Về Thiếu tướng Võ Bẩm, người chỉ huy mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh để đưa lực lượng miền Bắc vào trợ giúp miền Nam chống Mỹ, thống nhất đất nước đã được nhiều sách báo trong và ngoài nước nhắc đến cùng với lịch sử đường Trường Sơn huyền thoại. Trong tư liệu viết về ông, đáng chú ý nhất là tập hồi ký Những nẻo đường kháng chiến. Lúc sinh thời ông có lẽ đã thấy trách nhiệm phải ghi lại quá trình hoạt động của bản thân và đồng đội để con cháu biết; nên mặc dù bị tai biến mạch máu não liệt nửa người ông vẫn cố gắng kể cho người cháu họ ghi lại những gì ông nhớ. Người cháu đó là anh Tô Ấn Quyết, con trai người bạn tù và anh em cột chèo với ông là ông Tô Đình Biểu. Năm 1954, dì dượng tôi chỉ gởi một mình anh Quyết (lúc đó 11 tuổi) đi tập kết còn họ ở lại hoạt động và đều đã mất trong thời gian chiến tranh. Trên cơ sở tập tư liệu anh Quyết ghi được, nhà văn Duy Tường đã đối chiếu với các tư liệu lịch sử khác, chuyển thành tập hồi ký của ông. Rất nhiều tư liệu quý giá về đời sống và cuộc đấu tranh giành độc lập, kháng chiến chống Pháp, mở đường Trường Sơn chống Mỹ đã được ghi lại trong tập hồi ký này. Chúng tôi rất biết ơn ông về việc đó.

Thiếu tướng Võ Bẩm
(1915 - 2008)
Vào dịp kỷ niệm 100 năm năm sinh của ông, đồng thời cũng là 100 năm năm mất của ông nội chúng tôi (một chỉ huy quân khởi nghĩa Duy Tân ở Quảng Ngãi năm 1916), tôi đã tập hợp thêm tư liệu về ông bà cha mẹ và xuất bản tập sách Ký ức về gia đình Thiếu tướng Võ Bẩm. Đây là tập tài liệu về ông bà nội ngoại, những bức thư của ba mẹ gởi cho chúng tôi, trích đoạn hồi ký những người cùng công tác với ba tôi và cả những kỷ niệm đáng nhớ của chúng tôi về ba mẹ.
Từ nhỏ, ba tôi là thần tượng của chúng tôi
Mọi người ai cũng có cha mẹ, ai cũng nhớ ơn cha mẹ và có thể tự hào về cha mẹ, nhưng với tôi, ba tôi còn là thần tượng của cuộc đời mình. Tôi trở thành “fan” của ông bởi những gì tôi biết và những gì mọi người kể về ông.
Ông không phải nghệ sĩ tài ba hay danh thủ bóng đá kiệt xuất, nhưng ông là một tráng sĩ oai hùng. Ở tuổi thanh niên ông cao 1,69m và nặng khoảng 70kg. Ông có khuôn mặt chữ điền, mày rậm, mắt sáng, râu quai nón, người vạm vỡ cân đối trong bộ quân phục Vệ quốc đoàn oai vệ. Ở thế hệ ông nam giới trung bình chỉ cao 1,60m và chỉ nặng 50kg. Bộ đội chỉ cao hơn 1,55m là được tuyển rồi.
Ba tôi cao to và mạnh mẽ. Ông kể chuyện khi đi làm rể (tức là trước khi cưới chàng rể phải về làm cho nhà gái mấy ngày), bị các cô bên nhà gái thách ông đã ăn hết cả một mâm cơm thợ gặt. Nhưng ông cũng khiêm tốn: “Tao vẫn không bằng ông Cả Đong, ổng ăn hết một vành nong chè luôn!”. Ở quê tôi người ta dùng nong (giống cái nia, có đường kính cỡ một sải tay) để phơi thóc lúa, khoai sắn, đậu, bắp v.v... Ăn hết số bát chè nếp ngọt lừ xếp giáp vòng một vành nong thật là kinh khủng. Người ta đồn rằng ở cái xứ “chó ăn đá, gà ăn muối”, do ăn toàn khoai, bắp mà ruột người xứ Quảng dài hơn nơi khác cả thước nên ăn rất khỏe (!?). Các cụ cùng thế hệ ông cũng thường kể với tôi rằng ông đã từng nắm sừng, vít cổ con trâu đực để người ta thiến. Khi đọc câu “Tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu” tôi thường nhớ tới chuyện này.
