Chuyện thứ nhất (theo một ngụ ngôn cổ)
Ngày xửa ngày xưa, tận thế kỷ 19, có hai người bạn thường chơi với nhau. Một người tên là Sự thật, một người tên là Dối trá. Một hôm hai người gặp nhau. Dối trá chào Sự thật rồi nói: “Hôm nay là ngày đẹp trời, chúng mình cùng đi chơi đi!”. Sự thật ngó quanh, nhìn lên bầu trời, thấy đúng là trời đẹp thật, nên gật đầu bằng lòng.
Họ đi cùng nhau. Lúc sau, hai người tới một cái giếng to đầy nước. Dối trá thò tay xuống nước rồi ngỏ lời rủ Sự thật: “Bạn ơi! Nước sạch và ấm lắm, chúng mình cùng xuống bơi nhé”! Thoáng chút nghi ngờ, Sự thật bèn thò tay xuống nước, kiểm nghiệm thấy đúng là nước ấm và sạch thật. Cả hai cùng xuống bơi. Được một lúc, đột nhiên chẳng nói chẳng rằng, Dối trá lẳng lặng ngoi lên khỏi giếng và biến mất.
Sự thật vội trèo lên khỏi giếng, thì ôi thôi, áo quần của mình đã bị Dối trá lấy đi mất rồi. Trần trụi không mảnh vải che thân, Sự thật liền chạy khắp nơi tìm kiếm Dối trá. Buồn thay, vừa không tìm được Dối trá, Sự thật lại còn bị mọi người xa lánh nữa. Tội nghiệp! Xấu hổ vì không có quần áo, Sự thật bèn quay lại giếng và náu mình ở đó mãi mãi.
Từ đó, Dối trá đi khắp thế giới, khoác áo của Sự thật, đóng vai Sự thật, đáp ứng nhu cầu nông nổi của nhân gian là không muốn nhìn thấy sự thật trần trụi nữa!
Lấy cảm hứng từ truyền thuyết nổi tiếng có tính ngụ ngôn trên, năm 1896 họa sĩ người Pháp Jean-Léon Gérome (1824 - 1904) đã vẽ bức tranh mang tên The truth coming out of her well (tạm dịch là Sự thật ra khỏi giếng). Bức tranh vẽ một người phụ nữ không mặc quần áo từ lòng giếng bước ra. Truyền thuyết và bức tranh có thâm ý sâu xa: Dối trá luôn mang vẻ ngoài mỹ miều, còn Sự thật thì luôn ở thế trần trụi.
.jpg)
Bức tranh nổi tiếng của họa sĩ người Pháp Jean-Léon Gérome (1824 - 1904) mang tên Sự thật ra khỏi giếng
Chuyện thứ hai (theo một truyện cổ)
Sư thầy Huệ Minh trụ trì chùa làng Bình Phong là một người đàn ông diện mạo khôi ngô, tính tình hòa nhã. Trong làng, Lan Hương là một thiếu nữ đẹp đem lòng yêu thầm sư thầy. Nhiều lần cha mẹ Lan Hương bắt gặp cô lén lút lên chùa, nhất là những đêm khuya thanh vắng. Gạn hỏi thế nào cô cũng không nói. Cuối cùng thì không giấu được khi cô có thai đến tháng thứ tư.
- Cha đứa bé là ai?
- Là sư thầy Huệ Minh.
Bố Lan Hương nghe vậy liền lên chùa. Nghe chuyện, sư thầy nói: “Có chuyện ấy sao?”, rồi im lặng.
Đến kỳ mãn nguyệt khai hoa, Lan Hương đem đứa bé lên trả cho nhà chùa. Các vãi đón đứa bé, hỏi sư thầy thực hư. Sư thầy đáp: “Có chuyện đó sao?”.
Về phần Lan Hương, lương tâm cắn rứt, cuối cùng đành nói rõ sự thật đứa bé là con một gã trai đánh trống trong dàn nhạc ở Phòng Văn hóa huyện. Bố mẹ Lan Hương lên chùa xin lại đứa bé.
“Có chuyện đó sao?”. Trao đứa bé lại cho bố mẹ Lan Hương, sư thầy cũng chỉ từng ấy tiếng nói. Sự thật và dối trá dần dần hiện ra, đâu có cần sự bênh vực ồn ào của lời nói.
Chuyện thứ ba (phóng tác theo bài viết của NgocHoLaw, trên mạng Dân luật)
Sau mấy năm trời xa cách, Sự thật và Dối trá mới lại gặp nhau. Như thói quen, việc đầu tiên là họ hỏi thăm công việc làm ăn của nhau. Sự thật nói:
- Từ ngày có đại dịch COVID-19, Xí nghiệp May mặc tôi không xuất khẩu được hàng, lương tháng giờ chỉ còn một nửa so với trước.
Nghe vậy Dối trá liền vỗ vai Sự thật và bật cười ha hả:
- Ông nói thế là không biết biến nguy thành cơ. Chả nói giấu gì ông, nhờ cái đại dịch chết tiệt này, tôi găm khẩu trang, thiết bị y tế rồi nâng giá bán nên giờ thành đại gia rồi. Thôi được, để chứng minh, hôm nay tôi sẽ chiêu đãi ông môt bữa ra trò.
