HV160 - Vũ Hạnh - Như là một huyền thoại

Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng. “Vũ Hạnh” là bút danh lấy tên một người bạn chiến đấu đã hy sinh để tưởng nhớ bạn. Ông sinh năm 1926 tại Thăng Bình, Quảng Nam trong một gia đình Nho học giàu có. Thân phụ là ông Tú Lan, ông ngoại là Tiến sĩ Phan Quang, một trong “Ngũ phụng tề phi” (5 con phượng hoàng cùng bay, gồm ba tiến sĩ: Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn và hai Phó bảng: Dương Hiển Tiến, Ngô Chuân cùng khoa thi năm Mậu Tuất, 1898) của xứ Quảng.

Ông học ở Huế đến bậc Tú tài 1 thì Nhật đảo chính Pháp, ông bỏ học quay về quê nhà tham gia Mặt trận Việt Minh, ông tham gia trong Đội võ trang tuyên truyền, là thành viên Ủy ban Tổng khởi nghĩa huyện Thăng Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là trưởng đoàn kịch Thăng Bình, giáo viên dạy văn, sau đó tham gia Đoàn Văn nghệ Thanh niên xung phong Liên khu V.

Sau Hiệp định Genève, ông bị địch bắt giam ở các nhà tù Thăng Bình, Hội An. Nhờ mưu trí, ông thoát ngục, vào Sài Gòn tiếp tục con đường cứu nước, hoạt động cách mạng đơn tuyến (dưới sự chỉ đạo của chỉ một người là Bí thư Sài Gòn Trần Bạch Đằng) và sống công khai bằng nghề dạy học, làm báo, viết văn với bút danh Vũ Hạnh. Lấy văn chương, báo chí làm vũ khí, ông trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa trong cuộc đấu tranh vừa mềm dẻo vừa quyết liệt giữa lòng đối phương. Năm 1960, ông gia nhập Hội Nhà báo yêu nước của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với bí danh Hoàng Thanh Kỳ, đấu tranh công khai trên mặt trận văn hóa.

Ngoài bút danh Vũ Hạnh, Hoàng Thanh Kỳ, ông còn sử dụng nhiều bút danh khác: Cô Phương Thảo, Nguyên Phủ, Minh Hữu... Ông từng 5 lần bị tù nhưng kẻ thù không có chứng cứ gì để kết tội, phải trả tự do.

Khi Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc ra đời (do Đảng ủy Văn hóa thành lập tháng 8-1966), ông được bầu làm Tổng thư ký; là một trong những trong cây bút nòng cốt của báo Tin văn - thuộc lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc. Khi tạp chí Văn bút của Trung tâm Văn bút ở miền Nam ra đời (tháng 1-1971), ông nhận nhiệm vụ chủ biên với mục đích sử dụng tạp chí này làm diễn đàn đấu tranh cho nền văn hóa dân tộc. Nhiệt huyết cách mạng cùng vốn kiến thức phong phú và năng lực bút chiến sắc sảo đã giúp Vũ Hạnh tạo được ấn tượng mạnh mẽ về tính chiến đấu, sự kiên định lý tưởng cách mạng qua những hoạt động văn hóa yêu nước trong lòng đô thị miền Nam.

Vũ Hạnh viết nhiều, viết bằng cả nhiệt huyết của một tấm lòng yêu nước. Ông viết nhiều thể loại (truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình văn học) với hơn 20 tác phẩm, như các tập truyện: Vượt thác (1963), Mùa xuân trên đỉnh non cao (1964), Chất ngọc (1964), Ngôi trường đi xuống (1966), Bút máu (1971), Con chó hào hùng (1974), Cô gái Xà Niêng (1974), Ăn Tết với một người điên (1985), Sông nước mênh mông (1995)...; các tiểu thuyết: Lửa rừng (đăng trên tuần báo Mai lấy tên là Truyện nàng Y Kla, 1960); hồi ký: Cái tết khó quên (1990), Một chặng đường bút mực (2000); tiểu luận: Người Việt cao quý (1965), Đọc lại Truyện Kiều (1966), Tìm hiểu văn nghệ (1970)...

