Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Đó là mục tiêu rất tích cực, mang tính cách mạng, làm nức lòng mọi tầng lớp nhân dân.
Nhưng bằng cách nào để thực hiện mục tiêu là vấn đề cần suy nghĩ.
Thực trạng thế giới đương đại đang bày ra trước mắt mọi người là: Dầu mỏ thống trị, tiền thống trị, biến đổi khí hậu trái đất nóng lên, đa dạng sinh học bị hủy hoại hằng ngày, cả tỉ người nghèo đói, thiếu nước sạch, thiếu năng lượng, nạn phân biệt chủng tộc nặng nề, bất bình đẳng ngày càng sâu sắc, bạo lực lan tràn, xung đột vũ trang, khủng bố quốc tế, tệ nạn xã hội, tội phạm xuyên quốc gia không ngăn chặn được…
“Trong hai thế kỷ, mô hình kinh tế phổ biến ấy đã kích thích chu kỳ bất tận của tăng trưởng, tiêu thụ và vứt bỏ, đã nuôi dưỡng sự thèm muốn vô độ của cải vật chất mà để có được xã hội phải mang nợ chồng chất không biết bao giờ mới trả được”. Và hơn thế nữa: “Tin xấu hiện nay không chỉ là tình trạng suy sụp của hành tinh chúng ta. Lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, chúng ta nhận thức được là hệ thống kinh tế cũng đang tan rã” (Gunter Pauli, Nền kinh tế xanh lam, tr.31, 44).
Nếu nước ta tiếp tục phát triển kinh tế theo cách mà thị trường tư bản chủ nghĩa đã tiến hành trong hơn 200 năm qua thì khi đạt mục tiêu tăng trưởng GDP rồi, nhân dân ta có thực sự hạnh phúc không? Hay nhìn lại chúng ta xót xa vì đất nước bị tàn phá, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, đa dạng sinh thái bị hủy hoại, ô nhiễm môi trường không xử lý được, nguy cơ biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt hơn, khoảng cách giàu nghèo ngày càng dang xa, con người bị tha hóa đua đòi vật chất, chạy theo tiền bất kể đạo đức, pháp luật và cộng đồng, tệ nạn xã hội không ngăn chặn được, nhất là ma túy, cờ bạc, phạm pháp giết người… như trong thị trường toàn cầu. Tôi xin mạnh dạn nêu lên những vấn đề và giải pháp để tìm kiếm những cách mà chúng ta cần suy nghĩ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Mục tiêu không đổi, con đường không đổi, nhưng cần phải thay đổi phương tiện.
Đó là một đột phá “đổi mới tư duy” về phương thức sản xuất và lối sống nhằm mục tiêu:
- Thay đổi triệt để phương thức sản xuất dựa vào năng lượng hóa thạch và khai thác không hiệu quả, lãng phí tài nguyên thiên nhiên, làm cạn kiệt thiên nhiên và không tái tạo thiên nhiên, bằng phương thức sản xuất xanh, tuần hoàn, bảo vệ và tái tạo thiên nhiên bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bằng phương thức sản xuất theo yêu cầu kinh tế tri thức, kinh tế số dựa vào trí tuệ con người và phát huy năng lực con người.
- Xây dựng ý thức xã hội và lối sống xanh, thân thiện thiên nhiên, đạo đức, nhân ái, văn minh, lành mạnh, bình yên, đề cao chân thiện mỹ, đề cao quan hệ xã hội bình đẳng, vì mọi người và quan tâm các thế hệ tương lai, cân bằng đời sống vật chất và đời sống văn hóa, tinh thần.
Để vận động nhân dân ta thực hiện hai mục tiêu đầy thách thức đó, Nhà nước cần có chủ trương, chính sách mạnh mẽ ủng hộ, hơn nữa cần có chiến lược xây dựng phát triển đất nước theo yêu cầu chuyển sang nền kinh tế xanh, xã hội xanh và lối sống xanh.
