Năm 1943, ở nhà tù Hỏa Lò, nhạc sĩ Đỗ Nhuận có nghe ông Trần Cung kể chuyện về Côn Đảo. Nào là Hòn Trứng, Hòn Cau, Bãi San Hô và Hòn Dương. Đặt mình vào thân phận người đi đày, ông viết bài ca Côn Đảo để tặng ông Đào Duy Kỳ, Thành Ngọc Quán, Phan Trọng Tuệ sắp bị đày ra Côn Đảo.
Kìa xa xa nơi Côn Đảo
Sóng nước muôn trùng
Hỡi đàn cò trắng bay qua ngang trời
Về phương Đông.
Hỡi chim ta nhắn cùng...
Sau này khi bài hát được phổ biến rộng rãi, ông Trần Huy Liệu có nói với tác giả: “Côn Đảo làm gì có cò mà cậu khéo bịa?”. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận trả lời: “Con tàu đang đi, chưa tới Côn Đảo, thì dọc bờ biển thế nào mà chẳng thấy cò”!(*)
Vậy là con cò huyền thoại như kiếp tha phương đã chắp cánh cho ca khúc bay cao, bay xa...
Mười năm sau (1953), chỉ có một tiếng chim cu gáy “Cúc cu, cúc cu” cộng hưởng với tiếng ve rừng, tiếng gió, tiếng suối reo “róc rách”, tiếng lá rơi... cũng khiến cho tâm hồn anh Vệ quốc đoàn Hoàng Việt vui phơi phới, bèn cười một mình rồi cất tiếng hát vang, tự hào với câu “Miền Đông gian lao mà anh dũng”. Tiếng cúc cu có thể là của con cu cườm, cu ngói, cu xanh, cu đất... hòa quyện nhau thành tiếng “Chim rừng ca trong nắng”, mở đầu cho bài hát Nhạc rừng quá đỗi yêu đời, bay bổng giữa bầu trời thời kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ.
Như ta đã biết với câu ca dao: “Ai đem con sáo sang sông/ Cho nên con sáo sổ lồng bay xa” đã trở thành một “Đàn sáo liệng sang sông” trên khắp mọi miền đất nước. Con sáo - sang sông - sổ lồng - bay xa là biểu tượng của sự hiên ngang bất khuất, khao khát tự do, năng nổ linh hoạt trong tiến trình mở mang bờ cõi của dân tộc Việt Nam. Những nét nhạc tinh túy của Lý con sáo đã nhập hồn vào hai câu kết của ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp - Đằng Giao):
Hay là em bên ấy trong phút giây nhớ nhung trào sôi
Gửi niềm tin theo gió qua mấy câu thiết tha hò ơi!
Sông Bến Hải chia hai miền Nam - Bắc, khiến cho biết bao cặp vợ chồng, cùng những lứa đôi phải sống trong cảnh nhớ nhung xa cách, chiều chiều đứng bên bờ Hiền Lương, nhìn sau rặng Trường Sơn chỉ thấy:
Xa xa một đàn chim so mây dang cánh lưng trời
Hỡi chim hãy dừng cho ta gởi đến phương xa vời.
Có một điệu Lý con sáo vốn thịnh hành ở Nam Bộ, còn gọi là Lý ợ, với nhịp điệu uyển chuyển, lanh lợi đã tiếp sức cho những bước chân các Cô gái Sài Gòn đi tải đạn tiến về giải phóng thành đô thân yêu trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Lời ca mở đầu: “Chim kêu, chim kêu ven rừng suối gọi ta lên đường nặng trĩu hai vai...” mà Lư Nhất Vũ được bà con thời chống Mỹ đặt cho cái tên nôm na dễ nhớ là “Nhạc sĩ chim kêu”!
Đến năm 1979, trên bầu trời đồng bằng sông Cửu Long, người ta phát hiện có một đàn sáo từ sông Tiền liệng qua sông Hậu, với tiếng ca: “Từ trên những rạng đông con chim sáo nó bay ra đồng theo con nước đang xuôi dòng ra đồng ruộng xa, con chim sáo nghe trong lòng bay bổng lời ca...” (Đàn sáo Hậu Giang của Trần Long Ẩn).
Cũng vì những cánh chim đầu đàn của ngành âm nhạc từ lâu đã Có một đàn chim (của Phan Huỳnh Điểu - Phan Quang Định) và Đàn chim Việt (của Văn Cao)... cho nên những hậu duệ cũng “yêu” chim. Họ ưu ái cho loài động vật biết bay này những giai điệu đẹp đầy hấp dẫn.
Ta hãy nghe câu mở đầu Bài ca hy vọng của nhạc sĩ Văn Ký: “Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng, cánh chim xao xuyến gió mùa xuân. Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ...”.
