HV159 - Văn hóa làng xã qua cuốn sách Làng tôi - Mọc Chính Kinh

←Bìa sách Làng tôi - Mọc Chính Kinh

Thông thường khi viết về lịch sử văn hóa địa danh một làng, người ta thường đề cập tới tên đất, tên làng, ở cuốn Làng tôi - Mọc Chính Kinh của tác giả Hoàng Văn đã khảo sát rất kỹ về nguồn cội tên các làng xóm, từ thuở còn gọi là kẻ. Kẻ gốc từ Nôm không chỉ ở các làng xã Bắc Bộ mà kéo dài tới Bắc miền Trung. Tên làng Mọc Chính Kinh, thuộc vùng kẻ Mọc, ngoại ô Thăng Long. Nay có phố Chính Kinh, phố Cự Lộc thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tôi nghĩ rằng, cư dân hai phường ấy sẽ rất thú vị khi tiếp nhận được gốc tích, đất đai và con người từ xưa mà nay mình đang sinh sống.

Trải bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, ngôi làng này cũng biến đổi theo, nhưng làng không bao giờ mất cho dù có lúc nước mất. Nghĩa là giặc thù có thể chiếm được đất nước nhưng văn hóa, phong tục, dòng họ vẫn phát triển. Dĩ nhiên khi mất nước người ở làng cũng không thoát được thân phận dân nô lệ.

Làng xã vùng đất kinh kỳ lưu giữ được nhiều phong tục, tập quán, tạo cho con người sự lịch lãm đáng trân trọng. Ở làng Mọc Chính Kinh còn lưu giữ, truyền từ đời này sang đời khác nguồn văn hóa truyền thống trong các dòng họ lớn tạo cho vùng quê này được mang danh là “địa linh, nhân kiệt”. Khác với rất nhiều làng xã thời phong kiến thường diễn ra sự xung đột, khi công khai, lúc ngấm ngầm. Làng Mọc Chính Kinh hoàn toàn không có sự phân biệt họ này với họ khác mà họ đã tạo nên một cộng đồng bền vững qua chiều dài lịch sử.

Hoàng Văn đã ghi chép rất kỹ những chuyển biến của làng. Nói có sách, tác giả dẫn chứng rất cụ thể nguồn tư liệu, đáng quý nhất là những bản đồ cổ, văn bản chữ Nôm, chữ Hán được lưu giữ trong gia phả, qua các văn bản có tính chất điền bạ. Giải nghĩa được từ cổ sẽ hiểu được sự phát triển của làng qua các thời kỳ. Cuốn sách này có nhiều tư liệu quý như: cổng làng, đình, chùa. Riêng về cổng nhà các cụ: Tuần Sơn, Tư Me, Phán Đông… cũng là nguồn tư liệu cổ cho ta khảo sát về văn hóa cổng nhà, cổng làng.

Cuốn dư địa chí này còn ghi chép đầy đủ các dòng họ, các chi họ và từng gia đình. Họ đông nhất là họ Nguyễn: Nguyễn Đình, Nguyễn Hữu, Nguyễn Đôn; họ Hoàng có Hoàng Dư, Hoàng Văn; họ Trần, họ Vũ… Chính các dòng họ tồn tại qua các thời kỳ là nhờ có cộng đồng làng xã. Ở đây có sự duy trì, phát triển đạo đức gia phong. Thời trước, người trong các dòng họ làm gì cũng nghĩ tới danh dự họ mình.

Đây chính là cuốn gia phả có giá trị của họ tộc ở làng Mọc Chính Kinh. Văn hóa làng xã được Hoàng Văn đề cập qua ngôi đình làng. Thời xưa, đình làng chính là nơi tập hợp dân làng sinh hoạt, tế lễ. Các ngôi đình xưa ở Việt Nam đều có văn bản, mộc bản chữ Hán - Nôm. Tiếc rằng, qua thời kỳ gọi là tẩy sạch ảnh hưởng chế độ phong kiến, nhiều nơi triệt phá cả đình, chùa. Điều đó phần nào làm mất đi vẻ đẹp tôn nghiêm của làng xã Việt Nam. Khi ta hiểu được là sai lầm thì đã muộn. Bây giờ, chúng ta đang xây dựng Nhà văn hóa thôn, xã cũng là sự tiếp thu, nâng cấp Văn hóa đình làng.

Ở làng Mọc Chính Kinh còn lưu giữ được dáng hình cũ của ngôi đình. Hoàng Văn cho ta biết thêm về nguồn cội, chức năng, cách chọn đất, chọn hướng để dựng đình, chùa và cả việc kỵ húy. Chính việc kỵ húy tên mẹ vua, tên vua mà làng Mọc Chính Kinh của tác giả đã đổi tên mấy lần…

Hoàng Văn là nhà báo, sự nghiệp báo chí của ông được ghi nhận. Ông là người đam mê văn hóa làng xã. Cuốn sách trên, được ông hoàn thành đã lâu… Từ khi viết cuốn: Gia đình & những người trong tôi (2014) đến cuốn sách viết về Làng tôi - Mọc Chính Kinh (2016), gồm bốn tập rất đồ sộ.

Công trình này ra mắt bạn đọc vào tháng 11 năm 2020, do NXB Văn học xuất bản, là một trong các cuốn sách nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, thông qua các địa danh lịch sử, thôn làng…, một biểu hiện quý, tôn trọng nét văn hóa Việt, khi nghĩ về cội nguồn, gia tộc.♦


Làng Cự Lộc, Chính Kinh, Hà Nội

NGUYỄN QUỐC TRUNG