HV160 - Gùi chín muộn

Có vật gì đó đè nặng lên ngực, tôi cố vùng để thoát ra. Tay bấu vào áo theo bản năng tự vệ. Một bàn tay mát lạnh nắm lấy bàn tay tôi kéo xuống. Có những tiếng cười trẻ trung như từ nơi xa xôi vẳng tới. Hình như có một ngoại lực nhẹ mở mắt tôi ra. Mấy cô gái mặc áo choàng trắng đứng ngay bên cạnh trong một vùng tối đen. Tôi có cảm giác như đang lưu lạc mông lung vào một giấc mơ kỳ lạ. Mắt tôi khép lại. Những tiếng nói thảng thốt, mơ hồ vẫn còn văng vẳng, xa dần. Rồi tôi lại nghe tiếng gọi:

- Anh Tư! Anh Tư!

Không biết thời gian qua bao lâu, tôi tỉnh lại. Những cô gái ban nãy đã biến mất, chỉ còn một cô gái đang chăm chú đứng nhìn từng giọt thuốc nhỏ qua ống cao su từ bình xê rum chuyền xuống. Cô quay lại mừng rỡ:

- Anh tỉnh rồi! Anh có khó thở không?

- Đã mổ cho tôi chưa? - tôi hỏi.

Cô gái gật đầu:

- Mổ rồi. Bây giờ anh đang nằm ở hầm hậu phẫu.

Tôi sờ lên đầu, những vòng băng quấn chung quanh.

- Tôi được mổ rồi! Vậy mà tôi tưởng mọi việc chỉ mới bắt đầu.

Tôi nhìn cô cười, chắc là nụ cười tôi khó khăn lắm nên mắt cô gái chớp chớp. Cô tự giới thiệu:

- Tôi là Trang, bác sĩ gây mê hồi sức. Vết mổ anh tốt, mảnh đạn đã lấy ra rồi. Anh đừng động nhiều. Tôi đang truyền huyết thanh cho anh.

Lúc này tôi mới để ý đến cô ta. Khuôn mặt hơi gầy, tóc búi cao, da ngăm đen, mắt thâm quầng. Có thể ngọn đèn dầu trong hầm hơi tối nên tôi thấy thế. Thật khó đoán tuổi của cô. Tôi ho, vết thương đau nhói. Trang đến luồn tay đỡ người tôi cao lên một chút. Đợi một lát cô hỏi:

- Anh thấy thế nào?

- Lúc nãy hơi khó thở. Bây giờ thì dễ chịu hơn.

Trang lại đặt nhẹ tôi xuống, lấy ống nghe áp vào ngực tôi. Tôi không dám mở mắt vì chắc cô cũng đang nhìn tôi. Mặc dù nhắm mắt, tôi như có linh cảm đã gặp ánh mắt này từ đâu lâu lắm rồi. Trang nói khẽ:

- Có thể lúc gây mê, một số túi hơi ở phổi bị vỡ. Không sao, chỉ vài hôm là khỏi thôi.

Tôi gật đầu. Từ đó, cứ mỗi lần tôi ho, Trang lại đỡ tôi lên. Suốt đêm tôi chỉ chợp mắt đôi chút trên cánh tay Trang.

Ngày hôm sau tôi bị sốt cao. Lúc nào tôi cũng ở trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Chỉ khi ngoài cửa hầm tối hẳn, đêm phả hơi mát xuống hầm tôi mới thấy tỉnh hẳn. Tôi lại thấy Trang, vẫn chiếc áo blu trắng, đứng bên tôi.

Tôi trở người, mồ hôi bục ra, xông lên hơi nóng nhớp nháp. Trang lấy chiếc khăn ướt trên trán tôi xuống, lau mồ hôi và thay áo cho tôi. Tôi ái ngại quá. Đời tôi chưa một lần hình dung sẽ phải nhờ ai ngoài mẹ tôi chăm sóc. Vậy mà giờ đây tôi hoàn toàn bất lực trong đôi tay của Trang. Tôi khẩn khoản:

- Đồng chí đi nghỉ đi, tôi hết sốt rồi mà.

Trang chỉ mỉm cười, ngồi bên chiếc ghế làm bằng những thân cây nhỏ kết lại. Tôi giả vờ ngủ để cô yên tâm. Mỗi lần tôi hé mắt vẫn thấy cô ngồi đó bên ngọn đèn dầu vàng ệu, cặm cụi ghi trên tập hồ sơ bệnh lịch.

