HV158 - Đóa hồng Bulgaria và chiếc nón sắt của Bác Hồ

←Ảnh minh họa

Đó là những ngày đầu của năm 1975, chúng tôi đang ở thủ đô Sofia thực hiện bộ phim có tên Con người và tấm lòng nhằm để khắc họa sự giúp đỡ tận tình và nhiều mặt của nhân dân Bulgaria, trong đó có chi tiết nước bạn đã gởi cho chiến trường miền Nam Việt Nam rất nhiều các loại thuốc Tây y, đồng thời gởi sang một đoàn nhiều bác sĩ sang Hà Nội rồi đi thẳng vào chiến trường Trị Thiên - Huế để nghiên cứu về những căn bệnh sốt ác tính, và sự nhiễm độc do máy bay Mỹ rải chất khai quang xuống núi rừng Trường Sơn, chẳng may có một bác sĩ Bulgaria hy sinh bởi chứng sốt rét ác tính ấy.

Còn nhiều nữa, ví như thành phố Sofia đã nhận nhiều nghệ sĩ để đào tạo nghề đạo diễn sân khấu lẫn điện ảnh cho Việt Nam. Cũng nhờ vào sự nhiệt tình hỗ trợ của đạo diễn Paven Pavlov chúng tôi còn được ghi hình thêm nhiều người ở nhiều lĩnh vực khác đã từng sang giúp đỡ Việt Nam nhiều năm.

Công việc đã sắp hoàn tất, nhưng tôi chợt nhớ ra còn một nhân vật mà cả đoàn chúng tôi đều chưa biết mặt, dù người ấy đã sáu lần sang Hà Nội và vào tận chiến trường nơi máy bay Mỹ đánh phá ở Quảng Bình từ năm 1967 ác liệt. Paven lắng nghe tôi nói, và anh đang cố nhớ ra... Anh bảo: “Đất nước Bulgaria có ai đã sang Việt Nam thì hình như là tôi biết tất cả… Mà này, người đó là nam hay nữ?”. Tôi trả lời là nữ, rằng người phụ nữ Bulgaria ấy đẹp như một nàng tiên. Tôi vừa nói đến đó thì Paven Pavlov vỗ đùi bốp bốp: “Tôi nhớ rồi, nếu đó là một phụ nữ đẹp đã từng sang Việt Nam nhiều lần thì duy nhất chỉ có Blaga Dimitrova”.

Thế là ngay ngày hôm sau Paven đưa chúng tôi đến tận nhà của nhà thơ, nhà văn, nhà báo Blaga Dimitrova. Khi chiếc xe dừng lại trước sân nhà, chúng tôi đã nhìn thấy cô đứng rạng rỡ ở cửa, đúng là người đẹp xứ hoa hồng mà tôi đã thấy trên các trang báo viết về cô 5 năm trước. Blaga trông vẫn như ngày nào trong chiếc áo đầm trắng ngần lộng lẫy đón chúng tôi.

Sau khi Blaga nghe người thông dịch của chúng tôi nói về nội dung cuộc gặp gỡ hôm nay, cô mời chúng tôi vào phòng khách. Blaga kể cho chúng tôi những điều ấn tượng của mỗi lần cô sang Việt Nam - Hà Nội trong chiến tranh. Lần đầu tiên là năm 1967. “Lần đầu tiên tôi được đứng trước Chủ tịch Hồ Chí Minh và được ngồi đối diện với Người tại Phủ Chủ tịch”. Blaga ngừng một giây rồi rất cố gắng thốt lên hai tiếng “Bác Hồ” tròn trịa khiến chúng tôi rất cảm động. Cô tiếp: “Bác Hồ khi nghe tôi nêu ra yêu cầu xin được vào Quảng Bình để được trực tiếp nhìn thấy những chiếc máy bay của Mỹ đánh phá, thì Bác Hồ khoát tay bảo không thể chiều ý tôi được. Tôi hỏi ‘Tại sao? Theo cháu biết thì ở đó có rất nhiều đoàn gọi là Thanh niên xung phong chuyên sửa đường do Mỹ ném bom kia mà?’”.

Paven vội hỏi: “Thế Chủ tịch Hồ Chí Minh nói sao?”.

Blaga: “Bác Hồ nói rằng ‘Việt Nam có hàng triệu trai gái xung phong ra trận, còn ở đây chỉ có một mình cháu lại là của nhân dân Bulgaria, Bác không thể chấp thuận theo ý cháu’”.

Chúng tôi nôn nóng nhìn cô dò hỏi: Làm sao cô thuyết phục được Bác Hồ?

Blaga: “Tôi khóc... Tôi phát khóc vì bị khước từ. Thế là Bác Hồ đang cứng rắn bỗng nhiên phá ra cười nói lời xin lỗi tôi: ‘Thôi thôi, cho Bác xin lỗi. Chỉ vì phải bảo vệ khách quốc tế khi tình hình chưa cần thiết phải vào nơi nguy hiểm. Nhưng nếu cháu quyết tâm thì chính phủ Việt Nam phải chiều người đẹp thôi... thế được chưa nào...?’.