Những tác phẩm cột mốc của ông có thể kể: đầu tiên là Người Việt cao quý (1965, với bút hiệu một người Ý là “A. Pazzi”, có nghĩa là “Bất Di” - không thay đổi lập trường) viết vào lúc Mỹ đưa quân trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam. Tác phẩm này được viết theo yêu cầu của lãnh đạo cách mạng để khích lệ tinh thần dân tộc, tinh thần chiến đấu của nhân dân ta trước một thời kỳ lịch sử mới. Tác phẩm ra đời trong bối cảnh những năm 60 của thế kỷ 20, sau khi Mỹ đổ bộ vào Việt Nam, xã hội miền Nam nhanh chóng du nhập lối sống thực dụng của Mỹ. Các loại văn hóa phẩm đồi trụy và lối sống sa đọa của Mỹ đã thúc đẩy các tệ nạn xã hội phát triển, chà đạp lên các giá trị văn hóa dân tộc, các thuần phong mỹ tục có truyền thống của nhân dân ta. Cuộc đấu tranh gìn giữ thuần phong mỹ tục trong các gia đình người Việt Nam càng trở nên bức xúc. Nhà văn Vũ Hạnh nói ông viết Người Việt cao quý nhằm đề cao văn hóa dân tộc, con người Việt Nam. Cuốn sách được viết nhanh trong vài tuần, in đi in lại đến 50 lần, được nhân dân từ thành thị đến làng quê chuyền tay nhau đọc. Ai cũng hào hứng, tự hào về những đức tính quý báu của dân tộc mình - một sức mạnh tiềm tàng được phát lộ, được nhân lên trong thử thách. Đồng chí Lê Duẩn, người chịu trách nhiệm về công cuộc giải phóng miền Nam, đọc cuốn này và hỏi: “Tay nào viết Người Việt cao quý khá quá?”. Tuyên huấn Thành ủy trả lời: “Đó là Vũ Hạnh, một cán bộ của Thành ủy, hoạt động đơn tuyến trong lòng địch”. Sau Hiệp định Paris được ký kết, tác phẩm được tác giả đổi tên thành Người Việt kỳ diệu, cũng của A. Pazzi mà Vũ Hạnh làm “dịch giả”.

Kế đó là Đọc lại Truyện Kiều (1966) - tập hợp các bài viết của Vũ Hạnh trên tạp chí Bách khoa, in thành sách nhân 200 năm ngày sinh của Nguyễn Du. Đây là một tác phẩm không gò bó trong khuôn khổ của nhà trường, hàn lâm viện; ghi dấu tâm hồn và ngòi bút tài hoa của Vũ Hạnh nên có sức cuốn hút đặc biệt với bạn đọc. Tác phẩm khiến một nhà thơ, một học giả tài danh như thi sĩ Đông Hồ nổi tiếng (lúc đó kiêm giảng viên Đại học Văn khoa Sài Gòn) cũng mến phục. Ông sai một tiểu đồng ăn mặc theo lối xưa mang đến tặng Vũ Hạnh một khay quà tặng.

Một cột mốc nữa là Bút máu, truyện ngắn chống chính quyền bạo tàn Ngô Đình Diệm khát máu và những bồi bút ca ngợi chế độ ấy. Bút máu được viết với lối văn pha màu nghị luận cổ văn khi lên án ngòi bút của bọn tay sai thời Ngô “xuyên tạc chân lý, che lấp bần hàn, ca ngợi quyền lực, bỏ quên con người, văn chương há chẳng làm những điều vô nhân đạo? Tội ác văn chương xưa nay, nếu đem phân tích, biết đâu chẳng dồn chất thành ngàn dãy thiên sơn”. Đó là một lời hịch hào sảng làm thức dậy chính nghĩa. Báo chí Hà Nội in lại, phổ biến, đài phát thanh đọc rần trời, nghe sướng cả tai! Có thể nói nếu Người Việt cao quý là công trình nghiên cứu, phê bình văn học, văn hóa đạt đỉnh cao thì truyện ngắn Bút máu là một tuyên ngôn chính trị chống chế độ bạo tàn, một tuyên ngôn văn nghệ cho nghiệp cầm bút của nhà văn Vũ Hạnh vang lên giữa lúc Mỹ đang lê máy chém khắp miền Nam, bởi “qua Bút máu, lần đầu tiên trên văn đàn Sài Gòn, người đọc được nghe một tuyên ngôn văn nghệ nhấn mạnh đến trách nhiệm nặng nề của người cầm bút, đồng thời thấy đó như là một lời cảnh báo gián tiếp gửi đến những cây bút tưởng có thể nấp trong cõi từ chương để có thể tiếp tay cho kẻ ác”(*). Tinh thần dân tộc - cách mạng ấy đã từng được thể hiện rất rõ trong Tìm hiểu văn nghệ (1970).

Quãng thời gian sau 1965, Vũ Hạnh và các trí thức Sài Gòn khác có cuộc gặp với John Steinbeck (tác giả Chùm nho nổi giận được giải thưởng Nobel của Mỹ) nhân dịp John Steinbeck sang Sài Gòn để tuyên truyền cho Mỹ. Tại cuộc gặp này, Vũ Hạnh đã lên án cuộc chiến tranh của Mỹ, nêu cao lập trường chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình.

Vũ Hạnh từng được điều động ra R để làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhưng đang lúc chuẩn bị lên đường thì bị bắt vào tù. Có lẽ Vũ Hạnh đạo đức, tài năng nhưng “Bình sinh bất đái công hầu cốt” (bình sinh không mang cái cốt tướng được phong hầu - Nguyễn Du).

Vũ Hạnh chúa ghét lối học đòi, lai căng trong văn hóa. Ông và nhiều trí thức Sài Gòn bền giữ cốt cách văn hóa Việt, xem đó là biểu hiện của tinh thần yêu nước. Ông cũng viết nhiều bài phê bình văn học, nhiều khi viết về những cái dở, chê chỗ yếu kém mà tác giả không giận vì biết Vũ Hạnh thẳng thắn, chân tình.

Vũ Hạnh được văn nghệ sĩ cả nước, kể cả ở miền Bắc, nghe tên, quý trọng. Có một nhà văn như thế hoạt động trong lòng địch, chịu tù ngục, khổ ải, lòng người cảm thấy thương mến tự hào. Bí thư Sài Gòn Trần Bạch Đằng nhận xét Vũ Hạnh: “đã làm quá nhiệm vụ mà cách mạng giao” (Vũ Hạnh được giao nhiệm vụ đóng vai một trí thức yêu nước). Khi nhà văn Vũ Hạnh trong đoàn đại biểu trí thức miền Nam ra thăm miền Bắc sau năm 1975, lúc tiễn đoàn, GS Đặng Thai Mai ôm Vũ Hạnh khóc ròng. Đó không chỉ là tình cảm của cá nhân cụ Đặng với Vũ Hạnh mà còn là tình cảm của miền Bắc đối với miền Nam ruột thịt.

Vũ Hạnh từng là Tổng thư ký Ủy ban Bảo vệ văn hóa dân tộc của Sài Gòn, Tổng thư ký Hội Văn nghệ TP.HCM, rồi Ủy viên Thường vụ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật TP.HCM. Ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật năm 2007.

Năm 2015, NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành Tuyển tập Vũ Hạnh gồm 2 tập dày gần 1.400 trang. Phát biểu nhân dịp ra mắt Tuyển tập, ở tuổi 90, niềm tin và lòng tự hào dân tộc trong ông vẫn không hề vơi cạn: “Tôi luôn tin tưởng ở dân tộc mình. Từ thuở xa xưa, còn rất nhỏ bé, bị một nước lớn đô hộ ngàn năm vẫn không bị sự đồng hóa, cuối cùng chúng ta vẫn đánh bại mọi kẻ thù, kể cả những kẻ xâm lược có sức mạnh quân sự mạnh nhất thời bấy giờ. Đó là kết quả trên cả mức phi thường của cả dân tộc. Nhiều nhà sử học thế giới, hiện nay đã xác minh rằng dân tộc chúng ta vốn có một nền văn minh cao cấp”.

Nhà văn Vũ Hạnh rời cõi tạm ngày 15-8-2021. Mất Vũ Hạnh, làng văn nghệ Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh cảm thấy trống vắng biết bao! Từ nay, trong các cuộc hàn huyên của anh em văn nghệ sẽ không còn một nhà văn nhẹ nhàng, khiêm nhường, chân tình với bạn bè và nồng nàn lòng yêu đời, yêu nước, tao nhã mà thích trào lộng, thích nói lái (theo lối xứ Quảng), thích đọc những câu ca dao châm biếm; nền văn nghệ nước nhà mất đi một cây bút lý luận - tranh luận có uy tín cao... Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - nơi ông đã từng tham gia công tác - tưởng nhớ đến ông như nhớ đến một truyền thống tốt đẹp lúc ông tâm huyết với nhiệm vụ thiết yếu, cao cả của nền lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nước nhà.

Nhà văn Vũ Hạnh nhập viện vào ngày 11-8- 2021 và mất ngày 15-8-2021, được mai táng tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh ở Củ Chi trên một khu đất đẹp. Vì dịch bệnh nên không ai được đi đưa tang. Xin cảm ơn nhà thơ Lê Tú Lệ, Phó chủ tịch thường trực Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh, đã đảm đương việc hậu sự một cách chu đáo cho nhà văn Vũ Hạnh.


(*) Trần Hữu Tá, Nhìn lại một chặng đường văn học, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.99.

MAI QUỐC LIÊN