1. Chiến lược Kinh tế xanh
Nền kinh tế Việt Nam hiện nay, trên mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế, vẫn phổ biến là dựa trên nền tảng năng lượng hóa thạch và sử dụng nguyên liệu cho sản xuất, chế biến, xuất khẩu và dân dụng và đều dựa vào khai thác thiên nhiên (đất đai, quặng mỏ, rừng, biển, nước ngọt…), đồng thời nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo Viện Năng lượng Bộ Công thương, năm 2010 cơ cấu nhiên liệu để sản xuất năng lượng là:
Than đá 35%,
Dầu hỏa 23%,
Thủy điện 9%,
Năng lượng phi thương mại (củi, chất đốt khác…) 21%.
Về phát thải khí nhà kính năm 2010, dự kiến 2020 và 2030 từ sản xuất điện và sử dụng năng lượng, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Thông báo Quốc gia lần 2 và kiểm kê khí nhà kính, có số liệu như sau:
Tổng phát thải khí nhà kính năm 2010: 131,1, n. 2020: 251, n. 2030: 470,8 triệu tấn CO2 tương đương. Tốc độ tăng 2010 - 2030 là 7,39%.
Báo Lao động ngày 30-1-2020: Thành phố Hồ Chí Minh có 8 triệu xe cơ giới các loại trong đó 7,2 triệu xe gắn máy. Xe máy tiêu thụ 50% xăng, thải ra 94% khí hydro carbon, 87% CO (carbon mono oxid), 57% khí NOx (oxid ni-tơ), 33% bụi mịn PM10 trong toàn bộ xe cơ giới.
Tính chất nền kinh tế nước ta chủ yếu là gia công, trừ hàng nông sản, đồng thời sản xuất từ doanh nghiệp nước ngoài (FDI) chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế, đặc biệt là sản xuất công nghiệp công nghệ cao (72% kim ngạch xuất khẩu nước ta là từ FDI). Doanh nghiệp trong nước chưa tạo thành lực lượng kinh tế độc lập và chưa có doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nông nghiệp quy mô lớn; chỉ có một số doanh nghiệp lớn là doanh nghiệp kinh doanh địa ốc và ngân hàng.
Riêng nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng lớn: 40% lao động trong tổng số lao động cả nước, năng suất bằng 38% năng suất lao động cả nước (với trang bị kỹ thuật kém, ứng dụng công nghệ còn ít, trong khi sản xuất cá thể, riêng lẻ, hộ nông dân là phổ biến: do đó còn nhiều dư địa để gia tăng).
Tăng trưởng GDP của Việt Nam phải dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên nhiều nhất so các nước như bảng dưới đây:
Tỷ lệ một số tài nguyên thiên nhiên đóng góp vào tăng trưởng GDP của một số nước năm 2010. (Đơn vị tính: % GDP)

Chiến lược Kinh tế xanh cần được xác định mục tiêu, nhiệm vụ là:
- Tiến tới nền kinh tế ít carbon, carbon bằng không, nền kinh tế xanh, tuần hoàn và nền kinh tế tri thức, kinh tế số. Hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, phát triển năng lượng tái tạo đến mức hoàn toàn thay thế năng lượng hóa thạch.
- Giành lại không khí sạch cho nhân dân ta, góp phần bảo vệ bầu khí quyển cho loài người.
- Đảm bảo lương thực thực phẩm sạch cho nhân dân, chất lượng ngày càng tốt, hướng đến lương thực thực phẩm hữu cơ, dinh dưỡng.
- Chuyển nền công nghiệp sử dụng năng lượng hóa thạch sang nền công nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo.
- Xây dựng đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị sinh thái.
- Giao thông vận tải xanh.
- Xử lý chất thải các loại, xây dựng ngành công nghiệp tái chế.
Để thực hiện chiến lược kinh tế xanh cần nhiều biện pháp đồng thời, đồng bộ.
Thế mạnh cơ bản của nước ta là nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái (cả trồng trọt và chăn nuôi, nông, lâm, thủy hải sản) là lực lượng chủ lực của nền kinh tế xanh cần được quan tâm đặc biệt.
