HV159 - Thơ Tế Hanh

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tế Hanh, Hồn Việt xin mời độc giả đọc lại một vài bài thơ của ông. -MAI QUỐC LIÊN

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ TẾ HANH (1921 - 2021) -

←Nhà thơ Tế Hanh

Anh Tế Hanh thân yêu,

Đã trăm năm rồi ư? Chóng thế! Mới ngày nào anh em ta chuyện trò với nhau, rồi em dắt anh đi ăn phở, để anh có dịp ra phố. Lúc ấy bệnh mắt của anh đã nặng, anh đã yếu rồi. Biết bao tình cảm giữa chúng ta, trăm năm rồi nhớ lại biết bao xúc động. Anh đã ra đi. Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận… những người thân yêu nhất của anh cũng đã ra đi. Nhớ câu thơ của Chế Lan Viên: “Tôi vừa đến Nam Kinh/ Nhớ bạn ốm Nam Ninh/ Trời Trung Hoa rộng lớn/ Có nói hết mối tình…”. Hồi đó ở Nga (Liên Xô) in tuyển thơ Việt Nam, có Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên và anh năm người họ cho là đại diện của thơ Việt… Nay đã đi sạch rồi, vắng lặng, buồn quá…


                                                                                            Ảnh minh họa

Nhớ con sông

quê hương

Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng

Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng

Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi?

Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!

Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ

Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ

Sông của miền Nam nước Việt thân yêu

Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu

Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy

Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy

Bầy chim non bơi lội trên sông

Tôi giơ tay ôm nước vào lòng 

Sông mở nước ôm tôi vào dạ

Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả

Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông

Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng

Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến

Nhưng lòng tôi như mưa nguồn, gió biển

Vẫn trở về lưu luyến bên sông

Hình ảnh cô em đôi má ửng hồng...

Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc

Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc

Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng “miền Nam”

Tôi nhớ không nguôi ánh sáng màu vàng

Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc

Tôi nhớ cả những người không quen biết...

Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây

Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy

Hình ảnh con sông quê mát rượi

Lai láng chảy, lòng tôi như suối tưới

Quê hương ơi! lòng tôi cũng như sông

Tình Bắc Nam chung chảy một dòng

Không ghềnh thác nào ngăn cản được

Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước

Tôi sẽ về sông nước của quê hương

Tôi sẽ về sông nước của tình thương

                                                       6-1956

Chiêm bao

Chiêm bao bừng tỉnh giấc

Biết là em đã xa

Trên tường một tia sáng

Biết là đêm đã qua

Ban ngày công tác bận

Ban đêm dành nhớ em

Ban ngày ở miền Bắc

Ở miền Nam ban đêm

Dầu anh đâu, em đâu

Hai ta vẫn gần nhau

Giấc chiêm bao đêm trước

Soi sáng cả ngày sau

Bài thơ tình

ở Hàng Châu

Anh xa nước nên yêu thêm nước

Anh xa em càng nhớ thêm em

Trăng Tây Hồ vời vợi thâu đêm

Trời Hàng Châu bốn bề êm ái

Mùa thu đã đi qua còn gửi lại

Một ít vàng trong nắng trong cây

Một ít buồn trong gió trong mây

Một ít vui trên môi người thiếu nữ...

Anh đã đến những nơi lịch sử

Đường Tô Đông Pha làm phú

Đường Bạch Cư Dị đề thơ

Hồn người xưa vương vấn tự bao giờ

Còn thao thức trên cành đào ngọn liễu

Phong cảnh đẹp nhưng lòng anh thấy thiếu

Bức tranh kia anh muốn điểm thêm màu

Có hai ta cùng tựa bên cầu

Cho mặt nước Tây Hồ trong sáng nữa.

Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa

Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa

Làn nước qua ánh mắt ai đưa

Cơn gió đến bàn tay em vẫy

Chúng mình đã yêu nhau từ độ ấy

Có núi sông và có trăng sao

Có giận hờn và có chiêm bao

Cay đắng ngọt bùi cuộc đời kháng chiến

Nói sao hết em ơi bao kỷ niệm...

Những ngày buồn nghĩ đến thấy vui vui

Những ngày vui sao lại thấy ngùi ngùi

Anh không muốn hỏi nhiều quá khứ

Ngày đẹp nhất là ngày rồi gặp gỡ

Rời Tây Hồ trăng xuống Bắc Cao Phong

Chỉ mình anh với im lặng trong phòng

Anh ngước nhìn bức thêu trên vách:

Hai bóng người đi một hàng tùng bách

Bàn tay nào đã dệt nỗi lòng anh?

Tiếng mùa xuân đem sóng vỗ bên mình

Vơ vẩn tình chăn chập chờn mộng gối

Anh mơ thấy Hàng Châu thành Hà Nội

Nước Tây Hồ bỗng hóa nước Hồ Tây

Hai chúng mình cùng bước dưới hàng cây.

                                                        1956

Tế Hanh