Đây đích thị là loài chim én. Chúng bay liệng, chao qua chao lại, thêu dệt bầu trời làm xao xuyến gió mùa xuân. Chúng chẳng biết hót, cũng không thể cất tiếng ca rộn ràng. Dù có gửi lời nhắn tới quê hương miền Nam thì loài chim én này không thể bay xa được. Ấy vậy mà qua giọng hát quyến rũ của nghệ sĩ Khánh Vân thì Bài ca hy vọng đã bay xa bay bổng đến tận miền Nam, đã khích lệ đồng bào đứng lên đồng khởi chống kẻ thù. Và trở thành bài hát nằm lòng của các nữ tù chính trị bị giam cầm trong các nhà tù của Mỹ - ngụy, gieo cho họ niềm tin chiến thắng và ước mong như những cánh chim tung bay giữa bầu trời tự do.
Rất nhiều nhạc sĩ đã dùng hình ảnh chim én để thể hiện cảm xúc của mình bằng nhiều góc độ khác nhau. Chim én trong Sài Gòn quật khởi của nhạc sĩ Hồ Bắc: “Rầm rập bước chân ta đi rung chuyển đường phố Sài Gòn. Khi con chim én báo mùa xuân về, tin vui chiến thắng bay từ quê nhà, Sài Gòn ơi! ta đang bước trên đường chiến thắng”.
Bầy chim én cánh mỏng chao liệng thỏa thuê trong ca khúc Mùa chim én bay (thơ Diệp Minh Tuyền, nhạc Hoàng Hiệp): “Khi gió đồng ngát thơm rợp trời chim én lượn. Cây nảy đầy chồi xanh mây trắng bay yên lành… Em là cánh én mỏng chao xuống giữa đời anh. Cho lòng anh xao động thành mùa xuân ngọt ngào”.
Rất nhiều nhạc sĩ cho rằng tình yêu thường hay chớm nở giữa mùa xuân, là thời tiết dễ thì thầm Lời tỏ tình mùa xuân. Mà mùa xuân thì phải có chim én song hành. Vì vậy ta bắt gặp những cánh én bay lượn trong những ca khúc: Lời tỏ tình mùa xuân (Thanh Tùng), Như khúc tình ca (Nguyễn Ngọc Thiện), Tình ca mùa xuân (Tôn Thất Lập), Cánh hoa lưu ly (Diệp Minh Tuyền), Thành phố mười mùa hoa (Phạm Tuyên), Biên giới mùa xuân (Lư Nhất Vũ - Lê Giang), Chiếc khăn tay (Xuân Hồng), Em ơi, mùa xuân (Nhật Lai)...
Từ lâu con người đã từng huấn luyện chim bồ câu để đưa thư liên lạc. Ở Tây Nguyên thời chống Mỹ, đã có Cánh chim báo tin vui của nhạc sĩ Đàm Thanh: “Chim bay báo khắp buôn làng đánh chiêng rộn ba trái núi... Giờ chim bay về miền Bắc báo tin vui đến Bác Hồ”. Chẳng biết loài chim gì, chỉ nghe nó hót lên lời ca Pơrơtốc!
Trong Tiếng chim mùa xuân, nhạc sĩ Trần Hoàn phát hiện một giống chim ở Tây Nguyên có tên là “A-chê-tông-pa-kốt”. Nó vừa bay vừa hót âm vang núi rừng xa: “Ôi, lời của chim giữa bình minh cớ sao như giục giã ta. Ôi, lời của chim mà như núi sông đang gọi ta...”. Như vậy là loài chim này biết bay biết hót, đặc biệt còn biết nói nên lời giục giã anh Giải phóng quân trong chiến dịch mùa xuân.
Trên núi rừng Tây Nguyên là nơi cư trú của nhiều loài chim như: chim Phí, chim Kơ tia, chim Đ’rao, chim S’rao, chim Chơ rao, chim Pông Kơ le, chim Zong, chim Túc Nao, chim Gơ lung v.v... “Con giun sống nhớ đất. Chim Phí sống nhớ rừng” (Bóng cây Kơnia - Ngọc Anh, Phan Huỳnh Điểu); “Chim Phí bay về nương lúa thơm trĩu bông chao mình trong gió thu đưa xạc xào...” (Vui mùa chiến thắng - Văn Chừng, Lam Lương); “Đôi chim Kơtia ơi, bay lượn trên nương lúa... Anh như cánh chim Kơtia bay xa, thầm thì mong chờ anh bên bờ suối” (Chim Kơtia - Nhật Lai); “Chim Kơtia hỡi! Sáng sớm mày hót trên nương. Chiều chiều mày hót bên bờ suối vắng. Em nhớ anh như con chim Kơtia không bao giờ chịu ngưng tiếng hát” (trong nhạc cảnh Tiếng cồng vượt thác - Lư Nhất Vũ, Lê Giang); “Đây sóng nước sông Ba dâng trào. Người Ba Na như đàn chim Đ’rao” (Hát mừng anh hùng Núp - Trần Quý); “Con chim S’rao xinh hót trên cành vui mừng công anh, bộ đội giải phóng ơi!” (Tiếng đàn Ta lư - Huy Thục)…
Tiếng hát của những loài chim làm say đắm người nghe như chim sơn ca, họa mi, khướu, vàng anh, hoàng yến, hoàng oanh, chích chòe lửa... nhưng vẫn còn thua tiếng hát của cô gái Sông Ba đang ngồi vót chông: “Ai nhanh tay vót bằng tay em? Chim hót không hay bằng tiếng hát em! Mỗi mũi chông nhọn sắc căm thù. Xiên thây quân cướp nào vô đây...” (Cô gái vót chông - Lô Mô Y Choi, Hoàng Hiệp).
