HV159 - Cuộc đời hoạt động sôi nổi của Tiến sĩ - luật sư Phan Văn Trường

←Tiến sĩ - luật sư Phan Văn Trường

Phan Văn Trường sinh ngày 7 tháng 8 năm Bính Tý (25-9-1876) tại quê nhà. Thuở nhỏ, ông học chữ Hán, sau chuyển sang học chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Sau khi tốt nghiệp Trường Thông ngôn ở Hà Nội (khóa 1892 - 1894), ông làm việc tại văn phòng Phủ Thống sứ Bắc Kỳ.

Năm 1907, hưởng ứng Đông Kinh nghĩa thục, ông cùng hai anh (Phan Tuấn Phong và Phan Trọng Kiên) mở một phân hiệu tại xóm Ngõ Trung (làng Đông Ngạc). Thấy ảnh hưởng của Đông Kinh nghĩa thục ngày càng lớn, thực dân Pháp đóng cửa trường.


Luật sư Phan Văn Trường tại Tòa thượng thẩm Paris

Năm sau, nhân vụ chống sưu thuế của nhân dân các tỉnh Trung Kỳ (từ tháng 3 đến tháng 5-1908) và vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội (27-6- 1908), Pháp bắt những người từng hoạt động tích cực cho Đông Kinh nghĩa thục. Ba anh em họ Phan cũng bị bắt, nhưng không có lý do buộc tội, nên được trả tự do.

Cuối năm 1908, Phan Văn Trường xin sang Pháp làm trợ giảng môn tiếng Việt tại Trường Ngôn ngữ phương Đông ở Paris. Ông tranh thủ thời gian rảnh để theo học Trường Đại học Luật Paris.

Năm 1912, sau khi đỗ cử nhân Luật, ông ghi tên vào Đoàn luật sư Paris và hành nghề tại Tòa thượng thẩm Paris.

Để không bị phân biệt đối xử, ông nhập quốc tịch Pháp (18-3-1911) nhưng Tổng giám đốc Cơ quan an ninh Pháp nhận xét về ông: “Căn cứ vào các thư từ và tài liệu khám được tại nhà Phan Văn Trường thì không còn nghi ngờ gì nữa về các tình cảm chống Pháp của ông ta… Phan Văn Trường luôn bộc lộ những tư tưởng rất cấp tiến”(1). Nhà nghiên cứu Yevgeny Kobelev viết: “Trên bàn làm việc của ông [ở Paris] lúc nào cũng có thể thấy tác phẩm của các tác gia mác xít”(2). Hà Huy Giáp, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định Phan Văn Trường là “nhà mác xít đầu tiên của Việt Nam…đã sớm có công gieo hạt giống yêu nước theo xu hướng xã hội chủ nghĩa - cộng sản chủ nghĩa trong thanh niên, trí thức, học sinh chúng ta trong buổi đầu”(3).

Hồi ký Une histoire de conspirateurs annamites à Paris ou La vérité sur l’Indo-chine (Chuyện những người An Nam mưu loạn ở Paris hay Sự thật về Đông Dương) được ông viết xong ở Paris tháng 10-1923. Sau khi về nước, ông viết thêm đoạn cuối. Năm 2003, sách được Nhà xuất bản L’Insomniaque ở Montreuil (Pháp) tái bản.


Sách Une histoire de conspirateurs annamites à Paris ou La vérité sur l’Indo-chine tái bản năm 2003

Hội Việt kiều đầu tiên ở Pháp

Sau hai năm bị đày ra Côn Đảo, Phan Châu Trinh được ân xá. Ngày 1-4-1911 , ông cùng con trai sang Pháp.

Gặp nhau ở Paris, hai chí sĩ họ Phan bàn việc thành lập một hội đoàn nhằm tập hợp Việt kiều trên đất Pháp trong tinh thần đoàn kết thân ái, qua đó bồi dưỡng tình dân tộc, nghĩa đồng bào.

Ở Pháp, chiếu theo Luật về các hiệp hội (Loi sur les associations) ngày 1-7-1901, các hội đoàn được tự do thành lập, không phải xin phép, chỉ cần làm một số thủ tục đơn giản. Là người thông thạo pháp luật, Phan Văn Trường nhận làm công việc soạn thảo điều lệ, nội quy và chương trình hoạt động của hội. Hiểu rõ tâm địa của nhà cầm quyền Pháp, ông nói: “Nước Pháp có Luật ngày 1-7-1901 cho phép tự do lập hội. Nhưng chỉ có luật không thôi cũng chưa đủ, mà còn phải tính tới chính sách thuộc địa của chính phủ”(4).

