HV160 - Từ tính cách đến tấm lòng của một vị tướng

←Thiếu tướng Tô Ký (1919 - 1999)

Sau Hiệp định Genève 1954, quân đội ta ở miền Nam tập kết ra miền Bắc. Riêng ở Nam Bộ số quân tập kết chỉ thành lập được 2 sư đoàn: Sư đoàn 330 do Đại đoàn phó Đồng Văn Cống làm Tư lệnh đóng ở vùng Lam Sơn - tỉnh Thanh Hóa, Sư đoàn 338 do Chính ủy kiêm Tư lệnh Tô Ký, đóng ở Xuân Mai - Chương Mỹ - tỉnh Hà Đông (nay thuộc về Hà Nội). Hai ông Đồng Văn Cống và Tô Ký đều là nông dân Nam Bộ, đều có tính cách riêng rất độc đáo không nhầm lẫn với vị tướng nào khác ở miền Nam.

Nhân kỷ niệm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23- 9-1945 – 23-9-2021), xin ghi lại vài mẩu chuyện qua lời kể của anh em về tính cách và tấm lòng của tướng Tô Ký.

*

1. Đây là Tô Ký

Người ta kể rằng buổi trưa từ văn phòng Chính ủy Sư đoàn 338, nhà lợp mái tranh của quân đội ở Xuân Mai, một người mặc quần áo cán bộ bộ đội vọt ra ngoài vừa chạy vừa la lớn:

- Anh em ơi! Coi chánh ủy quánh lính nè!

Phía sau, ông Tô Ký mặt đỏ gay, tay cầm cây thước kẻ học trò, vừa rượt theo vừa cải chính:

- Đây là Tô Ký quánh thằng Tô Sanh chớ không phải chánh ủy quánh lính đâu nghe!

Anh em bộ đội ở đơn vị đóng gần đó nghe tiếng la chạy ra, thấy vậy quay mặt đi để giấu nụ cười. Tất nhiên Tô Sanh còn trẻ khỏe hơn phóng ra phía sau doanh trại đơn vị gần đó nhanh hơn chuột đồng, chạy luôn về đơn vị mình; còn Tô Ký lớn tuổi rồi làm sao đuổi kịp, đành bực tức quay lại văn phòng.

Nguyên nhân vì sao xảy ra chuyện này? Chỉ có đồng chí cán bộ phụ trách công tác cán bộ sư đoàn mới biết rõ. Chuyện như thế này:

Số là sau khi được phong Thiếu tướng năm 1958, công việc đầu tiên của anh Ba Tô Ký là gặp đồng chí Công, phụ trách tổ chức cán bộ sư đoàn, hỏi:

- Này, thiếu tướng được phong cán bộ trong đơn vị mình đến cấp mấy?

- Dạ thưa anh Ba, đến cấp đại đội trưởng.

- Vậy thì cậu coi trong sư đoàn mình, anh em nào đi bộ đội tham gia chiến đấu từ năm 1945 đến nay mà còn làm phó thì phong lên cấp trưởng hết nghe chưa?

- Dạ thưa anh Ba, rõ!

- Vậy thì cậu làm danh sách ngay rồi đưa cho mình ký.

Khi đồng chí cán bộ tổ chức đưa tờ trình danh sách đại đội cấp phó lên cấp trưởng, Thiếu tướng Tô Ký xem qua rồi lấy bút chì đỏ gạch tên Tô Sanh, rồi đưa lại cho đồng chí cán bộ tổ chức để làm quyết định. Cầm tờ giấy nhìn thấy tên Tô Sanh bị gạch, anh cán bộ đưa ánh mắt ngạc nhiên nhìn Thiếu tướng Tô Ký:

- Sao anh Ba lại gạch tên Tô Sanh?

- Nó là em tao, tao biết nó chưa chững chạc để làm cấp trưởng đâu. Hãy để một thời gian nữa nếu nó tiến bộ thì phong lên đại đội trưởng cũng chưa muộn! Nó còn trẻ lắm mà!

Chắc là khi nghe công bố quyết định nâng cấp phó lên cấp trưởng trong sư đoàn 338 không có tên mình, nên Tô Sanh lên văn phòng chính ủy gặp ông Tô Ký để hỏi cho ra lẽ vì sao mình không được đề bạt. Câu chuyện của hai anh em không ai biết họ nói những gì nhưng chắc chắn là gay gắt đến mức ông Tô Ký phải chụp cây thước kẻ học trò giơ lên toan đánh thì Tô Sanh đã nhanh chân vọt ra khỏi văn phòng, vừa chạy vừa la như chúng ta đã thấy.

