Tiếng gọi của tôi bây giờ chắc sẽ dội về một miền xa vô tận, mà người ta gọi là hư vô. Nguyễn Quốc Trung đã rời xa trần thế rồi. Trung ra đi vội vã, bất ngờ quá làm ai cũng sững sờ. Trung bị sốt 2 ngày, vào bệnh viện Quân đội 175 phát hiện dương tính với COVID-19 và ra đi chỉ 10 ngày sau đó. Những ngày cuối, Trung đã yếu mệt lắm, không còn trả lời được điện thoại của bạn bè gọi đến hỏi thăm, động viên. Và rồi xuôi tay, ra đi.
Trung ra đi, giữa lúc đang còn nhiều dự định tốt đẹp cho một tương lai tươi sáng. Trung đã viết và in được khoảng 20 cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn và được Hội đồng Giải thưởng cấp Bộ (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), sau Hội đồng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, bỏ 11/11 phiếu thông qua việc tặng Giải thưởng Nhà nước cho anh. Nghĩa là số phiếu tuyệt đối. Và chỉ còn chờ Hội đồng Giải thưởng Nhà nước thông qua là anh nhận giải. Nhưng không kịp nữa rồi!
Trung là một nhà văn kiêm nhà báo. Anh nhanh nhẹn, viết nhanh, vì vốn tích lũy nhiều. Anh viết bình luận văn học, viết tạp văn, tùy bút đều sành. Và làm thơ, kể cả thơ thời sự. Dạo sau này, Trung làm thơ ngày càng khá, tứ sâu, tôi hay đem đăng lên Hồn Việt.
Nhưng cái đặc biệt của Trung là nhãn quan chính trị sắc sảo. Vì Trung được làm việc với các đồng chí lãnh đạo ở Tổng cục Chính trị, được giáo dục, huấn luyện từ một người lính đến đại tá, làm việc trong một lĩnh vực mà anh thông thạo. Một người quý hiếm, không dễ có. Nguyễn Quốc Trung còn có thể cống hiến được nhiều lắm. Thế mà cái cây tươi xanh ấy bỗng gãy ngang. Đau đớn, bi thương vô hạn.
Tôi và Trung quen nhau đâu sau 1975, lúc đó tôi dạy ở Đại học Sư phạm TP.HCM, nên Trung gọi tôi bằng thầy. Đó cũng là thói quen trọng học, trọng thầy của người Hà Tĩnh, đất văn hiến quê của bao danh sĩ. Sau khi giải phóng Phnom Penh năm 1979, Trung và anh Nguyễn Chí Trung giúp chúng tôi, gồm Chế Lan Viên, Nguyễn Đức Nam... đi Phnom Penh. Các anh chỉ huy Quân đoàn 4, quân đoàn giải phóng Phnom Penh, rất yêu mến, nhiệt tình với văn nghệ. Trung được phân công hướng dẫn đoàn. Bữa cơm lính thời trận mạc đơn sơ, Trung đi hái thêm mấy quả xoài chấm muối ớt và kiếm đâu được chai rượu màu của nhà máy rượu Phnom Penh về uống. Chế Lan Viên và chúng tôi, mấy anh em đi tham quan cái thành phố hoang vắng vừa sạch bóng Pol Pot. Sau này, năm 1989, lúc ta rút quân, cũng lại Nguyễn Chí Trung và Nguyễn Quốc Trung tổ chức cho chúng tôi đi Siem Reap thăm Angkor. Nguyễn Chí Trung sau đó trở thành trợ lý của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, là người truyền đạt lệnh miệng của Tổng bí thư ở TP.Hồ Chí Minh; Nguyễn Quốc Trung được tín nhiệm và thêm hiểu biết cặn kẽ về bộ máy, về các nhân vật lãnh đạo nước nhà.
Nhưng Trung vẫn không phai nhạt niềm say mê của mình về văn chương. Trung viết rất nhiều và đọc cũng rất nhiều. Dạo gần đây, anh hay đến các hiệu sách, tìm các cuốn sách cũ quý, bỏ tiền mua về và photocopy tặng chúng tôi, đôi lúc là mua những Tuyển của các nhà văn đàn anh thân thiết sót lại để những cuốn sách khỏi tủi thầm là bị bỏ rơi...
Trung hay đến nhà tôi, hai anh em trao đổi tin tức, bình luận thời cuộc, văn nghệ và ăn bánh giò mà Trung lần nào đến cũng mua theo. Trung có thói quen hay tặng quà, dù là một chút gì, cái bánh giò nhỏ bé cũng mang cả tình cảm chăm chút bạn bè...
Trung mất, tôi mất một người em, một người bạn. Trung rất thông minh, nhạy cảm. Trung trẻ hơn tôi, có nhiều cơ hội tiếp xúc rộng rãi nên biết nhiều cái mà tôi không biết, nhất là anh đang ở trong môi trường quân đội, gần gũi các vị tướng trận mạc, lão luyện ở hàng đầu trong công cuộc giữ nước dựng nước. Tôi đã mất đi không chỉ một người bạn, một người em mà theo cùng với đó có cả những lý do để mình yêu cuộc đời này.
Trung ơi, thôi vĩnh biệt!♦
15-9-2021
MAI QUỐC LIÊN