- Trước tiên, cần tái cấu trúc nền nông nghiệp chuyển sang nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái. Giảm dần đến không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa chất độc hại; thay thế bằng phân bón hữu cơ, sinh học, các chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng vật nuôi, không để đất nông nghiệp bị sa mạc hóa.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp tạo cầu cho sản xuất nông sản: thủy lợi đồng ruộng, kho tàng cho nông sản, thủy hải sản, xi lô dự trữ lúa gạo, bắp, đậu…
- Tổ chức lại nông nghiệp, đưa nông dân phổ biến vào hợp tác xã nông nghiệp là giải quyết mâu thuẫn lớn nhất hiện nay: lực lượng sản xuất phát triển nhanh nhưng quan hệ sản xuất chậm phát triển, làm ăn riêng lẻ, manh mún, ứng dụng khoa học công nghệ khó khăn, không đồng bộ, năng suất kém. Từ đó sản xuất sẽ bung ra mạnh mẽ. Quy hoạch vùng chuyên canh, khuyến khích hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển nông trại, nông trang lớn.
- Trồng rừng cho ngành chế biến gỗ và ngành địa ốc.
Nước ta đã bước vào cuộc cách mạng 4.0, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhân dân tham gia phát triển công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Xây dựng nhiều khu công nghiệp công nghệ cao, một số khu công nghệ cao chuyên ngành (Khu phần mềm công nghệ thông tin, Khu công nghệ cao sinh học, Khu công nghệ năng lượng tái tạo, Khu nghiên cứu công nghệ xanh, vật liệu xanh, các Trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp v.v…). Chọn lọc một số ngành nghề sản phẩm công nghệ 4.0 có thị trường, có tương lai để xây dựng một số nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị cho ngành nghề hay sản phẩm đã chọn phù hợp yêu cầu nền kinh tế xanh. Chọn lọc các ngành công nghệ cao sử dụng ít vật chất, ít năng lượng, có năng suất lao động cao và hoạt động theo yêu cầu nền kinh tế tuần hoàn giảm thiểu lãng phí tài nguyên, đất đai, nước, thời gian, nguồn lực con người, đồng thời phát huy trí tuệ con người, đem lại giá trị gia tăng cao.
Ngành giao thông công cộng như xe buýt sử dụng năng lượng sinh học, xe điện, xe bánh sắt, metro, tàu hỏa chạy bằng điện sạch…
Ngành công nghệ sinh học áp dụng cho bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, ngành nông nghiệp, bảo vệ môi trường và tái tạo thiên nhiên.
Ngành Y tế, Dược với ứng dụng công nghệ xanh, kết hợp đông tây y.
Ngành tái chế công nghiệp, tái chế rác thải.
Hạn chế đô thị hóa tự phát. Xây dựng đô thị vệ tinh. Xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái là nhân tố quan trọng của kinh tế xanh.
Nâng cấp, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông thật mạnh, đảm bảo đáp ứng nền kinh tế tri thức, kinh tế số và xã hội số.
Xây dựng các Khu Logistics hiện đại, quy mô lớn không sử dụng năng lượng hóa thạch, nhất là hệ thống phương tiện giao thông vận tải.
2. Chiến lược xây dựng Xã hội xanh
Những vấn đề xã hội của nước ta trước hết là giải quyết những nhu cầu bức thiết tối thiểu cho đời sống nhân dân, tạo công ăn việc làm, giáo dục phổ thông, đào tạo nghề và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Trồng cây gây rừng là hoạt động cổ vũ lối sống xanh
Do đó việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay của chiến lược cần bám sát thực tiễn xã hội nước ta.
- “Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” như lời Bác Hồ căn dặn.
- Đảm bảo cho nhân dân TP.Hồ Chí Minh ai ai cũng có nhà để ở.
- Đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn. Tăng cường ngân sách cho ngành y tế. Đưa năng lực điều trị bệnh của một số thành phố lên ngang trình độ tiên tiến khu vực.
