Đổi mới phương pháp dạy học và cách đánh giá người học
Bảo thủ là cái có sẵn của con người, giáo viên cũng là con người lại thêm ý chí kiên định của nghề dạy học thì tính bảo thủ của người thầy lại càng nặng nề và trì trệ hơn. Đổi mới giáo dục cũng từ đây mà thêm đa đoan.
Chúng ta còn nhớ, mô hình đổi mới giáo dục, có tên là “Trường học mới Việt Nam” (VNEN), đã mở ra, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm mới giáo dục phổ thông, trong giai đoạn 2011 - 2016. Nhiều ý kiến cho rằng, các nhà trường chưa thể hiểu biết được thực tế, thế nào là dạy học phát triển năng lực học sinh, nếu một khi chưa trực tiếp được dạy học theo mô hình VNEN. Có tới 75% hiệu trưởng các trường tiểu học cho rằng, trường học truyền thống cần thay thế bằng trường học VNEN. Làn gió mới, “đổi mới toàn diện” nhà trường theo mô hình VNEN đã lan nhanh tới mức, quá nửa các trường tiểu học và trên 1/3 các trường trung học cơ sở trong cả nước hồ hởi làm theo. Một số tỉnh đã chuyển đổi cách tổ chức dạy học cho tất cả các trường tiểu học ở địa phương mình học theo phương thức của mô hình VNEN.
Do mô hình VNEN phát triển quá nóng và ồ ạt, dẫn đến một số nơi vận dụng quá cứng nhắc, trái với tự nhiên của giáo dục, gây phản ứng trong dư luận, làm bất an xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vội vàng chuyển từ “duy trì” sang “khuyến khích” các địa phương áp dụng mô hình VNEN. Cũng từ đây, một số địa phương bỏ mô hình mới và lại quay lại mô hình dạy học cũ truyền thống. Đơn giản vì nó quen, dễ làm và không vất vả khi theo phương thức dạy học mới. Chính vì vậy, cũng tại con người đã làm chậm đi quá trình đổi mới giáo dục, vốn biết đổi mới giáo dục nó là đa đoan, là gian truân và gặp trăm bề áp lực.
Đổi mới kiểm tra, đánh giá người học vốn được coi là khâu đột phá của mỗi cuộc cải cách giáo dục. Dự án VNEN đã tiêu tốn cả 85 triệu USD bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Tổ chức Giáo dục toàn cầu (GPE), chỉ trong 5 năm. Cũng may cho giáo dục Việt Nam, tuy vất vả và tốn kém là vậy, nhưng đã sớm tỉnh ngộ, kiên trì theo đuổi mục tiêu đánh giá theo quá trình học tập học sinh, tức là học đến đâu đánh giá đến đấy. Lấy đánh giá bằng nhận xét thay cho chủ yếu đánh giá bằng điểm số làm đặc điểm nổi trội cho cách đánh giá mới. Cùng với đó là sự mẫn cán và thức thời ở một bộ phận cán bộ chuyên môn của Bộ GD&ĐT đã không những giữ được phương thức hiện đại của kiểm tra, đánh giá người học mà còn đến nay đã lan tỏa rộng khắp cho toàn cấp học phổ thông, từ lớp 1 đến lớp 12.
Giáo dục ngoài luồng
Tổ chức UNESCO hiểu dạy thêm, học thêm là “giáo dục ngoài luồng” (Shadow Education), như “cái bóng”, song hành của giáo dục chính khóa trong các nhà trường. Giáo dục ngoài luồng ở khu vực châu Á có một lịch sử lâu dài, suốt từ năm 1943 đến nay. Trung Quốc, quốc gia bên cạnh chúng ta cũng đang mở cuộc “tấn công” toàn diện vào giáo dục ngoài luồng nhằm cứu giáo dục và cứu xã hội.
Một số giáo viên “dạy trước” khiến cho việc giảng dạy chính khóa gặp khó khăn, trình độ học sinh không đồng đều. Học thêm nhiều nhất là các môn được coi là cần thiết để dự thi hay tiếp tục học cao hơn, như Toán, Ngữ văn hay Anh văn. Theo đánh giá chung, nếu không tham gia các lớp luyện thi, thí sinh khó có thể đạt đủ điểm chuẩn để vào các lớp đầu cấp. Vì thế mặt bằng về mức độ đề thi chuyển cấp ngày càng nâng lên là do nội dung luyện thi ở các lớp giáo dục ngoài luồng đã đẩy lên quá cao, quá khó. Chúng ta đã gặp nghịch lý, giáo dục ngoài luồng lại điều chỉnh giáo dục chính khóa. Có học sinh đã tham gia luyện thi dài tới ba hay bốn năm, ngay từ đầu cấp để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp. Luyện thi vất vả là vậy, nhưng trớ trêu khi đỗ vào trường rồi thì học sinh lại học rất thong dong, bởi vì một phần học sinh đã quá “mệt”, phần vì yêu cầu các trường không quá cao.
Cần thống nhất quan điểm rằng, sự tồn tại, bản chất và ý nghĩa của giáo dục ngoài luồng là một hiện tượng xã hội, không tự mất đi và cũng không thể cấm triệt để nó hoạt động. Tuy đây là một lĩnh vực phức tạp, nhưng giáo dục vẫn có thể tìm ra cách quản lý phù hợp, hiệu quả hơn. Chẳng hạn, bằng cách thảo luận rộng rãi, công khai và có trách nhiệm thay vì bỏ qua hoặc thiếu trách nhiệm tới vấn đề này. Quy định học thêm cần cụ thể để khuyến khích những khía cạnh tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực của nó. Hãy làm cho cha mẹ học sinh và xã hội thấy được lợi ích tới đâu khi học sinh tham gia học thêm. Trừ trường hợp vì mục đích trông trẻ, để phụ đạo học sinh yếu thì việc học thêm cho học sinh này thì tốt, nhưng học sinh khác lại không tốt, thậm chí lại có hại.
Người ta còn nói, bỏ trường chuyên lớp chọn là chấm dứt được giáo dục ngoài luồng. Trường chuyên lớp chọn một thời là hoàng kim, điểm sáng của giáo dục. Nay đã biến tướng thay đổi đi nhiều. Học và tiếp tục học, nó bám riết là thực chất giáo dục ngoài luồng ngày càng kết dính, thành tệ nạn xã hội khó hóa giải. Học không phải để phát triển bản thân người học mà học để đạt điểm cao, có nhiều kiến thức vào trường chuyên, để được ưu tiên xét chọn vào đại học. Chất lượng các kỳ thi, kể cả kỳ thi học sinh giỏi không phải là chất lượng giáo dục mà là chất lượng của giáo dục ngoài luồng. Một nền giáo dục đặt trọng tâm vào đánh giá bằng điểm số của người học là đi sai đường, sẽ chậm phát triển và không phù hợp với triết lý về đổi mới giáo dục ngày nay.
Rõ ràng ở đây là vấn đề quản lý, chúng ta cần ép hoạt động này phải đi đúng hướng, mang lại lợi ích cho giáo dục. Nếu các địa phương thả nổi hoặc chính quyền địa phương các cấp không đồng bộ vào cuộc thì giáo dục tiếp tục nhức nhối, để lại nhiều hệ lụy trong các nhà trường cũng như cho cha mẹ các em. Dạy thêm, học thêm bản chất là “luyện” và là để “thi”. Cho nên nếu ta thay đổi thi đi thì giáo dục ngoài luồng cũng phải thay đổi, có khi bị triệt tiêu. Giáo dục ngoài luồng có thể hiểu là hòn đá tảng, là sự đa đoan lớn nhất trên con đường đổi mới giáo dục nước nhà.
Xã hội hóa làm sách giáo khoa
Từ trước đến nay, sách giáo khoa (SGK) là độc quyền của Nhà nước và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đặc lợi. Phải nói rằng chúng ta chưa quen, chưa lao tâm nên chưa hiểu hết cái đa đoan của hoạt động làm SGK theo cơ chế thị trường xã hội hóa là như thế nào? Vì thế cả năm nay, báo chí mất bao giấy mực để phê phán cái việc “biến mất” hai bộ sách lớp 2, mặc dù đủ 5 bộ SGK lớp 1 đã được Bộ GD&ĐT quyết định cho lưu hành. Các nhóm tác giả, các chuyên gia viết bài công kích nhau về những hạt “sạn”, những quan điểm trái ngược, như tại sao chọn bài học này hay lại bỏ bài học kia trong SGK?
Như đã biết, Hội đồng thẩm định SGK quốc gia, sau một thời gian dậy sóng trên truyền thông, đã loại bộ SGK lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại vì bộ sách này không chấp nhận quy định “cuộc chơi”. Điều này đúng luật, nhưng vẫn biết là quyết định rất khó khăn của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên khi Nhà xuất bản Giáo dục, vì lợi ích kinh tế mà bỏ đi 2 trong 5 bộ SGK lớp 2 lại là không đúng về mặt khoa học lẫn thực tế: chúng ta không thể ghép “đầu Ngô” vào “mình Sở” được.
Lại nữa, bao nhiêu môn học hay hoạt động giáo dục thì có bấy nhiêu cuốn SGK. Trước kia đâu có thế? Hoạt động trải nghiệm hay ngay cả môn giáo dục thể chất chỉ cần sách hướng dẫn cho giáo viên là đủ. Có thêm SGK cho học sinh, đồng nghĩa, cặp sách thêm nặng trĩu trên đôi vai trẻ thơ. Phụ huynh vùng khó phải chắt bóp để có thêm tiền mua sách cho con. Các nước phát triển người ta chỉ quy định 4 môn học cứng bắt buộc có SGK là Toán, Ngôn ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Tuy nhiên, ở ta học sinh lớp 1 phải mua tới 25 đầu sách và được đóng gói thành những combo chuyển thẳng tới gia đình học sinh. Hay như giáo dục chỉ có môn học Khoa học xã hội mà không nước nào có môn học “Lịch sử và Địa lý”. Đơn giản, giới chuyên môn đã tranh luận quyết liệt, không chịu vì không muốn mất “môn Lịch sử” trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hội đồng thẩm định SGK, có lẽ quá sức với trách nhiệm được Nhà nước giao. Tại sao không thể có một Hội đồng mang đậm nét chuyên môn, chuyên ngành và được kết hợp bởi những chuyên gia thấu hiểu giáo dục phổ thông. Không thể một vài Vụ chức năng chuyên môn của Bộ GD&ĐT có thể quyết định lấy bộ SGK này hay loại bỏ bộ SGK kia. Chúng ta cần một đơn vị chuyên môn đủ mạnh do Bộ trưởng lập ra và do Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, có nhiệm vụ chuyên sâu thẩm định và công nhận các bộ SGK được phép lưu hành chính thống trong toàn quốc.
Do hiểu đơn giản SGK là sách xã hội hóa, là sách tư nên nhóm tác giả hình thành thường dưới dạng thân quen. Đôi khi bị ràng buộc về quan niệm xã hội hay niềm tin trong cùng một gia đình.

Ảnh minh họa
Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT và các nhà xuất bản do chưa có sự phối hợp, một cách có trách nhiệm, dẫn đến giá SGK quá cao, đội giá trên trời. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có lần đã nhắc nhở: cần quản lý xã hội hóa SGK ra sao, để không có lợi ích nhóm trong làm SGK.
Vấn đề ở đây là các cấp có thẩm quyền phải tạo ra được “cái lồng” cơ chế làm SGK để cho: tuy xã hội hóa làm SGK đấy nhưng vẫn phải được quản lý, không để vượt ra khỏi cái lồng có sẵn của Nhà nước. Xã hội hóa SGK là quan điểm tiến bộ, xu thế của thời đại và lần đầu tiên được ghi trong Luật Giáo dục của Việt Nam. Tuy nhiên, đã vấp ngay phải rào cản, những mặt trái của kinh tế thị trường, nên quá khắc nghiệt và quá đa đoan.
Rõ ràng rằng, khi con người ta biết hành xử một cách thông minh và có nhân văn, tử tế đến đâu thì giáo dục sẽ bớt đa đoan đến đấy. Do đó, ngay cả xã hội hóa SGK cũng cần hướng tới giáo dục nhân bản cho mọi người, nó chính là cái gốc, cái bản chất tính người, trong đó giá trị bản thân (giá trị sống của mỗi con người, mỗi tổ chức) là hạt nhân của giáo dục nhân bản.
Chúng ta thử tìm hiểu vài ba nguyên nhân dẫn đến sự đa đoan trong giáo dục:
- Giáo dục chưa định hình
Giáo dục của chúng ta có một thời gian dài duy trì nhà trường “giận dữ” (MAD) - cách nói của GS Pek Cho (Hàn Quốc) chuyên gia giáo dục tại Việt Nam, thì đó là, một nhà trường nặng dạy tư duy logic, chỉ lo điểm số, dạy chữ khô khan, không chú ý khơi dạy cảm xúc và hoạt động tinh thần cho học sinh. Học sinh là con rối, áp lực đạt điểm cao vào trường đại học tốt. Giáo dục nay đã thay đổi theo Nghị quyết 29/TW nhưng chương trình hành động vẫn chưa được định hình, còn lúng túng, đôi khi chắp vá. Theo GS John Dewey người Mỹ (1859 - 1952), “triết lý giáo dục là lý luận xét trên phương diện phổ biến nhất”. Đã qua bao hội thảo quốc gia, bao đề tài khoa học cấp nhà nước được nghiệm thu, để tìm ra một cụm từ kinh điển cho Triết lý giáo dục Việt Nam... nhưng đến nay vẫn còn đa đoan và thấy xa vời đến thế.
