HV161 - Về ý nghĩa của chữ 隴 (luống) trong Truyện Kiều

1.Khi tìm hiểu chữ nghĩa Truyện Kiều và tham khảo công trình Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh thì chữ 隴 (luống) là một trong những chữ mà nội dung diễn giải ý nghĩa của nhà biên khảo đã khiến chúng tôi rất băn khoăn. Cụ thể, trong cuốn từ điển của mình, ông giải thích như sau: “Luống”: Uổng, mất công, vô ích (có hàm ý tốn cả thì giờ). Vd. Luống những - câu 464, 1040, 1266, 1760, 2249, 2618, 2928, 2996, 3004. Luống hãy: Vẫn cứ uổng công. Vd. Tin sương luống hãy rày trông mai chờ, 1040, 3004. Luống những: Chỉ uổng công. Vd. Luống những lắng tai Chung Kỳ - 464, 1760, 2249, 2618, 2928, 2996. Luống lần mơ canh dài, 1266: Chỉ uổng công lần hồi mơ mẩn suốt đêm dài thôi (Quảng tập chép luống mẩn mơ; Quan văn chép luống những mơ. Nhiều bản Nôm chép luống lần mơ) (1). Trong Từ điển Truyện Kiều, bản hiệu đính của Phan Ngọc, nội dung chú giải về chữ “luống” cơ bản vẫn giữ nguyên, người hiệu đính chỉ chú thêm “Nghĩa gốc là quá cái thời của nó như luống tuổi, do đó có nghĩa là uổng, tỏ ý làm khó nhọc mà vô ích”(2). Như vậy, theo soạn giả Đào Duy Anh và Phan Ngọc, mặc dầu chữ “luống” xuất hiện 9 lần trong Truyện Kiều với các ngữ cảnh khác nhau nhưng đều có một nghĩa chung là “uổng, mất công, vô ích”.

Chúng tôi băn khoăn vì nếu căn cứ vào văn cảnh các câu thơ có chứa chữ “luống” trong Truyện Kiều mà học giả đã liệt kê và viện dẫn thì hầu như không đúng với văn ý, văn lý của thi hào Nguyễn Du. Lấy ngay ví dụ trường hợp câu 463 - 464 thì đã thấy cách hiểu này không hợp lý:

Rằng nghe: nổi tiếng cầm đài,

Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ.

Rõ ràng, căn cứ vào ngữ cảnh câu thơ này chúng ta không thể hiểu nghĩa chữ “luống” này là “uổng công, vô ích” được. Lần lượt xem xét các ví dụ còn lại, ta sẽ thấy một tình hình tương tự.

Để tìm hiểu duyên do việc giải nghĩa thiếu thuyết phục chữ “luống” trong những câu Kiều đã dẫn của học giả Đào Duy Anh, thiết nghĩ, điều trước tiên, chúng ta phải xét xem người cùng thời với Nguyễn Du đã hiểu chữ “luống” như thế nào.

