm ví, chỉ còn đúng vài chục nghìn, tôi gọi nhỏ “Ông ơi, bán cho con gói bông tăm”, tôi đưa ông 20 ngàn, cẩn trọng bằng hai tay và nói cảm ơn, ông loay hoay lục túi để tìm tiền thừa, tôi vội nói “Ông ơi thừa vài ngàn thôi, con biếu ông”, ông cụ lúng túng “Cảm ơn cô”… Tôi hỏi thêm “Có phải trước ông là bộ đội không?”. Ông xua xua “Lâu rồi, xong rồi, thắng rồi!”. Tôi lặng người, có lẽ cụ không muốn nhắc đến máu và đạn, ông cụ lấy tay quẹt mồ hôi trên trán, tôi thấy vậy, vội vàng lấy cốc trà chanh vừa mua trên đường định biếu cụ, loay hoay mãi không tháo được chiếc túi bóng, đúng lúc đó thì đèn xanh. Sau tôi, người ta bấm còi inh ỏi. Tôi ngẩng lên, bất chợt chạm ánh mắt của một bác trai tầm 60 tuổi khắc khổ, có một vết thẹo dài trên mặt, một ánh mắt như biết cười, sáng lên niềm hy vọng, ánh mắt tôi lướt qua bác, và bác gật đầu với tôi ra vẻ đồng ý, dường như bác đã theo dõi hành động của tôi vừa qua, phải chăng, bác cũng từng là một người lính?? Mọi người đều rất vội, còn tôi vẫn lúng túng tháo nút buộc của chiếc túi ni lông ở móc treo. Có một cô bé xinh xắn chừng lớp 3 nhìn tôi cười rất tươi, mẹ cô bé cũng quay sang nhìn tôi, tôi không biết cô bé ấy cười vì điều gì. Tôi chỉ đủ quan sát trong vài giây, thì một tốp thanh niên đằng sau bấm còi inh ỏi, họ phóng qua, tôi nghe loáng thoáng “Bố con điên, nó thiếu gì tiền”, “Đèn xanh rồi đ… đi, cứ đứng mãi”. Tôi hơi sửng sốt, quay lại nhìn ông cụ ái ngại, có lẽ cụ hiểu chuyện gì đó, cụ xua tay ra hiệu tôi đi đi, và vẫn tiếp tục hát…

Tôi nổ máy, suốt chặng đường còn lại, tôi nghĩ về hai ánh mắt và câu nói vẳng qua của tốp thanh niên, nỗi sợ hãi thế hệ chúng tôi sẽ quên đi lịch sử lại dâng lên trong lòng. Thái độ của ba thế hệ, ánh mắt của bác trung niên, nụ cười của cô bé con và câu nói của hai cậu thanh niên trạc tầm tuổi tôi… Tất cả... khác nhau đến lạ!

Tôi đã rất rất buồn và thất vọng!

Trở về nhà, tôi chợt gặp một em học sinh năm nay đã lên lớp 12. Tôi hy vọng rằng, tôi sẽ kiếm được niềm tin từ một người trẻ, tôi rôm rả bắt chuyện.

- Em ôn thi tốt nghiệp khối gì thế?

- Em thi khối C.

- Có học được lịch sử không?

- Em bình thường thôi.

- Thế nước mình độc lập năm bao nhiêu?

- Năm 75.

- Chắc không?

- Chắc!

- Thế em biết giải phóng miền Nam ngày nào không?

- 2-9. Giải phóng miền Nam, thành lập nước Việt Nam còn gì?