Qua ngày thứ tư tôi hết sốt, sức khỏe dần dần hồi phục. Cũng từ hôm ấy tôi không thấy Trang đến nữa.

Một tuần sau tôi đã đi dạo được ra ngoài căn hầm chật chội, ngột ngạt mùi thuốc sát trùng pha với đủ thứ mùi ẩm mốc và máu khô. Suốt ngày tôi mắc võng nằm đung đưa dưới vòm cây so đũa. Tôi mong ngóng bóng dáng của Trang.

Chiếc võng lắc lư, chập chờn một kỷ niệm trên chuyến tàu hỏa Hải Phòng - Hà Nội cách nay gần mười năm. Hồi ấy tôi mới mười chín tuổi. Ngồi ghế đối diện với tôi là một cô gái trạc mười bảy mười tám tuổi, mặc chiếc áo sơ mi cổ bẻ màu trắng, mái tóc kẹp. Tôi nhận ra cô gái là một học sinh miền Nam với cái tên Thanh Thu thêu trên ngực áo. Cô luôn mím đôi môi, không biết vì mắc cỡ hay cố ý làm nổi lên đồng tiền lúm lúm bên má. Đôi mắt tròn to, lòng đen chiếm gần hết, long lanh khi những vệt sáng từ cửa sổ con tàu quét qua. Cô ngồi bên cạnh một người đàn ông nghiêm nghị có lẽ là bố của cô. Người bố mở một gói kẹo đặt lên bàn nhưng cô gái lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ. Đến ga Tiền Trung, một bà cụ mang chiếc bao lác lên tàu. Tôi định đứng lên nhường chỗ cho cụ thì cô gái đã bước ra dìu bà ngồi vào chỗ mình, còn cô đi ra tựa ở cửa toa. Tôi định ra mời cô gái ngồi vào chỗ mình nhưng không hiểu sao lại đi ngược lên cửa đầu toa, nhìn ra cánh đồng mênh mông lúa xanh rờn đang chạy về phía sau. Tôi định bụng đến ga Hà Nội sẽ xuống trước, đỡ túi hành lý giúp cô và sẽ làm quen trên đường ra cửa. Nhưng con tàu dừng lại một ga xép. Hai bố con cô gái bước xuống tàu, lúc bấy giờ cô gái mới nhìn tôi lưu luyến tạm biệt.

Tôi trở lại ngồi vào chỗ trống của người đàn ông. Trên bàn nhỏ, một mảnh giấy gói kẹo còn bỏ lại. Đó là chiếc phong bì đã xé phía sau, ghi mấy dòng chữ: Gởi con Nguyễn Thị Thanh Thu, lớp 10B trường Học sinh miền Nam số 24 Hải Phòng.

Mùa hạ đi qua. Chắc cô ấy đã thi vào một trường đại học nào đó. Tự nhiên tôi nghĩ chắc cô thi vào trường Đại học Sư phạm. Những ngày hè cuối cùng tôi đến xem trên bảng niêm yết danh sách thí sinh của trường Đại học Sư phạm. Rất nhiều tên Thu, Kim Thu, Hoài Thu, Hồng Thu… nhưng không có ai tên Thanh Thu. Từ ấy đến nay cái tên Thanh Thu với cái đồng tiền trên má và đôi mắt to lấp loáng hai vệt sáng cùng với con tàu cứ theo mãi trong tôi.

Mãi đến sau hôm đề nghị xuất viện của tôi được chấp thuận, Trang mới đến thăm tôi. Cô sôi nổi kể lại chuyến đi công tác tiền phương. Cô còn mang về mấy lá thư của bè bạn gởi cho tôi. Cô cười bảo:

- Người ta kể về anh nhiều lắm.

Tôi nhìn Trang, bắt gặp hai mắt to và đồng tiền lúm lúm bên má. Tôi khẽ kêu:

- Giống quá!

- Giống gì cơ? - Trang hỏi.

Tôi bối rối, lật nhanh những lá thư trên tay. Chúng tôi im lặng rất lâu. Mấy hôm nay nóng lòng muốn gặp Trang để hỏi, thế mà giờ thì ấp úng.

Trang nhìn tôi cười cười:

- Chắc là anh đang muốn biết điều gì? Anh có quen anh Phương ở công trường(1) 9 chứ?

Tôi chưa hiểu ý Trang song thấy câu chuyện chuyển sang hướng khác nên tự nhiên hơn:

- Phương là bạn tôi, tốt nghiệp Đại học Sư phạm và cùng đi chiến trường.

