Có trường hợp Mỹ - Diệm cố tình vi phạm quy chế khu phi quân sự, chiến sĩ gác liên hợp của ta phải tỏ rõ một bản lĩnh đấu tranh vững vàng, sắc sảo và dũng cảm mới buộc được đối phương lùi bước. Đó là trường hợp nhân viên quân sự Mỹ xâm nhập trái phép khu phi quân sự.
12 giờ trưa ngày 28-4-1962, thượng sĩ Nguyễn Xuân Dưỡng và binh nhất Nguyễn Trọng Vinh thuộc đồn Cửa Tùng sang bờ Nam nhận phiên gác. Vừa nhận xong bàn giao tình hình với hai đồng chí phụ trách phiên trước, họ nhận thấy ở đồn cảnh sát ngụy có hiện tượng khác thường. Bọn lính hối hả làm vệ sinh doanh trại. Nhà câu lạc bộ được trang hoàng khẩn trương. Xe chở bia chai xịch đến trước cổng. Bọn lính cảnh sát không ra làm việc ở nhà liên hợp, dường như có lệnh cấm trại. Dưỡng bảo Vinh: “Chúng nó rục rịch làm trò gì như sắp sửa đón khách, phải theo dõi chặt chẽ mới được”.
14 giờ. Nhìn loáng thoáng qua khe cửa thấy cả trung đội cảnh sát đồn Cát Sơn mặc quân phục trắng, mang ghệt, vai khoác Tôm-xơn, Các-bin đang nhấp nhổm chờ lệnh. Dưỡng nói: “À, chúng nó chuẩn bị đón khách. Nhớ nhé, nếu là người Việt Nam thì ta hỏi giấy, nếu là người nước ngoài, ta kiên quyết đuổi”. Vinh hỏi lại: “Chúng ta chỉ có hai người, có trị nổi cả đồn chúng nó không?”. Dưỡng đáp: “Hai người cũng hành động. Chúng ta có sức mạnh pháp lý!”.
Vừa nói xong, đã thấy một đoàn mười ba chiếc xe, vừa xe con vừa xe lớn rầm rộ kéo đến. Bọn cảnh sát nháo nhác chạy ra sân bóng tập hợp. Đoàn người lạ có sáu tên người nước ngoài bận bộ quân phục nhưng không mang quân hàm. Trong số sĩ quan ngụy đi kèm có một tên mang quân hàm cấp trung tướng. Còn lại là bọn tai to mặt lớn. Một trung đội cảnh sát dã chiến mặc quần áo rằn ri hộ tống đoàn này. Đi qua hàng rào danh dự lính cảnh sát đang bồng súng chào, bọn người nước ngoài không thèm chào lại, cũng không thèm nhìn, cứ xăm xăm đi thẳng vào nhà câu lạc bộ. Thượng sĩ Dưỡng bước tới chặn đường đoàn người lạ mặt, nói với tên trung tướng dẫn đường (sau này anh mới biết đó là tên trung tướng Trần Văn Đôn, Bộ trưởng Quốc phòng Chính phủ Diệm):
- Xin lỗi, các ông là phái đoàn quân sự xâm nhập đồn liên hợp, theo quy chế khu phi quân sự yêu cầu xuất trình giấy tờ của Ủy ban liên hợp.
Bọn cảnh sát dã chiến lập tức vây quanh Dưỡng. Tên trung tướng Trần Văn Đôn cười khẩy:
- Anh là cán bộ phía Bắc qua làm việc trên đất phía Nam, phải biết lịch sự một chút với người nước ngoài. Họ là khách, hiểu chưa?
- Với người Việt Nam biết tôn trọng quy chế mới nói đến chuyện lịch sự, còn đối với quân Mỹ sang đây xâm lược làm gì được hưởng đối xử lịch sự?

Bìa cuốn bút ký Kể chuyện giới tuyến
Trần Văn Đôn lùi lại phía sau. Bọn cảnh sát dã chiến chĩa lưỡi lê vào ngực Dưỡng; anh chỉ mang một khẩu súng ngắn, nhưng không hề tỏ vẻ sợ hãi, mắt cứ trừng trừng nhìn vào đám sĩ quan Mỹ đang ngơ ngác dừng lại. Thấy bọn rằn ri áp tới gần, Dưỡng lớn tiếng bảo chúng:
- Đây là thuộc phạm vi đồn liên hợp hai bên, quy chế chỉ cho phép mỗi bên dùng một tiểu liên. Cấp trên các anh bắt binh lính mang súng ống vào đây dày đặc thế này là vi phạm biên bản chung ngày 11-11-1954 về tổ chức đồn giới tuyến. Các anh chớ gánh lấy hậu quả việc làm sai trái của quan trên.
