HV161 - UNESCO vinh danh Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương

UNESCO vừa quyết nghị năm 2022, Việt Nam có hai nhà văn là Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương được thế giới tôn vinh và kỷ niệm.

* Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) là một nhà thơ “gọi nghĩa sĩ lên đường - mắt mù lòng tựa đuốc” (Lê Anh Xuân), là người “đánh giặc bằng ngòi bút” (Mai Am công chúa) cùng với Trương Định, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực... Lại là người viết Lục Vân Tiên, thể hiện gương sáng làm người; là người viết Ngư tiều y thuật vấn đáp, không chỉ nói về y mà còn nói về y đức, y thuật, đạo làm người. Nhưng những tác phẩm rạng rỡ nhất là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và những bài thơ Đường luật miêu tả kháng chiến, miêu tả nhân dân “ngoài cật có một manh áo vải” chống giặc thù. Nguyễn Trãi vô cùng vĩ đại, biết nhân dân là người “chở thuyền và lật thuyền”, cũng chỉ mới nói tới “manh lệ”, và phải đến cụ Đồ Chiểu thì nhân dân mới hiện lên cụ thể, sinh động trong văn học.

Cụ Đồ Chiểu là thể hiện của khí phách phương Nam, miền Nam, dân tộc trong kháng chiến trường kỳ, giành lại non sông, “Ôi kháng chiến mười năm qua như ngọn lửa/ Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường” (Chế Lan Viên). Chúng ta tiến lên trong Đổi mới, không quên ánh sáng của ngọn lửa ấy.

* Hồ Xuân Hương (1772 - 1822) là một nhà thơ được nhân dân Việt Nam và toàn thế giới yêu mến. Vì đó là “sự đột nhập của nền văn hóa dân gian (Việt Nam) vào một thể loại cung đình” (Đường luật) - N.I. Nikulin. Đó là tinh thần dân chủ của thời Phục hưng. Và về điều này, chúng ta cần phải biết đến những luận điểm lý giải thiên tài Phục hưng Rabelais của Bakhtin trong cuốn Rabelais và nền văn hóa dân gian Trung cổ và Phục hưng của ông. Chúng ta cần biết đến các khái niệm “tiếng cười toàn dân”, “tiếng cười hai mặt” (phủ định - khẳng định), “sự kéo xuống” (từ thiên đình kéo xuống hạ giới, từ đỉnh đầu kéo xuống hạ bộ: “Hiền nhân quân tử ai là chẳng (…) Chúa dấu vua yêu một cái này” v.v…), từ đó mới thấy sự “đột nhập” và thực chất dân gian của thơ Hồ Xuân Hương. Và đó là cái vĩ đại, cái đặc dị của thơ Hồ Xuân Hương đúng nghĩa.

Còn với bà Hồ Xuân Hương có tiểu sử rành rẽ, có thơ chủ yếu là thơ chữ Hán đúng phép, thì có lẽ gộp bà vào đây cũng là điều “có lợi”, nhưng về mặt khoa học rất dễ bị bác.

Vậy có thơ rằng:

Hồ Xuân Hương

Lại định viết về chị đấy ư? Này này chị bảo

Phí bút mực bàn suông mãi chẳng được gì.

Tên bắn chệch và những lời tán hão

Chị chán ngấy rồi, thôi để chị yên.

~

Muốn khám phá những gì bí ẩn

Hãy về với hề chèo, hát ghẹo, hội chen

Điêu khắc đình làng lá sen che chỗ ấy

Cả một thế kỷ cười, cả một mạch tiếu lâm.

Chị là thế, chị là dân dã

Dân dã ư? Cũng khuôn thước Thịnh Đường

Cái khoảnh khắc nhập thần, xuất quỷ

Nghìn năm xưa chỉ có một lần.

~

Là sự sống, là khát khao hạnh phúc

Là khối tình lá liễu giọt sương gieo.

Hồn muôn thuở của cuộc đời trong đục

Một kiếp người thêm chán nợ tình đeo.

                                       MAI QUỐC LIÊN

MAI QUỐC LIÊN