Một ngày rất quan trọng trong lịch sử đất nước ta vào giữa thế kỷ 20 của thời hiện đại, cách nay chỉ 67 năm chứ có phải thời trung cổ xa xưa gì đâu, thế mà nay ít ai nhắc tới!
Thời gian 67 năm tuy không dài trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc ta, nhưng cũng đủ dài gần ba thế hệ con người. Tất nhiên không phải 100% số người trong ba thế hệ này không biết gì về cái ngày đó, nhưng làm sao họ biết được cái đau nào bằng cái đau của lớp người đương thời giữa thế kỷ 20 khi phải trực tiếp chứng kiến sự kiện đất nước thân yêu của chúng ta bị chia đôi ra hai miền Nam, Bắc chỉ bằng mấy trang giấy gọi là Hiệp nghị tại một cuộc hội nghị quốc tế họp tại thành phố Genève, Thụy Sĩ.
Nguyên nhân điều oái oăm của sự ra đời hiệp nghị này nằm sâu xa trong giai đoạn cuối cùng của 9 năm kháng chiến chống Pháp. Thực dân Pháp biết không thể thắng trong cuộc chiến phi nghĩa này, nhưng lại “cố đấm ăn xôi” không để bị mất thể diện, cái thể diện của kẻ thực dân đế quốc từng bị mất nước làm nô lệ cho phát xít Đức trong 4 năm vào cuối thế chiến 2!
Từ Điện Biên Phủ đến Genève
Xin dẫn lại một cách tóm lược quá trình này… Cuộc chiến tranh với mưu đồ tái áp đặt nền thống trị của Pháp ở Việt Nam đã đi từ thất bại đắng cay đầu tiên trong Thu - Đông năm 1947 đến các thất bại liên tiếp khác. Đến cuối năm 1950, chính phủ Pháp phải thay thế tướng Carpentier đã mất tinh thần bằng một tướng sáng giá nhất, được bọn can thiệp Mỹ tín nhiệm nhất. Đó là viên tướng 5 sao Jean de Lattre de Tassigny, tư lệnh tập đoàn quân số 1 đã giải phóng nước Pháp khỏi ách phát xít Đức. Ngày 6-5-1950, Chính phủ Pháp bổ nhiệm De Lattre làm Tổng chỉ huy kiêm Cao ủy ở Đông Dương, nắm cả quyền lực quân sự và chính trị. Ngay hôm sau, De Lattre bay tới Sài Gòn. Nhưng tiếc thay, viên tướng kiêu căng này không lường được là phải đương đầu với một vị tướng Việt Nam chưa từng học qua một trường quân sự nào, một người đã được phong cấp bậc Đại tướng vào ngày 28-5-1948 khi mới 37 tuổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trả lời các nhà báo nước ngoài đã nói: “Theo nguyên tắc đánh thắng Trung tướng thì phong Trung tướng, đánh thắng Đại tướng thì phong Đại tướng!”.
Từ ngày sang Đông Dương, De Lattre đã “ngậm bồ hòn làm ngọt” với các thất bại liên tiếp, cho đến tháng 5-1951 là đòn thất bại đau đớn nhất cuối cùng trong chiến dịch quân ta đánh lớn vào đồng bằng Bắc Bộ. Đêm 29-5, trận chiến tại Ninh Bình đã làm cho De Lattre mất đứa con trai duy nhất, trung úy Bernard de Lattre tử trận tại Non Nước. Sáng 1-6, De Lattre trao quyền chỉ huy cho tướng Salan để rời Hà Nội đưa thi hài con trai về Pháp, rồi sau đó không lâu ông ta cũng chết luôn vì bệnh tật và buồn phiền!
Tuy vậy, hồn ma (nếu có) của De Lattre cũng để lại cho ta “Một hiểm họa lâu dài. Đó là việc mở con đường cho chủ trương thực dân mới vào Việt Nam”, một chủ trương của De Lattre, theo lời nhận định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hồi đó.
Tướng Salan (trong một số bài báo thời kỳ ấy, Bác Hồ thường dùng từ Salan - Xalu!) cũng liên tiếp thất bại. Đến tháng 5-1953, Salan được thay thế bằng tướng 4 sao Henri Navarre đang giữ chức Tham mưu trưởng lục quân khối NATO ở Trung Âu, một nhân vật rất có uy tín đối với Mỹ và các nước Tây Âu.

Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng - Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Genève, năm 1954
Navarre bày binh bố trận, thả quân và các phương tiện chiến tranh nhảy dù xuống chiếm Điện Biên Phủ, lập ra cụm cứ điểm với 9 căn cứ rất kiên cố hòng thu hút các lực lượng của ta về đây để chúng có điều kiện chiếm lại các vùng đồng bằng nhằm nới lỏng thế bị bao vây kiềm chế của ta đối với các đô thị do chúng chiếm đóng. Đại tá De Castries được đề bạt lên thiếu tướng (do có ý kiến của Mỹ) làm tư lệnh cụm cứ điểm Điện Biên Phủ dám nói cứng với Navarre rằng “chỉ sợ Việt Minh không dám đến đánh”, rồi chúng cho máy bay rải truyền đơn thách thức quân ta vào đánh.
Về phía ta, lúc đầu với phương án “đánh nhanh thắng nhanh”, kể cả dùng “chiến thuật biển người” do Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc là Vi Quốc Thanh bên cạnh Bộ Tư lệnh của ta đưa ra, Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trước khi xuất trận đã được Bác Hồ giao cho “quyền tướng quân tại ngoại”, “có chắc thắng thì mới đánh, không chắc thắng thì không đánh”. Trong khí thế phấn khởi hừng hực của hầu hết tướng sĩ của ta từ trên xuống dưới mong muốn được lập công lớn phen này, bên cạnh lại có ý kiến của đoàn cố vấn bạn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã suy nghĩ kỹ càng, có hôm phải buộc lá thuốc ngải cứu quanh thái dương, rồi nhanh chóng quyết định làm công tác tư tưởng từ trên xuống dưới trong toàn quân để rút pháo và các binh chủng ra ngoài, chuẩn bị lại chiến trường, với quân lệnh “phải chấp hành, không bàn cãi”. Rồi cả một loạt hệ thống hầm hào chằng chịt đào ngầm dưới lòng đất vào tận sở chỉ huy của De Castries và cả dưới lòng chảo của cánh đồng thung lũng Mường Thanh rộng lớn…
Thế là chiến dịch Điện Biên Phủ sau 55 ngày đêm ác liệt, đến chiều ngày 7-5 đã toàn thắng. Tướng De Castries cầm cờ trắng dẫn đoàn quân chiến bại bao gồm các tướng tá chỉ huy và hơn 14 ngàn quân Pháp, quân Lê dương, lính Âu - Phi cúi gằm mặt xuống giơ tay lên cao kéo ra hàng.
Có một câu hỏi được đặt ra: Trong cuộc chiến tranh 9 năm này, Việt Nam ta là bên chiến thắng, kẻ thù là bọn đế quốc thực dân Pháp ngoan cố đã thất bại thảm hại. Thế tại sao hai bên không ngồi đối diện với nhau để bàn việc kết thúc chiến tranh mà phải thông qua một hội nghị quốc tế do đại diện các nước lớn chủ trì, mà Việt Nam chỉ là bên được mời đến dự?
Xin chép lại sau đây nguyên văn một đoạn trong một tài liệu lịch sử:
“Bước vào mùa hè năm 1953, trong khi Pháp sa lầy ở Đông Dương thì phong trào chống chiến tranh ở Pháp lên cao. Chính phủ Pháp thực sự bắt đầu tính kế rút khỏi Đông Dương. Ngay viên tướng Henri Navarre được cử sang Đông Dương cũng có nhiệm vụ rõ ràng “Không phải để cho chúng ta không thua trận mà để đưa Việt Minh đến một thỏa hiệp trong danh dự”. Tuy muốn thế nhưng Pháp lại không muốn nói chuyện thẳng với Việt Nam mà muốn việc lập lại hòa bình ở đây do các nước lớn dàn xếp. Pháp tranh thủ gặp Liên Xô, Trung Quốc, hai nước đồng minh với Việt Nam vốn rất có quyết tâm đạt được hòa bình. Nhất là Trung Quốc mới thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ngày 1-10-1949) chưa được nước nào trong thế giới tư bản thừa nhận, cho nên đang rất cần có hòa bình để củng cố vị trí. Pháp và Trung Quốc trở thành hai bên đối thoại chính. Việt Nam ở vào cái thế làm khách mời đối với hội nghị, khi các nước lớn đã đồng thuận”(1).
