HV161 - Những chuyện xưa của thi nhân và tráng sĩ

NGUYỄN VĂN THỌ

Thế là ông Trần Trương đã ra đi(1). Gọi ông là thi sĩ vì ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chuyên viết thơ lục bát hay, rất chân quê mà có câu, có bài người ta nhầm cho là ca dao, hay câu thơ mang tính châm ngôn của đời hay của lãnh tụ. Những câu thơ hiếm hoi ấy, như hạt ngọc đãi trong dòng sông lục bát đầy cát và hoa lục bình, đãi mãi trong cát, trơ lên sỏi đá vài hạt như kim cương lấp lánh…

Gọi những văn nhân như ông là tráng sĩ, vì trong cả dòng sống mênh mông của dòng chảy văn thơ thời xa xăm, những ngày bao cấp khó khăn nhất ở thập kỷ 70, 80, ngôi nhà Trần Trương và dăm người tựa như ông, luôn là nơi cưu mang đùm bọc đám văn nhân đói khát độ đường, những người đã khuất như Phùng Quán, Phạm Tiến Duật, Nguyên Hồng v.v... hay kẻ còn sống như Đỗ Chu, từng bao lần nương náu nơi ấy trong những năm tháng chiến tranh gian lao. Gian nhà nhỏ và người vợ bán hàng thực phẩm mậu dịch rộng lòng bác ái.

Cái máu tráng sĩ, anh hùng mã thượng của thế hệ các ông đấy, dai dẳng sống tận tới khi ông Trần Trương về hưu, làm chân gác phòng thơ ở tạp chí Thơ, Hội Nhà văn VN, Trần Trương luôn có những bữa cơm trưa đạm bạc tự tay vo gạo nhặt rau, đi chợ tìm miếng thịt tươi, lọ mọ nấu trên gác năm ở số 9 Nguyễn Đình Chiểu, làm nên bữa cơm đạm bạc lại rất ngon miệng đãi anh em văn nhân qua lại. Vài kẻ ăn chạc ấy trong đó có tôi từ Đức lưu lạc về... Ông mất rồi, thêm một văn sĩ luôn có nụ cười tủm tỉm sáng bừng cái gian phòng nhỏ ấy… Xưa vẫn có câu, chật nhà nhưng rộng lòng, những ngôi nhà xưa hay gian phòng chật hẹp nhờ có bàn tay Trần Trương thoắt bỗng trở nên ấm áp lạ thường, như một chái nhà nhỏ cho lũ tôi cả lớp lớp xưa và nay thay nhau đi về tạt qua, trú ngụ.


Nhà thơ Trần Trương (1941 - 2021)

Tôi viết lại bài viết kể về một trưa tha nhân ấy, những câu chuyện của lớp lứa nhà văn sao mà có thể quên, bởi là câu chuyện của ông về ông và bạn bè văn chương của ông như lửa, như hương ấm mãi, thương mãi một thời, nay thắp lại một tơ hương mà bái vọng một người đàn anh mà tôi yêu quý.

Thương ông.

*

Năm ấy, mỗi khi từ Đức về, tôi thi thoảng ghé vào cơ quan Hội Nhà văn VN thăm mấy ông nhà văn quen, quý. Mấy bác nhà thơ nhà văn già đàn anh của tôi như nhà thơ Trần Trương, nhà văn Đỗ Chu cứ bên nhau là ngồi rỉ rả chuyện xưa. Ai mà biết được cái thời của các bác ấy, khi tôi còn vật lộn với đời sống cũng chả đâu với đâu, ở tận đâu. Chuyện xưa mà neo giữ bao tình và cảnh. Nay ghi lại chuyện thứ nhất của nhà thơ Trần Trương.

Đầu thập kỷ 80, tôi [Trần Trương] công tác ở Bộ Văn hóa, là Phó phòng Cục Văn hóa quần chúng, quản lý mấy bác như Trần Dần, Phùng Quán(2). Những nhà văn lớn cả tuổi lẫn nghề giờ lại dưới quyền lũ nhóc như tôi thực ngán lắm.

Ông Phùng Quán thì nghèo, đành theo đuổi suốt cái đận làm nhân viên cho mấy đứa chả có mấy tăm tiếng thành tích văn chương hay cống hiến cho cách mạng gì như tôi. Hằng tháng ông lĩnh lương cán sự hai, 56 đồng, mà không có việc cụ thể, nên cơ quan giao nhiệm vụ cho ông đi tăng gia sản xuất.

