HV160 - Một người hiền đã ra đi!

Người góp phần “làm nên lịch sử”

TS Phan Văn Hoàng sinh năm 1945, quê gốc ở tỉnh Quảng Nam “trung dũng, kiên cường”, vùng đất là chiến trường ác liệt và cũng là nơi có nhiều liệt sĩ nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mang truyền thống quê hương và dòng máu gia đình, anh sớm giác ngộ và tham gia cách mạng. Anh có một người anh là liệt sĩ và một người anh khác tập kết ra miền Bắc. Tuổi trẻ của anh gắn với mảnh đất cố đô Huế. Anh là sinh viên khoa Pháp văn Đại học Khoa học Huế và đồng thời là sinh viên khoa Pháp văn Đại học Sư phạm Huế. Tốt nghiệp đại học, anh về làm giáo sư Trường trung học công lập Truồi (tỉnh Thừa Thiên). Anh hoạt động bí mật làm nội tuyến cho Thành ủy Huế. Sau sự kiện Mậu Thân 1968, các cơ sở cách mạng bị vỡ, anh bị Ty Cảnh sát Thừa Thiên bắt giữ và địch giam anh ở một nhà giam gần sân vận động Huế. Hơn một tháng trời bị giam giữ, anh đã giữ vững khí tiết của người cách mạng. Đêm Noël 1968, nhân lúc địch sơ hở, anh đã trốn thoát. Anh vào Sài Gòn với cái tên giả và trở thành cơ sở của An ninh T4 với bí danh Năm Trần. Những ngày sống ở Sài Gòn là những ngày gian khó đối với anh, bởi làm sao với cái tên giả, vừa sống với nghề dịch sách báo kiếm sống vừa không bị lộ. Anh kể có đêm phải thay đổi chỗ ở đến vài lần dưới tai mắt của quân địch. Có những chuyến phải vượt qua bao vọng gác vào vùng giải phóng gặp ông Mười Hương, chỉ huy, để nhận nhiệm vụ. Trần Quốc Bửu - Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao công Việt Nam, một tay sai của Mỹ đã chia rẽ, đàn áp phong trào công nhân Sài Gòn, cần phải xử lý. Tối ngày 21- 9-1971, anh Hoàng nhận nhiệm vụ của tổ chức giao, đặt mìn ám sát tên Bửu. Tên Bửu thoát chết trong gang tấc, nhưng sự kiện đã làm chấn động Sài Gòn, cảnh cáo những kẻ làm tay sai cho Mỹ. Anh đã sống và hoạt động như thế ở Sài Gòn cho đến ngày thành phố được giải phóng.

Người thầy giáo mẫu mực, hết lòng với học trò

Sau ngày 30-4-1975, chiến tranh kết thúc, anh quyết định trở lại với ước mơ của mình là làm thầy giáo. Thời gian đầu anh dạy học ở Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, nhưng rồi vì đam mê với môn Lịch sử, anh chuyển về khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh. Anh lại phải thi lấy bằng cử nhân lịch sử và bắt đầu hành trình nghiên cứu, học tập sau đại học. Thông thạo 2 ngoại ngữ, tiếng Anh và tiếng Pháp, là một thuận lợi cho đề tài tiến sĩ của anh do GS Trần Văn Giàu hướng dẫn. Miệt mài nghiên cứu, luận án của anh “Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Mỹ” được bảo vệ thành công là một trong những luận án có chất lượng, là tài liệu tham khảo tốt cho những ai quan tâm. Nhân hậu, nhiệt tình, ân cần là những đức tính của anh đã gây ấn tượng cho đồng nghiệp và học trò. PGS-TS Nguyễn Phan Quang trước khi chuyển ra Hà Nội đã “chọn mặt gửi vàng” để trao lại cho anh toàn bộ tủ sách mà thầy đã tích cóp cả đời với mong muốn những cuốn sách quý sẽ tiếp tục phục vụ cho nhiều thế hệ sinh viên sau này. Và trong mấy chục năm vừa qua, tủ sách của thầy Quang và cả của anh (mà anh đã dành cả một tầng lầu để chứa sách) đã trở thành “bà đỡ” cho nhiều luận văn, luận án sử học ra đời. Bất cứ ai, nếu có nhu cầu là anh cho mượn với mong muốn giúp được học trò. Khi còn làm việc, hết lòng giảng dạy, hướng dẫn học trò làm luận văn tiểu luận, khi đến tuổi nghỉ hưu, anh nghỉ hẳn không đắn đo suy tính. Những năm đó khoa thiếu trầm trọng nhân sự ở môn học mà anh đang dạy, nhưng khi khoa mời anh tiếp tục tham gia giảng dạy, anh lại từ chối vì sợ lấy mất giờ dạy của đồng nghiệp trẻ, anh hứa sẽ cùng khoa bồi dưỡng người trẻ để đảm nhận môn học, có như vậy thì trong vài năm tới mới có thể yên tâm với người thay thế.

Nhà nghiên cứu uyên bác

Giỏi ngoại ngữ và với tính nghiêm cẩn, tỉ mỉ của người làm khoa học, anh là một nhà nghiên cứu giỏi. Có lẽ cũng ít người biết anh là người nhiều năm liền với bút danh Hoàng Anh trên báo Sài Gòn Giải phóng phụ trách mục giải đáp những thắc mắc của độc giả về những vấn đề khoa học và cuộc sống. Những vấn đề “thượng vàng, hạ cám” đều được anh giải đáp một cách rành rẽ, thuyết phục. Anh viết ít sách, nhưng những cuốn sách anh viết có giá trị tham khảo cao, bởi những tư liệu mới và phong phú.


Anh Năm Trần (Phan Văn Hoàng) và thủ trưởng Mười Hương (Trần Quốc Hương) sau 1975

Con người nghĩa tình, hết lòng giúp đỡ đồng nghiệp, học trò

Lúc còn làm việc cũng như lúc đã nghỉ hưu, mỗi khi đồng nghiệp, học trò cần giúp là anh sẵn sàng giúp đỡ. Đồng nghiệp mới chuyển công tác chưa có nhà, anh cùng rong ruổi tìm nhà, tìm đất. Học trò, người thân đồng nghiệp chưa xin được việc làm, anh lại chạy đôn chạy đáo, điện thoại hết chỗ này chỗ khác mong sao giúp đỡ được phần nào.

Hôm tôi đến nhà anh, anh vừa xuất viện sau khi làm hóa trị với căn bệnh ung thư quái ác, anh lại đang cặm cụi chuẩn bị cho một cuốn sách tưởng nhớ ngày mất của GS Trần Văn Giàu. Anh nhớ ơn thầy, làm một việc ý nghĩa kẻo lo rồi đến lượt anh phải từ biệt cõi đời này.

Anh Phan Văn Hoàng thuộc “thế giới người hiền”. Thói đời, người hiền thường thỉnh thoảng bị một vài người bắt nạt, nhưng hình như anh là người đã “ngộ” với cuộc đời này rồi. Vào sinh ra tử còn không khiếp sợ, ba chuyện nhỏ đó nhằm nhò gì với anh. Anh vẫn là anh, cương cường với cuộc sống, anh trong mắt của học trò, đồng nghiệp vẫn là một người thầy nhiệt tình, đôn hậu, một đồng nghiệp tin cậy, nghĩa tình, một nhà giáo, một nhà khoa học chân chính!

Xin vĩnh biệt anh, một người hiền!♦

TS NGÔ MINH OANH