Chính tôi cũng đã từng thử sức với ông. Một hôm thấy tôi tập tạ đôi ở hiên nhà, ông đứng nhìn rồi vừa mỉm cười vừa bảo: “Mày có giỏi thử bẻ gập cánh tay tao xem sao!”. Nói rồi ông duỗi thẳng cánh tay trước mặt tôi. Tôi đặt ngửa cánh tay ông lên vai rồi đưa hai tay đặt lên khuỷu tay ông và lấy hết sức kéo xuống, cố sức mấy lần cánh tay ông vẫn thẳng đơ. “Rồi! đến lượt tao, mày duỗi thẳng tay ra đi!”. Tôi nắm chặt bàn tay, gồng mình duỗi thẳng cánh tay về phía ông. Ông chỉ dùng bàn tay phải to lớn của mình nắm bàn tay đang nắm chặt của tôi rồi vừa bóp vừa gập cánh tay tôi lại. “Thanh niên gì mà yếu nhớt, thôi ráng tập nữa đi!”.
Không những mạnh như lực sĩ ông còn có võ nữa. Trong hồi ký ông kể hồi nhỏ ông không được đến trường, mãi đến khi làm Phân khu trưởng Phân khu 15 Tây Nguyên (1949) mới được “cắp sách đi học” để được chứng nhận hết lớp 3. Sau đó, khi ở Đoàn 559 mới được giáo viên văn hóa của đơn vị “dạy kèm” đến lớp 6 (học vấn thấp là một điểm yếu quan trọng của ông). Đọc hồi ký mọi người dễ lầm là do gia đình nghèo khó nên thất học; sự thực ông thất học không phải vì gia đình nghèo khó, mà là từ nhỏ ông không chịu đi học chữ của Tây. Ông chỉ muốn học võ để đánh Tây. Chiều con, bà nội tôi đã mời thầy về dạy võ, nhưng thầy sức yếu bị ông đánh ngã khi tập nên không dạy ông nữa. Ông đã lén lấy tiền của mẹ trốn vào Bình Định học võ. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ nghe ông kể đã đánh thằng Tây nào, kể cả thời gian tù đày, mà chỉ nghe kể phải gồng mình chịu đòn của chúng. Tuy vậy, ông đã kể có ông anh con bà cô (tôi gọi ông đó bằng bác) làm mật thám cho Pháp; một hôm gặp ông trên đường đi cày, ông đặt cày xuống hỏi tội, nói qua nói lại sao đó rồi bị ông đánh một bạt tai. Không biết có phải do quá sợ hãi mà ông anh này sinh bệnh rồi chết, để bà cô cứ hận ông hoài.
Tôi thường nhớ hình ảnh ba tôi mặc quân phục đi ngựa. Tôi vẫn còn nhớ tên các con ngựa lần lượt được nuôi ở nhà là con Tía, con Hồng, con Bạch. Ông đã cho tôi ngồi trước bụng và đưa tôi về thăm bà ngoại trên lưng con ngựa Bạch, lúc đó tôi đã 5 tuổi nên còn nhớ hình ảnh rừng cây mắm và dừa nước bên Bờ Đắp với dòng sông Kinh lấp loáng trong nắng sớm khi chúng tôi đi qua.
Gia đình là căn cứ địa của ba tôi
Nhìn lại cuộc đời hoạt động của ba, tôi thấy có vẻ như giữa công và tư không thật rạch ròi (nhưng không phải theo kiểu nhập nhèm “dĩ tư vi thượng” của những kẻ trục lợi chui vào Đảng hiện nay). Ngày xưa đi làm cách mạng không chỉ là cá nhân tự nguyện dấn thân “Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa” (Tố Hữu), mà cả gia đình và tài sản cũng phải chịu hy sinh.