Số là hồi ấy cơ quan có mảnh đất khu vực nông trường Quân Chu Thái Nguyên. Sợ ông lên đấy chỉ rong chơi, phòng phân công cho tôi thảo cái hợp đồng giao kèo với ông, vì tôi làm công tác công đoàn. Hợp đồng ghi rõ, sau một vụ 6 tháng, Phùng Quán phải nộp lại cho phòng 3 tạ sắn, hoặc mía hay khoai tùy việc canh tác trên đó. Nếu không nộp thì làm sao phải ghi rõ? Bộ ba phòng đưa ra ý kiến vậy trước khi hợp đồng thảo ra! Tôi nói với ông Quán ý kiến của lãnh đạo phòng. Phùng Quán chả nghĩ ngợi nhiều, ghi toạc vào tờ giấy: Không nộp sản phẩm, Quán này xin đền công đoàn phòng cái xe mini con vịt.

Chúng tôi biết, đây là cái xe, tài sản duy nhất của cả nhà Phùng Quán. Thời xa xôi ấy chiếc xe mini là quý lắm, với ông Quán là cả gia tài. “Thế thì chắc ăn rồi!”. Bộ ba lãnh đạo phòng đọc hợp đồng giữa tôi và Phùng Quán, đều hí hửng, an tâm khi có giao kèo được bảo đảm bằng cái xe mini con vịt do chính Phùng Quán cam đoan.


Nhà thơ Phùng Quán

(1932 - 1995)

Thời gian sau, tôi nói với ông Quán, “ông có cái xe duy nhất quý như thế, sao dám mang ra mà cá cược. Nhỡ mất thì gay nhể”. Phùng Quán nhìn tôi tỉnh queo, nói tuột: “Có đền cái con b. tao đây này”. Chẳng là tôi hay gần gũi các anh ấy, nên Phùng Quán nói riêng, thường cứ toạc móng heo như vậy.

Phùng Quán lên đồi. Khí hậu vùng Quân Chu tỉnh Thái Nguyên khi đó cũng chả hay ho gì, vốn được coi là nơi lam sơn chướng khí, chốn xưa Pháp từng có một trại tù. Xung quanh nơi ông Quán ở bấy giờ còn hoang vu. Cây cối, cỏ lác, rắn rết không ít. Mùa lũ thì thật nguy hiểm. Có lần mấy anh em cán bộ, nhân viên phòng tôi lên thăm ông, vượt qua con suối Vàng, nước ngầu ngầu ào ào chảy, tôi tí chết đuối. May nhờ tôi bơi cạnh chị Thu kế toán, khi nước suýt nhấn chìm, tôi tóm được cái ống quần chị Thu đã buộc chít lại. Kín khí, hai ống quần cứ căng phồng lên như cái phao. Thế là túm vào nhau mà thoát chết.

Phùng Quán sống ở đấy một mình. Ban ngày cuốc đất trồng ngô, khoai, sắn, mía, thêm vài luống ớt, cà và đậu. Đêm đêm, thứ bảy, chủ nhật ông Quán hay tìm vào các bản làng quanh đó chơi. Có lần tôi lên đó ở dăm bữa, mới biết dân làng quanh đó ai ai cũng quý mến ông. Họ không biết Nhân văn Giai phẩm là cái gì. Chỉ biết, đấy là một lão hay làm thơ, đọc thơ, tên là Phùng Quán. Vì thế, ông cũng hay được mời ăn cưới, trong đó không thiếu các cựu chiến binh sau chiến tranh trở về làng lấy vợ. Tiệc cưới nào được dân làng mời ông cũng đọc đi đọc lại bài thơ Lời mẹ dặn. Giọng ông Quán sang sảng, đọc thơ rất khí thế, rất diễn cảm, chả có mi cô mi kẹo gì, nhưng cứ chạy thẳng vào tâm can anh em chiến sĩ từng chiến đấu một sống hai chết. Cánh cựu binh áo Tô Châu bạc màu, còn khét mùi khói đạn chiến tranh trở về, vỗ tay đôm đốp tán thưởng. Mỗi bận đi ngâm ngợi như vậy, Phùng Quán được bà con cho bữa cơm rượu ê hề, khất kha khất khưởng, phất pha phất phới quần lá tọa, áo chàm bạc, đi về cái lều trống hoác trên khu nương rẫy của ông phụ trách. Có bận ông Quán và Trần Trương say quá nằm vật ra vườn mía ngủ tới sáng mà chả hay.