- Đảm bảo nền giáo dục phổ thông bình đẳng cho mọi người, từng bước miễn học phí cho học sinh phổ thông. Nâng cao dân trí, đào tạo nghề phù hợp sự thay đổi công nghệ, kỹ thuật của Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế xanh, xã hội xanh.
Với thu nhập bình quân đầu người dự kiến khoảng 6.500 USD năm 2025, nền kinh tế nước ta đảm bảo cho 100 triệu dân có cơm ăn, áo mặc như mong muốn của Bác Hồ, chỉ cần có phương thức phân phối hiệu quả và hợp lý.
Chăm lo sức khỏe cho nhân dân là ưu điểm của chế độ ta được thể hiện rất thuyết phục trong thời đại dịch COVID-19. Cần tiếp tục đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các cơ sở y tế, bệnh viện; tích cực sử dụng đông, nam dược, kết hợp đông tây y.
Về Giáo dục đào tạo: Học tập Bác Hồ, chúng ta nhận ra những tư tưởng về giáo dục vượt thời đại, hết sức nhân văn, cao cả mà rất thiết thực.
Trong quyển Sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định tập trung sâu sắc mục tiêu của nền giáo dục cách mạng:
“Học để làm việc,
làm người,
làm cán bộ,
Học để phụng sự Đoàn thể,
để phụng sự giai cấp và nhân dân,
để phụng sự Tổ quốc và Nhân loại”. (HCM, t.6, tr.208)
Tháng 8 năm 1963, tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Dạy tốt, Học tốt”, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nội dung giáo dục cần chú trọng hơn nữa về mặt ĐỨC DỤC” (HCM, t.14, tr.746).
Trên báo Nhân dân ngày 24-10-1955, trong thư “Gửi các em học sinh” Bác Hồ viết: “Giáo dục các em là việc CHUNG của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc” (HCM, t.10, tr.175).
Bác Hồ khẳng định: “Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn” (HCM, t.10, tr.591).
Tư tưởng Hồ Chí Minh “giáo dục là việc chung” chỉ cho ta phải nâng tầm nền giáo dục Việt Nam lên trình độ mới, đó là: Nền giáo dục Việt Nam bao gồm ba thành phần cơ bản, gắn bó chặt chẽ, là Giáo dục gia đình, Giáo dục trường học và Giáo dục xã hội.
Vậy Mục tiêu giáo dục đào tạo trong thời đại Cách mạng 4.0 và Cách mạng xanh là: “Dạy và học làm Người, làm Nghề và biết tư duy Sáng tạo”.
Cộng đồng xã hội xanh ở cơ sở là nền tảng của xã hội xanh.
3. Chiến lược Văn hóa, Lối sống xanh
Sau 35 năm Đổi mới (1986), trong khi đời sống vật chất của nhân dân dân ta được nâng cao rõ rệt thì đời sống văn hóa tinh thần vẫn còn nghèo nàn, đặc biệt là hệ giá trị đạo đức dân tộc bị xuống cấp trầm trọng. Nhiều điều chưa từng xảy ra, nhiều điều trước đây hiếm thấy ngày nay xảy ra nhan nhản, như giết người, phạm pháp hình sự có cả tuổi vị thành niên, chạy theo tiền bất kể cộng đồng, tệ nạn ma túy tràn lan v.v…
Toàn cầu hóa kinh tế dẫn tới các nền văn hóa của các quốc gia dân tộc cũng cạnh tranh giành ảnh hưởng, cổ vũ con người sống gấp, ham tiền, thực dụng, mạnh được yếu thua kiểu xã hội tiêu dùng tư bản chủ nghĩa.
Tình hình đó đặt ra nhiệm vụ chiến lược xây dựng nền văn hóa và lối sống cho nhân dân ta rất nặng nề với những mục tiêu cụ thể cho giai đoạn hiện nay. Đó là:
- Khơi dậy, phát huy và đề cao hệ giá trị đạo đức và văn hóa dân tộc, truyền thống cách mạng, đồng thời tiếp thụ tinh hoa văn hóa của các dân tộc phù hợp văn minh thời đại.
