Cuối tháng 8 đến giữa tháng 9-1972 là thời kỳ ác liệt nhất của chiến dịch 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị: Ta thì cố giữ, địch thì cố tái chiếm nên cả hai bên đều tung những lực lượng mạnh nhất để đạt mục tiêu! Tiểu đoàn pháo binh 14 của Sư đoàn 325 chúng tôi phải căng ra trên nhiều hướng yểm trợ cho Trung đoàn bộ binh 95 giữ Thành cổ và cánh tây Quảng Trị, Trung đoàn bộ binh 101 giữ Cửa Việt và cánh đông Quảng Trị. Tôi là 1 trong 9 trinh sát viên trung đội chỉ huy của Tiểu đoàn bộ 14 (gồm 2 đại đội cối 120mm, 1 đại đội cối 82mm và 1 đại đội DKZ 75mm), thường xuyên cùng anh em trinh sát và thông tin 2 W thay nhau đi các đài quan sát gắn với bộ binh để gọi pháo bắn yểm trợ cho các đơn vị thuộc 2 trung đoàn này, nên khi thì Bích La, Cầu Sải, khi thì Xuân An, Nhan Biều, Thượng Phước… và ngay trong Thành cổ. Cứ thế, sau 2-3 tuần đi đài, chúng tôi lại được thay kíp về lại tiểu đoàn bộ để tìm đường đưa xe chở đạn từ kho ở Cùa và Trường Sơn về các trận địa ở phía sau sân bay Ái Tử, chỉ cách Thành cổ hơn 3km đường chim bay thôi.
Lần ấy, quãng cuối tháng 8-1972, chiến sự khu vực thị xã, đặc biệt là Thành cổ cực kỳ ác liệt. Sư đoàn Thủy quân lục chiến (TQLC) ngụy dồn sức “Tái chiếm thị xã và Thành cổ Quảng Trị”. Chúng tấn công ngày đêm, phi pháo hầu như không ngớt và các trận đánh chiếm của TQLC khiến các mũi chốt giữ của ta cứ bị lùi dần, phần do đạn dược thiếu, phần thì lương thực khó khăn, quan trọng hơn là thương vong và tiếp viện bị phi pháo địch đánh rát, khống chế nên sức chiến đấu và tăng viện của chúng ta đều giảm. Lực lượng chốt giữ ngày càng suy giảm sức kháng cự.
Do tương quan lực lượng khá chênh lệch, bộ đội ta chủ yếu là chốt giữ, phòng ngự chứ không thể tấn công. Phía ngụy, TQLC là lực lượng mạnh nhất với xe tăng, xe bọc thép, trực thăng cùng pháo các loại hỗ trợ tối đa, đánh như điên cuồng! Lính TQLC, tên nào cũng đeo một xanh tuya rông Mỹ giắt tới 20 quả lựu đạn mỏ vịt. Mỗi khi chúng tấn công, pháo các loại bắn rát dọn đường, rồi xe tăng và xe bọc thép bò lên với tiếng rú rít đe dọa. Những lúc ấy, quân ta phải cố thủ trong công sự, đợi bộ binh địch đến gần mới nhô lên tìm thế bắn. Lúc đó là lúc lính TQLC ngụy đi khom sau xe tăng bắt đầu ném lựu đạn. Mỏ vịt của bọn chúng nổ như ngô rang khiến bộ binh ta lại phải rút xuống hầm tránh thương vong. Hết tiếng nổ lựu đạn là nghe tiếng địch hô: “Đ.M! Thủy quân lục chiến chỉ tiến không lùi!”, rồi đạn AR15 của chúng cứ từng nửa băng 10 viên một cắm phầm phập vào các vị trí chúng đoán là có quân ta. Rồi chúng ào lên. Khi chúng vào tầm B40 của quân ta, thì chỉ sau vài quả, bị ngã cả chùm, rồi tiếng đạn AK của ta nổ đĩnh đạc 2 viên điểm xạ một, thì bọn chúng lại rút xuống sau xe tăng đòi xe tăng phát hỏa. Cứ thế, các trận giằng co diễn ra liên tục khiến cả đôi bên đều thương vong vì hỏa lực của nhau rất nhiều. Những trận như thế, cối 120mm của chúng tôi được gọi bắn yểm trợ bộ đội giữ chốt. Tuy nhiên đạn ít, chỉ dăm quả là cùng, khó có thể cản bước của TQLC vừa đông vừa liều… Vì vậy, đạn vẫn là vấn đề quan trọng của pháo binh chúng tôi, nhất là pháo cối, vì yểm trợ bộ binh chỉ có cối là chính xác từng mét, các loại khác thì độ tản mát của đạn là rất cao…
Tôi còn nhớ lần đầu tiên được giao nhiệm vụ lên Cùa, cách trận địa 2 đại đội cối 120mm khoảng gần 30km, đưa xe chở đạn pháo về các trận địa của D, sau khi từ đài Nhan Biều 1 trở về.