Tôi thở dài, không hỏi thêm gì nữa, và lòng lại buồn hơn. Chẳng lẽ nỗi sợ của thế hệ anh hùng lại trở thành sự thật sao? Tôi không giỏi lịch sử, cũng không phải đứa biết nhiều, tôi cũng chỉ được đọc, được xem trên báo đài sách vở, và may mắn được nghe những người viết nên huyền thoại kể lại, nhưng, có lẽ cũng hơi đủ để biết cha ông ta đã trải qua những gì, thế hệ anh hùng đã trải qua chiến tranh tàn khốc ra sao… Bỗng nhiên, tôi sợ quá, tôi sợ một ngày, lớp trẻ chúng tôi - lớp người mà họ gọi đùa là “thế hệ cúi đầu” sẽ không còn biết gì về cội nguồn nữa…

Thế hệ “cúi đầu”…

Đã có nhiều người gọi đùa thế hệ chúng tôi bằng cái tên đó, trước kia tôi nghĩ, “cúi đầu” là biểu hiện cho sự kính trọng, là biết lỗi, là cảm ơn, là tôn kính…

Nhưng KHÔNG!

Hai chữ “cúi đầu” dành cho chúng tôi, là một thế hệ chỉ biết cúi đầu vào smartphone của mình, đến nỗi Đất nước mình độc lập năm bao nhiêu, Thống nhất năm bao nhiêu cũng không hề biết, trong khi, tất thảy đều rất hứng khởi chào đón ngày nghỉ lễ 2-9 và 30-4. Thậm chí, chúng tôi cúi đầu đến mức, có một số kẻ chẳng phân biệt đâu là sự thật, chẳng cần biết ông nội, ông ngoại hay bất kỳ người thân nào trong gia đình đã hy sinh nơi chiến trận, chúng tôi chỉ biết chia sẻ những bài viết trên Facebook, không cần biết đúng hay sai, và hằng ngày, tôi đọc được cả chục bài viết của những kẻ mới 17, 18 tuổi đã ngang nhiên lật sử trên mạng xã hội. Cúi đầu để tự nhục. Trong khi, ở nghĩa trang Trường Sơn, những người nằm xuống đó chỉ toàn 17, 18 tuổi như chúng bây giờ... Và, chúng cúi đầu, nhưng không hề nhìn rõ bàn chân của mình đang đứng trên máu xương của một thế hệ anh hùng…


Phi công, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy sau một trận đánh

Tôi sợ người ta nhắc đến thế hệ cúi đầu, vì tôi cũng là một trong số đó, vùi đầu vào chiếc điện thoại của mình cả ngày, thậm chí quên mất đâu là thực tại… Chúng tôi - cũng sẵn sàng cầm súng, nổ súng liên tục, sẵn sàng quăng lựu đạn, sẵn sàng nhảy dù, sẵn sàng hy sinh, đổ máu, sẵn sàng chết đi sống lại hàng trăm lần để bảo vệ quân mình… Nhưng, không phải trên chiến trường, không phải khi có lời kêu gọi lên đường nhập ngũ, không phải lời hứa nếu đất nước lâm nguy, mà là trong game, trong điện thoại… Chúng tôi - những đứa trẻ - những anh hùng game thời đại 4.0.

Tôi đã từng trăn trở, tôi đã từng nghĩ sau này, khi ra trường, nếu có cơ hội trở thành một nhà giáo, tôi sẽ dạy cho học sinh những gì, liệu tụi nhỏ có nghe, có tin lời tôi hay không, khi mạng xã hội ngày càng phát triển, những thông tin không chính thống tràn lan, tụi nhỏ lại tiếp xúc với công nghệ từ quá sớm… Và, những huyền thoại, những nhân chứng sống thì ngày một già đi, sự thật là thời gian chẳng thể ngừng lại để thế hệ anh hùng được sống mãi với chúng ta… Và tôi lại sợ, thế hệ “cúi đầu” chúng tôi sẽ khiến lịch sử trở thành “quên lãng”, và sau đó, chẳng còn ai nhớ đến những người hùng…

Một thế hệ “biết cúi đầu”

Giữa thời bình, máu vẫn đổ, nước mắt vẫn rơi, những người lính vẫn ngã xuống, họ trẻ, rất trẻ, thậm chí, có những chàng lính còn kém cả tuổi tôi... Họ đã nằm xuống, họ đã hy sinh khi chúng tôi đang mải mê vùi đầu vào game và net. Họ chẳng có gì ngoài lý tưởng, ngoài tình yêu Dân tộc và Tổ quốc này, họ lặng lẽ ra đi mà không hề kể công hay than mệt mỏi...

