Tôi đọc thơ Huy Cận từ hồi còn nhỏ. Tôi rất thích và thuộc lòng nhiều bài thơ của ông. Tôi nghĩ rằng, Huy Cận là một trong vài ba nhà thơ cự phách nhất trên thi đàn Việt Nam hiện đại. Thơ ông giàu cảm xúc và trí tuệ, vừa đằm thắm, sâu xa vừa gần gũi giản dị. Tôi tưởng tượng ra một Huy Cận gầy gò, có khuôn mặt đăm chiêu. Nhưng sau này, gặp Huy Cận, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy ông thấp, to ngang, nói cười vui vẻ, dáng vẻ giống một ông thợ cắt tóc, chẳng giống gì ông “nhà thơ” mà tôi suy nghĩ. Lần đó, vào khoảng năm 1978, tôi cùng anh em văn nghệ Quảng Nam-Đà Nẵng họp trù bị để chuẩn bị ngày mai vào Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Quảng Nam-Đà Nẵng thì Huy Cận bất ngờ đến cơ quan. (Ông lúc đó là Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, được mời vào dự đại hội. Chúng tôi bố trí ông ở khách sạn gần cơ quan hội). Ông bước vào cuộc họp, nói:
- Các anh đang họp. Tôi chỉ xin hỏi một câu thôi: Ở đây có Thanh Quế phải không?
- Dạ, em đây - tôi đứng dậy.
- Quế ra đây mình bảo.
Tôi bước lại gần ông, ông nói:
- Mình có đọc thơ Quế, được đấy, cố lên. Mai gặp ở đại hội nhé. Rồi ông bắt tay tôi và quay về khách sạn.
Dần dần, do ông làm việc ở Liên hiệp hội Trung ương, tôi làm công tác ở Hội Văn nghệ tỉnh nên có nhiều dịp gặp gỡ nhau. Tôi thấy Huy Cận chân tình, gần gũi, xuề xòa. Ông vào Đà Nẵng công tác, chúng tôi tiếp ông món gì, ông cũng ăn ngon lành. Ăn xong, ông còn nói: “Món đó mình thích. Bữa sau cho ăn nữa nhé!”.
Một lần, ông vào Đà Nẵng công tác. Chúng tôi mời ông nghỉ ở khách sạn gần cơ quan. Sáng hôm ấy, ông đến cơ quan tôi thật sớm. Ông nói:
- Quế ơi, máy điện thoại của cơ quan ở đâu cho mình nhờ tí. Có bài thơ mới viết hồi hôm, mình đọc cho bọn báo nó ghi, nó đăng…
Ông đứng bên máy, đọc bài thơ không dưới 50 dòng, ông đọc đi đọc lại cho bên kia dò, nhắc nhở người nghe chú ý chỗ nào có dấu chấm, dấu phẩy, qua hàng, viết hoa. Khi ông đi, cô kế toán ngồi bàn bên bảo tôi:
- Ông ấy nói điện thoại lâu như vậy, tốn tiền quá.
- Nhằm nhò gì em, thơ Huy Cận hay, nếu đăng báo thì có lợi gấp triệu triệu lần số tiền mình phải trả cho điện thoại ấy chớ…
Một đêm, đã khuya, tôi bỗng nghe chuông điện thoại nhà réo:
- A lô, ai đó - tôi hỏi.
- Huy Cận đây. Mình vừa đọc xong truyện ngắn Kỷ niệm nhỏ trong rừng của cậu đăng báo Văn nghệ. Hay lắm. Sao cậu đi công tác với một cô gái đẹp vậy mà các cậu không yêu nhau?
- Dạ, tụi em sợ.
- Tiếc quá, bây giờ nếu cô ấy còn sống thì cậu tìm về làm thư ký riêng cho cậu nhé.
- Dạ, loại chức quèn như em đâu có phải như anh mà có thư ký riêng hả anh.
Ông cười khà khà:
- Truyện hay đấy, để mình gọi Thỉnh [Hữu Thỉnh, Tổng biên tập báo Văn nghệ] nói hắn cho cậu giải nhất trong cuộc thi truyện ngắn bên báo Văn nghệ nhé…
Tôi nhớ, vào Đại hội lần thứ 6 Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2000) tôi được ngồi trên ghế Chủ tịch đoàn. Hôm đó, tới phiên tôi điều hành đại hội. Sau khi tôi đứng dậy cảm ơn một nhà văn vừa phát biểu xong và mời một nhà văn khác đọc tham luận tiếp, thì tôi thấy nhà thơ Tố Hữu, ngồi ở bàn đầu, quay sang Huy Cận, chỉ thẳng vào tôi, nói nói gì đó. Huy Cận nói lại với Tố Hữu điều gì đó. Ông gật gật đầu. Tôi hơi lo, sợ mình có khiếm khuyết gì chăng. May quá, giờ giải lao, Huy Cận gọi tôi lại bảo:
- Hồi nãy anh Lành hỏi mình về cậu. Mình nói đó là Thanh Quế ở Đà Nẵng, làm thơ và viết truyện khá lắm.
Một lần, cũng vào cuối năm, tôi ra Hà Nội họp. Cuối buổi họp, Huy Cận ngoắc tôi lại đưa cho mấy tờ giấy:
- Đây là bản báo cáo về văn học nghệ thuật mình đọc hồi nãy. Cậu đem về đăng ở tạp chí Non nước nhé.
- Dạ, em cũng định xin anh bài này để về in đó.
- Vậy à, khi in đừng bỏ sót, đừng sửa câu chữ gì, mình suy nghĩ kỹ mới viết đó.
- Dạ.
- In xong nhớ gởi báo và nhuận bút ra cho mình theo địa chỉ cơ quan nhé.
- Dạ.
- Nhớ in cho đúng, đừng để sai gì nhé - ông nhắc lại.
Lại một lần ra họp cuối năm ở Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Huy Cận lúc này không làm chủ tịch, mà làm phó cho Nguyễn Đình Thi. Vào lúc giải lao, Huy Cận ngồi uống nước với nhà thơ Nông Quốc Chấn. Thấy tôi, ông vẫy lại. Lúc ấy, tôi đang dở câu chuyện với một bạn ở Lào Cai nên thưa:
- Anh chờ chút, em lại ngay.
Huy Cận cười:
- Lại nhanh chứ mất phần. Mình còn một quyển sách để dành tặng cho cậu đây.
Tôi nói nhanh với bạn rồi chạy lại bên ông. Ông rút từ trong cặp ra một quyển sách, viết mấy dòng rồi đưa cho tôi. Đó là tập Thơ Huy Cận mà Nhà xuất bản Hội Nhà văn mới vừa in xong. Tôi giở ngay trang đầu, Huy Cận ghi: “Tặng Thanh Quế, người tri kỷ”. Tôi cầm quyển sách, ấp vào ngực, đứng lặng, xúc động trước món quà của một người anh lớn mà tôi luôn ngưỡng mộ, lại rất gần gũi, giản dị…
Không ngờ, đó là lần cuối cùng tôi gặp Huy Cận.♦
11-12-2020
THANH QUẾ