HV161 - Bài thơ khắc vào vách đá núi Bài Thơ năm 1910 và tác giả NGUYỄN CẨN


Tuần phủ Quảng Yên Hiệp biện Đại học sĩ Nguyễn Cẩn

Tôi “tiếp xúc” với bài thơ này từ năm 1971, bởi đây là bài thơ dễ nhận ra nhất, chữ cũng dường như còn lại đầy đủ nhất, trong 3 bài thơ xuất sắc nhất trong số 12 bài thơ hiện còn trên vách đá núi Bài Thơ. Cuộc Hội thảo khoa học tại Quảng Ninh năm 1992, về Danh thắng núi Bài Thơ, về thơ ở núi Bài Thơ và về Ngày thơ Quảng Ninh, đã đưa nó vào danh sách giá trị văn hóa được bảo tồn theo luật Di sản. Chính từ kết quả hội thảo này, mà năm 1994, toàn bộ giá trị văn hóa, lịch sử và cảnh quan núi Bài Thơ được bổ sung vào Di sản Quốc gia vịnh Hạ Long, và khi toàn bộ Di sản vịnh Hạ Long trở thành Di sản kỳ quan của cả thế giới, thì bài thơ của vua Lê Thánh Tông năm 1468, bài Họa của Trịnh Cương năm 1729 và bài thơ 2010 của Nguyễn Cẩn… trở thành giá trị nằm trong các giá trị có ý nghĩa toàn cầu của vịnh Hạ Long (còn 9 bài thơ khác, đều từ Bảo Đại nguyên niên 1926 về sau, là thơ của các ông bà đi vãn cảnh vịnh Hạ Long, chỉ ngang thơ của các thành viên câu lạc bộ thơ cấp xã hiện nay mà thôi).

Bài thơ Nguyễn Cẩn đề trên vách đá núi Bài Thơ, ngày mùng 3 tháng chạp năm Canh Tuất (1910) nguyên văn chữ Hán, được phiên âm như sau:

Thánh Tôn hoàng đế đề thi thạch,

Đông minh chi sơn cao bách xích.

Thiên phong, hải đảo nhật dạ kích,

Ngũ bách niên dư, tự do xích

Họa xưng ngự bút ế hà nhân?

Trịnh Vương vọng ý đồng bất dân.

Ngã lai bạt kiếm, nộ thả sân,

Hu ta hậu Lê chi quân thần!

                Canh Tuất, lạp nguyệt, sơ tam nhật,

                                                  Nguyễn Cẩn

(Hoàng đế Thánh Tông đề thơ lên đá/ Núi ở bể Đông cao hàng trăm thước/ Gió trời, sóng biển ngày đêm vỗ vào/ Thế mà hơn 500 năm rồi, chữ còn chưa mất/ Họa lại, dám xưng là ngự bút; hừ, ai đấy nhỉ?/ Ý xấu của Trịnh Vương là muốn cùng trường tồn/ Ta đến, rút kiếm phẫn nộ và căm tức/ Than thay cho vua tôi nhà hậu Lê! -

                  Nguyễn Cẩn đề, ngày mùng 3 tháng chạp

                                             năm Canh Tuất, 1910)

Dịch thơ:

Vua Lê Thánh Tôn đề thơ vách đá

Núi cao trăm thước trên biển cả

Sóng gió ngày đêm đập vật vã

Nét chữ năm trăm năm còn sáng tỏa!

Dám xưng ngự bút họa thơ Người!

Trịnh muốn trường tồn cùng đất trời?

Ta rút kiếm, căm tức, kêu: Than ôi!

Vua tôi Hậu Lê đâu cả rồi?

                                (Trần Nhuận Minh dịch)

Nguyễn Cẩn, có tên trong sách Lược truyện các tác gia Việt Nam do nhà thư mục học lớn Trần Văn Giáp biên soạn, NXB Khoa học Xã hội ấn hành năm 1971. Theo tập sách tư liệu khoa học Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản của Viện Hán Nôm do NXB Khoa học Xã hội vừa ấn hành năm 2021, thì Nguyễn Cẩn tên khai sinh là Nguyễn Lương Cẩn, sinh năm 1854 (mất năm 1933) tại làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn, nay thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông là con trưởng Nguyễn Năng Ái, gọi Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản là bác ruột. Nguyễn Tư Giản là nhà văn hóa và bang giao quan trọng của triều Nguyễn, từng là Phó sứ đi Trung Quốc, được tri phủ Hán Dương (Vũ Hán ngày nay) là Ngải Tuấn Mỹ, tặng đôi câu đối ngày 9 tháng 12 năm Nhâm Thìn 1863: “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Mười năm đi tìm thanh kiếm cổ/ Một đời chỉ cúi đầu trước hoa mai) được gán cho Cao Bá Quát đã mất trước đó 13 năm (1855). Do đó 2 câu này, đặc biệt là câu thứ 2, rất nổi tiếng.

Nguyễn Cẩn tên tự là Thận Hạnh, tên hiệu là Hương Khuê, đỗ cử nhân khoa Kỷ Mùi (1879) làm quan tới chức Tuần phủ Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh ngày nay). Ông được vua Nguyễn phong hàm nhất phẩm, Trụ quốc, Hiệp biện Đại học sĩ, là tác giả cuốn sách toán học Bát toán chỉ nam ký hiệu A.1031, hiện lưu tại Thư viện Khoa học xã hội, Hà Nội.


Bát hương Quảng Yên tại đền thờ Vân Điềm (Bắc Ninh)

Về thơ, Nguyễn Cẩn là tác giả nhiều bài thơ chữ Hán, được coi là một trong những nhà thơ xuất sắc cuối thời Nguyễn, đầu thế kỷ 20. Thi hào Nguyễn Khuyến mất năm 1909, bài thơ của Nguyễn Cẩn khắc vào núi Bài Thơ năm 1910. Bài thơ của Nguyễn Cẩn cho thấy xu hướng tư tưởng chính trị của cả một thời đại, đó là thời cuối Lê qua Tây Sơn đến suốt triều Nguyễn, tư tưởng đó là yêu Lê ghét Trịnh. Thực ra phủ chính của chúa Trịnh, từ khởi đầu đến Trịnh Cương (tác giả bài thơ Họa nổi tiếng hiện còn rất nguyên vẹn ở vách đá núi Bài Thơ, cạnh bài thơ của vua Lê) là cơ quan nhà nước, có nhiều điểm rất tiến bộ, điều hành có hiệu quả toàn bộ mọi hoạt động của quốc gia thời đó (chữ chính phủ ta dùng hiện nay là bắt đầu từ đây) để phân biệt với cung đình của triều Lê, lúc đó vua Lê chỉ “rũ áo khoanh tay, ngồi chơi xơi nước”.

Bài thơ của Nguyễn Cẩn có 8 câu, 4 câu đầu toàn thanh trắc, 4 câu sau toàn thanh bằng, cấu trúc chặt chẽ, hơi thơ liền một mạch, bút pháp phóng khoáng, ngôn ngữ điêu luyện, rất hiện đại, thể hiện khí thế cao cường và sự phẫn nộ bừng bừng của quan Tuần phủ Quảng Yên với chúa Trịnh. Ngay vị trí khắc, bài thơ Nguyễn Cẩn ở hàng dưới, rất thấp so với bài thơ của vua Lê (bên phải), bài chúa Trịnh cao vót lên trên bài thơ của vua Lê (bên trái) cũng bộc lộ sự kiêu căng của chúa Trịnh. Ngay điều đó cũng phản ánh tình hình nội bộ thời vua Lê (cuối Lê - không phải thời vua Lê Thánh Tông) và chúa Trịnh là như thế nào.

Bài thơ này đã bị vùi lấp hoàn toàn dưới hơn 2 mét đất khi tu sửa công trình bài thơ của vua Lê. Do đề nghị của tôi, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cho khai quật lại bài thơ và sẽ tu bổ giữ nguyên hiện trạng như nó đã có từ 111 năm nay.

Trong thời gian làm Tuần phủ Quảng Yên, Nguyễn Cẩn có thửa tại Quảng Yên 3 bát hương lớn bằng đá, mà gia phả gọi là “nồi hương” cung tiến cho 3 nhà thờ của dòng họ ở Đông Ngàn, Bắc Ninh, trong đó 1 bát hương đã bị cuốn trôi năm 1956 khi vỡ đê Mai Lâm. Hiện còn 2 bát hương tại nhà thờ Đại tộc ở Du Lâm và nhà thờ chi họ Nguyễn Thực ở Vân Điềm. Theo bà Nguyễn Hạc Đạm Thư, hậu duệ của Nguyễn Cẩn (gần 90 tuổi, hiện ở TP.Hồ Chí Minh), thì còn chữ của Nguyễn Cẩn khắc vào bát hương Quảng Yên.♦

TRẦN NHUẬN MINH