Vì vậy, Trung Quốc muốn Việt Nam sớm đi đến kết thúc chiến tranh. Về phía ta, theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 27-12-1953, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Thông tư: “Căn cứ tương quan lực lượng hiện tại giữa ta và địch, điều kiện thương lượng hòa bình chưa chín muồi”. Ta tập trung toàn lực cho chiến dịch 1953 - 1954 và chuẩn bị đánh lớn vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Mãi đến ngày 2-3-1954, Trung Quốc mới thông báo mời ta đi dự Hội nghị Genève. Chiến thắng trọn vẹn của ta ở chiến trường Điện Biên Phủ ngày 7-5 đến đúng vào dịp khai mạc Hội nghị Genève khi các nước lớn đã đồng thuận từ trước rồi.
Sáng ngày 8-5-1954, Đoàn đại biểu chính phủ ta do Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu bước vào phòng họp hội nghị với tư thế người chiến thắng. Trong khi Trưởng đoàn Pháp là Ngoại trưởng Bidault tuy dưới bộ mặt buồn thiu vẫn trơ tráo đòi phía Việt Minh phải giải giáp?! Không cần đáp lại ý kiến ngược đời và lố bịch của đoàn Pháp, đoàn Việt Nam ta với thế thượng phong dõng dạc tuyên bố cho phép người Pháp đến Điện Biên Phủ nhận thương binh. Rồi ta chủ động công bố lập trường 8 điểm về một số giải pháp quân sự, chính trị cho cả ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
Thắng lợi quân sự to lớn ở Điện Biên Phủ đã gây nhiều tác động lớn đối với Hội nghị Genève, quan trọng chủ yếu là: 1) Củng cố vị thế Đoàn Việt Nam trên bàn hội nghị. Không phải chỉ là khách mời như dự định ban đầu “đến để chứng kiến” quyết nghị của các nước lớn mà là một bên tham dự có quyền phát biểu chính kiến của mình. 2) Chiến thắng Điện Biên Phủ thúc đẩy phong trào chống chiến tranh ở Pháp, lật đổ chính phủ chủ chiến Pleven - Bidault. 3) Ngăn chặn chính sách của chính quyền Mỹ lúc đầu khăng khăng phá hoại hội nghị, nhưng khi phái chủ hòa ở Pháp lên cầm quyền, Mỹ thấy khó phá nên buộc phải chuyển sang phối hợp với Anh, Pháp tìm mọi cách giải quyết có lợi cho phương Tây…

Cố vấn Lê Đức Thọ (người giơ tay) ở hội nghị Paris
Tuy vậy về ngoại giao, vị thế của Việt Nam có một số bất lợi:
- Pháp là một bên tham chiến và chiến bại nhưng lại ngồi ở vị trí cường quốc bên cạnh Anh, Mỹ, dùng Mỹ để hù dọa phá hoại hội nghị làm cho Liên Xô, Trung Quốc có phần lo ngại.
- Ta có hai đồng minh ủng hộ là Liên Xô, Trung Quốc, nhưng hai nước cũng có những tính toán riêng vì lợi ích chiến lược của nước lớn. Liên Xô đã là một trong “Tứ cường”, nhưng Trung Quốc thì chưa có vai vế gì trên trường quốc tế sau ngày ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1-10-1949). Chiếc ghế hội viên Liên Hiệp Quốc và Thành viên thường trực Hội đồng Bảo an vẫn nằm trong tay Chính phủ Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch, dù Tưởng đã bị tống ra Đài Loan.
Sau cú đột quỵ của Pháp ở Điện Biên Phủ, thực tế trên chiến trường cả nước có lợi cho ta rất lớn. Các vùng giải phóng và vùng du kích “cài răng lược” của ta áp sát các thành phố và các căn cứ lớn của Pháp. Đồng thời từ lâu ta đã giữ vững 2 vùng giải phóng lớn gồm 3 tỉnh ở Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh và vùng giải phóng lớn gồm 4 tỉnh ở Nam Trung Bộ từ phía nam sông Thu Bồn Quảng Nam đến Phú Yên. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, phần lớn Việt Bắc và Tây Bắc trở thành vùng giải phóng. Các vùng giải phóng và vùng du kích ở Nam Bộ cũng được mở rộng. Có ý kiến cho rằng nếu ta đánh thêm một năm nữa thì có thể giải phóng toàn đất nước.