Vì vậy, ông xác định rõ trong bản điều lệ ba mục đích của hội: 

“1. Tạo điều kiện cho những người nước ta đến học nơi xa được thường xuyên hội họp, gặp gỡ nhau, quan hệ thân mật và thông cảm với nhau;

2. Thăm hỏi và giúp đỡ lẫn nhau khi có ai gặp khó khăn hay bị ốm đau;

3. Bằng một sự phát triển dần dần, tập hợp nỗ lực của họ nhằm giúp họ tụ tập, trau dồi trong tất cả các ngành văn học và khoa học”.

Ông nhấn mạnh: “Hội tự cấm các cuộc thảo luận về chính trị và tôn giáo”.

Biết nhà cầm quyền Pháp cho người bí mật theo dõi, ông tuyên bố trước hội viên trong lễ ra mắt hội (18-1-1912): “Chúng ta minh bạch, không giấu diếm gì về những việc chúng ta làm như giúp đỡ lẫn nhau, học tập… nhưng vẫn có người tìm cách ngăn cản. Chúng ta chỉ việc không thèm quan tâm đến sự nghi ngờ vô lý đối với chúng ta và cứ thẳng tiến theo con đường đã vạch”.


Sách Luật sư Phan Văn Trường tái bản năm 2011

Ông đặt cho hội tên “Hội Đồng bào thân ái” nhằm nhấn mạnh tính chất tương thân tương trợ giữa những người Việt Nam xa xứ, nhưng giới thực dân liên tưởng tới việc những người tham gia phong trào chống sưu thuế ở Trung Kỳ năm 1908 gọi nhau là “đồng bào”. Gautier, Chủ tịch Ủy ban Paul Bert, nhận xét: “Cần chú ý hội lấy tên Đồng bào là khẩu hiệu của những người biểu tình năm 1908”. André Salles, thư ký của Ủy ban nói trên, nghi ngờ: “Hội Đồng bào năm 1912 có vẻ muốn nối tiếp truyền thống của Hội Đồng bào năm 1908 ở Trung Kỳ”.

Từ đó, mật thám được lệnh t h ư ờ n g xuyên theo dõi các hoạt động của hội, nhất là của hai vị sáng lập hội.


Phan Châu Trinh

Thủ đoạn đầu tiên của nhà cầm quyền Pháp là đơn phương chấm dứt hợp đồng làm trợ giảng của Phan Văn Trường tại Trường Ngôn ngữ phương Đông từ 1-1-1913.

Họ cũng quấy phá việc hành nghề luật sư của ông bằng cách tung tin: Phan Văn Trường là “người nguy hiểm”, khuyên mọi người đừng đi lại với ông. Nhiều người cầu an, sợ liên lụy, không dám nhờ ông cãi. Do đó, số thân chủ của ông giảm đi nhiều.

Ngày 3-8-1914, chiến tranh bùng nổ giữa Pháp và Đức. Phan Văn Trường (có quốc tịch Pháp) bị động viên và bị gửi tới Trung đoàn bộ binh số 102 ở Chartres (cách Paris gần 100km).

Lợi dụng lúc nước Pháp đang ở trong tình trạng chiến tranh, giới thực dân định mượn tay Tòa án quân sự để trừng trị hai chí sĩ họ Phan.

Ngày 22-8-1914, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa gửi công văn cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vu cáo Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh “trong hai năm qua đã kích động các học sinh đồng bào của hai ông thù ghét chính phủ Pháp và đưa họ vào một hội đoàn có mầm mống phản loạn”.

Chỉ vì lời tố cáo vu vơ đó, hai ông bị bắt. 

Ngày 12-9, Phan Văn Trường bị bắt ở Chartres; hôm sau bị giải lên Paris, giam ở nhà lao quân sự Cherche-midi.

Ngày 14-9, đến lượt Phan Châu Trinh bị tống giam vào nhà lao La Santé.