Bọn cảnh sát dã chiến thấy chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang ăn nói chững chạc, thái độ đàng hoàng, lại nhìn sang bờ Bắc thấy quá gần nên không dám coi thường người chiến sĩ. Chúng lẳng lặng giãn ra cho Dưỡng đi tới. Trước mắt anh lúc này là một tên ngụy quyền bệ vệ, sau này anh mới biết đó là tên Bộ trưởng Công dân vụ Ngô Trọng Hiếu. Liếc thấy binh nhất Nguyễn Trọng Vinh lảng vảng ở vòng ngoài để yểm hộ cho mình, Dưỡng lên tiếng:
- Đồng chí vào đồn cảnh sát, mời đồn trưởng ra làm việc!
Ngô Trọng Hiếu đấu dịu:
- Đây chỉ là một đoàn tham quan du lịch. Anh làm gì mà căng thẳng thế. Chúng ta cùng là người Việt Nam, có chuyện gì lại không dàn xếp với nhau ổn thỏa. Ca dao có câu: “Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Lẽ nào...
Dưỡng xua tay:
- Xin lỗi, ông có biết điểm 13, mục 5 trong quyết định số 1 của Ủy ban liên hợp Trung ương ký tại Trung Giã nói về việc ra vào khu phi quân sự ghi rằng: “Nếu không được phép riêng của Ban liên hợp đình chiến Bình Trị Thiên, mỗi nhân viên quân sự, hành chính của bất cứ bên nào và thường dân đều không được vượt giới tuyến quân sự tạm thời. Những người được phép phải có giấy thông hành của Ban liên hợp Bình Trị Thiên cấp. Yêu cầu ông xuất trình giấy phép theo quy chế!
Ngô Trọng Hiếu đứng ngẩn tò te khi nghe nhắc đến một đoạn hiệp nghị Trung Giã. Vừa lúc tên đồn trưởng cảnh sát đến. Hắn nói với Dưỡng:
- Tôi là đồn trưởng Cát Sơn, anh biết rồi. Có việc gì bàn bạc với tôi đây, khỏi phiền mấy vị khách quý.

Cầu Hiền Lương (vĩ tuyến 17) thuộc Quảng Trị từng là ranh giới quân sự tạm thời giữa 2 miền Nam - Bắc Việt Nam
Dưỡng nghiêm khắc bảo hắn:
- Đây là phái đoàn quân sự Mỹ xâm nhập khu phi quân sự trái phép, ông bảo họ trở lại ngay, nhược bằng dung túng cho họ làm sai thì tôi sẽ lập biên bản kháng cáo lên Ban liên hợp và Ủy ban quốc tế. Hễ ông kéo họ vào nhà câu lạc bộ, chúng tôi sẽ vào theo, chớ trách làm mất mặt cả chủ lẫn khách!
Đang nói, thấy một tên Mỹ giơ máy ảnh lên định chụp, Dưỡng chỉ thẳng vào mặt hắn, nói to:
- Cấm quay phim chụp ảnh ở đồn liên hợp! Cất máy ngay!
Tên kia vừa thu máy thì một tên Mỹ khác bảo phiên dịch nói lại với Dưỡng:
- Người Việt Nam có câu: “Tứ hải giai huynh đệ”. Tại sao các ông lại gây khó dễ cho khách nước ngoài?
Dưỡng đáp ngay:
- Đúng, chúng tôi coi người bốn bể đều là anh em, nhưng làm sao có thể coi là anh em những kẻ chia cắt đất nước chúng tôi, những kẻ đem bom đạn đến tàn sát nhân dân chúng tôi?
Vừa nói Dưỡng vừa xông thẳng đến chỗ bọn Mỹ đứng. Bọn này lúng túng lùi dần từ chiếc xe đầu đến chiếc xe thứ ba rồi chui hết vào xe. Hai trung đội cảnh sát và cảnh sát dã chiến ngụy xúm lại bảo vệ cho chúng. Dưỡng cảnh cáo:
- Không rút lui ngay thì Ủy ban liên hợp và Ủy ban quốc tế sẽ đến ngay tức khắc. Lúc ấy thì chẳng còn thể thống gì nữa đâu.