Đọc Những nẻo đường kháng chiến, tôi mới biết tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam ở Quảng Ngãi đã “chết đi sống lại” nhiều lần. Tỉnh bộ Hội Thanh niên cách mạng Việt Nam (Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội) với các chi bộ “dự bị Cộng sản” do Trương Quang Trọng làm Bí thư Tỉnh bộ bị xóa sổ tháng 10-1929; Bí thư Tỉnh bộ và nhiều cán bộ nòng cốt bị bắt và bị tù. Trong tù, Bí thư Trương Quang Trọng và nhiều người không chịu được chế độ tù ngục đã bỏ mạng, trong đó có anh ruột ba tôi là bác Võ Khoa. Đến tháng 3-1930 một số thành viên còn lại của hội đã thành lập chi bộ chính thức đầu tiên và Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Quảng Ngãi. Tỉnh ủy đầu tiên đã làm nên phong trào cách mạng (1930 - 1931). Nhưng rồi Tỉnh ủy này cũng bị xóa sổ, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nghiêm bị tử hình, các tổ chức đảng và tổ chức quần chúng bị giải tán. Đến đầu năm 1934 những người cộng sản trung kiên mới móc nối lập lại Tỉnh ủy lâm thời do Phạm Xuân Hòa làm Bí thư, nhưng đến tháng 5-1935 Bí thư và hầu hết Tỉnh ủy viên đã bị bắt trong vụ án “Tái tổ cộng sản”, trong đó ba tôi bị tòa án Nam Triều kết án 12 năm khổ sai và tịch thu toàn bộ gia sản. Từ đây đến Cách mạng tháng Tám, Tỉnh ủy Quảng Ngãi còn bốn lần bị xóa sổ rồi “tái tổ” nữa (vào các năm 1936, 1940, 1943, 1944). Lần cuối là tháng 12-1944, Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Trương Quang Giao làm Bí thư, đã lãnh đạo Khởi nghĩa Ba Tơ và Cách mạng tháng Tám thành công. Trước Cách mạng tháng Tám những người dấn thân hoạt động cách mạng đều sống dựa vào gia đình, ăn cơm nhà làm việc nước.
Trước khởi nghĩa đã vậy, sau khởi nghĩa khi ba tôi nhập ngũ và được điều vào Nam Trung Bộ, ông đưa cả ngựa và anh Hai Y - người chăn ngựa đi cùng. Thời kỳ ấy có lẽ ngựa là phương tiện đi lại như xe cá nhân bây giờ. Tuy nhiên muốn đi ngựa phải nuôi ngựa và có người chăn dắt, cắt cỏ. Một thời gian sau anh Hai Y bị sốt rét, da vàng bủng phải giải ngũ về quê. Thời chống Mỹ, anh và gia đình bám trụ cùng bà con hàng xóm giữ vững khu căn cứ kháng chiến của địa phương. Trong một lần tôi về thăm trước khi anh mất ít lâu, anh mới nói với tôi rằng anh không được chế độ đãi ngộ gì. Tôi thấy có lỗi với anh, vì không sớm biết và giúp anh làm giấy chứng nhận về mấy năm ở bộ đội thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp. Nhưng tôi không biết anh có được nhập ngũ chính thức hay vẫn chỉ ở vai trò người chăn ngựa cho ba tôi và cũng không hiểu tại sao ba tôi không chứng nhận được gì cho anh. Ở quê tôi, nhiều du kích sau hàng chục năm chiến đấu anh dũng cũng không được hưởng chế độ gì, ngoại trừ thẻ thương binh và sổ bảo hiểm y tế.
Ông bà nội tôi thuộc loại khá giả, ruộng vườn vài chục mẫu, nhưng qua hai án tù của ba và bác tôi và mấy lần thuốc thang cho hai ông mà trở nên suy kiệt. Ba tôi mạnh nhưng không khỏe, mỗi lần lâm bệnh nặng lại rút về “căn cứ địa” gia đình. Lần thứ nhất là vào cuối năm 1939, ở nhà đày Buôn Ma Thuột ông bị đau đầu và lưng do chấn thương, bị sưng lá lách do sốt rét phải nhờ gia đình lo lót để được tha trước hạn tù và mời bác sĩ từ Quảng Nam vào trị bệnh. Lần đau bệnh “thập tử nhất sinh” thứ hai là khi đang bị đày ở căng an trí Ba Tơ, ông bị bệnh thương hàn rất nặng phải xin đồn an trí và sở mật thám cho về nhà; trong hồi ký của ông có viết “mẹ và vợ tôi lại phải bán đi một ít ruộng, lấy tiền lo lót cho xong việc”. Lần thứ ba là cuối năm 1947, khi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 79 ở Phú Yên, ông bị sốt rét nặng, sưng lá lách. Con ngựa ông mang từ nhà lúc nhập ngũ được anh Thụy (chiến sĩ cần vụ) dắt bộ đưa ông đêm đi ngày nghỉ suốt một tuần từ Củng Sơn ra Bồng Sơn rồi lên tàu lửa về Quảng Ngãi. Lần đó ông được nghỉ dưỡng bệnh ở nhà, nhờ mẹ và vợ chăm sóc 3 tháng.
Gia đình không chỉ là “cơ sở chữa bệnh”, trong quá trình hoạt động ba tôi còn có hai lần lấy nhà riêng làm căn cứ xuất phát cho những nhiệm vụ trọng đại.
Lần thứ nhất là tháng 5-1950, khi được giao nhiệm vụ mở đường vượt biển qua Hải Nam - Trung Quốc xin viện trợ, Ông đã lấy nhà mình ở Tịnh Khê - Quảng Ngãi làm địa điểm chỉ huy, huấn luyện và chuẩn bị cho chuyến đi. Sau mấy tháng chuẩn bị (đóng thuyền, tuyển người, học tiếng Trung...) đầu tháng 8-1950 đoàn công tác lên đường vượt biển bằng thuyền nhỏ 5 tấn. Lần đó đi sáu thuyền, có ba thuyền bị địch chặn bắt, ba thuyền vượt được đến Hải Nam. Lúc này tôi đã 7 tuổi, nên đến nay vẫn còn nhớ tên mấy chú bộ đội trong đoàn thường hay chơi với tôi khi đó như chú Đẩu, chú Đạt; nhưng tôi chưa đủ khôn để hiểu nỗi niềm của ba tôi, khi phải xa người mẹ đang đau yếu và người vợ đang mang bầu cùng 4 đứa con nheo nhóc.
Lần thứ hai là vào năm 1959, khi nhận nhiệm vụ mở đường “Vận tải quân sự đặc biệt”, ông cũng lấy nhà riêng ở 25 Phan Đình Phùng - Hà Nội làm điểm tập hợp lực lượng, khoảng chục người tổ chức ăn ngủ và làm việc ngay trong nhà. Thời gian này tôi học ở Trường Học sinh miền Nam số 27, nghỉ hè được về ở nhà. Tôi nhớ những cán bộ đầu tiên của Đoàn 559 lúc đó và thường gần gũi nói chuyện với chú Hào (anh nuôi), chú Lệ (cần vụ). Tôi đã gặp nhiều người đến nói là muốn gặp ba tôi để xin trở về Nam. Tôi còn đọc trộm thư của nhiều người gởi cho ba tôi mà xem xong ông để trong ngăn kéo bàn làm việc ở nhà. Tất cả đều với tâm huyết được về chiến đấu giải phóng quê hương.
Ba là thầy của chúng tôi
Ba tôi là một trí thức đa nghệ có “bằng” lớp 6 bổ túc văn hóa. Hồi nhỏ tôi vẫn khoe mẽ với lũ bạn: “Chẳng bố thằng nào bằng bố tao!” rồi kể ra nào là ông ấy có võ, giỏi nấu ăn, nào là biết tiêm thuốc, hớt tóc, lái xe, biết cưỡi ngựa và bắn súng… Hồi đó tôi không biết ông học đến lớp mấy, chỉ nghĩ ông là người có học bởi những điều ông dạy bảo và phong cách tử tế của ông. Tính ông quyết đoán nhưng tôi chưa bao giờ nghe ông nói tục chửi thề. Ông sống chân tình, vui vẻ được mọi người xung quanh quý mến nể phục. Tôi nhớ khi còn ở Hà Nội, có một chú đến thăm ba tôi, lúc về tự nhiên chú ấy nói nhỏ vào tai tôi: “…Người như ba cháu, làm đầy tớ cho ổng cũng sướng”.
Lớn lên càng về sau càng thấy ba tôi thực sự là một trí thức mà kiến thức có được chủ yếu là nhờ luôn luôn học hỏi. Ông chưa bao giờ tự coi mình là trí thức. Trong lý lịch ông khai trình độ văn hóa lớp 6. Khi coi ông là một trí thức tôi phải tra từ điển về từ “trí thức”. Trong Wikipedia (Bách khoa toàn thư mở) có định nghĩa: “Trí thức là người có kiến thức sâu xa về một hay nhiều lĩnh vực hơn sự hiểu biết của mặt bằng chung của xã hội vào từng thời kỳ”. Như vậy không phải có bằng cấp (ví dụ có bằng đại học trở lên) mới gọi là trí thức, mà chỉ cần có hiểu biết uyên thâm hơn người và có văn hóa thể hiện sự hiểu biết đó. Kiến thức chủ yếu của ba tôi là về xã hội, về đấu tranh cách mạng. Ông học ở đâu? Về đạo đức lễ nghĩa và cách ứng xử tử tế ở đời có lẽ do bà nội tôi dạy bảo, vì bà xuất thân từ gia đình gia giáo. Còn kiến thức cách mạng là từ phong trào, từ tù ngục và hai năm học chính trị ở Trung Quốc. Về quân sự ông cũng không được học qua trường sĩ quan nào, chỉ được học qua bạn tù trong thời gian ở Nhà đày Buôn Ma Thuột, nhưng ông đã làm chính ủy, đã là chỉ huy cấp chiến dịch và hiểu biết sâu xa về khoa học chiến lược chiến dịch quân sự.
Thật ra tôi ít được sống với ba, khi tôi ra đời ông đang bị an trí ở Ba Tơ, khi được 2 tuổi ông đã đi bộ đội, rồi tập kết ra Bắc và lớn lên ở các trường nội trú Học sinh miền Nam, ở ký túc xá trường đại học, rồi sơ tán, rồi nhập ngũ và chuyển vào TP.Hồ Chí Minh cho tới nay. Có lẽ thời gian được ở với ba lâu nhất mà tôi nhớ được là mấy tháng ông nghỉ chữa bệnh ở quê cuối năm 1947 đầu năm 1948 và sau này là những dịp nghỉ hè, nghỉ Tết. Năm chị em chúng tôi đều cùng hoàn cảnh đó. Trong hoàn cảnh đó, một cách tự nhiên khi có dịp ông đều chỉ bảo hay tạo điều kiện cho chúng tôi học hỏi. Ví dụ, tôi vẫn nhớ kỳ nghỉ hè lớp 7, năm 1958, lúc đó ông làm Cục phó Cục Nông trường quân đội, ông cho tôi đi theo trên chiếc Commanca đít vuông đến các nông trường quân đội ở Tây Nghệ An. Lần đó tôi được trải nghiệm về rừng núi Trường Sơn, về nông trường và qua câu chuyện ba tôi nói với với các chú bộ đội miền Nam tập kết nay là nông trường viên, tôi biết thêm nỗi niềm “ngày Bắc đêm Nam” của họ. Nhờ đó khi học tập chính trị về đấu tranh thống nhất nước nhà, tôi càng hiểu thêm quyết tâm và ý chí của Đảng. Ba tôi đã dạy dỗ chúng tôi qua thư từ, qua các cuộc họp gia đình, qua các câu chuyện ông kể… Tôi không nhớ ông đã nói khi nào nhưng những câu như: “Thà chịu cực, không chịu nhục”, “Phải tốt ngay ở những việc mình làm”… đã thành những chỉ dẫn cho chúng tôi trong cả cuộc đời.
Chúng tôi trưởng thành và đều thành đạt là nhờ sự giáo dục của nhà trường nhưng cũng là nhờ tình thương, tấm gương và sự dạy dỗ của ba tôi.♦
VÕ KIM CƯƠNG