Trải qua bao lần thẩm vấn và điều tra, nhà cầm quyền Pháp vẫn không tìm ra chứng cớ buộc tội. Mãi đến ngày 28-6-1915, đại úy Caron, dự thẩm Hội đồng quân sự số 1 vùng Paris (người được phân công thụ lý hồ sơ vụ án hai ông) phải thừa nhận: “Cho đến nay, chúng ta chưa tìm thấy ở các bị can bất cứ hành động nào để chuẩn bị hay tham gia thực hiện một âm mưu nào”. Vì hai ông “đều bị giam giữ quá lâu và đáng được thả ra” nên Caron đề nghị miễn tố hai ông (17-7).

Chiến tranh kết thúc nhưng mãi đến tháng 4-1919, Phan Văn Trường mới được xuất ngũ. Ông về lại Paris, tiếp tục hành nghề luật sư. Tuy nhiên nhà cầm quyền vẫn cho mật thám theo dõi ông và tìm mọi cách quấy rối công việc làm ăn của ông.

Ông bảo vệ thành công luận án Lược khảo về bộ Luật Gia Long (Essai sur le Code Gia Long), trở thành một trong những Tiến sĩ Luật đầu tiên của nước ta. Luận án và cuốn Luật hình qua pháp chế cổ Trung Hoa - Nghiên cứu đối chiếu với bộ Luật Gia Long (Le droit pénal à travers l’ancienne législation chinoise - Étude comparée sur le Code Gia Long) được xuất bản ở Paris năm 1922. Luật sư Marius Moutet đánh giá đây là “một luận án đặc sắc về luật bản xứ”.

Nhóm những người Việt Nam yêu nước

Sau khi hai vị sáng lập bị bắt (tháng 9-1914), Hội Đồng bào thân ái như rắn mất đầu, hoạt động của hội hầu như tê liệt. Nhưng ngọn lửa yêu nước của Việt kiều trên đất Pháp vẫn âm ỉ cháy, chờ có người thổi bùng lên trở lại.

Người đó là Nguyễn Tất Thành (từ năm 1919 mang tên Nguyễn Ái Quốc, sau này là Hồ Chí Minh) từ Luân Đôn (Anh) sang Paris vào cuối năm 1917(5).

Trong những năm chiến tranh, Pháp bắt nhiều thanh niên Đông Dương (chủ yếu là Việt Nam) sang Pháp làm lính tập (đánh nhau với quân Đức) hay lính thợ (làm việc trong các nhà máy của quân đội Pháp). Vì vậy, số Việt kiều ở Pháp tăng lên khoảng 10 vạn người.

Do đó, Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc quyết định thành lập Nhóm những người Việt Nam yêu nước để tập hợp đồng bào lại.

Hay tin 27 nước sẽ tổ chức hội nghị quốc tế tại Versailles (cách Paris 14km), ba ông cùng nhau bàn bạc và soạn ba văn kiện có nội dung cơ bản giống nhau: Việt Nam yêu cầu ca (bằng chữ quốc ngữ), An Nam nhân dân thỉnh nguyện thư (bằng chữ Hán) và Revendications du peuple Annamite (bằng chữ Pháp). Vì hai chí sĩ họ Phan từng bị tù và đang bị mật thám theo dõi, nên hai ông ủy nhiệm Nguyễn Ái Quốc thay mặt Nhóm những người Việt Nam yêu nước ký tên dưới cả ba văn kiện nói trên.

Hai bản chữ quốc ngữ và chữ Hán được lưu hành trong giới Việt kiều, còn bản chữ Pháp được gửi tới phái đoàn các nước dự hội nghị Versailles ngày 18-6-1919, đồng thời được công bố trên các báo L’Humanité, Le Populaire… ở Pháp, La Tribune Indochinoise, Le Courrier de Saigon… ở Việt Nam, Nghị Xã báo (Yi Che Pao)… ở Trung Quốc, gây tiếng vang lớn trong công luận. Bản chữ Pháp còn được in thành truyền đơn, tán phát trong các cuộc hội họp ở Pháp và gửi về Việt Nam.


Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam bằng ba thứ chữ

Các quan chức Bộ thuộc địa Pháp thường gọi ông là “một tên cộng sản khét tiếng” (un communiste notoire)(6). Cho đến nay vẫn chưa tìm thấy tài liệu nào cho biết ông đã gia nhập Đảng Cộng sản Pháp như Nguyễn Ái Quốc. Tuy nhiên, qua những phát biểu và bài viết của ông, tư tưởng chính trị của ông rất gần với quan điểm cộng sản. Báo cáo ngày 21-2-1922 của Tổng giám đốc Cơ quan an ninh Pháp viết: “Nguyễn Ái Quốc và Phan Văn Trường luôn luôn hòa hợp với nhau”(7). Sát cánh với Nguyễn Ái Quốc, ông tích cực tham gia các hoạt động của Hội Liên hiệp thuộc địa và Ban Nghiên cứu thuộc địa (trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp), viết nhiều bài cho báo Le Paria của hội(8). Tại trụ sở hội, ông phát biểu: “Quyền tự do tự quyết chỉ có khi tất cả các dân tộc hiểu được sự cần thiết của chủ nghĩa cộng sản sẽ chấm dứt tình trạng người bóc lột người và đặt các chủng tộc lên một địa vị bình đẳng”(9). Ông tán thành quyết định của Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tours (1920) rời bỏ Đảng Xã hội Pháp để tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, vì theo ông, lúc đó chỉ có những người cộng sản mới có lập trường tích cực trong vấn đề giải phóng thuộc địa: “Đảng [Cộng sản] hoàn toàn tán thành việc thực hiện nguyên lý dân tộc tự quyết, mỗi dân tộc đều có quyền làm chủ vận mệnh của mình, cai trị lấy mình. Đảng tán thành hoàn toàn việc giải phóng tất cả các thuộc địa (…), còn Đảng Xã hội thì không công nhận nguyên tắc đó. Những người xã hội đồng tình với bọn tư bản rằng thuộc địa là đất đai cần thiết cho sự thịnh vượng của chính quốc, họ chỉ chủ trương thi hành một đường lối chính trị cải cách cho dân bản xứ”.


Nguyễn Ái Quốc

Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc và Phan Văn Trường lần lượt rời Pháp: Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Paris(10) ngày 13-6, qua Liên Xô, sau đó về Quảng Châu (Trung Quốc) sát với Việt Nam; sáu tháng sau, ngày 23-12, Phan Văn Trường đi công khai, về thẳng Sài Gòn. Tuy nhiên, hai ông đã bàn bạc với nhau về những chuyện sẽ làm sau đó.

Trước khi rời Pháp, hai ông quyết định lập lại Hội Đồng bào thân ái để “tất cả những người Đông Dương tại Pháp được gặp gỡ nhau, học hỏi về chính trị”.

Mười năm cuối đời

Phan Văn Trường về tới Sài Gòn ngày 21-1- 1924. Ngay sau đó, ông ra Hà Nội thăm bà con bạn bè sau 15 năm xa cách. Theo đề nghị của Hội Trí tri Bắc Kỳ, ông viết bài “Tiếng Việt” (bằng chữ Pháp) đăng trên tập san của hội(11).

Vào lại Sài Gòn ngày 6-2-1925, ông thuê nhà số 119 đường Mac Mahon (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), mở Văn phòng luật sư tham vấn nhằm giúp đồng bào dùng luật lệ để bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của mình. Báo Phụ nữ Tân văn cho biết: thân chủ của luật sư “ai muốn đưa bao nhiêu tiền thì đưa, ông không đòi hỏi gì hết”(12). Ông còn soạn cuốn Pháp luật lược luận (do Nhà in Xưa - Nay xuất bản năm 1926) để truyền bá những kiến thức cơ bản về pháp luật.

Ngày 17-3-1925, tại trụ sở Hội Khuyến học Nam Kỳ, ông diễn thuyết về “Việc giáo dục học vấn trong dân tộc An Nam”. Bài diễn thuyết dài 24 trang được Nhà in Xưa - Nay ấn hành thành sách.

Nhưng hoạt động sôi nổi nhất và thành công nhất của Phan Văn Trường trong những năm tháng ở Sài Gòn là trên lãnh vực báo chí.

