HV159 - Nghịch lý đáng buồn!

Đó là nghịch lý khó hiểu mà ông Peter Nguyễn đã trăn trở trên kênh Vietnam Today. Ông không thể giải thích được vì sao trong gần nửa thế kỷ mà Việt Nam vẫn là nơi mà cựu chiến binh Việt Nam, những người chống cộng cực đoan, luôn sẵn sàng tuôn ra những lời bất nhã, nặng nề trong khi những cựu chiến binh Mỹ, ông từng sinh hoạt và làm việc với họ mấy mươi năm nay lại luôn luôn tỏ thái độ kính trọng và ngưỡng mộ khi nhắc đến hai chữ Việt Nam!

Peter Nguyễn tên khai sinh là Nguyễn Thế Phượng, sinh năm 1952, quê gốc ở Thái Bình và theo gia đình di cư vào Nam. Năm 20 tuổi, ông tham gia quân đội Việt Nam Cộng hòa và trải qua 1 năm đào tạo làm tình báo. Chính nhờ làm việc ở đây ông mới hiểu rõ sự thật của cuộc chiến phi nghĩa mà ông đang dấn thân vào, và cũng nhờ đó mà ông khỏi phải ra trận, không phải chĩa súng vào đồng bào mình. Ngày 29-4- 1975, ông cùng người anh là lính hải quân lên tàu ra đi và định cư tại Colorado, Hoa Kỳ. Tại đây, ông học chuyên ngành hóa học, và nhờ vậy ông mới hiểu rõ hơn về chất độc da cam/dioxin và cảm thấy vô cùng kinh khủng và đau lòng khi biết quân đội Mỹ đã rải trên đất nước mình hàng chục triệu gallon dioxin. Những di chứng mà dân tộc Việt Nam đã hứng chịu ông càng hiểu sâu sắc hơn và đã ám ảnh ông đến mức khi lập gia đình ông cứ lo sợ chính mình cũng là nạn nhân của nó.

Năm 1998, sau 23 năm ông mới trở về Việt Nam, dù trước đó nhiều năm ông đã từng muốn được trở về, bởi từ lúc mới đến Mỹ ông luôn luôn trăn trở “làm sao biết được những gì xảy ra ở Việt Nam sau chiến tranh”. Ông thường xuyên đến thư viện của trường để đọc tin tức ít ỏi về Việt Nam. Thời gian này cũng là lúc ông Phượng đọc nhiều sách về chiến tranh và hiểu rõ ràng nguyên do sự có mặt của Mỹ trên quê hương mình. Từ đó, ông thoát ra khỏi tâm lý của một người lính bại trận trên chiến trường Việt Nam, ngược lại, ông vui mừng vì Việt Nam không còn tiếng súng và đã thống nhất đất nước. Ông dự tính khi học xong sẽ về nước làm việc vì Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển ngành dầu mỏ.

Mong muốn về Việt Nam của ông Phượng trở thành hiện thực vào năm 1998, ba năm sau khi Việt - Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Đó là lần đầu sau 23 năm ông hít thở được mùi hơi đất xông lên sau một cơn mưa khi vừa bước ra khỏi máy bay, cái mùi quen thuộc chỉ có ở quê hương, mà không thể tìm thấy nơi nào trên đất Mỹ…

Ở Mỹ, ông tham gia tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình (Veterans for Peace - VFP) và là người Mỹ gốc Việt duy nhất ở tổ chức này. Ông hoạt động trong chi hội số 91 - Hugh Thompson Memorial, chi hội mang tên phi công Hugh Thompson, người đã ngăn cản lính Mỹ thảm sát dân thường ở Mỹ Lai. Chính ngưỡng mộ việc làm của Thompson mà từ năm 1980 ông đã làm đơn xin tham gia hội. Và càng ở lâu trong tổ chức nhiều năm, ông càng thấm thía điều nghịch lý này: Tại sao cựu chiến binh Việt Nam vẫn đeo mang mãi suốt gần nửa thế kỷ qua lòng thù hận không bao giờ dứt, và với tâm trạng của người lính bại trận chờ đợi cơ hội về phục quốc, tại sao Việt Nam, quê hương đất Tổ lại trở nên méo mó, lệch lạc trong mắt họ? Trong khi chính những người cựu chiến binh Mỹ, từng chiến đấu trên đất Việt Nam, những người đã từng chứng kiến đồng đội của họ chết trên chiến trường này lại không còn một chút hận thù nào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam. Mà ngược lại, họ luôn có thái độ thân thiện và đầy lòng ngưỡng mộ. Họ luôn là giềng mối để cho nền bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ gắn kết. Hơn ai hết, họ nhận biết những sai lầm của mình trong cuộc chiến ở Việt Nam và luôn thấy trách nhiệm của họ là phải hàn gắn vết thương chiến tranh… Tại sao ta là người Việt Nam lại phủ nhận dân tộc mình, từ bỏ quê hương mình vì cái mớ thù hận lạ đời?! Càng làm việc lâu trong Hội Cựu chiến binh Mỹ ông càng kính phục sự dũng cảm nhận sai lầm của họ. Họ từng chủ chiến 100%, nhưng bây giờ họ chủ hòa 100%. Họ yêu thương, kính trọng và yêu mến Việt Nam và bao giờ cũng mong muốn được bù đắp cho Việt Nam. Chính hai thái cực này đã làm cho ông càng suy nghĩ càng đau lòng, và điều ông cảm thấy xấu hổ hơn là trong khi nhóm người Việt chống cộng cực đoan ra sức công kích chủ trương của Nhà nước Việt Nam kêu gọi sự đóng góp của người Việt trong nước và ngoài nước để thành lập quỹ Vắc xin chống COVID-19 thì chính William Hubert, một cựu chiến binh Mỹ, đã tiên phong chung tay góp sức cho đất nước Việt Nam.

Năm 1999, ông Phượng đưa vợ và hai con về thăm Việt Nam. Ông mừng vì các con cũng gắn bó với quê hương, dù được sinh ra ở Mỹ. Từ đó đến nay, cứ cách một năm ông lại về Việt Nam một lần. Ông tham gia dự án rà phá bom mìn và khắc phục hậu quả chất độc da cam do VFP tổ chức.

Hai con của Peter Nguyễn dường như cũng được truyền tình yêu quê hương từ cha. Lớn lên giữa một cộng đồng phức tạp, tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhiều hơn ở gia đình nhưng hai con ông hiểu Việt Nam qua tình yêu quê hương của cha. Con gái lớn của ông, Nguyễn Thị Ánh Tâm, sau khi tốt nghiệp đại học đã lựa chọn về Việt Nam làm việc thiện nguyện trong 6 tháng cho một tổ chức phi chính phủ về phục hồi chức năng, dạy nghề, giúp tạo sinh kế cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Đà Nẵng…

Năm 2013, ông được đi thăm Trường Sa cùng Đoàn Việt kiều các nước do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức. 38 năm trước ông đã rời bỏ đất nước trên con tàu hải quân của Mỹ, thì giờ đây, trên con tàu hải quân của Việt Nam ông được đến thăm các đảo ở Trường Sa, và xúc động rơi nước mắt khi nhìn thấy tận mắt những chiến sĩ trẻ đã giữ đảo như thế nào… Và ông đã mang về Mỹ một chai nước biển Đông, một nhánh san hô và một nắm cát Trường Sa đặt lên bàn thờ nhà mình, để lúc nào cũng được nhìn thấy Tổ quốc và biển quê hương bên cạnh mình…♦

NGÔ NGỌC NGŨ LONG