Bọn Mỹ và đám tướng tá ngụy quyền lên xe chuồn thẳng không thèm chào lại bọn cảnh sát. Chúng dự định vào thăm đồn cảnh sát và nghỉ lại ít lâu để quan sát Cửa Tùng và bờ Bắc, nhưng không những không đặt chân lên nổi vào câu lạc bộ mà mới bén mảng đến sân bóng, chúng cũng không dám nấn ná ở lại quá mười phút. Hôm sau một cơ sở trong đám cảnh sát báo cho ta biết, chuyến ấy, tên Bộ trưởng Quốc phòng và tên Bộ trưởng Công dân vụ của ngụy quyền miền Nam dẫn một phái đoàn quân sự Mỹ do tên trung tướng cầm đầu đi thị sát giới tuyến quân sự tạm thời. Đoàn này lên Hiền Lương cũng bị các chiến sĩ gác cầu nghiêm khắc cảnh cáo và xua đuổi buộc chúng phải nhanh chóng cuốn gói ra khỏi khu phi quân sự Nam.
Cuộc đấu tranh kiên quyết và dũng cảm của các chiến sĩ đồn Cửa Tùng và đồn Hiền Lương đuổi phái đoàn quân sự Mỹ xâm nhập trái phép khu phi quân sự được Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh và phái đoàn ta trong Ban liên hợp báo cáo cấp trên. Ngày 2-9-1962, đúng vào dịp lễ Quốc khánh, hai đơn vị Công an nhân dân vũ trang giới tuyến Cửa Tùng, Hiền Lương cùng hai đồng chí Nguyễn Xuân Dưỡng (đồn Cửa Tùng) và Lê Thế Tri (trạm trưởng Trạm Hiền Lương) được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba. Binh nhất Nguyễn Trọng Vinh được tặng thưởng Bằng khen của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
*
Nhiều lần khác, cơ quan tình báo Mỹ - ngụy còn bày trò đánh đố với chiến sĩ giới tuyến, có khi chúng tung sang một nữ tu sĩ mặc áo choàng đen, vẻ rất sùng đạo, tha thiết xin được hành hương về nơi thánh đường quê cũ; có khi chúng cho một tên điên chạy qua cầu Hiền Lương vọt sang bờ Bắc, nói năng lảm nhảm. Việc xử lý những trường hợp này đôi lúc vượt ra ngoài mọi bài bản sẵn có.
Năm 1963 có một tên điên chạy thẳng từ bên kia cầu sang trạm kiểm soát Hiền Lương. Suốt một buổi làm việc, cán bộ trạm không tài nào lập được biên bản vụ vượt tuyến vì đương sự nói năng không đầu không đuôi, chẳng ăn nhập gì với những câu hỏi thủ tục. Anh ta tỏ ra là một người mất trí. Với vẻ ngoài tiều tụy, anh ta dễ gợi ra hình ảnh của một người tù bị Mỹ - Diệm tra tấn hành hạ đến cùng cực, chẳng còn hồn người. Buổi tiếp xúc đành bỏ dở. Cán bộ trạm Hiền Lương trở về phòng riêng.
Người điên đang ngồi một mình trong phòng thuờng trực bỗng có một vị khách tham quan cầu giới tuyến, vai khoác túi du lịch rẽ vào ngồi nghỉ. Khách bắt chuyện với người điên:
- Anh vào tuyến đã lâu chưa?
- Tôi không đi đâu cả, vào mà làm gì? - người điên nói.
- Anh từ đâu đến?
- Từ đây.
- Anh định đi đâu?
- Sang bên kia.
- Bên kia là bên nào?
- Là bên này.
- Bên này là ở đâu?
- Ở bên kia.
Cuộc đối đáp dấm dẳng kéo dài, người hỏi cứ hỏi, người nghe cứ trả lời văng tê, chẳng đâu vào đâu. Nhưng người khách mới đến không những không hề tỏ vẻ sốt ruột hay khó chịu, mà còn bám lấy những câu hỏi cũ, hỏi đi hỏi lại mãi. Câu chuyện kéo dài khá lâu. Người khách vụt đứng dậy, tỏ vẻ cần đi gấp, ném lại với người điên một câu:
- Nói chuyện với thằng ngu mất thì giờ. Đến dùng tiếng mẹ đẻ cũng không phân biệt nổi bên này với bên kia sông!
Người điên bỗng tái mặt vì tức giận, chửi lại ngay tức thì:
- Có anh mới là ngu, không phân biệt được bên này với bên kia, cứ hỏi mãi như chó nhai giẻ rách!
Lập tức, người khách quay lại, chỉ thẳng vào mặt người điên:
- Thế đấy nhé, chấm dứt được cái trò giả điên của anh rồi đấy!
Tên tay sai của địch đành gục đầu nhận tội tại trận với đồng chí trinh sát V., người đóng vai khách tham quan tình cờ.♦

Cửa Tùng - làng xanh từ “tọa độ lửa