Hai người vào một nhà hàng ở phố Hàng Buồm. Dối trá gọi một nồi lẩu thập cẩm, lại thêm ba đĩa: gà quay, bê thui và cá chép bỏ lò.
Chủ hàng bấy lâu vì đại dịch đóng cửa suốt, nay được ông khách sộp, vâng dạ rối rít, rồi sai đầu bếp chạy ra chợ mua nguyên liệu về.
Thấy vậy, Dối trá liền lên giọng hỏi dằn:
- Ủa, tôi đang vội. Mà bây giờ mới ra chợ thì làm sao kịp cho tôi ăn rồi còn ra máy bay?
Chủ hàng trần tình:
- Quý khách thông cảm. Bấy lâu vì đại dịch không có khách nên nhà hàng không dự trữ sẵn nguyên liệu cao cấp như yêu cầu của quý khách ạ.
- Thế chợ có xa đây không?
- Dạ, xa. Nhưng ô tô đi chỉ chừng 20 phút là có đồ ăn cho quý khách thôi ạ.
Năm phút trôi qua. Dối trá nhìn quanh, thấy trên bàn ăn chỉ bày sẵn có 4 lon bia Heineken, liền nháy mắt như đánh tín hiệu với Sự thật. Và khi Sự thật còn ngẩn ra không hiểu Dối trá định dở chiêu trò gì thì Dối trá đã vơ cả 4 lon bia trên bàn, cho vào cái túi vải đeo bên sườn, rồi giơ tay xem đồng hồ và đập bàn, gọi chủ hàng đang lúi húi ở trong bếp.
- Thôi nhé, ông chủ. Tôi phải ra máy bay bây giờ, không chờ được nữa đâu. Bye! Bye nhé!
Chủ hàng cuống quýt chạy ra, khẩn nài, nhưng Dối trá đã khoát tay, kêu:
- Tôi chờ ông nhưng máy bay nó có chờ tôi đâu.
Rồi Dối trá lẹ làng đeo túi, đội mũ đi ra cửa. Đưa mắt, thoáng cái chủ hàng thấy trên bàn lúc nãy bày sẵn 4 lon Heineken nay trống trơn, liền đuổi theo Dối trá. Dối trá quay lại, quát to:
- Này, đừng có nói láo! Ông ngửi mồm tôi xem có hơi bia nhà ông không?
Rồi phóng ngay ra ngoài đường.
Chuyện ầm ĩ cả nhà hàng. Ngượng quá, còn lại trong cửa hàng, Sự thật đành móc túi, lấy ra tờ 500 ngàn đồng, ôn tồn nói:
- Thôi được, có thể là có nhầm lẫn gì ở đây. Tôi chịu vậy!
Hai người ra khỏi nhà hàng, Dối trá nhìn Sự thật, cười hì hì:
- Cái ông này rõ là thật thà hư!
Sự thật cau mày quát:
- Thật là đồ vô liêm! Dù có đói khổ ta cũng không bao giờ làm điều dối trá như mi. Ta cạch mặt mi từ đây!
*
LỜI BÀN
Con người ta nhiều lúc quá mù quáng khi tin vào những lời Dối trá của người khác. Lời Dối trá lúc nào cũng dễ nghe hơn so với Sự thật. Đáng tiếc, thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Người nói sự thật thường bị người khác nghi kỵ, ghét bỏ.
Nhiều lúc tự bản thân ta biết cái gì là sự thật, cái gì là dối trá nhưng quái lạ, lại vẫn cứ thích nghe lời phỉnh nịnh dối trá hơn là sự thật. Đó là thói ái kỷ, tự nuông nịnh mình của con người, khó chữa.
Đó là chuyện trong đời sống thường ngày, chứ trong công việc hệ trọng mà dối trá thì vô cùng nguy hiểm. Phải tôn trọng sự thật thì mới có cơ sở để phát triển. Vì sao? Vì sự thật, chỉ có sự thật, mới phản ánh đúng bản chất hiện thực. Còn dối trá thì chỉ là hình ảnh méo mó, thậm chí xuyên tạc, phản bội của hiện thực. Căn cứ vào dối trá để định liệu phương sách xử lý thì thất bại. “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Đó là một bằng cứ về sức mạnh của sự thật.
Dối trá dù mang vẻ đẹp đẽ mỹ miều thế nào cũng chỉ là cáo mượn lông công, cũng vẫn là dối trá. Sự thật dù trần trụi cay đắng thế nào cũng vẫn là sự thật. Từ ngàn xưa nhân dân ta đã biết khinh ghét, chê bai kẻ “đi dối cha, về nhà dối chú” và kẻ “nói dối như Cuội”.
Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật là tinh thần ngay thẳng dũng cảm của Đảng ta trong lịch sử đấu tranh cách mạng, đặc biệt từ Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, mở đầu công cuộc Đổi mới vĩ đại của đất nước ta. ♦