- Quả là tôi hơi tò mò, mong anh đừng chấp. Anh Phương có kể cho tôi nghe về chuyện anh đi tìm cô Thanh Thu mà anh gặp trên chuyến tàu Hải Phòng - Hà Nội có đi thi vào trường Đại học Sư phạm không.

Rồi Trang nói như tự hỏi với mình:

- Tại sao lúc ấy anh không nghĩ rằng Thanh Thu thi vào ngành y nhỉ...

Tôi vui hẳn lên:

- Trang cũng quen Thanh Thu à?

Giọng Trang xa vời:

- Năm ấy Thanh Thu thi vào Đại học Y khoa. Đến năm cuối cùng ở trường, cô ấy xin đi phục vụ chiến trường cùng với người yêu công tác bên Thông tấn xã. Một năm sau người yêu của Thanh Thu hy sinh trong một chuyến công tác. Tưởng như cô ấy sẽ không gượng được sau mất mát đau buồn ấy. Nhưng cô ấy đã quên đi nỗi đau bằng những đêm không ngủ chăm sóc vết thương của các chiến sĩ từ mặt trận chuyển về. Và niềm vui của Thanh Thu là được nhìn thấy các chiến sĩ lành lặn trở về tiền tuyến để chiến đấu trả thù cho người yêu bị giặc giết hại…

Mặt trời lên cao, vài sợi nắng luồn qua vòm lá xanh chảy xuống vai Trang thành những đốm sáng nhấp nháy. Tôi không dám hỏi gì thêm, sợ chạm tới nỗi đau của cô. Chợt cô quay qua hỏi vội:

- Ngày mai ra viện, anh đi theo giao liên hay đi tự lực?

- Tôi tự đi được.

- Ngày mai Trang sẽ đến tiễn anh. Anh nghỉ nhé, giữ sức để mai đi đường.

Buổi sáng mà tôi nóng lòng chờ đợi rồi cũng tới. Ánh sáng rạng dần lên trên những chiếc lá đổi màu từ đen sẫm sang màu xanh lục với nhiều cung bậc. Tôi dậy sớm chuẩn bị bồng, nhận cơm vắt, đổ đầy nước uống vô bi đông.

Tôi bồi hồi nhìn lại khu rừng, không thấy Trang đâu, lững thững đi ra phía cửa rừng. Trang chờ tôi ngay dưới gốc cây sao. Cô vui vẻ:

- Anh có muốn nhắn gì với Thanh Thu không?

Và cô đưa cho tôi mảnh giấy:

- Đây là địa chỉ của “cô ấy”.

Tôi liếc nhìn dòng chữ trên mảnh giấy: Nguyễn Thị Thanh Trang, Hòm thư 330K 160. Tôi nhìn Trang, cô cười tủm tỉm, đồng tiền lúm lúm bên má.

- Cảm ơn Thu!

- Trang chứ? Đi chiến trường ai cũng phải thay đổi tên mà anh.

- Vâng, Trang.

Trang mở chiếc khăn, lấy ra một trái gùi(2) vàng óng:

- Trước khi anh xa rừng, Trang tặng anh quả gùi, kỷ vật của rừng đấy.

Tôi xoay xoay quả gùi trên tay để kéo chút thời gian ít ỏi và nén chút xao xuyến trong lòng.

- Tháng này mà hãy còn gùi chín à? - tôi hỏi.

- Gùi chín muộn đấy! Những trái muộn bao giờ cũng ngọt.

Tôi trao chiếc phong bì có ghi địa chỉ của tôi cho Trang:

- Tôi biết ơn Trang nhiều. Không biết bao giờ chúng ta mới gặp lại. Hy vọng sẽ nhận được thư Trang.

Tôi sung sướng nắm bàn tay ấm và mềm mại của Trang.

Khi Trang đã quay vô, tôi cẩn thận bới đất dưới gốc cây sao, trồng trái gùi xuống, lấy một ít nước trong bi đông tưới cho nó. Không hiểu sao tôi đinh ninh rằng dây gùi mọc lên từ quả chín muộn đó sẽ đơm hoa, kết trái và sẽ chín mọng ngọt ngào.♦


(1) Biệt danh của sư đoàn.

(2) Gùi là loại dây leo có trái chín vàng vị chua ngọt, một loại đặc sản của rừng Tây Ninh và miền Đông Nam Bộ.

NGUYỄN NGỌC HIẾN