Tôi nhớ, năm 2016. Tai nạn kép của Không quân Việt Nam khiến cả dân tộc bất ngờ và bàng hoàng, tôi có chia sẻ đôi dòng cảm xúc không thể kìm nén được của mình lên trang cá nhân Facebook. Tôi nhận được rất nhiều lời chia sẻ và đồng cảm. Có rất nhiều người nhắn tin cho tôi để bày tỏ lòng tôn kính với người lính đã hy sinh... Bên cạnh đó cũng chẳng ít kẻ nói ra nhiều điều không hay, có những kẻ lợi dụng thời cơ để định hướng chính trị, tôi đọc và tôi hiểu. Tôi đã từng viết trong một vài dòng chia sẻ: “Ai yêu Cộng sản hay ghét Cộng sản thì mặc ai, nhưng bất kể kẻ nào hả hê, vô tâm, hay hời hợt trước sự hy sinh của những người đã ngã xuống để mình được sống trong bình yên, thì những kẻ đó đáng nhận được hai từ: KHỐN NẠN!”. Tôi nhận được nhiều lời đồng cảm... tôi bỗng nhiên thấy chút vui trong lòng, không phải vui vì sự hy sinh của người lính, mà vui vì tôi đọc được quá nhiều lời tri ân của thế hệ trẻ dành cho những người lính ấy!

Ôi!!! Họ biết đau đấy! Biết kính trọng! Họ biết đến sự hy sinh của những người lính. Có lẽ họ hiểu được giá trị của hòa bình! Họ không hề vô tâm một chút nào! Chỉ là, họ không thể hiện ra thôi...

Tôi đã có niềm tin vào một thế hệ “biết cúi đầu”, “cúi đầu” theo đúng nghĩa. Cúi đầu biết ơn và cúi đầu nhìn nhận!

Ngày 22-9-2019. Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy - cánh bay huyền thoại của Không quân Việt Nam, người đã từng bắn rơi 7 máy bay Mỹ - qua đời, tôi biết ngày này trước sau gì sẽ đến, nhưng vẫn bàng hoàng, tôi chưa bao giờ có cơ hội được gặp ông, nhưng cũng đã được nghe, được đọc về ông rất nhiều... Ôi! Đau xót làm sao... Lại một huyền thoại nữa ra đi, lớp người anh hùng cứ dần dần rời bỏ thế hệ trẻ chúng tôi, làm những đứa trẻ đang cố níu kéo một thời hào hùng của thế hệ cha anh như tôi tuột mất thêm một hy vọng...

Tôi dành cả ngày để đọc hàng trăm bài viết trên các trang mạng về ông, những người đồng đội, những người lính năm xưa viết về ông rất rất nhiều...! Một người hào hùng trên không, chân phương giữa đời thường, một người dung dị, chất phác không màng danh lợi... Ông - một anh hùng, hơn cả một anh hùng...

Tôi đọc thật nhiều, thật nhiều, tất cả những trang mạng đều đưa tin về người anh hùng chân đất Nguyễn Văn Bảy, ngay cả những diễn đàn giới trẻ mà hằng ngày tôi cho là “câu like” “xàm xí”, hay những người bạn chưa hề có một bài viết nào trên Facebook, họ đều viết, đều nói về ông... bằng tất cả lòng biết ơn và tôn kính...