Sáng ấy, tầm 6 giờ, với khẩu AK báng gấp, bản đồ khu vực 1/250, gói cơm sấy chiến lợi phẩm, bi đông, ống nhòm, tôi rời chỉ huy sở D lên đường. Tay cầm tấm bản đồ, tôi nhắm hướng tây bắc, rẽ đồi tiến tới. Đầu tiên là theo con đường cũ mà xe địch và ta từng đi thành vệt cũ. Đồi khu vực này hồi ấy, toàn sỏi đá, chỉ có sim mua và cỏ lau lách mọc được thôi. Vả lại, khu vực từ sông Vĩnh Phước hắt trở ra phía bắc, luôn bị B52 Mỹ từ Thái Lan sang đánh phá với mật độ 80 trận/ngày đêm, nên đồi phía tây Quảng Trị chi chít hố bom cùng các hố pháo các loại từ 105mm đến 175mm, đặc biệt là pháo biển cỡ 206,7mm từ hạm Mỹ ngoài khơi bắn vào. Tìm được con đường khả dĩ cho xe lăn bánh thực không dễ dàng, vả lại, xe còn phải đi vào ban đêm nữa… Vì thế, tôi vừa đi vừa cố nhớ như in những đoạn có thể phải qua trọng điểm pháo biển bắn vào ban đêm để lượng định…
Tuy khi ấy mới 20 tuổi, nhưng tôi đã trải qua nhiều trận đánh ác liệt, vả lại thường xuyên đi lẻ, tính tôi lại “tợn” nữa nên tôi cứ nhè những đoạn đường cũ, các sườn đồi có nhiều hố bom thưa hơn để hình thành con đường tạm cho xe Zin 157 đi vừa. Thỉnh thoảng có khúc qua suối, tôi lại tìm chỗ nước nhỏ, tựa ngầm tự nhiên để xe dễ dàng vượt qua.
Trai trẻ, lại lãng mạn do xuất thân là sinh viên Văn khoa Tổng hợp Hà Nội, dù là lính đã dạn dày, nhưng những lúc bầu trời vắng tiếng OV10 (loại máy bay trinh sát 2 thân bay rất chậm và dai như đỉa luôn tìm vết bánh xe vào các trận địa của ta để gọi F4 từ ngoài khơi bay vào đánh phá) là lúc tôi nâng niu những trái sim chín đen mọng nước, nhấm nháp, miệng âm ư vài khúc ca lãng mạn Nga mà chúng tôi yêu thích từ hồi còn ngồi ghế học trò; rồi sau đó là nhớ lại kỹ địa hình quãng đường sẽ dẫn xe về, dù có bị các trận bom pháo ngay sau đó cày nát thì tôi vẫn có thể tìm được lối liền kề bên cạnh để đêm tối không thể lạc đường. Đó có thể là bản năng khác của người lính trinh sát mà tôi sớm được hình thành trong cuộc chiến khốc liệt này ở nơi mà đạn bom như châu chấu, đến mức sau này, chúng tôi đều cho rằng: “Ở Quảng Trị những năm ấy, ai không chết mới là kỳ lạ…”. Cứ thế, sau 8 giờ ròng rã, vừa đi vừa lựa đường, vừa nhớ như in trong đầu, vừa tính toán tránh khu vực bom tọa độ, bãi pháo bầy… cực kỳ khó khăn, tôi đã tìm tới kho quân khí mặt trận. Trao giấy tờ, tôi được anh em quân khí đưa vào căn hầm nghỉ gần tiểu đoàn quân y, đợi đêm sẽ cho xe đạn xuất bến.
Đêm ấy, tôi không thể dẫn xe về như đã định. Bởi trận B52 đánh đường 9 cắt ngang quãng xe chúng tôi định về. Một trận bom bi B52 nổ chậm, kéo dài 4 tiếng đồng hồ. 3 chiếc B52 rải 90 tấn bom bi mẹ, mỗi quả 200kg, khi chạm đất chúng nổ, văng ra hàng trăm quả bom bi con hẹn giờ nổ nối nhau. Cứ thế, chúng lần lượt nổ từ 8 giờ tối đến giữa đêm. Vì vậy, kho đã không cho xe đạn xuất bến như đã định và cho lùi lại đêm sau. Vậy là tôi lại phải nhờ điện thoại hữu tuyến báo về tiểu đoàn hẹn đêm sau mới về. Một đêm ở xa mặt trận mà tôi không thể nào ngon giấc vì lo lắng.