2.Trong các từ điển được biên soạn ở giai đoạn từ thế kỷ 17 đến hết thế kỷ 19 mà chúng tôi có trong tay, thì Từ điển Annam-Lustan-Latinh (Thường gọi là Từ điển Việt-Bồ-La) của Alexandre de Rhodes, xuất bản tại Roma, năm 1651, không thấy xuất hiện mục từ này. Trong Dictionarium Anamitico-Latinum (Tự vị Annam-Latinh) do Pierre Pigneau de Béhaine biên soạn năm 1772-1773, được A.J.L. Taberd bổ chính và xuất bản tại Serampore (Ấn Độ) năm 1838, đã thấy xuất hiện chữ “luống” và được chú giải như sau: “ 隴 Luống, vacuus, a, um; area hortensis. 功-: -công, ludere operam; -於: ở- ,otiosus, a, um; -虛, hư-, vacuus, a, um; - 召: - chịu, incassùm pati; 仍 -: luống -, continuò; (de homine qui solus partutur, tristatur, &c.); 坦 -: - đất, areola hortensis”(3). Nội dung chú giải này được Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch ra Việt ngữ như sau: “Luống: Trống không, luống vườn. Luống công: Mất công. Ở luống: Ở không làm gì. Hư luống: Hư không. Luống chịu: Chịu vô ích. Luống những: Liên tục (về người một mình chịu, một mình rầu rĩ…). Luống đất: Một mảnh đất vườn dài”(4). Nội dung chú giải nghĩa chữ “luống” và các tổ hợp của nó trong Tự vị của Pierre Pigneau de Béhaine, về sau, được các nhà biên soạn từ điển đối chiếu và từ điển tiếng Việt trong và ngoài nước tiếp thụ ở các mức độ khác nhau. Ví dụ: sách Grammaire annamite, suivie d’un vocabulaire français-annamite et annamite-français, G. Aubaret, Paris, 1857, chỉ chú một cách đơn giản: “Luống 隴 vide (khoảng chân không, không có gì); ở luống 於隴 oisif (ở không, không làm gì)”(5). Như vậy, G. Aubaret chỉ lấy một nghĩa trong các nghĩa mà Pierre Pigneau de Béhaine đã thu thập và chú giải. Trong Dictionnaire élémentaire annamite-français, Legrand de la Liraÿe, Sài Gòn, 1868, chú thích có phần mở rộng hơn G. Aubaret: “Luống. Sillon (luống cày); - công. Perdre son temps, agir en vain (Lãng phí thời gian, vô ích); Một - Un sillon (Một rãnh)(6)”. Đến Dictionnaire annamite-français (Tự vị Annam - Pháp lang sa), J.M.J (Caspas), Tân Định, 1877 thì tình hình đã khác. Cuốn từ điển này đã kế thừa đầy đủ các ý nghĩa của chữ “luống” mà Pierre Pigneau de Béhaine đã thu thập hơn 100 năm trước, đồng thời cập nhật thêm một số nghĩa mới xuất hiện ở giai đoạn sau. Cụ thể, cuốn từ điển này đã chú như sau: “Luống. Vide (trống, rỗng, không; nhàn rỗi, không làm gì), adj (tính từ); plate-bande (thảm hoa), F. - công. (không có lợi gì); en vain (vô ích); peine perdue (một sự lãng phí). - xương, - lưng. Oisif (không hoạt động; nhàn rỗi, ăn không ngồi rồi), paresseux (lười biếng), adj. Ở -. Être oisif (đang nhàn rỗi). Hư -. Vide (trống rỗng), vain (vô ích), adj; néant (hư vô), M. - chịu. Souffrir en vain. - những. Sans cesse (luôn luôn). - dối. Faux, trompeur, vain (Sai sự thật, gây hiểu lầm, vô ích), adj”(7). Và đến những năm cuối thế kỷ 19, trong ba cuốn từ điển đồ sộ nhất lúc bấy giờ là Dictionnaire Annamite-Français của J.F.M. Génibrel, Sài Gòn, 1898; Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, Sài Gòn, 1895 - 1896 và Dictionnaire Annamite-Français (langue officielle et langue vulgaire) par J. Bonet, Paris, 1899 - 1900 thì các nghĩa của chữ “luống” trong hành chức lúc bấy giờ đã được thu thập đầy đủ. Trong đó, một mặt, ba cuốn từ điển này vẫn tiếp tục kế thừa nội dung giải nghĩa của các từ điển trước, mặt khác, chúng ghi nhận thêm những nghĩa mới được thu thập cùng với ví dụ về các trường hợp sử dụng. Cụ thể, ba cuốn từ điển này đã giải nghĩa chữ “luống” như sau: *J.F.M. Génibrel, Dictionnaire Annamite-Français, Sài Gòn, bản in lần thứ 2, 1898: “隴 Luống. 1.Vide (trống, rỗng, không; nhàn rỗi, không làm gì), adj. - công, Sans profit (không có lợi gì); en vain (vô ích), peine perdue (một sự lãng phí), dans une inaction complet (một việc làm không có kết quả). - xương, Oisif (không hoạt động; nhàn rỗi, ăn không ngồi rồi), paresseux (lười biếng), adj. - cống, id. - lưng, id. Ở -, Être oisif (đang nhàn rỗi). Là như không - C’este comme rien (giống như không có gì). Hư -, Vide (trống rỗng), vain (vô ích), adj. Néant (hư vô), m. - dối, Faux, trompeur, vain, (sai sự thật, gây hiểu lầm, vô ích), adj. - chịu, Souffrir sans cesse (đau khổ không ngừng). - những. Sans cesse (luôn luôn, không ngừng). - những sầu bi, S’abandonner à son chagrin (chịu đựng nỗi đau khổ). Một mình - những bâng khuâng, Tout seul et plongé dans une tristesse profonde (Một mình với tất cả nỗi buồn sâu sắc). Trở nên hư -, S’anéantir, se dissiper (tiêu tan, tiêu diệt), r. - hao, Consumé (thiêu hủy), adj. Mẹ cha - chịu sầu bi, Bien souvent les parents son plongés dans l’affliction (Cha mẹ thường đắm mình trong nỗi buồn). - những đứng ngồi, Tantôt assis tantôt debout (lúc đứng lúc ngồi không yên). 2.Platebande (thảm hoa, luống hoa), f. Carré (ô vuông), m. Planche (luống), f. Couche (tầng lớp), f. Compartiment (ô, ngăn), m. (de jardin: vườn). - đất, id. Hót - (T), (V. Hót, 3). Đánh - (T), id. - cải, Une planche de moutarde (một luống cải). Một -, Une planche. 3.cuống, Stupéfait et come pétrifié (sững sờ đến đờ người ra).(8) * Huình Tịnh Paulus Của, Đại Nam quấc âm tự vị, Sài Gòn, 1895 - 1896: “隴 Luống. n. Trống không, không không; những là. - công. Liều công, vô ích. - xương. Ăn ở không, không chịu làm công chuyện, nhớt xương, chỉ nghĩa là làm biếng. - lưng. id. Thả -. Bỏ liều, bỏ hoang, không ai coi sóc. Để -. id. Ở -. Ở không nhưng. Hư -. Trống không. - chịu. Những chịu, chịu lì, chịu một bề, chẳng khi hở, chẳng ai biết cho. - những. Hoài hoài, hủy hủy, chẳng khi hở. - không. Vốn không có chi cả, bỏ không. - nào. Lối nào. - đất. Dây đất, dãy đất. (Ghi chú: 弄 luồng. Một lối, một dây.)”(9)

* J. Bonet, Dictionnaire Annamite - Français (langue officielle et langue vulgaire), Paris, 1899- 1900: “Luống 隴. Ouvert (mở, rộng); Béant (há ra, há hốc; ngáp); Vacant (khuyết, trống, thiếu); Vide (trống, rỗng, không; nhàn rỗi, không làm gì); Nul (không, không tí gì; vô hiệu; bất tài, rất kém); Inutile (vô ích); Oisif (không hoạt động; nhàn rỗi, ăn không ngồi rồi); Disponible (có sẵn). Ở luống 於. Demeurer oisif (vẫn ăn không ngồi rồi, hãy còn nhàn rỗi); Vivre en désoeuvré (sống nhàn rỗi, ăn không ngồi rồi). Hư luống 虛. Vain (vô ích), Vicié (hư hỏng đi), Perdu (Uổng phí). Luống chịu 召. Souffrir en vain (chịu đựng trong vô vọng); Peiner inutilement (đau khổ một cách vô vọng). Luống những 仍. Sans cesse (luôn luôn). Luống công 功. Travail inutile (việc làm không cần thiết); Peine perdue (sự lãng phí). Luống đất 坦. Espace vide (khoảng trống); Plate-bande (Thảm hoa)”(10)

3.Như vậy, tính từ Dictionarium Anamitico-Latinum (Tự vị Annam-Latinh) của Pierre Pigneau de Béhaine đến Dictionnaire Annamite-Français của J. Bonet, các cuốn từ điển này đã trưng ra khá nhiều dẫn dụ phong phú về các trường hợp sử dụng từ “luống” và nghĩa từ “luống” đã được định hình với 3 nghĩa cơ bản: 1) Nghĩa danh từ: vồng đất dài được vun lên, trên đó có thể đã trồng cây cỏ (luống đất, luống cày, luống khoai, luống hoa,..); 2) Nghĩa tính từ: trống không, uổng công, vô ích (luống công, ở luống, luống tuổi…); 3) Nghĩa phó từ: hằng thường, luôn luôn, xảy ra nhiều lần (luống những, luống thương, luống chịu, luống sợ, luống hãy...). Điều đáng lưu ý là ba nghĩa này đều có mặt trong nội dung định nghĩa từ “luống” của Pierre Pigneau de Béhaine ở Dictionarium Anamitico-Latinum. Tuy nhiên, ở nghĩa tính từ, trong các tổ hợp được dẫn ra cùng với ngữ cảnh của chúng như “luống công”, “hư luống”, “thả luống”, “ở luống”, “luống tuổi” thì đã bao hàm ý nghĩa “luôn luôn, nhiều”. Về sau, các từ điển đối chiếu và từ điển tiếng Việt như Việt Nam tự điển của Hội Khai trí tiến đức (1931), Từ điển Việt-Hoa-Pháp của Gustav Hue (1937), Từ điển Việt Nam của Thanh Nghị (1958), Việt ngữ chánh tả tự vị của Lê Ngọc Trụ (1960), Việt Nam từ điển của Lê Văn Đức (1970)… về cơ bản vẫn ghi nhận những nghĩa nói trên nhưng nội dung diễn giải có thêm bớt. Đến Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, bộ từ điển phổ thông quốc ngữ được xem là đáng tin cậy nhất hiện nay, ngoài ba nghĩa nói trên, nhóm biên soạn đã tách nghĩa “uổng phí” thành nghĩa động từ. Riêng nghĩa “luôn luôn, nhiều” (phó từ), Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê chú như sau: “Luống. (cũ; vch; thường dùng đi liền với những). Từ biểu thị mức độ nhiều, không phải chỉ một lần, mà là nhiều lần, luôn luôn diễn ra không dứt (Thường nói về trạng thái tâm lý, tình cảm). Đêm ngày luống những trông chờ.”(11). Gần đây, Từ điển chữ Nôm dẫn giải của GS-TSKH Nguyễn Quang Hồng có lẽ là cuốn từ điển đã tập hợp tương đối đầy đủ các nghĩa của từ “luống” có trong các ngữ cảnh văn bản Hán - Nôm từ những thập kỷ đầu của thế kỷ 20 trở về trước.

Căn cứ vào phần dẫn giải 6 chữ “luống” của Nguyễn Quang Hồng trong Từ điển chữ Nôm dẫn giải, chúng ta thấy chỉ có chữ thứ 3 là được dùng với nghĩa danh từ chỉ “Vồng đất đắp lên để gieo trồng”, 5 chữ còn lại đều được dùng với nghĩa phó từ “Vẫn thường, mãi mãi, những là(12), đây cũng là nghĩa mà Pierre Pigneau de Béhaine và A.J.L. Taberd đã đề cập đến trong bộ Dictionarium Anamitico-Latinum với lời chú “… - luống, continuò (liên tục)…”. Theo chúng tôi, sở dĩ cố học giả Đào Duy Anh có những lầm lẫn khi chú giải chữ “luống” trong 9 lần xuất hiện ở Truyện Kiều là vì cố học giả đã quá câu nệ khi sử dụng nội dung giải thích của các từ điển đối chiếu của các học giả phương Tây mà chúng tôi đã dẫn ở trên.

4.Có thể thấy, hầu hết các từ điển đối chiếu La tinh-Việt, Pháp-Việt, Hán-Nôm, Nôm-Quốc ngữ của các soạn giả phương Tây và Việt Nam biên soạn từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20 chủ yếu là căn cứ vào ngữ cảnh khẩu ngữ và nội dung giải thích của người Việt phương Nam. Từ những chứng tích văn bản mà nhà Hán Nôm học Nguyễn Quang Hồng trưng dẫn ở trên, chúng ta thấy trong sáng tác của các tác giả cùng thời với Nguyễn Du hầu như đều dùng từ “luống” với nghĩa phó từ chỉ mức độ như Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê đã giải thích. Ví dụ, khi chúng tôi khảo sát văn bản truyện thơ Nôm Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự (bản phiên âm và chú giải của Đào Duy Anh, NXB Văn học, HN, 1979), được viết trước Truyện Kiều khoảng 30 năm, thì thấy chỉ với 1.532 câu thơ lục bát nhưng có tới 13 chữ “luống”. Căn cứ vào ngữ cảnh, chúng tôi thấy tác giả Hoa Tiên đều dùng tất cả các chữ “luống” đó với nghĩa phó từ. Tuy chưa có điều kiện khảo sát kỹ kho tàng truyện Nôm khuyết danh và hiển danh nhưng khi đọc qua hàng chục truyện, chúng tôi vẫn thấy xuất hiện không ít chữ “luống” được dùng cùng một nghĩa như Truyện KiềuHoa Tiên. Như vậy, việc đính chính lại cách hiểu chữ “luống” trong Truyện Kiều, một mặt, sẽ góp phần định hướng cách hiểu chữ “luống” trong các truyện thơ Nôm và các văn bản Nôm đương thời; mặt khác, sẽ góp phần vào việc tìm hiểu sự phát triển từ vựng - ngữ nghĩa trong lịch sử tiếng Việt.♦

(1) Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, NXB Khoa học xã hội, HN, 1974, tr.229.

(2) Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, Phan Ngọc hiệu đính, NXB Giáo dục Việt Nam, HN, 2009, tr.301.

(3) Pierre Pigneau de Béhaine, Dictionarium Anamitico-Latinum (1772 - 1773), Serampore, 1838, tr.286.

(4) Pierre Pigneau de Béhaine, Tự vị Annam-Latinh (Dictionarium Anamitico-Latinum 1772 - 1773), Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, NXB Trẻ, 1999, tr.274-275.

(5) G. Aubaret, Grammaire annamite, suivie d’un vocabulaire français-annamite et annamite-français, Paris, 1857, tr.470 (phần chú thích Việt ngữ trong ngoặc đơn là của tác giả bài viết).

(6) Dictionnaire élémentaire Annamite-Français, L’Abbé Legrand De La Liraÿe, Sài Gòn, 1868, tr.87 (phần chú thích Việt ngữ trong ngoặc đơn là của tác giả bài viết).

(7) J.M.J (Caspas), Dictionnaire Annamite-Français (Tự vị Annam - Pháp lang sa), Tân Định, 1877, tr.440 (phần chú thích Việt ngữ trong ngoặc đơn là của tác giả bài viết).

(8) J.F.M. Génibrel, Dictionnaire Annamite-Français, Sài Gòn, bản in lần thứ 2, 1898, tr.424 (phần chú thích Việt ngữ trong ngoặc đơn là của tác giả bài viết).

(9) Huình Tịnh Paulus Của, Đại Nam quấc âm tự vị, Sài Gòn, 1895 - 1896; tr.604.

(10) J.Bonet, Dictionnaire Annamite-Français (langue officielle et langue vulgaire), Paris, 1899 – 1900, tr.388 (phần chú thích Việt ngữ trong ngoặc đơn là của tác giả bài viết).

(11) Hoàng Phê (Chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, 2003, tr.595.

(12) Nguyễn Quang Hồng, http://www. nomfoundation.org/nom-tools/Tu-Dien-Chu-Nom-Dan_Giai/Tu-Dien-Chu-Nom-Dan_Giai?uiLang=vn

PHẠM QUANG ÁI