Chao ôi, Bác Hồ nói tiếng Pháp với tôi với tinh thần vừa là một chủ tịch nước vừa như một người cha. Thế là tôi được tổ chức một chuyến xông vào đất lửa nơi Mỹ đang đánh phá miền Bắc Việt Nam. Tôi ở tại nhà khách thành phố Đồng Hới hoang tàn đúng bảy ngày đêm, chịu trên chục trận máy bay bắn phá.

Đồng Hới của Việt Nam mà tôi nhớ có đọc ở đâu đó trước đây, một nhà báo nào đó đã ví Đồng Hới là một ‘Paris nhỏ’ (Petit Paris), bởi vì sao các bạn biết không?”.

Tôi nói: “Có lẽ vì chỉ có ở thị trấn Đồng Hới lửa đạn ngày đêm mà rất nhiều hoa hồng phải không?”. Blaga sửng sốt: “Ô! vậy là bạn đúng quá... Đồng Hới được mệnh danh là thành phố hoa hồng. Đây... nó đây”, Blaga lấy ở album đưa chúng tôi xem bức ảnh đen trắng trong đó cô đang ngồi cạnh một luống hoa hồng cạnh tường nhà nơi cô ở... Blaga nói: “Tôi hết sức ngạc nhiên, không hiểu sao dưới bom đạn ngày đêm mà sáng nào nơi bàn ăn của tôi cũng luôn có một bình hoa hoa hồng được cắm trong một vỏ đạn”.

Ngôi nhà mà Blaga được bố trí ở là nhà khách giao tế của Quảng Bình trên sườn đồi có tên Đức Ninh. Đứng ở đó nhìn toàn cảnh thì Đồng Hới đất lửa rực rỡ một mảng hồng thắm vươn lên một cách kiêu hãnh đến ngỡ ngàng. Vậy là ở đó không phải chỉ có các nguyên soái, tướng lĩnh chỉ huy trận mạc mà còn có một người đẹp như đóa hồng tô điểm cho miền đất lửa Đồng Hới tan nát vì bom đạn cày nát suốt đêm ngày.

Blaga ngừng lặng một chút và nói tiếp: “Không biết Đồng Hới bây giờ có còn là một một Petit Paris, một thành phố hoa hồng trong chiến tranh hay không? Tôi đang viết lại những gì nhìn thấy và cảm thông về cuộc chiến đấu cơ hồ như không cân sức nếu loại bỏ đi phần ý chí đấu tranh của một Việt Nam phi thường trên toàn cầu. Tôi đã chứng kiến cái chết của những Thanh niên xung phong ở Đồng Hới, của những chàng trai rời trường đại học khoác súng lên đường vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ, và tôi phải ghi lại một cách trung thực với lòng khâm phục. Nhớ mãi hình ảnh những đứa trẻ học sinh đi đến trường trên các vỉa hè mà trên đầu chúng đội một chiếc nón có một không hai trên thế giới, chiếc nón bện bằng những cọng rơm sau mùa gặt, chúng đi thành từng đoàn mà tôi cảm giác nó như những chiếc nấm rơm khổng lồ đầy hãnh diện đến khó hiểu”.

Nói đến đó Blaga chợt dừng một giây đắn đo, rồi cô tiếp: “Và tôi phải ghi lại cho kỹ được những gì đã diễn ra giữa tôi và Bác Hồ trong một cuộc trò chuyện giữa chừng nhưng phải ngừng lại vì máy bay Mỹ từ phía tây đang bay vào Hà Nội ném bom, hay đúng hơn là tôi nói về cái vật quý báu kia… - Blaga chỉ tay về cái nón sắt của Liên Xô đang treo trên tường phòng khách - Tôi biết nãy giờ các bạn để ý đến cái nón sắt ấy, một dụng cụ của chiến tranh mà tôi yêu quý nó suốt đời”.

Blaga chỉ cho chúng tôi xấp bản thảo dày cộp ở góc bàn, nói: “Nó đang sống lại trong này đây”. Dĩ nhiên câu chuyện càng làm chúng tôi tò mò thêm, muốn biết bên trong chiếc nón sắt này chứa những gì mà Blaga rất trân trọng vậy.

Blaga Dimitrova đứng lên, gỡ chiếc nón sắt nhà binh ấy, ôm vào đôi tay và trân trọng đặt nó giữa bàn.