- Giáo dục lối sống vị tha, nhân ái, “nhiễu điều phủ lấy giá gương”, “tình làng nghĩa xóm”, đoàn kết, dân chủ, bình đẳng, hòa hợp trong một cộng đồng xã hội ở cơ sở văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đáng sống.
- Xây dựng lối sống xanh, thân thiện với môi trường, bảo vệ thiên nhiên đa dạng sinh học.
Văn hóa tư tưởng có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển bền vững theo yêu cầu cân bằng đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần. Khoa học công nghệ và văn học nghệ thuật là hai nhân tố ảnh hưởng quyết định tư duy, ý thức và tâm hồn, tình cảm con người, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Phát huy văn hóa dân tộc đồng thời tiếp thụ văn hóa thế giới, đề cao tư tưởng tiên tiến của thời đại, mở rộng sự nhất trí tinh thần trong nhân dân là yêu cầu chiến lược.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là một động lực phát triển kinh tế xã hội, là chỗ dựa vững chắc khi hội nhập toàn cầu. Mặt khác, trong điều kiện Đảng lãnh đạo nhà nước và toàn xã hội, sự thay đổi ý thức tư tưởng con người không thể là một quá trình tự phát. Vì vậy cần tiến hành đổi mới tư tưởng và văn hóa nhằm tích cực thay đổi đời sống tinh thần, tư tưởng và văn hóa của nhân dân, của toàn xã hội theo hướng tiến bộ.
Trong tình hình đó, nước ta đang có lợi thế là thừa hưởng tài sản vô giá của nền văn hiến mấy ngàn năm, của cuộc cách mạng giải phóng đất nước và kháng chiến cứu nước mới vừa trải nghiệm, là “định hướng xã hội chủ nghĩa” mà Đảng ta đang kiên định và kiên trì bảo vệ trong Cương lĩnh và Đường lối xây dựng phát triển đất nước, đó chính là cơ sở để nước ta tiến hành xây dựng tư tưởng, ý thức xã hội theo yêu cầu cách mạng xanh và định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Tổ chức các hoạt động cổ vũ lối sống xanh như đi lại bằng xe đạp, ô tô điện, xe buýt điện, tiêu dùng xanh, sử dụng thực phẩm sạch, hữu cơ, trồng cây gây rừng, xây dựng nhà ở xanh sử dụng điện mặt trời, hạn chế rác thải nhựa… Tổ chức các cuộc thi, các giải thưởng đề cao lối sống xanh. Xây dựng điển hình sống theo lối sống xanh, điển hình cá nhân, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp và các cơ sở xã, phường.
- Các phương tiện truyền thông thường xuyên cổ vũ động viên nhân dân, thanh thiếu nhi thực hiện lối sống xanh.
- Khuyến khích xây dựng những mô hình đô thị sinh thái, đô thị xanh, vừa hiện đại vừa gần gũi thiên nhiên, bảo vệ và tôn tạo môi trường sống của cộng đồng.
Cuối cùng, nguy cơ biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên đòi hỏi nước ta khẩn trương xây dựng chiến lược Môi trường xanh, bảo vệ thiên nhiên đa dạng sinh học và phát triển năng lượng tái tạo.
- Kỳ tích tái tạo rừng ngập mặn Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) bị chiến tranh hủy diệt trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới là một giải pháp điển hình khả thi về bảo vệ và tái tạo môi trường thiên nhiên. Nhưng hiện nay Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Cần Giờ ở TP.Hồ Chí Minh đang bị đe dọa nghiêm trọng do dự án lấn biển Cần Giờ xây dựng đô thị du lịch. Đây là thực trạng đáng lo nhất đối với môi trường thành phố và vùng Đông Nam Bộ.
- Chất thải đô thị là một nguy cơ do dân cư tạo ra.
- Khai thác nước ngầm làm lún sụt khắp nơi trên cả đồng bằng Nam Bộ.
- Nhìn ra cả nước, nạn phá rừng không ngăn chặn được, nạn khai thác cát sông, biển, hút nước ngầm, thậm chí có những chủ trương của cấp tỉnh thành đánh đổi môi trường để chạy theo mục tiêu kinh tế bất kể vi phạm pháp luật.