Song, như trên đã nói: Pháp trước thế thua hoàn toàn không tránh khỏi, lại quỷ quyệt tranh thủ các nước lớn tham gia vào để quốc tế hóa cuộc chiến tranh này, trong đó có âm mưu “đi đêm” với Trung Quốc là chủ yếu. Đồng thời xu hướng của Liên Xô cũng muốn sớm hòa bình để tập trung thực lực đối phó với Mỹ và chăm lo cho các nước Trung - Đông Âu thuộc ảnh hưởng của Liên Xô sau thế chiến 2. Vậy nên Đoàn Liên Xô do Ngoại trưởng Molotov dẫn đầu đến Hội nghị Genève như một chuyến đi “du lịch”, mọi việc đều qua Đoàn Trung Quốc của Chu Ân Lai sắp xếp là chính.
Dựa vào thế của các nước lớn trong đó có sự “thỏa hiệp” với Trung Quốc, Đoàn Pháp rất ngoan cố không chịu nhượng bộ trên nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc phân định giới tuyến chia hai miền Nam - Bắc, khăng khăng đòi vĩ tuyến 18, trong khi Đoàn ta đưa ra vĩ tuyến 14 rồi lùi dần ra vĩ tuyến 16 cũng không xong.
Đầu tháng 7-1954, Thủ tướng Chu Ân Lai từ Genève bay về Trung Quốc, đề nghị gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Liễu Châu (tỉnh Quảng Tây) không xa biên giới Việt Nam. Bộ Chính trị cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đi với Bác. Tại cuộc gặp này, Bác Hồ để cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày tình hình quân sự trên bản đồ. Hai buổi tiếp theo, Chu Ân Lai trình bày về tình hình quốc tế hiện nay yêu cầu có hòa bình. Việc phân chia ranh giới tạm thời cần châm chước để tranh thủ pháp lý cho một cuộc Tổng tuyển cử hòa bình thống nhất hai miền Nam - Bắc trong một thời hạn nhất định… Chính phủ mới của Pháp do Pierre Mendès France làm thủ tướng và Anh, Mỹ cũng đồng ý rút xuống vĩ tuyến 17.
Hồ Chủ tịch nói đại ý: Với so sánh lực lượng trên thực tế chiến thắng hiện nay, ta đề ra vĩ tuyến 13 là hợp lý, chí ít cũng giành được vĩ tuyến 16.
Chu Ân Lai nói với Bác: Tôi sẽ bàn với đồng chí Molotov hết sức thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch, nhưng nếu vạn bất đắc dĩ phải chọn vĩ tuyến 17, mong Hồ Chủ tịch thông cảm!
Ngày 5-7, Chu Ân Lai trở lại Genève và đến phút chót vào ngày 19-7, ba đoàn Việt - Trung - Xô chấp nhận vĩ tuyến 17. Sáng hôm sau, ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, sau thời gian họp kéo dài 2 tháng 12 ngày (từ ngày 8-5 đến 20-7-1954).

Quang cảnh Hội nghị Genève năm 1954
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: “Hiệp định Genève ra đời trong bối cảnh quốc tế và tương quan lực lượng ta - địch trên chiến trường như vậy, đã không đạt được tất cả những điều mà ta mong muốn! Tuy nhiên nó đã góp phần vào việc kết thúc sự thống trị của Pháp kéo dài gần một thế kỷ. Pháp và các nước lớn phải công nhận trên văn bản sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương, chấp nhận về nguyên tắc một cuộc Tổng tuyển cử tự do. Đó là cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh lâu dài của ta”.
Và cuộc đấu tranh lâu dài đó là 21 năm tiếp theo với một kẻ thù thực dân mới giàu đô la, nhiều vũ khí hiện đại, nhất là quỷ quyệt hơn bọn thực dân cũ. Đó là tên đế quốc đầu sỏ ở tận Tây bán cầu với lá cờ nhiều sao và vạch, tự xưng là đứng đầu và đại diện cho “Thế giới tự do”!
Nhưng tổ quốc và nhân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều vị tướng tài ba thao lược khác cùng với truyền thống lịch sử anh hùng “nghìn năm cùng ra trận”, quân dân ta cuối cùng đã “đánh cho Mỹ cút” sau trận chiến thắng Điện Biên Phủ trên không trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, sau đó lại “đánh cho ngụy nhào” trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc vào ngày 30-4-1975, giải phóng miền Nam, hoàn thành thống nhất đất nước!
Trong đại thắng trọn vẹn cuối cùng nói trên, nói thật đúng và công bằng, nhân dân Việt Nam ta vô cùng biết ơn chính phủ và nhân dân Liên Xô, Trung Quốc đã có sự giúp đỡ to lớn và quý báu về nhiều mặt; đồng thời cũng tỏ lòng biết ơn nhân dân tiến bộ khắp thế giới, trong đó có phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ. Những Henri Martin, Raymonde Dien, Madeleine Riffaud… (Pháp). Những Morrison, LaPorte, mục sư Luther King Jr.… (Mỹ) mãi mãi ghi trong lòng nhân dân Việt Nam.
Riêng với Trung Quốc, chúng ta đã thực hiện “ơn đền nghĩa trả” rất thỏa đáng. Khi Quân giải phóng Trung Hoa chưa tiến xuống Hoa Nam, theo đề nghị của bạn, ta đã mở “chiến dịch thập vạn đại sơn” từ tháng 6 đến 10-1949, đưa quân sang giúp bạn giải phóng gần hết hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông, giúp bạn củng cố các vùng mới giải phóng, sau đó mới rút về nước. Lãnh đạo nước bạn đã đánh giá rất cao sự đóng góp bằng xương máu của quân dân ta vào sự nghiệp giải phóng Trung Quốc.
Hai lần đánh bại hai đế quốc to lớn là Pháp và Mỹ, chúng ta cũng đã góp phần to lớn cho các cuộc nổi dậy của hệ thống các nước thuộc địa và củng cố niềm tin cho các nước mới giành được độc lập khắp năm châu.
Hiệp định Genève ngày 20-7-1954 đem lại cái đau cho chúng ta trong việc chia cắt đất nước rồi tốn thêm xương máu trong 21 năm sau đó. Tuy vậy, hội nghị này đã giúp cho ta một bài học quý báu trong mặt trận ngoại giao.
Sau thắng lợi to lớn của ta trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Chính phủ Mỹ phải chấp nhận đi vào đàm phán. Hội nghị đàm phán ở Paris bắt đầu với danh nghĩa bốn bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Mỹ và bọn tay sai Thiệu Kỳ, thực tế chỉ là hai bên giữa ta và Mỹ, không có một cường quốc nào khác có mặt và nhúng tay vào.
Pháp từng thất bại trong cuộc chiến 9 năm ở Việt Nam, lần này Chính phủ Pháp lại đứng ra đăng cai và tạo mọi điều kiện cho Hội nghị Paris.
Có vài chuyện thú vị đáng nói thêm ở đây. Chuyện tướng Charles de Gaulle sau thế chiến 2 chủ trương cướp lại các nước thuộc địa cũ trước hết là Việt Nam, đã chịu thất bại và rút lui ghế Tổng thống Pháp. Nhưng đến năm 1968, De Gaulle sang thăm Cambodge (Campuchia) đã từ thủ đô Phnom Penh nói vọng sang biên giới Việt Nam một câu rất nổi tiếng: “Mỹ không thể nào thắng nổi Việt Nam trong cuộc chiến tranh này đâu!”. Chuyện thứ hai: Tại Hội nghị Paris, sau nhiều buổi họp Đoàn Việt Nam bước ra ngoài, thường nhìn thấy viên tướng De Castries đứng chờ ở bên kia đường phố Kléber đưa tay vẫy chào đoàn ta. Khi Hội nghị Paris kết thúc thắng lợi buộc Mỹ phải Ký Hiệp định rút quân… De Castries bước sang gặp Đoàn ta và bày tỏ sự vui mừng “Việt Nam các ngài thắng lợi là rất xứng đáng! Xin chúc mừng các ngài!”. Có đôi lần ông Vĩnh Thụy tức cựu Quốc trưởng bù nhìn Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm phế truất, cũng đến đứng bên kia đường nhìn sang, nhưng không bày tỏ thái độ gì!(2)
“Nhân tình thế thái” trong quan hệ ta - bạn - thù
Dân tộc ta từ xưa đã có một đạo lý mà cũng là chân lý “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, đem chí nhân thay cường bạo”.
Kẻ thù của ta sau khi nhận thất bại, muốn đưa bàn tay ra cùng ta bắt tay “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, ta luôn sẵn sàng. Họ biết đọc một câu thơ Kiều của đại thi hào Nguyễn Du “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” hoặc thích ăn một vài bát bún chả của Việt Nam, ta càng thấy quý và trân trọng họ(3).
MacNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời Nixon, kẻ đã từng là tác giả của hàng rào điện tử trên đường 9 - Nam Lào để ngăn chặn con đường chi viện của ta vào chiến trường miền Nam, sau ngày ta hoàn toàn đại thắng, đã có lần sang thăm Việt Nam. Vào cuối cuộc hội kiến với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông ta đã nói lên một câu mà từ trước đến nay chưa đối thủ nào của ta dám nói “Chúng tôi thua các ông vì chúng tôi không hiểu được truyền thống lịch sử và văn hóa Việt Nam!”.
Từ sau ngày “tan sương đầu ngõ, vén mây gữa trời”, quan hệ Việt - Mỹ từng bước đã đi đến trở thành “đối tác toàn diện”… trên nhiều lĩnh vực.
Còn với bạn bè, trước hết hãy nói về Liên Xô với Việt Nam. Liên Xô ở cách xa Việt Nam về địa lý, không có tham vọng gì về đất đai với ta, đã có sự viện trợ rất to lớn cho ta trong hai cuộc kháng chiến, luôn luôn tôn trọng độc lập chủ quyền của ta. Tuy vậy từ đầu năm 1972, vì có mối quan hệ với Mỹ trong việc giữ thế cân bằng lực lượng giữa hai siêu cường, đã có một chuyện thỏa thuận riêng với Mỹ không có lợi cho ta. Chỉ trong vấn đề vũ khí bắn máy bay, Liên Xô dừng lại ở mức cung cấp SAM-2. Nhưng nhờ trí thông minh và tài năng của các kỹ sư quân khí của ta đã cải tiến SAM-2 để có thể bắn hạ hàng loạt máy bay B-52 khổng lồ của Mỹ trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, buộc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo dự thảo ban đầu. Trong việc này, các bạn Liên Xô vô cùng bất ngờ và ngạc nhiên, nhưng thực sự lại vui mừng cho ta. Khác hẳn thời kỳ Nikita Khrushchev chủ trương “chung sống hòa bình” giữa hai phe, ông ta khuyên Việt Nam nên “chung sống hòa bình và thi đua kinh tế giữa hai miền”; ai làm giỏi hơn thì sẽ giành được thắng lợi trong cuộc Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước! Song cũng rất may là ông ta không ngồi được lâu trên chiếc ghế quyền lực cao nhất ở Liên Xô hồi thập niên 60 của thế kỷ trước.
Còn với ông bạn láng giiềng “núi liền núi, sông liền sông”, từ hàng ngàn năm trước đây cho tới nay, cái chất máu “Đại Hán” thạo nghề bành trướng không bao giờ giảm loãng trong đầu óc các nhà cầm quyền Bắc Kinh từ thế hệ này đến các thế hệ khác.
Thực tâm từ trong tim đen của các nhà cầm quyền Bắc Kinh là không bao giờ muốn cho ta thống nhất đất nước, chỉ muốn ta dừng lại ở vĩ tuyến 17 cũng như cách họ đã thực hiện ở bán đảo Triều Tiên là chia đôi ngang vĩ tuyến 38!
Đã có lúc Chủ tịch Mao Trạch Đông cho rằng Việt Nam khó đương đầu với sức mạnh quân sự Hoa Kỳ, không nên tính chuyện giải phóng miền Nam bằng đấu tranh vũ trang, mà nên “trường kỳ mai phục” đợi thời cơ 10 năm không xong thì 100 năm cũng được! Ông Mao còn dùng một câu ẩn dụ “chổi ngắn không quét được mạng nhện ở xa!”.
Từ đầu năm 1971, Mỹ - Trung đã “đi đêm” với nhau từ một vụ “đau bụng” chính trị của Kissinger (cố vấn của Tổng thống Mỹ Nixon) khi sang thủ đô Carachi của Pakistan, rồi lẻn bay sang Bắc Kinh gặp 2 vị Mao - Chu. Sau cuộc gặp này, Trung Quốc đã thu một món rất béo bở, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được ngồi vào ghế thành viên Liên Hiệp Quốc và nắm cả ghế Thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thay cho đại diện Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan.