- Sức ỳ của đội ngũ quá lớn
Không hẳn sức ỳ của đội ngũ ở cái bản năng bảo thủ của người thầy, ở cái bản chất con người là thích ổn định, không muốn xáo trộn, không muốn theo những cái mới, nghĩ làm cho mệt thân. Bên cạnh đó, tư duy của đội ngũ giáo viên bị ràng buộc, rất khó thoát ra từ lối tư duy cũ kỹ, do đã hằn sâu quá lâu trong cuộc đời mỗi người. Khi đi học theo lối dạy và lối học cũ; vào trường học nghề dạy cũng học theo giáo trình phương pháp dạy học cũ được các thầy cũ viết ra; ra trường tiếp tục phải dạy theo những gì đã được đào tạo theo kiểu cũ; một bộ phận giáo viên được chuyển sang ngạch cán bộ quản lý cũng sẽ quản lý theo cách cũ, đó là “bảo đâu làm nấy” theo cấp trên. Có thể nói cả hệ thống giáo dục của chúng ta vận hành theo cách cũ và trên nền của tư duy cũ. Bảo sao giáo dục mà không bị đa đoan? Nếu giáo dục tiếp tục tiến lên phía trước để hiện thực hóa mục tiêu học thật, thi thật, nhân tài thật và cuối cùng là giáo dục thật thì việc thay đổi tận gốc đội ngũ, trong đó có giáo viên phải được ưu tiên trước hết và trên hết.
- Động lực cho đổi mới giáo dục chưa đủ
Hệ thống giáo dục các trường phổ thông tư thục đổi mới và phát triển mạnh mẽ, có khoảng cách với các trường công. Đặc điểm này cũng xảy ra tương tự ở các nước có nền giáo dục phát triển. Bản chất của động lực cho phát triển xuất phát từ nhu cầu và sự thỏa mãn nhu cầu của con người. Theo GS Abraham Maslow người Mỹ (1908 - 1970), nhu cầu của con người tạo thành hình tháp Ai Cập gồm 5 tầng, tính từ dưới lên gồm: sinh lý - an toàn - xã hội - tôn trọng và tự khẳng định mình. Các trường tư đáp ứng khá tốt các nhu cầu này. Thực tế còn khẳng định, các trường tư tiên phong đổi mới nội dung, phương pháp và đánh giá người học. Hay nói cách khác, họ đã tự chủ và làm chủ được chương trình giáo dục nhà trường của mình. Nhiều trường, hoạt động dạy và học đạt tới trình độ tiếp cận với giáo dục hiện đại trên thế giới. Giáo dục ngoài luồng không còn đất sống và xã hội hóa giáo dục được vận hành tối ưu ở hệ thống các trường tư.
Người ta nói giáo dục của chúng ta có 3 “ông chủ”: Bộ GD&ĐT, các Bộ liên quan và UBND các tỉnh, thành phố. Như vậy, chính cơ chế đó đã trói buộc giáo dục không thể cất cánh. Và từ đó giáo dục đã không có “quyền” và cả không có “tiền” thì đổi mới giáo dục gặp đa đoan là điều khó tránh. Cơ sở vật chất và học liệu cho dạy học thuộc về giai đoạn giáo dục cũ, không đáp ứng cho thời kỳ dạy học đổi mới. Ở các thành phố, khu công nghiệp trường học nhiều lớp, lớp nhiều học sinh và rất thiếu quỹ đất để tách trường, giảm quy mô đạt mức chuẩn quốc gia. Khiến thầy trò vẫn đang loay hoay, khó triển khai phương pháp dạy học qua hoạt động, qua làm và qua trải nghiệm để phát triển năng lực học sinh.
Nhiều chuyên gia từng nói giáo dục Việt Nam “chậm lớn” hay cực đoan hơn “không chịu lớn”. Nhận định đó là đúng nhưng quả thực làm giáo dục ở nước ta là vô cùng vất vả và rất đa đoan. Do đó rất cần những người tài có năng lực để chế ngự cái đa đoan và từ đó sớm đưa giáo dục Việt Nam bứt phá vươn lên.♦
_____
* Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT)