HV160 - Nhạc sĩ HOÀNG VIỆT - Người con của đất mẹ Tiền Giang

Đầu năm 1957, anh em miền Nam chúng tôi quây quần tại số 13 Cao Bá Quát (Hà Nội) để đón giao thừa xuân Đinh Dậu. Đây là ký túc xá dành cho học viên còn trong quân ngũ (đang học ở trường Âm nhạc Việt Nam). Bữa ấy có mặt: Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Ngô Huỳnh, Hồ Bông, Bửu Huyền, Hoàng Mảnh, chị Khánh Vân, chị Xuân Mai, Minh Phụng (tức Phụng Sồ) và Lư Nhất Vũ, Ngô Đông Hải, Nguyễn Văn Hoa, Trương Châu Mỹ, Phạm Minh Lộc…

Đến phút thiêng liêng đón giao thừa, sau khi nghe Bác Hồ chúc Tết đồng bào cả nước... thì anh Hoàng Việt cho chúng tôi thưởng thức một ca khúc vừa mới ra lò. Anh Minh Phụng tằng hắng lấy giọng, anh Bảy Hoàng Việt vừa ngậm điếu thuốc vừa nắn nót trên phím đàn guitare:

Khi hát lên tiếng ca gởi về người yêu nơi quê ta

Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba

Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra

Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang

Qua núi biếc chập chùng xa xa

Qua bóng mây che mờ quê ta

Tiếng ca đời đời chung thủy thiết tha...

Đó là bản Tình ca mà chúng tôi được “diễm phúc” thưởng ngoạn đầu tiên.

Tôi còn nhớ những tiết học hát dân ca ba miền. Ai ghiền thuốc lá, thuốc lào tha hồ hút thoải mái. Cái lạ là nhà trường không cấm. Có lần anh Bảy Hoàng Việt khi thèm thuốc lá thì lấy tờ giấy kẻ nhạc, liền sáng tác ra một câu nhạc: “Đứa nào có thuốc lá cho tớ một điếu, cảm ơn”, rồi chuyền từ người này sang người nọ.

Nghỉ hè 1957, tất cả giảng viên và học sinh của lớp sáng tác khóa I (có Hoàng Việt) và khóa II (có Ca Lê Thuần) về lao động tại nông trường Đồng Giao, tỉnh Ninh Bình. Các thầy cô và các nhạc sĩ học sáng tác chưa hề cầm cuốc xẻng. Vậy mà cứ hằng ngày, dưới trời nắng chang chang oi bức, đi giẫy cỏ tranh, cuốc đất tạo thành những vòng tròn để trồng cà phê theo sự hướng dẫn kỹ thuật của chuyên gia nông trường.

Năm 1958, Hoàng Việt được cử đi học tiếp tại Nhạc viện Quốc gia Sofia - Bulgaria, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Goleminov.

Năm 1964, anh hoàn thành bản giao hưởng bốn chương Quê hương với lời đề tặng “Kính dâng Nam Bộ trong cuộc chiến đấu anh dũng chống ngoại xâm”.

Trong bài Quê hương - Bản giao hưởng đầu tiên của Hoàng Việt(1), nhạc sĩ Ca Lê Thuần viết:

Bản giao hưởng số 1 Quê hương của Hoàng Việt cũng chính là một trong những bản giao hưởng đầu tiên của đất nước chúng ta, một tác phẩm mang tính chất sử thi với quy mô đồ sộ, đã đánh dấu một bước trưởng thành quan trọng của giới nhạc sĩ Việt Nam. Trong bản giao hưởng đầu tiên này, Hoàng Việt đã đặt ra cho mình một nhiệm vụ, cũng có thể nói là một vấn đề thuộc tính bút pháp rất quan trọng mà mới xem qua tưởng như đơn giản, nhưng thực ra rất phức tạp. Đó là làm thế nào để tác phẩm với loại ngôn ngữ mang ‘tính nhân loại’ này có thể hiểu được và gần gũi với người nghe nhạc Việt Nam trong giai đoạn đầu tiên tiếp xúc với nhạc giao hưởng, nhưng đồng thời không được làm giảm đi ‘tính giao hưởng’ và nhất là tính thống nhất trong tác phẩm”.

Sau khi được dàn nhạc giao hưởng Sofia trình bày trong lễ tốt nghiệp Nhạc viện năm 1964, bản giao hưởng Quê hương đã được dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cùng dàn hợp xướng Nhà hát Vũ kịch Việt Nam công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội năm 1965.