Còn Việt Nam ta dù trong hoàn cảnh nào, ta cũng cứ đánh Mỹ theo cách của ta, và ngày Đại thắng cuối cùng 30-4-1975 cứ đến ngoài ý muốn của bất cứ ai! Ngày vui to lớn này của nhân dân ta làm cho Bắc Kinh bất ngờ vì nằm ngoài ý đồ riêng của họ, nhưng rồi họ cũng phải gửi điện chúc mừng!
Trung Quốc lại tiếp tục phá ta bằng cách nuôi dạy bọn diệt chủng Pôn Pốt ở Campuchia, dùng bọn này thọc sườn ta ở biên giới Tây Nam. Ta không thể khoanh tay nhìn khi hàng vạn đồng bào ta phải đổ máu ở khắp từ Tây Ninh xuống Hà Tiên. Ta phải ra tay đồng thời giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Đặng Tiểu Bình, người đứng đầu chính quyền Bắc Kinh khi ấy bay sang Mỹ và tuyên bố “sẽ dạy cho Việt Nam một bài học”. Ngày 17-1-1979, Bắc Kinh huy động mấy vạn quân gây chiến tranh ở biên giới phía Bắc nước ta.
Xin kể thêm một chuyện hồi đầu năm 1956, Thủ tướng Chu Ân Lai sang thăm Việt Nam. Nhân dịp ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng, ông Chu có thiện ý đến thắp hương tại đền thờ Hai Bà ở phố Đồng Nhân, Hà Nội. Khi thắp hương, ông Chu quay lại nói với mấy người tháp tùng trong đoàn rằng: “Nhân dân Trung Quốc từ trước đến nay mắc một món nợ rất lớn đối với Hai Bà Trưng và nhân dân Việt Nam. Các thế hệ người Trung Quốc ngày nay phải làm thế nào trả món nợ này cho thật xứng đáng!”.
Nhưng chỉ một tháng sau đó, Bắc Kinh đến đánh cướp cụm đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đầu tháng 4-1974 cướp nốt cụm đảo phía Tây Hoàng Sa, còn Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan thì cướp một số đảo ở phía Nam quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đến đầu tháng 4 năm 1988, Bắc Kinh lại đánh cướp cụm đảo Gạc Ma của ta ở quần đảo Trường Sa. Rồi họ ngày càng hoành hành và hung hăng ở biển Đông của ta đến nay như thế nào… không cần phải nói thêm nữa!
Đối với chúng ta càng thấm thía thêm một điều là: qua thời gian và máu lửa mới hiểu thêm rõ ràng cái gọi là “nhân tình thế thái” trong mối quan hệ ta - bạn - thù. Trên thế giới ngày nay, không có ai là “người bạn vĩnh viễn”, không có ai là “kẻ thù vĩnh viễn”!
Ở ta hiện nay có người đưa quan điểm “thoát Trung” bằng cách dựa vào anh A hay anh B. Xin hãy nói thẳng là “đừng nằm mơ”! A hay B hiện thời có thể căng thẳng với Trung Quốc trong chuyện này chuyện nọ, nhưng không thể không có lúc họ lại thỏa hiệp được với nhau về quyền lợi quốc gia của họ thì họ lại bắt tay “hello - nĩ hảo” với nhau, chứ không còn như chuyện F. Dulles quay lưng phẩy tay từ chối cái bàn tay hơi khoèo của Chu Ân Lai định làm thân với Mỹ tại Hội nghị Genève như hồi giữa năm 1954!
Chúng ta đã thấy rõ qua lịch sử, từ khi nhân dân ta tin tưởng và đi theo Bác Hồ, cách mạng Việt Nam với ngọn cờ “Tư tưởng Hồ Chí Minh” đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày nay như thế và mãi mãi về sau cũng như thế!♦
_________
(1) Trần Thái Bình, Võ Nguyên Giáp - hào khí trăm năm, NXB Trẻ, 2011.
(2) Chuyện này do ông Nguyễn Minh Vỹ, tức Tôn Thất Vỹ, Phó trưởng đoàn đàm phán Việt Nam tại Hội nghị Paris về kể lại.
(3) Chuyện của Tổng thống Bill Clinton và Tổng thống Barack Obama khi sang thăm Việt Nam.