Có một loài chim hiền lành, thân thiện, dễ thương, là biểu tượng của hòa bình. Đó là bồ câu trắng.
Trong phong trào “Hát cho dân tôi nghe”, nhạc sĩ Trương Quốc Khánh đã từng Tự nguyện: “Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng. Nếu là hoa tôi sẽ làm một đóa hướng dương... Là chim tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm. Từ Nam ra ngoài Bắc báo tin nối liền...”. Bị giam trong chuồng cọp nhà tù Côn Đảo, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Kiệt vẫn giữ khí tiết, vẫn Tin tưởng ca rằng: “Rồi hòa bình sẽ đến cho dân tộc Việt. Đôi chim bồ câu trắng hẹn nhau về làng xưa...”. Hai nhạc sĩ Từ Huy và Thanh Tùng đề cao, ca ngợi những chiếc áo dài Việt trong Một thoáng quê hương: “Áo bay trên đường như mây xuống phố. Áo tung sân trường tựa cánh chim câu”.
Chẳng rõ có ai nghe con bìm bịp hoặc con quạ cất tiếng hót líu lo không? Chắc là chưa! Trong dân gian chỉ nghe: “Bìm bịp kêu nước lớn ai ơi! Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê”. Và bên Vàm Cỏ Đông vẫn nghe: “Gió nhớ thương ai mà lay bờ lá. Để bìm bịp kêu con nước lớn ròng” (Anh ở đầu sông em cuối sông - Hoài Vũ, Phan Huỳnh Điểu). Lư Nhất Vũ và Lê Giang vẫn nặng Tình đất Củ Chi khi lòng bồi hồi nghe tiếng: “Bìm bịp kêu con nước vơi đầy, nhắn ai về thăm mẹ. Đây chiến trường người từng chở che”. Mặc dầu các nhạc sĩ không nhắc tới, con quạ vẫn được dân gian cho chỗ đứng đàng hoàng trong Lý quạ kêu: “Quạ kêu nam đáo nữ phòng. Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương”.
Loài chim đa đa chỉ biết kêu mà không biết hót, cũng chẳng bay được xa. Vậy mà trong Tiếng hát chim đa đa của nhạc sĩ Võ Đông Điền thì con chim này biết hót và bay đi xa thoải mái: “Ầu ơ, có con chim đa đa nó đậu cành đa. Sao không lấy chồng gần mà đi lấy chồng xa. Có con chim đa đa hót lời nỉ non. Sao em nỡ lấy chồng từ khi tuổi còn son. Để con chim đa đa ngậm ngùi đành bay xa”.
Có một vài loài chim được miêu tả trong những ca khúc (dù xuất hiện có một lần), như chim sơn ca trong Chào anh Giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng (Hoàng Vân); chim hải âu trong Biển sáng (Phạm Trọng Cầu - Trịnh Công Sơn) và Biển một thời mộng mơ (Thế Bảo); chim chích trong Chiến sĩ vô danh (Trần Kiết Tường); cánh diều trong Sài Gòn chiều ngoại ô (Vũ Hoàng); chim hồng và chim chiều trong Câu hát bông sen (Thanh Trúc); chim ưng trong Ta là thế hệ thứ tư (Lư Nhất Vũ - Lê Giang); chim két trong Mùa chim trên Bảy Núi (Lư Nhất Vũ); Những cánh chim Hồng Gấm (Phạm Tuyên).
Bầu trời mà không có chim bay lượn thì trở nên trống vắng, khô khan, buồn tẻ. Chim mà không có bầu trời và rừng cây thì làm sao sống nổi. Còn nhạc sĩ mà không có chim thì chẳng biết gởi gắm tâm sự cùng ai? Cho nên nhạc sĩ và chim sẽ song hành mãi mãi trong bầu trời âm nhạc.♦
_____
(*) Trích Âm thanh cuộc đời (Hồi ký Đỗ Nhuận), NXB Âm nhạc, 2003.