HV158 - Tấm lòng vì nhân loại của bác sĩ Cuba

Chủ tịch Cuba Fidel Castro từng nhấn mạnh: “Trong suốt lịch sử vị tha của nhân dân Cuba, đất nước chúng ta luôn sẵn sàng hỗ trợ y tế cho mọi quốc gia khi thảm họa ập đến, bất kể những khác biệt về ý thức hệ. Chúng ta không và sẽ không bao giờ phản bội lý tưởng cao cả này”.

←Các bác sĩ Cuba chụp hình với ảnh cố lãnh tụ Fidel Castro trước khi sang trợ giúp nước Ý chống dịch COVID-19 hồi cuối tháng 3-2020

Đầu tiên, Cuba luôn tích cực giúp đỡ y tế các nước châu Mỹ La tinh. Chỉ một năm sau khi Cách mạng Cuba thành công (1959), Cuba đã cử một đội ngũ y tế đến giúp giải cứu các nạn nhân ở nước láng giềng Chile vừa bị ảnh hưởng bởi trận động đất lớn. Cuba cũng đã cử nhân viên y tế giúp nhân dân Nicaragua xây dựng đất nước sau thắng lợi cách mạng Sandino (1979). Tại Haiti, từ những năm 90 của thế kỷ 20, Cuba đã cử sang đây hơn 100 bác sĩ giúp nhân dân nuớc này sau mấy chục năm khủng hoảng. Bác sĩ Cuba đã cùng người dân nước này vượt qua những cơn hoạn nạn ngặt nghèo như dịch tả, động đất. Họ là đoàn nhân đạo nước ngoài đầu tiên có mặt ở Haiti sau thảm họa năm 2016. Tại Venezuela, Cuba đã giúp xây dựng mạng lưới y tế cộng đồng. Theo hiệp định năm 2000 ký giữa Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, Cuba đã cử 25.000 nhân viên y tế đến sống và làm việc tại Venezuela. Tháng 5-1970, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã dẫn đầu một đoàn y tế đông đảo gồm bác sĩ, y tá, thiết bị bệnh viện dã chiến, thuốc men, lương thực và hàng trăm ngàn cơ số máu hỗ trợ cho Peru sau một trận động đất kinh hoàng. Năm 2007, Cuba cũng là nước đầu tiên gửi nhân viên y tế tới trợ giúp Peru sau trận động đất lớn tại Pisco và lưu trú tại đây tới 5 năm để giúp đỡ người dân bản địa với chế độ luân phiên bác sĩ. Chủ tịch Cuba Fidel Castro cũng từng nhận được Huân chương Quetzal hạng nhất vào năm 2009 nhằm “tôn vinh hơn 17 triệu lượt khám và hơn 40.000 ca phẫu thuật được thực hiện bởi các bác sĩ Cuba vì lợi ích của người dân Guatemala”.

Đối với nước Mỹ, vào năm 2005, số bác sĩ mà Chủ tịch Fidel Castro gửi sang Mỹ để giúp đỡ các nạn nhân của cơn bão Katrina lên đến con số 1.586 bác sĩ. Trong khi đó Mỹ là quốc gia cấm vận kinh tế và luôn âm mưu lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa tại Cuba. Đạo diễn người Mỹ Oliver Stone do đó đã nhận xét về Chủ tịch Cuba Fidel Castro như sau: “Chúng ta phải nhìn nhận Fidel Castro như một trong những người sáng suốt, biết lẽ phải nhất trên Trái Đất này, một trong những người chúng ta cần hỏi ý kiến”.

Đối với châu Phi, ngay từ tháng 9-1962, theo yêu cầu của Algeria, Cuba đã kịp thời gửi nhân viên y tế, giúp đỡ Algeria xây dựng bệnh viện (mang tên Che Guevara) khi Algeria vừa giành được độc lập, để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Còn khi nước Cộng hòa Nhân dân Angola ra đời, Cuba đã gửi các bác sĩ tới giúp đỡ nhân dân nơi đây. Tại Liên bang Nam Phi, Cuba đã gửi 200 bác sĩ sang trợ giúp nhân dân Nam Phi ngay sau khi nước này thoát khỏi chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid. Trong đợt dịch Ebola năm 2014, các hoạt động viện trợ của y bác sĩ Cuba ở Tây Phi đã thu hút sự chú ý toàn thế giới. Khi đó, bệnh Ebola bùng phát dữ dội ở khu vực Tây Phi khiến hơn 5.000 người thiệt mạng. Với tỷ lệ tử vong 90%, Ebola được xem là đợt dịch nguy hiểm nhất thế giới tại thời điểm ấy. Không ngần ngại, Cuba đã gửi hơn 460 nhân viên y tế đến Sierra Leone, Liberia và Guinea, trong đó 165 người được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trực tiếp cử đi. WHO có ấn tượng tốt về hiệu suất của các y bác sĩ Cuba trong đợt dịch Ebola, cho rằng họ đã hành động nhanh chóng và rất hiệu quả.

Tại châu Âu, sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân ở Chernobyl (Ukraine, Liên Xô), Cuba đã đón nhận 15.000 trẻ em bị nhiễm xạ sang nuôi dưỡng, điều trị tại các cơ sở y tế Cuba. Đồng thời Cuba cũng cử các bác sĩ sang Ukraine chăm sóc các bệnh nhân khác. Bởi vậy, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã nhận được Huân chương Merit của Ukraine hạng nhất “vì những đóng góp quan trọng để khôi phục sức khỏe cho trẻ em vùng Chernobyl, sau tai nạn vào năm 1986”.

CHIA BUỒN

Được tin cụ ông Trịnh Bá Được, thân phụ của PGS-TS Trịnh Bá Đĩnh, vừa từ trần ngày 13-5-2021, hưởng thọ 97 tuổi, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và tạp chí Hồn Việt xin gởi lời chia buồn chân thành đến gia đình PGS-TS Trịnh Bá Đĩnh

Ở châu Á, Cuba dành một tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam. Trong chuyến thăm lần đầu tiên vào năm 1973, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã tặng Việt Nam bệnh viện Việt Nam - Cuba tại Đồng Hới, Quảng Bình. Chủ tịch Cuba Fidel Castro cũng giúp đỡ nhiệt thành Đông Timor và được trao tặng Huân chương Đông Timor hạng nhất (năm 2010) “vì những đóng góp của Cuba về y tế và giáo dục”. Các bác sĩ Cuba cũng có mặt tại Nepal sau trận động đất kinh hoàng năm 2015.

Cuba có tỷ lệ bác sĩ trên số dân cao nhất thế giới, đạt mức trung bình 9 bác sĩ/1.000 dân. Theo Tổ chức Y tế châu Mỹ (Pan American Health Organization), từ năm 2005 đến 2017, đội ngũ y tế của Cuba đã giúp đỡ cho 21 quốc gia bị ảnh hưởng bởi thiên tai và dịch bệnh. Theo đánh giá của Hội đồng Hòa bình thế giới (WPC), các bác sĩ Cuba đã trợ giúp các nạn nhân của 16 trận lụt, 8 cơn bão lớn, 8 trận động đất và 4 đại dịch trên khắp thế giới. Còn theo số liệu do Bộ Y tế Cuba cung cấp cho thấy, kể từ năm 1963, Cuba đã gửi hơn 600.000 bác sĩ đến 164 quốc gia. Hiện tại, Cuba hiện có trên 37.000 nhân viên y tế tại 67 quốc gia. Một thành tựu khác của Cuba là đất nước này đã đào tạo khoảng 30.000 bác sĩ hàng đầu cho nhiều quốc gia đang phát triển.

Trong năm 2020, Cuba là quốc gia đầu tiên trên thế giới cử bác sĩ, y tá ra nước ngoài hỗ trợ dập dịch COVID-19. Chính phủ Cuba tuyên bố sẵn sàng cử đoàn chuyên gia y khoa sang trợ giúp gần 40 quốc gia trên khắp năm châu lục, và trên thực tế đã cử đoàn bác sĩ đến nhiều nước trên thế giới như Ý, Pháp, Brazil, Venezuela, Panama, Jamaica, Peru, Togo, Andorra, Kuwait, Việt Nam...♦


NGUYỄN VĂN TOÀN (tổng hợp)