2. Đây cũng là Tô Ký

Buổi trưa vừa nằm nghỉ một chút bỗng Tô Ký nghe nhiều tiếng la “Cháy! Cháy!”, ông vội bật dậy chạy ra ngoài coi cháy ở đâu.

Bên ngoài gian nhà lợp tranh để cái máy phát điện đang bốc cháy dữ dội, trong khi anh em bộ đội đang ra sức cứu chữa bằng mọi phương tiện nhưng ngọn lửa vẫn bốc cao; Tô Ký rút súng ngắn bắn luôn ba phát lên trời với tiếng hô lớn:

- Tất cả dừng lại! Đã cháy thì cho cháy hết để tao xin máy mới! Chứ chữa rồi nay chạy mai hỏng, cả sư đoàn mất điện hoài thì khổ lắm!

Sau đó, Tòa án Quân sự Sư đoàn họp xét xử Chuẩn úy Nhân - người được giao nhiệm vụ bảo vệ máy phát điện - hai năm tù cho hưởng án treo vì tội không làm tròn trách nhiệm để hư hỏng tài sản nhà nước.

Hơn một năm sau, sư đoàn có cho một số cán bộ chuyển ngành phục vụ yêu cầu xây dựng các ngành nhà nước. Trong danh sách có Chuẩn úy Nhân. Chính ủy Tô Ký cho gọi Nhân lên nói:

- Chú mày qua gặp Năm Công - tư pháp sư đoàn để được hướng dẫn làm đơn kiện anh Ba về vụ án cháy máy phát điện phạt oan hai năm tù năm trước để tao xin Tòa án Quân sự Trung ương xóa án cho.

- Dạ thưa anh Ba - Nhân nói thành thật - Tòa án sư đoàn xử em hai năm tù là đúng người đúng tội rồi, em có gì đâu mà kêu oan…

- Nếu chú mày còn ở sư đoàn thì tao không xóa án đâu. - ông Tô Ký nói - Nhưng vì nay mai chú mày chuyển ngành, cơ quan mới người ta xem lý lịch có hai năm tù thì họ nghĩ sao về chú mày mà giúp chú mày tiến bộ được.

- Thưa anh Ba… - Nhân xúc động nói ngập ngừng.

- Đừng nói gì nữa, chú mày qua gặp chú Công ngay đi, kẻo muộn mất.

Bằng cử chỉ xua tay của anh Ba Tô Ký, Nhân hiểu câu chuyện đã kết thúc, vội cúi chào rồi đi nhanh ra ngoài.

Sau đó, Chính ủy Tô Ký cầm đơn kêu oan của Chuẩn úy Nhân ra Hà Nội gặp đồng chí Chánh án Tòa án Quân sự Bộ Tổng nói là ông đã xử oan Chuẩn úy Nhân, đề nghị đồng chí chánh án ra quyết định hủy bản án sư đoàn, khôi phục danh dự cho Chuẩn úy Nhân. Cầm trong tay quyết định xóa án của đồng chí chánh án Bộ Tổng, về đến đơn vị anh Ba Tô Ký cho gọi Chuẩn úy Nhân lên, đưa tờ quyết định nói:

- Đây, quyết định của Bộ Tổng xóa án cho chú, cầm lấy!

Cầm tờ quyết định, Nhân rơm rớm nước mắt quỳ xuống:

- Thưa anh Ba, ơn của anh…

- Đứng lên ngay đi - anh Ba Tô Ký vội kéo tay Nhân - Chúng ta là Bộ đội Cụ Hồ, vào sinh ra tử khắp các chiến trường, thương nhau còn hơn anh em ruột thịt, nếu chú ở vào hoàn cảnh anh Ba, chú cũng làm như vậy thôi, nói ân nghĩa gì…

- Ôi, anh Ba, suốt đời em không bao giờ quên buổi hôm nay - Nhân nói trong nước mắt khi nhìn ông Tô Ký đang đi lại bàn giải quyết bao nhiêu việc hai ngày ông đi vắng.

Như vậy đó, tấm lòng của anh Ba Tô Ký không dành riêng gì với Chuẩn úy Nhân, mà còn dành cho tất cả anh em cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 338, có việc gì nhờ đến anh cũng hết lòng giúp đỡ, bởi theo anh đã là “Bộ đội Cụ Hồ” thì tình thương yêu còn hơn ruột thịt.

Nay anh Ba Tô Ký đã đi xa, nhưng khi có ai nhắc đến Sư đoàn 338 thì hình ảnh của anh Ba vẫn hiện lên rõ nét tính cách và tấm lòng của vị tướng gốc nông dân quê ở Hóc Môn - Gia Định, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh yêu quý của tất cả chúng ta.♦

DƯƠNG LINH
(sưu tầm)