Đêm sau, đúng 8 giờ tối, tôi được lệnh dẫn 3 xe đạn cối gồm 2 xe đạn 120mm, 1 xe đạn 82mm cùng DKZ 75 về. Tôi ngồi trên nóc ca bin xe Zin 157 đi đầu, dùng đèn pin hạt đỗ làm hiệu dừng mỗi khi có sự cố. Các xe không bật đèn, bám nhau cách 50m. Tôi ngồi vừa hướng dẫn lối đi cho xe, vừa lắng tiếng máy bay C130 thường luôn bay đêm tầm nhiệt rình mò xe quân ta. Hễ phát hiện C130, tôi gõ nắp ca pô cho xe đầu dừng và quay ba vòng chiếc đèn pin hạt đỗ để cả đoàn cùng tắt máy và dừng. Bởi nếu cứ nổ máy, C130 phát hiện nhiệt xe, chúng sẽ lao xuống bắn cối 40mm xối xả, cực kỳ nguy hiểm. May cho chúng tôi, đêm ấy chỉ có một chiếc C130 bay sát mé rừng “tăm” đường Trường Sơn, trong khi chúng tôi vòng qua các khúc đồi chỉ có sim mua, không cây cổ thụ và nhiều hố bom pháo nên chúng không để ý.
Hơn 4 giờ sau, chúng tôi đến khu vực gần cầu Lai Phước, chỗ hẹn xuống đạn. Anh em đã chờ sẵn ở đó để giải phóng ngay các xe. Tuy nhiên, chỉ sau ít phút, chúng tôi nghe đề pa, rồi ngay sau đó pháo 155mm của địch nổ cách chỗ xe đỗ chừng trăm mét. Té ra chúng có “cây tầm thanh” (loại “gián điệp phi nhân” - chúng tôi vẫn gọi thế, do máy bay chúng phóng xuống từ hồi nào!). Thế là anh em lại tá hỏa tránh vào các hầm trú ẩn làm sẵn ở đó mỗi khi phải ra đón và tải đạn về. Sau 15 phút pháo kích hú họa, chúng dừng, anh em lặng lẽ ra khỏi hầm, không ai nói một câu để tránh bọn “gián điệp phi nhân” nghe thấy. Sau nửa giờ, cả ba xe đạn được giải phóng. Anh em cứ mỗi người một quả đạn 120mm hoặc hai quả 82mm và mỗi người một quả DKZ. Các loại liều phóng và ngòi nổ được bảo quản trong hòm gỗ, hai người khênh một hòm. Cứ thế, đạn về các trận địa an toàn và tiểu đoàn có đạn yểm trợ các cánh quân sau đó cả tuần.
Lần ấy, tôi được tiểu đoàn trưởng Thuận biểu dương về sự thành thạo địa hình, lòng dũng cảm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau này tôi được nhiều lần đẫn đạn về, bởi chỉ có tôi là khá thành thạo trong công việc này. Tất nhiên, sau Hiệp định Paris 27-1-1973, tình thế thay đổi nhiều và tôi được điều đi các đài quan sát chống lấn chiếm ở Tích Tường, Như Lệ và miền Tây. Khi ấy, sự ác liệt lại ở mức độ khác khi địch liên tục lấn chiếm ta ở khu vực này…♦
*Cựu trinh sát D14 pháo binh, F325.
.png)
Đọc sách làm cho con người đầy đủ, luận đàm tạo thành con người sẵn sàng và viết lách tạo thành con người đúng đắn. FRANCIS BACON Hạnh phúc giống như thủy tinh, càng rực rỡ bao nhiêu càng mỏng manh bấy nhiêu. P. SYRUS Nếu một người cho bạn thời gian của mình, anh ta không thể cho bạn món quà nào quý giá hơn nữa. FRANK TYGER Mỹ nhân hơn hoa ở chỗ biết nói, hoa hơn mỹ nhân ở chỗ tỏa hương. LÂM NGỮ ĐƯỜNG Ta không được chọn nơi mình sinh ra, nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống. KHUYẾT DANH Nếu xem tiền là hy vọng cho sự tự do, thì bạn sẽ không bao giờ có được nó. Việc tự chủ thật sự chỉ đến với người có kiến thức, trải nghiệm và khả năng. HENRY FORD Cuộc đời như cuộn chỉ, mẹ lúc nào cũng đưa ra lời khuyên hay nhất để giúp tôi vá lại những vết thương. ANIRAMBERT Sự kiên nhẫn gặt hái an bình, sự vội vã gặt hái hối tiếc. J. DISSCO Nếu muốn sống lâu, hãy rộng mở con tim của bạn. NGẠN NGỮ BULGARIA Không giỏi lắng nghe những âm thanh khác nhau, đó là nhược điểm lớn nhất của một nhà quản lý. MARY KAY ASH |