Trước tình hình đó TP.Hồ Chí Minh cũng như các địa phương nước ta cần phải khẩn trương có những biện pháp đồng bộ bảo vệ môi trường, chung sức ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm nhẹ thiên tai khốc liệt xảy ra liên miên hằng năm.
- Phát triển khoa học công nghệ, tìm ra nhiều công nghệ tiên tiến và đặc thù của thế giới và trong nước nhằm giảm thiểu ô nhiễm và phát triển công nghệ xanh, công nghệ sản xuất và sử dụng năng lượng hiệu quả, vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường, giữ hàm lượng CO2 không tăng cao.
- Giảm lượng điện tiêu thụ trong các hộ gia đình, cơ quan, văn phòng, cửa hàng, giảm lượng phát thải carbon.
- Ở các thành phố cần tổ chức lại giao thông đô thị, hạn chế dần xe gắn máy, phát triển nhanh các phương tiện vận tải công cộng sử dụng năng lượng sạch, điện mặt trời.
- Phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, điện gió; tạo cơ sở hình thành một ngành kinh tế đầy đủ khuyến khích nhân dân tham gia. Chính phủ chủ trương giá ưu đãi năng lượng tái tạo (FIT) như ở các nước tiên tiến. Điện mặt trời là loại năng lượng duy nhất mà toàn dân có thể sản xuất. Đó là thuận lợi cho nước ta, một nước nhiệt đới có ánh sáng mặt trời dồi dào. Sản xuất điện mặt trời áp mái phổ biến ở các khu dân cư, các công sở, trường học, bệnh viện.
- Đặc biệt, việc kết hợp IT (Internet) với ET (Ecotech) thành “Internet năng lượng”, xây dựng “Lưới điện thông minh” biết khi nào cần và cần bao nhiêu công suất điện, giá mỗi kw/giờ điện năng tại thời điểm đó là bao nhiêu, rồi tự động “bật” hay “tắt” nguồn điện. Nếu được lập trình mua điện lúc giờ thấp điểm (giá điện rẻ), giảm sử dụng thiết bị cụ thể nào lúc giờ cao điểm (giá điện cao), thậm chí có thể bán điện lại cho công ty điện lực, thì lưới điện sẽ đáp ứng đúng mức. Nhờ vậy các công ty điện lực cũng điều hành thuận lợi, chủ động và mạng lưới thông minh lúc nào cũng sẵn sàng đáp ứng điện sạch cho khách hàng cả ngày lẫn đêm. (Tham khảo “Nóng, Phẳng, Chật”, tr.293).
*
Năm nay kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và 45 năm ngày thành phố Sài Gòn - Gia Định được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong khi đại dịch COVID-19 hoành hành toàn thế giới và nước ta, nguy cơ biến đổi khí hậu đang hiển hiện, chúng ta càng nhớ những lời căn dặn của Bác Hồ về bảo vệ và tôn tạo môi trường, với những tư tưởng nhân văn vĩ đại “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, “Mùa Xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”.
Bác Hồ căn dặn đồng bào: “Tục ngữ có câu ‘rừng vàng biển bạc’, chúng ta chớ lãng phí vàng mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”. Bình sinh Bác thường nhắc nhở: “Phá rừng thì dễ, nhưng gây lại rừng thì phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều” (Hồ Chí Minh - toàn tập, t.11, tr.134). Đến lúc từ biệt cõi đời, trong Di chúc thiêng liêng Người còn căn dặn: “Về việc riêng - Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là ‘hỏa táng’. Tôi mong rằng cách hỏa táng sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì ‘điện táng’ càng tốt hơn. Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành, 1 hộp cho miền Bắc, 1 hộp cho miền Trung, 1 hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mã, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão”.
Thế mới biết tư tưởng nhân văn của Bác vượt thời đại như thế nào. Bác Hồ sống mãi với chúng ta! Thương nhớ và cảm phục biết bao!♦
Ngày 10-7-2021
_____
* Nguyên Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh.