Từ một diễn viên chèo mà Hồng Ngát tốt nghiệp ở trường VGIK danh tiếng (Học viện Điện ảnh quốc gia Liên Xô) và được giới điện ảnh bầu làm Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, làm Phó cục trưởng Cục Điện ảnh thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam. Cuộc đời tưởng thế cũng đã cười được với người nghệ sĩ ấy. Thế nhưng Hồng Ngát còn làm thơ, và thơ cũng mỉm cười với Hồng Ngát.
Thơ Hồng Ngát nổi bật ở sự chân thành. Làm thơ như viết nhật ký, Hồng Ngát ghi lại thành thật những tâm trạng, những khoảnh khắc của cuộc đời. Không cần “tô vẽ, hoa mỹ khi làm thơ”. Thế mà thơ cảm được lòng người nhờ vào sự “thiệt thà” ấy.
Như mọi nghệ sĩ thời chiến tranh gian khổ, Hồng Ngát đi qua chiến tranh với khuôn mặt và tấm lòng nhân hậu của phụ nữ, và đó là điểm son trong thơ Hồng Ngát.
Sống một ngày không hữu ích một ngày
Sẽ không xứng với những người nằm xuống
(Bài ca Trường Sơn)
Ơi những khu rừng trên dãy Trường Sơn
Nơi tôi đến giữa những năm tuổi trẻ
Giữa những năm đạn bom khói lửa
Và đâu hay tôi có một mối tình
(Rừng ơi)
Tuổi trẻ rồi đã qua, những ngày Trường Sơn ấy vẫn đọng lại trong lòng. Nhưng cuộc đời rồi còn biết bao nhiêu điều từng trải. Từ tình duyên lận đận, từ cuộc sống lúc tuổi xế chiều, thế sự và gia sự, con cháu ở xa..., tất cả đều ghi dấu trong thơ, ríu rít chất giọng Hồng Ngát vẫn vui tươi, ngọt ngào đi qua cuộc sống.
Những bài thơ tình hay nhất là những bài viết cho cuộc tình với nhà thơ Thu Bồn. Đây là những bài thơ nhớ thương, khắc khoải đợi chờ một cánh thư (và bặt vô âm tín), trong hai năm 1981 - 1982 ở Kiev, mùa đông. Tôi là người biết tính Thu Bồn và đã đoán trước kết cục cuộc tình này. Thế rồi đến cuộc tình với Phan Hồng Giang, một dịch giả nổi tiếng, một học giả... và họ chung sống với nhau cho tới hôm nay…
M.Q.L.
Vàng son một thuở
Nhớ Hãng Phim truyện Việt Nam
Mỗi lần ngang qua ngõ
Mắt chẳng dám nhìn vào
Sợ tim mình lại đau
Trước khu nhà xập xệ
Đã hơn nửa thế kỷ
Xưa nườm nượp bóng người
Bao gương mặt rạng ngời
Nay đã đi đâu cả
Ríu rít từng con chữ
Long lanh từng thước phim
Nụ cười và nước mắt
Giờ ở đâu mà tìm
Vàng son ôi một thuở
Nay sao mà xác xơ
Đầy sân lá bàng rụng
Cây khẳng khiu bơ phờ
Cây si đứng bên cổng
Chẳng thấy ai để chào
Các phòng cửa đều đóng
Cây cũng buồn làm sao
Bao giờ hồi sinh lại
Thế giới bảy sắc màu
Những thước phim vô giá
Về cuộc đời nông sâu
Bao giờ bao giờ nhỉ
Mong khắc khoải từng ngày
Bao giờ người trở lại
Để hết buồn khói mây
(Khai bút mùng 1-1-2021)
Rừng ơi
Em đã hiểu rằng từ khi biết yêu anh
Cái cảm xúc ban đầu thật đẹp
Anh bộ đội có cái nhìn chân thật
Mọi gian truân không xóa nổi nét cười
Khu rừng già đêm ấy mưa rơi
Lá cây ướt mà đất rừng không ướt
Anh hái cho em trái me chua ngọt
và nói về những chuyện mai sau
Dòng suối trong rừng xanh bóng rêu
Bom rơi xuống làm chết bao nhiêu cá
Anh đã quen còn em thấy lạ
Tiếng ầm ì giữa tiếng xe, tiếng bom
Ơi những khu rừng trên dãy Trường Sơn
Nơi tôi đến giữa những năm tuổi trẻ
Giữa những năm đạn bom khói lửa
Và đâu hay tôi có một mối tình
Một mối tình trong năm tháng chiến tranh
Giữa khốc liệt vẫn mang nhiều thơ mộng
Anh bộ đội áo sạm đen khói súng
Và cô văn công đứng hát trước bom thù
Những lúc yên bình đi dạo dưới rừng thu
Chợt quên tiếng bom chỉ còn nghe tiếng hát
Rồi bỗng đâu gặp trong ánh mắt
Trong muôn người bắt gặp một bàn tay
Suốt những năm dài cho đến hôm nay
Đã đi hết một đoạn đời tuổi trẻ
Vẫn giữ mãi cái nhìn chân thật quá
Và dư âm về những cánh rừng già
Tất cả những điều em đã đi qua
Vẫn nhớ mãi những tháng ngày đẹp ấy
Dù tuổi trẻ qua đi không trở lại
Dù đổi thay trong cuộc sống mỗi người
Lúc vui, buồn em hay gọi: Rừng ơi!
Vô đề
Vòng quanh thế giới thì xa
Đường đi đến với lòng ta vốn gần
Bây giờ đâu phải mùa xuân
Dây tơ đứt nối bao lần còn đau
Nào ai chờ đợi ai đâu
Mà sao thắc thỏm ra vào chẳng yên
Biết rằng đâu chỉ riêng em
Thức nhiều nên đã biết đêm rất dài
Trái tim yếu đuối như người
Xôn xao trước những ban mai lạ lùng
Tuyết rơi trắng trước cửa phòng
Vẫn ngời lên chút nắng hồng lẻ loi
Như là ai gọi người ơi
Để tôi đi mãi suốt đời chẳng yên...
Kiev, Noël 24-12-1981
Hồng Ngát