Ngoài viết bài cho một số báo tiếng Việt (như Tân thế kỷ, Phụ nữ Tân văn…) hay tiếng Pháp (như L’Indochine…), ông làm chủ nhiệm báo La Cloche Fêlée (từ số 20, ngày 26-11-1925) và L’Annam (từ số 63, ngày 6-5-1926)(13). Nhà sử học Trần Văn Giàu nhận định: hai tờ báo này “làm danh dự cho làng báo Việt Nam; từ trước đến đó chưa hề thấy có báo đối lập với chính quyền thực dân Pháp mà dũng cảm như thế, với văn phong hấp dẫn như thế”(14). Hai tờ báo vạch trần chiêu bài “Pháp - Việt đề huề” của toàn quyền Varenne, lên án chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương là độc tài, chuyên chế, bóc lột và chủ trương ngu dân. Hai báo này còn đăng lại một số bài của các báo L’Humanité (của Đảng Cộng sản Pháp), Correspondance Internationale (của Quốc tế Cộng sản), Le Paria (của Hội Liên hiệp thuộc địa)… và đăng toàn văn Tuyên ngôn Cộng sản của Karl Marx và Friedrich Engels trong 8 số liên tiếp. Đặc biệt, từ số 118 (2-12-1926) đến số 158 (2-5-1927), báo L’Annam đăng 16 bài của “đặc phái viên của bổn báo” từ Quảng Châu (Trung Quốc) gửi về. Các nhà nghiên cứu tin rằng tác giả của 16 bài ấy không ai khác hơn là Nguyễn Ái Quốc (hoạt động tại Quảng Châu từ 11-11-1924 đến cuối tháng 5-1927).

Nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương nhớ lại những cảnh báo về Phan Văn Trường hồi nửa cuối năm 1923 nên quyết định ra tay đàn áp. Ngày 21-7-1927, cảnh sát ập vào nhà riêng của ông để lục soát. Chiều hôm sau, việc lục soát tái diễn ở tòa soạn báo L’Annam.

Ngày 10-10, Tòa tiểu hình Sài Gòn xử ông 2 năm tù về “tội xúi giục nhơn dân nổi loạn và xúi quân lính bất tuân mạng lệnh”(15). Ông chống án, nhưng ngày 27-3-1928, Tòa thượng thẩm Sài Gòn xử y án. Ông tiếp tục chống án lên Tòa phá án ở Paris. Một lần nữa, Tòa phá án Paris vẫn giữ nguyên án. Ông bị giam ở các nhà lao La Santé rồi Clairvaux bên Pháp.

Không bao lâu sau khi ông bị bắt, tờ L’Annam ra số cuối cùng (số 182, ngày 2-2-1928).

Từ nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc thông báo trước dư luận quốc tế tin Phan Văn Trường bị bắt và bị kết án, đồng thời tố cáo thực dân Pháp “tìm cách giấu diếm tội ác của chúng, bưng bít những tiếng thét căm hờn của người bản xứ và che đậy những cuộc khởi nghĩa bùng nổ không ngớt”(16).

Bạn bè của ông ở Pháp viết bài đăng báo và vận động với Quốc hội Pháp. Nhờ vậy, ông được trả tự do (tháng 3-1930). Trở về Sài Gòn (tháng 5-1930), ông tiếp tục công việc của một luật sư tham vấn. Tháng 7, ông phát biểu ý kiến của mình về vấn đề quốc văn trong mục “Ý kiến của đàn anh” trên báo Phụ nữ Tân văn (số 63, ngày 31-7-1930).

Vào dịp Tết Quý Dậu (1933), ông ra Hà Nội. Chẳng may, ông bị bệnh lỵ, phải ở lại Hà Nội để điều trị. Theo báo Phụ nữ Tân văn, trong những ngày ấy, ông “đã ráng nghĩ ra một cái chương trình làm việc rất mới, có bổ ích cho xã hội đồng bào, chỉ chờ khi hết bịnh trở vô Sài Gòn là bắt đầu thực hành”(17). Cho nên khi bệnh mới thuyên giảm, ông vội lên đường vào Sài Gòn, nhưng đến Đà Nẵng, bệnh tái phát, buộc ông phải trở ra Hà Nội. Bệnh ngày càng trầm trọng, ông qua đời ngày 21-4-1933 tại Hà Nội.

Phan Văn Trường ra đi ở tuổi 57, để lại niềm thương tiếc sâu xa trong lòng đồng bào.

Các chí sĩ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, các nhà báo Dương Bá Trạc, Đoàn Như Khuê… đều có câu đối viếng ông. Riêng Nguyễn An Ninh khóc nhà yêu nước đàn anh trong bài “Vài lời nhắc nhở”, ca ngợi “Phan Văn Trường là người rất đáng quý”(18).

Sau này, chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói với các cộng sự thân cận: những năm tháng ở Pháp, “các cụ Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh rất thương Bác và giúp đỡ Bác nhiều”(19). Riêng “Cụ Phan Văn Trường là thầy dạy tôi”(20) vì cụ “là người đầu tiên bồi dưỡng cho tôi về Pháp ngữ và về cách viết báo”(21). Sáng mồng một Tết Nhâm Dần (5-2-1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nghĩa trang tộc Phan tại xã Đông Ngạc để thắp hương và đứng mặc niệm hồi lâu trước mộ luật sư Phan Văn Trường.

Trung tâm Nghiên cứu Quốc học tổ chức việc dịch và xuất bản tác phẩm Une histoire de conspirateurs annamites à Paris ou La vérité sur l’Indo-chine chính là thắp nén tâm hương tưởng nhớ nhà trí thức yêu nước họ Phan mà cuộc đời và sự nghiệp được thể hiện trong câu đối trước phần mộ ông:

Bình sinh tối ái tự do đại tư tưởng hữu đại nghị luận,

Anh hùng vô nhị chủ thị tri xã hội bất tri gia đình.

平生最愛自由大思想有大議論

英雄無二主是知社會不知家廷♦


_____

(1) Đinh Xuân Lâm dịch, tạp chí Lịch sử Đảng số 6-1996, tr.74, 75.

(2) Yevgeny Kobelev, Đồng chí Hồ Chí Minh, NXB Thanh niên, Hà Nội, 1985.

(3) Hà Huy Giáp, Sự tiến hóa liên tục của Nguyễn An Ninh, một lãnh tụ cách mạng hùng biện, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1989, tr.9, 102.

(4) Trừ những chỗ có ghi chú, các trích dẫn trong đoạn này được rút ra từ hai quyển: Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới của Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh), NXB Đà Nẵng, 2001 và Luật sư Phan Văn Trường của Nguyễn Phan Quang và Phan Văn Hoàng, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1995 - NXB Thanh niên, Hà Nội tái bản 2011.

(5) Phan Văn Trường và Nguyễn Tất Thành đã gặp nhau tại Luân Đôn tháng 8-1913.

(6) Thu Trang Gaspard, Ho Chi Minh à Paris 1917 - 1923, NXB L’Harmattan, Paris, 1992, tr.75.

(7) Đinh Xuân Lâm dịch, tạp chí Lịch sử Đảng số 6-1996, tr.75.

(8) Nguyễn Ái Quốc là ủy viên thường trực Ban chấp hành Hội Liên hiệp thuộc địa, ủy viên Ban Nghiên cứu thuộc địa, một trong những sáng lập viên báo Le Paria.

(9) Sophia Quinn-Judge, Nguyen Ai Quoc, The Comintern, and the Vietnamese Communist Movement 1919 - 1941, NXB ProQuest, Ann Arbor, 2017.

(10) Phan Văn Trường là một trong số rất ít người được Nguyễn Ái Quốc thông báo quyết định đi Liên Xô.

(11) Bulletin de la Société d’Enseignement mutuel du Tonkin, tháng 2-1924.

(12) Báo Phụ nữ Tân văn, số 216, ngày 13-9-1933.

(13) La Cloche Fêlée do Nguyễn An Ninh sáng lập và làm chủ nhiệm, ra được 19 số (từ 10-12-1923 đến 14-7-1924) thì tự đình bản. Từ số 63, Phan Văn Trường đổi tên La Cloche Fêlée thành L’Annam.

(14) Ngô Hà (tức Trần Văn Giàu), “Lược sử báo chí thành phố”, trong Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1987, tập II, tr.348.

(15) Báo Phụ nữ Tân văn, số 48, ngày 17-4-1930.

(16) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Sự thật, Hà Nội, 1980, tập II, tr.54.

(17) Báo Phụ nữ Tân văn, số 217, ngày 21-9-1933.

(18) Báo Trung lập, số 6997, ngày 27-4-1933.

(19) Vũ Kỳ, Càng nhớ Bác Hồ, NXB Thanh niên, Hà Nội, 1999, tr.348.

(20), (21) Lê Thị Kinh, sđd, tập II, tr.89.

TS PHAN VĂN HOÀNG