Trong hành trang khi tôi ra đi du học cách đây đã hơn nửa thế kỷ, tôi nhớ thuộc lòng vài bài hát mà ở nhà tôi hay nghêu ngao: Lòng mẹ, Làng tôi, Bèo dạt mây trôi… Những bài nhạc tình bolero tôi không để ý mấy, thời ấy cho là “nhạc sến”, nghe thoáng ngoài tai rồi thôi, vậy mà nó cũng ăn sâu vào tiềm thức của tôi, té ra tôi cũng thuộc nằm lòng nhiều bản nhạc sến vì bị nghe mãi qua đài phát thanh.
Ba bản nhạc ấy tôi thu thanh lần đầu tiên vào đầu năm 1984 với nghệ danh Mai Thi, cùng sự hợp tác của nhạc sĩ Phan Trat Quan, người soạn hòa âm và đệm đàn ghi ta theo phong cách châu Âu cho tôi hát. Bài hát Làng tôi đặc biệt được hòa âm vào năm 1983 với một sự thôi thúc của tiếng kèn tiến quân, nhắc nhở lại khung cảnh chiến tranh của cuộc chiến chống thực dân Pháp và tiếng bass thật trầm làm nền cho khung cảnh súng đạn của chiến trường.
.jpg)
Sau đó, chỉ được vài năm thì con đường ca hát của tôi tắt ngủm vì nhạc của tôi quá chọn lọc, quá Jazz, quá kén người nghe, không đi vào thị hiếu của người Việt ở Pháp và hải ngoại khi ấy, thính giả cho là lạ tai, không chuộng. Tôi bỏ hát, tập trung vào việc học cho ra trường… bằng tiếng Đức. Mặc dù hoàn toàn không nói tiếng Việt trong gia đình mà nói tiếng Pháp với chồng con, khi đi làm lại sử dụng hoàn toàn tiếng Đức, cũng như ít tiếp xúc với bạn bè người Việt, nhưng nhờ vào việc hát và đọc tiếng Việt, trải qua bao thời gian năm tháng tôi vẫn giữ được tiếng Việt một cách lưu loát.
Thời gian qua đi… Bây giờ nhờ có mạng Internet, tôi mới biết được là bài hát nằm lòng của tôi ngày xưa, bản nhạc Làng tôi của nhạc sĩ Chung Quân, được sáng tác năm 1952, năm sinh của tôi. Bản nhạc này đã chiến thắng cuộc thi sáng tác với đề tài nói về quê hương và con người Việt Nam của một… gánh hát cải lương xuất thân từ miền Bắc: Kim Chung, của ông bầu Long (Trần Viết Long, nghệ danh Trần Lang).
Chung Quân khi ấy mới 16 tuổi, còn là vô danh, tên thật là Nguyễn Đức Tiến, sinh năm 1936 tại Hà Nội. Bài hát được dùng làm một trong những bản nhạc nền của phim Kiếp hoa, phim điện ảnh tiếng Việt đầu tiên có lồng tiếng. Những bản nhạc khác trong phim đều trở thành những nhạc phẩm nổi tiếng trong nền âm nhạc Việt Nam mang phong cách lãng mạn cổ điển trước chiến tranh chống Pháp: Dư âm của Nguyễn Văn Tý, Nhạc đường xa của Phạm Duy Nhượng, Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong và Cây đàn bỏ quên của Phạm Duy. Đạo diễn của phim là ông Doãn Hải Thanh, vai chính do các nghệ sĩ cải lương Kim Chung, Kim Xuân, Trần Quang Tứ, Ngọc Toàn, Tuấn Sửu đảm nhiệm, ngoại cảnh được quay tại Hà Nội đầu thập niên 1950. Phim Kiếp hoa được trình chiếu lần đầu tiên tại rạp Đại Nam (Hà Nội) từ năm 1954.
Báo Tuổi trẻ ngày 25-5-2018 viết lại:
“Ngày phim ra rạp Đại Nam và Bắc Đô, khán giả Hà Nội ùn ùn kéo đến. Đến khi vào Sài Gòn chiếu tại hai rạp Nam Quang, Nam Việt, trẻ con đi ‘phe vé’ nườm nượp. Bộ phim này đã mở đầu cho ‘nghề’ phe vé ở Việt Nam.
Nhưng trận đánh tại Điện Biên Phủ nổ ra năm 1954 khiến ông bầu Kim Chung không thể mạo hiểm làm phim kế tiếp. Sau khi Việt Nam ký hiệp định Genève, vợ chồng ông đã quyết định chuyển một nửa đoàn cải lương Kim Chung vào Sài Gòn. Một nửa đoàn Kim Chung ở lại Hà Nội, do vợ chồng người em là Tiêu Lang và Kim Xuân quán xuyến.
Tất cả đều hy vọng hai năm sau hai đoàn Kim Chung sẽ tái hợp. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Vợ chồng ông bầu Trần Viết Long - Kim Chung quyết định di cư sang Pháp.
Ông bà để lại cho vợ chồng người em Tiêu Lang - Kim Xuân và đoàn Kim Chung một nửa gia sản. Ngay cả bộ phim Kiếp hoa cũng được chia đôi, vợ chồng Trần Viết Long - Kim Chung giữ một bản, vợ chồng Tiêu Lang - Kim Xuân giữ một bản. Ngày lên đường sang Pháp, ông bà Trần Viết Long - Kim Chung đã không thể mang theo bộ phim Kiếp hoa (với 11 hộp phim tất cả).
Vợ chồng Tiêu Lang - Kim Xuân ở lại Hà Nội được anh chị giao cho một bản Kiếp hoa. Sau này ông Tiêu Lang đã quyết định tiếp tục khai thác Kiếp hoa bằng cách đưa cho một người chuyên buôn bán phim đưa đi các rạp chiếu. Nhưng vì dính đến chính trị, người đàn ông này bị khám nhà và bị tịch thu bộ sưu tập phim, trong đó có Kiếp hoa.
Ông Tiêu Lang cho biết: ‘Đó vừa là rủi ro với cá nhân tôi, nhưng lại là điều may cho bộ phim. Vì thời đó không có điều kiện, tôi có giữ bộ phim cũng sẽ hỏng. Sau khi tịch thu phim, công an đã gửi phim về Viện Tư liệu phim, ở đây người ta đã lưu giữ rất cẩn thận. Năm 1981, anh chị tôi ở Pháp về chơi, Viện Tư liệu phim đã mời anh chị tôi và vợ chồng tôi lên xem cuốn phim đó’, ông Tiêu Lang bồi hồi nhớ lại”.
Diễn viên điện ảnh Như Quỳnh trong phim Đến hẹn lại lên là con gái của cặp Kim Xuân - Tiêu Lang. Nhạc sĩ Chung Quân sau đó sáng tác thêm nữa, nhưng chỉ có bản nhạc Làng tôi của ông là sống mãi với thời gian.♦
.jpg)
.jpg)