Và tất cả những bình luận, những bài chia sẻ của thanh niên chúng tôi đều thể hiện niềm đau thương... Chỉ cần 1 bình luận xuyên tạc về ông thôi, thì ngay lập tức, hàng trăm, hàng ngàn sự bức xúc, giận dữ được thể hiện. Hóa ra, bọn trẻ chúng tôi không hề thờ ơ, chúng tôi không hề vô ơn... Mà làn sóng của sự tôn kính, của tình yêu dân tộc chưa có cơ hội được thể hiện mà thôi....

Ẩn sau cái vẻ như đang thờ ơ đó, là ngọn lửa yêu nước đang âm ỉ, đang đỏ rực, và nó có thể bùng lên bất cứ lúc nào, khi bất kỳ kẻ nào động vào một đất nước ngoan cường, động vào lòng tự tôn dân tộc của chúng tôi. Trong lòng, lũ trẻ chúng tôi dù được gặp hay chưa, được nghe hay không, đều có chung một cảm xúc, một niềm tôn kính những người anh hùng thực thụ, những người sẵn sàng xả thân vì thế hệ mai sau.

Thế hệ chúng tôi - biết cúi đầu!

Sáng nay, khi nhìn thấy hình ảnh của Trung tướng Phạm Phú Thái cúi đầu chào tiễn biệt Anh hùng Nguyễn Văn Bảy trong lễ tang, tôi đã xúc động mạnh. Những người lính xưa kia, họ ngẩng cao đầu để xông vào trận mạc, họ ưỡn ngực đón đạn hứng bom, họ vào sinh ra tử cùng nhau, họ chưa bao giờ cúi đầu trước khó khăn, họ chưa bao giờ cúi đầu trước hòn tên mũi đạn, những khí tài hiện đại và ác liệt nhất hay bất kỳ sự man rợ nào, họ chưa bao giờ cúi đầu trước bọn địch bặm trợn to lớn... Nhưng họ đã cúi đầu trước người đồng đội, họ cúi đầu biết ơn và tôn kính...

Còn chúng tôi. Liệu có cúi đầu?

Nếu quên mất cội nguồn, chúng tôi sẽ ra sao? Có bơ vơ và vô vọng hay không?

Chúng tôi - người ta gọi là thế hệ cúi đầu, còn tôi tự gọi mình là thế hệ hạnh phúc. Hạnh phúc bởi chúng tôi không bị ám ảnh bởi tiếng súng, tiếng bom. Chúng tôi được hưởng tất cả những gì tốt đẹp nhất, chúng tôi được hưởng thành quả mới nhất của nhân loại. Không lý do gì để thế hệ này quên đi giá trị thực? Chẳng hà cớ gì thế hệ này lại vô trách nhiệm và vô ơn...!

Liệu tôi có quá bi quan không, khi chỉ nhìn vài hành động, nghe vài lời nói mà đã vội vàng tự cảm thấy buồn cho một thế hệ?

Một niềm tin mãnh liệt dâng trào, niềm tin về một thế hệ “biết cúi đầu” tạ ơn và biết “ngẩng cao đầu hiên ngang” để dốc sức dời non lấp bể cho một đất nước tự cường!

Tôi tin rằng thế hệ chúng tôi luôn biết ơn và trách nhiệm.

Tôi đã từng sợ nhưng không hề vô vọng. Bởi vì lịch sử là do chính tay những người của thế hệ đó viết nên. Ngay cả tôi, cũng đã bao lần dùng dằng, chòng chành trước chút khó khăn, sợ hãi trước một vài vấp ngã. Nhưng, ngoài kia vẫn còn nhiều lắm, nhiều lắm những bạn trẻ đang dấn thân, đang dám nghĩ, dám làm những điều lớn lao cho đất nước... đang trăn trở, lo toan, và biết ơn, trách nhiệm...

Vẫn còn cơ hội để thế hệ trẻ chúng tôi thay đổi. Để sử sách lưu lại, chúng tôi - một thế hệ biết ngẩng đầu và biết cúi đầu...!♦

VŨ PHƯƠNG TRANG