Từ sáng đến giờ chúng tôi đã cảm nhận có lúc đến nhói lòng về những sự việc mà Blaga chứng kiến thậm chí sống sót bên cạnh thần chết tại ngôi nhà khách giao tế trên đồi Đức Ninh ở Đồng Hới, và nhiều nơi khác trên cung đường gần 400km từ Hà Nội đến Đồng Hới…, cái nón sắt lại như một vật đầy bí hiểm với chúng tôi. Blaga nói tiếp:

“Không có gì là vĩ đại, không có gì bí hiểm ở chiếc nón sắt mà tôi sắp kể với các bạn. Hôm ấy, tại Phủ Chủ tịch, tôi đến để hỏi Bác Hồ một vài điều trước khi về nước. Trên bàn nơi Bác Hồ và tôi ngồi vẫn luôn có một bình hoa hồng. Bác mỉm cười rút lên một đóa hồng đỏ thắm, trao cho tôi. Hoa hồng là biểu tượng cũng là ngôn ngữ của tình yêu. Bác rất ý nhị vừa cười vừa nói bằng thứ tiếng Pháp chuẩn của Paris với tôi: ‘Bác tặng cháu một bông hồng Việt Nam cho một bông hồng Bulgaria’. Tôi đã giữ nó mãi trong chiếc tủ kia cho đến khi nó khô quắt đi, đóa hoa hồng của Bác tuy không còn nhưng nó đọng lại trong trái tim tôi. Còn về chiếc nón sắt này là thế này… Hôm ấy Bác Hồ và tôi đang trao đổi những gì liên quan đến triển vọng của cuộc chiến tranh. Tôi còn nhớ khi Bác nói và chỉ tay trên bản đồ rằng Mỹ sẽ ném bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác, tuy nhiên đó là hành động tuyệt vọng trước khi thua cuộc. Bác còn nhấn mạnh là Mỹ thua cuộc ở trên không của miền Bắc và Hà Nội”. Blaga nói rằng Bác Hồ quả quyết như thế và bây giờ là năm 1975 rồi... Mỹ đã rút quân ở Việt Nam sau khi đánh phá Hà Nội và miền Bắc, và cả ngàn phi công tài ba của họ trở thành tù binh của Hà Nội, có phải Bác nói như sấm truyền không?

“Hai bác cháu đang nói chuyện với nhau thì trời Hà Nội báo động máy bay Mỹ đến. Thế là lập tức các sĩ quan bảo vệ của Bác và Phủ Chủ tịch chạy đến dìu Bác và tôi chạy về phía chiếc hầm trú ẩn kiên cố ở đầu kia. Một người kịp lấy chiếc nón sắt đội lên đầu Bác và dìu Bác đi nhanh, còn tôi thì không có nón, là vì họ không lường trước sẽ có khách đến trong lúc báo động máy bay Mỹ đánh phá.

Vì vậy khi bác cháu vừa đến cửa hầm trú ẩn thì hình như Bác thấy tôi đầu trần, Bác liền gỡ chiếc nón sắt Bác đang đội chụp ngay lên đầu tôi. Tôi thấy vậy là quá đáng, tôi liền định đội lên cho Bác thì Bác chặn lại và nói: ‘Đây là mệnh lệnh, cháu phải đội nó để bảo vệ mình, nếu không thì Việt Nam có lỗi với nhân dân Bulgaria’. Tôi quá xúc động trước nghĩa cử chăm sóc quá chu đáo của một vị chủ tịch nước mà như cha tôi. Cho đến khi máy bay Mỹ bay đi và loa phát thanh của Hà Nội còn báo tin Phòng không Không quân đã bắn hạ 4 máy bay Mỹ thì hai bác cháu lên khỏi hầm đi trở về nơi chiếc bàn hãy còn đó đóa hoa hồng mà Bác Hồ đã tặng tôi. Lúc bấy giờ tôi mới chợt nghĩ ra và liền thưa với Người là cháu muốn được xin chiếc nón sắt này để làm kỷ niệm có được không. Bác có vẻ ngạc nhiên và nói nó chỉ là chiếc nón sắt thôi, có đáng là gì mà cháu phải xin... Ừ... thì biếu luôn cho cháu đấy. Tôi trả lời, thưa Bác nó chỉ là chiếc nón sắt nhưng nó là vật riêng để bảo vệ Bác, nhưng Bác lại không dùng mà lại dùng để chở che cho cháu. Cháu muốn xin nó để làm kỷ niệm mỗi khi nghĩ về Việt Nam và về Bác”.


Nhà thơ, nhà văn, nhà báo Blaga Dimitrova

Nói đến đó Blaga hào hứng hỏi chúng tôi: “Thế đó... Vì vậy mà chiếc nón sắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có ở tại phòng khách này lâu nay. Thử hỏi trên đời có ai vinh dự được chính người đứng đầu của Việt Nam lại tặng cho một công dân Bulgaria chiếc nón sắt bảo vệ tính mạng mình? Ô... Tôi tự hào là chỉ có một Blaga Dimitrova này có được thứ bảo vật vô giá như thế!”. Nói xong nàng tiên xứ Bulgaria cười, một nụ cười làm bừng sáng cả lòng người.♦