Bản thảo viết tay Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt

Trước khi vượt Trường Sơn về chiến trường Nam Bộ, anh Bảy Hoàng Việt còn tranh thủ viết nhạc cho tiết mục Múa kiếm, do biên đạo múa Hiền Minh dàn dựng. Đây là một trong những tiết mục của Đoàn Ca múa quân Giải phóng sắp đi lưu diễn qua các nước xã hội chủ nghĩa. Và cũng là tác phẩm cuối cùng của anh trên miền Bắc.

Buổi tiễn anh về Nam, nhạc sĩ Phạm Lập tổ chức một bữa cơm thân mật trong ngõ hẻm đường Lý Thường Kiệt. Chúng tôi chừng chục người của Đoàn Ca múa miền Nam và Đoàn Văn công Sư đoàn 330 đến chúc anh Bảy “thượng lộ bình an”.

Ngày 9-3-1966, anh Hoàng Việt trên đường Trường Sơn, gởi ra nhà thơ Bảo Định Giang một bức thư:

Viết cho anh trên chặng đường, khi dừng lại chờ ngớt máy bay để đi ban đêm. Đây là hai phần năm đoạn đường về quê hương. Đã chia tay với đoàn Khánh Cao hôm 6-3-66. Đoàn ấy đi về Khu 5 rẽ ngả khác, chúng tôi đi tiếp về Nam Bộ.

Hầu hết anh chị em đoàn chúng tôi đều vững tinh thần tiến bước. Mộng Loan, vợ Bùi Đức Ái, mấy ngày đầu đi đêm bị lật bàn chân sưng lên. Anh em cáng đi bảy cây số...

Cho đến hôm nay, ai nấy mặt sưng vù lên, phù thũng vì thiếu rau. Thuốc vitamin uống vô hiệu. Yếu nhất hiện tại là Xuân Phong, sau đó đến tôi. Xuân Phong dạ dày hành. Cứ leo dốc là đau bụng như muối xát. Đã mười ngày nay Xuân Phong ăn cháo nhưng cứ lê lết theo. Riêng tôi, chân cũng bị lật: sưng cổ chân chỗ mắt cá. Lết theo bảy ngày, chân yếu, bị gốc rừng chồi xốc móng chân, làm độc. Sưng chân phù lên rất nhức nhối.

Những đêm đi rừng từ 2 giờ khuya leo dốc băng rừng, đi suốt đêm 7 giờ tối hôm sau mới đến chỗ nghỉ, chân đau khập khiễng bước một mình theo sau đoàn, xa cả một, hai cây số.

... Từ hai tuần lễ qua rồi, quả thật đêm nằm mơ một thìa đường, một bát chè. Và cho đến hôm nay, thì thèm cơm ăn cho no, đã là một niềm vui mừng thiết thực khi leo dốc, xuống đèo... Máy bay lại quần trên đầu!”.

Tháng ngày ở căn cứ rừng Tây Ninh, dưới bút danh Lê Quỳnh, anh vẫn miệt mài viết nhiều ca khúc: Giết giặc Mỹ cứu nước, Bài ca thanh niên miền Nam thành đồng, Gởi đồng chí cao xạ pháo Hà Nội, Bản đàn xuân chọn bốn âm thanh, Đêm trăng qua đất Kiến Tường, Tuyến lửa Đông Xuân 66 - 67...

Cùng với hai tác giả Huỳnh Minh Siêng (Lưu Hữu Phước) và Nguyễn Vũ (Ngô Y Linh), Hoàng Việt đã hoàn thành nhạc kịch một màn Bông sen. Giao hưởng số 2 phác thảo theo tiêu đề ba chương là Chiến thắng, Hạnh phúc và Xây dựng.

Tại căn cứ R, sau 15 năm (1952 - 1967), anh Hoàng Việt và anh Xuân Hồng mới gặp nhau. Bấy giờ tại Văn phòng Huyện ủy huyện Châu Thành tỉnh Tây Ninh có cuộc họp mặt: Đoàn Văn công Phân liên khu miền Đông với đoàn Tuyên truyền của huyện. Lần đầu gặp anh Bảy Hoàng Việt, anh Ba Xuân Hồng “tả” chân dung: “Một chàng trai nước da trắng mét (có lẽ vì qua nhiều cơn sốt rét rừng), diện mạo thư sinh, hơi nhỏ nhắn, có vẻ khiêm nhường, dễ gần gũi, nhưng hình như ẩn chứa bên trong sự hóm hỉnh, tinh nghịch, người ta hay gọi là ‘khỉ ngầm’(2).

Đúng vào tháng 10 năm Nhâm Thìn, một trận bão lụt nhận chìm hầu như toàn bộ ruộng lúa sắp chín trên một vùng rộng lớn thuộc tỉnh Tây Ninh, chỉ còn sót lại một vùng rẫy rất nhỏ tại Trảng Cồng thuộc xã Hòa Hiệp là không bị ngập. Và bài hát Lên ngàn đã ra đời trong hoàn cảnh ấy.

*

Ngày 4 tháng 4 năm 1967, trong thư gởi cho anh Hoàng Việt, nhạc sĩ Đỗ Nhuận có nhắn: “Mình muốn cậu viết thư riêng cho mình kể các thứ chuyện ở trỏng. Có lẽ mình cũng xin vào để nắm bắt tình hình chừng vài ba tháng và để gây men cho vở opera của mình viết về đề tài trong ấy...”.

Tháng 5 năm 1967, Hoàng Việt hồi âm: “Làm việc phải ở căn cứ, phải đào hầm, cất nhà, tải gạo, song song với viết lách. Động thì ngưng viết, lo vào chiến hào, lo cất giấu tài liệu, yên thì moi lên viết tiếp. Muốn có vốn phải đi xa xuống đồng bằng... Tuy vậy, một người ở xa như anh, muốn lấy men sáng tác thì xin mời vào. Gây men ở rừng, ở đồng bằng hay châu thổ sông Mekong đều đi đến được cả. Anh có vào trong năm 1967 có thể gặp nhau được. Hoặc cứ khai thác Xuân Hồng mà lấy chất men”.

Hai người chưa gặp nhau được, bởi vì chỉ 7 tháng sau, Hoàng Việt đã đi về Mỹ Tho “để tìm kiếm khía cạnh đặc biệt của con sông Cửu Long và sẽ viết trong dự án dài”. Nhưng anh chưa kịp vượt qua lộ 4, chưa đến được bên dòng sông Cửu Long... thì một buổi sáng, ngày 31 tháng 12 năm 1967, khi quân ta bắn rơi một chiếc trực thăng của quân Mỹ tại kinh Á Rặt, xã Mỹ Thiện, bên hầm trú ẩn của anh; quân Mỹ cho một bầy trực thăng đến bắn hỏa tiễn hòng hủy diệt phi tang chiếc trực thăng bị bắn rơi. Thật không may, nhiều trái hỏa tiễn đã nổ vào hầm núp của anh...

*

Ra đi ở tuổi 39, Hoàng Việt chẳng kịp về thăm An Hữu quê mẹ, cũng chẳng kịp thấy mặt đứa con út sắp chào đời, là đứa con kỷ niệm vợ chồng gặp lại sau 13 năm xa cách. Đó là cháu Lê Trùng Phùng, tức đạo diễn Lâm Lê Dũng. Cháu lấy họ mẹ với họ cha: Lâm Thị Ngọc Hạnh - Lê Chí Trực.

Những năm 90 của thế kỷ 20, Lâm Lê Dũng và vợ là Kim Hoàng cùng với chúng tôi thực hiện thành công một bộ phim tài liệu nghệ thuật về dân ca Nam Bộ: Bốn mùa thương nhớ của Hãng phim Trẻ, TP.HCM.

Hai cháu không nề hà cực nhọc để ghi lại cảnh hát dân ca của các má, các dì ở huyện Mỏ Cày, đang giao lưu với đoàn sưu tầm dân ca Nam Bộ; những cảnh bên rễ cây gừa trên dòng kinh Cái Mơn trong tiết mục Anh về miệt dưới do ca sĩ Đông Đào và Hoàng Thơ thể hiện; những cảnh NSND Hồng Vân bưng thúng đi bán trong liên khúc Lý bánh bò...

Trong những ngày làm việc vất vả dưới trời nắng chang chang Bến Tre, ở Gò Công, Vũng Tàu... cháu Lê Trùng Phùng vẫn vui vẻ yêu đời làm cho chúng tôi được an ủi phần nào khi nhớ về anh Hoàng Việt - Người con của đất mẹ Tiền Giang.♦


(1) Sách Hành khúc giải phóng, tr.1156. NXB Trẻ, 2011. Chủ biên: Lư Nhất Vũ - Lê Giang - Lê Anh Trung.

(2) Nhớ về một người bạn - Sách đã dẫn, tr.1153.