Phùng Quán sống nơi đó vất vả và kham khổ. Nhà cửa tuyềnh toàng, chả có gì ngoài cái giường tre, chăn mỏng. Sau này, tôi bàn với anh em phòng, công đoàn, mua cho ông một bộ xoong nồi nhôm Liên Xô. Một ngày lên trang trại, ông chỉ vào cổ tay nói với Trần Trương: “Đêm qua có ba thằng vượt suối vào, đè ra trói nghiến, lấy đi tất cả xoong nồi rồi”. Tôi nhìn vào cổ tay ông, cũng thấy có vết đo đỏ, chả biết sự tình ra sao. Nhưng chuyện ấy cũng thật phiền. Năm ấy họp kiểm điểm, bí thư nói: “Đồng chí Trương xem ra mất lập trường. Tư tưởng có vẻ hữu khuynh, bênh ông Quán. Cái vụ xoong nồi nghi lắm. Quán khỏe thế, bố thằng cướp nào đè ông ấy ra được, mà mất toi bộ nồi quý”. Sự việc cũng chả ai dám giải quyết ra sao rồi cũng nhạt đi sau vài năm.

Thực ra, anh em văn nghệ sĩ bấy giờ rất thương nhau. Ông Quán hay về nhà tôi để lấy lương, không muốn về cơ quan giáp mặt với mấy bác cán bộ khác. Vợ tôi làm ở Công ty bách hóa, song vẫn là tay kiếm ăn chính trong nhà. Nhà tôi xông xênh cơm gạo, có chút đỉnh, để thi thoảng đãi cơm ông Quán và vài người khác, là do Đỗ Chu bấy giờ từ quân đội mới chuyển ra, trên bảo, về Hà Bắc đi thực tế mà viết. Nói về Chu, lâu nay thi thoảng gã cũng rẽ vào, có gì ăn nấy, nên trước khi tôi đi, Đỗ Chu đến, quăng cho sổ đong gạo, tiêu chuẩn 17kg. Bấy giờ gạo nước là vô cùng quý, sổ gạo coi như sổ vàng. Đỗ Chu dặn, tôi về bên Hà Bắc, có anh em lo, không để đói. Cứ để tiêu chuẩn này cho vợ ông đong gạo, có cái mà nấu cho anh em nào cơ nhỡ. Nhà tôi bấy giờ ở Hàn Thuyên, rộng 27 - 28m2 . Lại vừa mua được cái xa lông nan gỗ Sài Gòn. Tôi đưa cho Phùng Quán một chìa khóa vào nhà, nhằm tiện khi anh đi, về.

Phùng Quán thời ấy mặc đồ chàm, quần lá tọa. Áo có nút bằng gỗ, do ông khéo tay, lấy gỗ gọt nhỏ như đầu đũa, xuyên lỗ, đơm vào. Guốc cũng kỳ cạch tự đẽo khi rảnh rỗi trên nương rẫy. Quai thì lấy dao lạng mỏng lốp ô tô, phần cao su có chỉ bên trong, đóng đinh chắc vào guốc. Mỗi bận ông Quán về nhà tôi, đi trên hè, oai phong lẫm liệt gõ bước lốp cốp, vang vang con ngõ đìu hiu.

Phùng Quán về, mở cửa vào nhà. Nhà vắng, ông kềnh ngay ra sàn, muốn làm một giấc. Chừng thấy ghế mới, cũng không lên đó ngả lưng. Ông chui vào giữa gầm ghế, nằm ngay trên sàn, chân cứ xỏ nguyên guốc gỗ mà ngủ. Lát sau, vợ tôi về, ngó vào, thoạt tiên chỉ thấy đôi guốc đẽo to tướng cứ đong đưa, lắc la lắc lư, hấp ha hấp háy ở gầm bàn, chết khiếp! Đánh bạo nhìn lên, thấy ống tọa, áo chàm, biết ngay là ông Quán. Quán thấy động, lồm cồm bò dậy:

- Quán đây, Quán đây. Tao mới về.

Cười hỏi, ông anh vào bằng cách nào thế? Ông Quán đáp: Vào cửa chính. Tao có chìa khóa! Lại vặn: Ai đưa cho ông vậy? Phùng Quán không dám khai ra tôi đưa cho, dấm dứ: Chả ai đưa cả… Thế mới tài chứ! Nói xong cười ha hả.

Vợ tôi để ông Quán ở nhà, quay ngay ra cửa hàng thịt mậu dịch, lấy nửa cân phiếu thịt mua được 1kg chân giò, để có món mà khoản đãi ông Quán. Cơm dọn ra, ông Quán bảo: Quán không ăn thịt. Thịt dành cho các cháu. Anh chị để phần xương cho tôi. Quán chỉ ăn xương.

Mấy năm tăng gia, sương gió tơi bời, bốn mùa nơi đất rừng rú, hoang vu, nóng lạnh, Quán phong trần trở nên gầy gò, đen đủi. Nghe ông nói thế mà đang cầm bát định ăn, rớt cả nước mắt.

Đỗ Chu nhủng nhẳng đế thêm:

- Cái thời ấy, sau chiến tranh đâu đâu cũng thế, chả cứ gì ông Quán. Thi sĩ Thanh Tùng đãi bạn văn thịt một chú gà ở Hải Phòng, khi ăn, thản nhiên nói:

- Các ông uống rượu, ăn thịt đi, rồi vun gọn xương lại góc mâm này cho tôi.

Đêm ấy Chu chợt ghé lại. Thi sĩ Thanh Tùng nấu cháo gà toàn xương cho Chu ăn. Thanh Tùng ngồi bên bạn văn, vớt khoắng loạn lên vớ được cái đầu gà gắp vào bát Chu. Chu nhìn, biết tỏng hoàn cảnh, thôi thì gặm trơn sạch da đầu gà cho đỡ nhớ mùi thịt. Lại nghĩ, thương ông ấy quá, gặm hết da rồi, lòng muốn nhai tan cả xương đầu gà, nhưng rồi nghĩ thế nào lại gắp đầu gà để trả lại vào nồi, cái xương đầu gà chỉ còn dính tí da cổ. Rồi Chu này tự múc cho mình bát cháo gạo. Bảo: Để dành sớm mai, ninh tiếp…

Nhà thơ Trần Trương kể theo, như đế theo giọng khàn khàn thuốc lào của Đỗ Chu:

- Sau đận ấy Phùng Quán lên lương cán sự 3, tức 64 đồng một tháng. Cũng thêm được ít đường, tí sữa cho vợ con ông.

*

Chuyện xong. Trần Trương rót chén nước trà xanh mướt, hôi hổi thơm lựng đưa cho cho tôi, nghiêm ngắn nói: Chú mày uống đi kẻo nguội mất hương. Thời bấy giờ ai ai cũng như thế. Cánh nhà văn như Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật… lúc ra chiến trường còn nguy hiểm, gian khổ vạn lần, mà các lão ấy vẫn viết ra tấm ra món, bao tác phẩm để đời.

Đỗ Chu lại kể: Ông Quán có khi vinh, khi khốn khổ tự nhục nhã như vậy. Song sự gian khó khốn nạn như thế như sự đồng hành cùng bao người viết khác nên sau này mới ra được Cây cà, cả tập Trăng hoàng cung rồi Ba phút sự thật cảm động chân ngã đến ghê người. Dưới Hải Phòng, cánh Thi Hoàng, Thanh Tùng, Đào Cảng cũng có được những bài thơ hay nhất âm vang tận hôm nay. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng có được một trong những bản tình ca hay nhất thời Đổi mới, là phổ bài thơ Thời hoa đỏ của Thanh Tùng chứ của ai? Những thứ ấy cho người đời hiện tại và sau này biết rõ về một thời, một thuở, một năm tháng đã xa.

Đỗ Chu vê vê râu bạc dài mọc lưa thưa, nheo nheo mắt qua cái kính đồi mồi tròn, nhìn ra ngoài. Mưa đông nhè nhẹ lất phất tựa mưa xuân, màn màn lún ngún rơi trên sân, phả lên như sương khói. Giọng Chu chầm chậm đọc trong cái âm điệu cũng chầm chậm như nhịp đệm của vạn ngàn giọt mưa rì rào quanh ngôi nhà đang ngự của Hội Nhà văn VN:

…thành phố gầy như ngực mẹ tôi

tôi không dám mạnh chân sợ mặt đường long nhựa

không dám cả cười buông thả

…Trong câu thơ của em anh không có mặt

Câu thơ hát về một thời yêu thương tha thiết

Anh đâu buồn mà chỉ tiếc

Em không đi hết những ngày đắm say…(3)

Tôi quay mặt đi giấu những giọt mưa trong lòng tôi tuôn ra chan chứa.♦

_____

(1) Nhà thơ Trần Trương sinh năm 1941 ở Hưng Yên, từ trần ngày 29-9-2021 tại Hà Nội, thọ 80 tuổi.

(2) Nhà thơ Phùng Quán (1930 - 1995), hội viên Hội Nhà văn VN. Tác phẩm đầu tay Vượt Côn Đảo của ông được giải thưởng của Hội Nhà văn VN năm 1955. Năm 1988, cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được xuất bản và nhận Giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn VN. Năm 2007, Phùng Quán được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, do Chủ tịch nước ký quyết định cùng với các ông Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm.

(3) Thơ Thanh Tùng. 

NGUYỄN VĂN THỌ