HV99 - Nhập chung đề thi tốt nghiệp THPT và thi đại học làm một là một sai lầm!

Bộ Giáo dục & Đào tạo và Chính phủ cho rằng nhập chung kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi đại học vừa qua là một thành công và nói có những trục trặc là về kỹ thuật sẽ được khắc phục trong tương lai. Nhưng theo ý kiến riêng của chúng tôi thì việc nhập đề thi 2 kỳ thi này là một sai lầm! Đó là sai lầm lớn thứ nhì trong vòng 15 năm qua của nền giáo dục nước ta.

 

Sai lầm thứ nhất là Bộ GD&ĐT đã không tạo ra được một số ít, vài ba Đại học quốc gia có chất lượng cao, không đào tạo được đội ngũ những con người có đủ trình độ cao, góp phần thiết thực giải quyết các vấn đề về khoa học, kỹ thuật, dân sinh… cho hiện tình đất nước, mà lại cho mở tràn lan hàng trăm đại học có chất lượng kém, đào tạo ra hàng vạn những cử nhân, thạc sĩ, cả tiến sĩ, làm thầy không thành thầy giỏi về chuyên môn, không tận tâm trong chức nghiệp, mà làm thợ thì không làm được.

Sai lầm thứ hai là nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học vào làm một kỳ thi với cùng một đề thi - bởi vì bản chất, mục tiêu của hai kỳ thi này hoàn toàn khác nhau, thì không thể nào có cái đề thi chung cho cả hai kỳ thi được.

Mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT là để ghi nhận thành tích của chặng đường học tập đã qua; trong khi mục tiêu của kỳ thi đại học là để chọn người đủ khả năng cho một chặng đường học tập sắp tới. Vì để ghi nhận thành tích học tập đã qua cho nên đề thi tốt nghiệp THPT chỉ gồm những phần kiến thức cơ bản, không quá khó trong chương trình cấp III, chỉ cốt loại đi những học sinh học kém; những học sinh có học lực trung bình sẽ làm được khoảng 50%-60% đề thi; những học sinh khá sẽ làm khoảng 60%-75% đề thi; những học sinh giỏi hay xuất sắc có thể làm được từ 85% trở lên (có thể tới 100%). Người đi thi không cạnh tranh với ai cả, chỉ vượt qua cái ngưỡng kiến thức cơ bản của chương trình lớp 12 là đỗ. Tỷ lệ đỗ trung bình tự nhiên cho toàn thể thí sinh thi thường trong khoảng 75%-85%, tất nhiên có lớp có thể đỗ 100%, có trường đỗ trên 95%, nhưng cứ trường nào, tỉnh nào cũng đỗ 95% trở lên thì hoặc đề thi quá dễ, hoặc gian lận vì bệnh thành tích mà thôi!

Trong khi đó, đề thi đại học có mục đích để chọn người có đủ khả năng theo học một ngành nghề nhất định tại một đại học. Do đó đề thi phải giúp chọn được những người giỏi và xuất sắc. Với đề thi này, người học lực trung bình chỉ làm được tối đa 30% đề thi, học lực khá làm không quá được 60%, giỏi và xuất sắc mới có thể làm được từ 85% trở lên.

Một điểm khác biệt giữa hai kỳ thi là: trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh không cạnh tranh với ai để được đỗ, còn trong kỳ thi vào đại học, mỗi thí sinh phải cạnh tranh với những thí sinh khác, điểm thi không những phải đạt yêu cầu theo trình độ của đề thi mà còn phải lọt vào danh sách số lượng theo chỉ tiêu tuyển chọn ấn định trước, tính theo tổng điểm thi từ nhiều nhất trở xuống. Vậy không thể có một đề thi nào thỏa được mục tiêu cho cả hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và vào đại học.Thực tế vừa qua, đề thi của kỳ thi chung đã lệch về phía tốt nghiệp THPT để đỗ từ 90% đến 100%, cho nên đã nhập thành một khối nhiều học sinh từ trung bình khá đến giỏi làm được 85%-90% đề thi. Như thế, cái yêu cầu tuyển chọn những thí sinh giỏi và xuất sắc vào các ngành đại học đã không thực hiện được một cách nghiêm túc. Hơn nữa những học sinh giỏi, xuất sắc thật sự làm thêm được 10% cuối cùng của đề thi thì lại rất có thể bị loại bởi những chính sách cử tuyển, đào tạo theo yêu cầu của địa phương, điểm ưu tiên… Ngoài ra kỳ thi chung vừa qua giúp cho những đại học kém chất lượng trước đây khó tuyển được sinh viên thì nay tuyển đủ, và điều này khiến cho nhiều trường cao đẳng, trường nghề không có người theo học, nghĩa là giúp quá trình đào tạo “thầy không ra thầy” tăng lên và thợ lành nghề giảm đi, tức làm cho việc phát triển đất nước càng tệ hơn!

Hiện nay, việc thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng đỗ trên 90%, có tỉnh đỗ 99% hay 100% thì tốt nhất là Bộ GD&ĐT không cần phải đứng ra tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên phạm vi cả nước nữa, mà nên giao lại cho từng tỉnh tự tổ chức lấy một cách gọn nhẹ, sao cho đến khoảng ngày 20 tháng 5 có kết quả. Và Bộ GD&ĐT lo tổ chức kỳ thi đại học theo từng môn cho từng ngành chung cho toàn quốc vào đầu tháng 6. Thí sinh muốn thi vào đại học nào, ngành nào thì tự nộp đơn vào đại học đó, hồ sơ phải hoàn tất trước cuối tháng 4, muốn nộp vào bao nhiêu đại học cũng được, và không nguyện vọng gì cả (nghĩa là đều nguyện vọng 1) và thi các môn theo yêu cầu của nhà trường nhưng do Bộ GD&ĐT tổ chức chung vào đầu tháng 6. Cuối tháng 6 các trường đại học sẽ tự rút trích kết quả thi từ Trung tâm Khảo thí Quốc gia theo danh sách thí sinh đã nộp đơn vào trường (chứ thí sinh không làm) để tổng kết, xét và công bố danh sách sinh viên trúng tuyển đợt 1. Thí sinh có 3 tuần để xác nhận có nhập học theo trường đã công nhận mình trúng tuyển hay không, và chỉ được quyền chọn 1 trong các trường mình đã trúng tuyển. Cuối tháng 7, các trường công bố danh sách trúng tuyển đợt 2. Thí sinh cũng có 3 tuần để chọn và xác nhận theo học 1 trường. Cuối tháng 8, các trường công bố danh sách tuyển đợt 3, là đợt cuối cùng. Ngày 15 tháng 9, tất cả các đại học khai giảng.

Những chính sách như cử tuyển, đào tạo theo yêu cầu của địa phương, điểm ưu tiên thì sao?

Sau 40 năm hòa bình mà còn dùng ngân sách nhà nước, địa phương để trợ cấp, trả học phí cho những người vốn không đủ trình độ học đại học để được đào tạo thành kỹ sư, bác sĩ, nói là để thành cán bộ cho địa phương mình thì rõ ràng là nước ta đã thất bại trong việc đào tạo và sử dụng nhân lực. Chính sách như cử tuyển, đào tạo theo yêu cầu địa phương đang áp dụng hiện nay sẽ không giúp cho các địa phương có đủ cán bộ khoa học, kỹ thuật cần thiết để phát triển mà trái lại càng làm cho địa phương ấy lụn bại thêm!

Nếu có cử tuyển thì chỉ cử tuyển để đào tạo thành thợ lành nghề, cán sự lành nghề khi những người ở địa phương dù không thể học đại họcnhưng đã tỏ ra có một số thành tích tốt trong cái nghề họ đang theo; nhưng không nên cử tuyển họ để học thành kỹ sư tồi, bác sĩ tồi mà mất đi một thợ giỏi, một cán sự giỏi, huống hồ lại cử tuyển những người vốn học lực kém, và không có tài gì nổi trội. Hiện nay việc cử tuyển, đào tạo theo yêu cầu của địa phương đã bị lợi dụng: có thể con ông cháu cha ở các địa phương được lọt vào danh sách cử tuyển. Sau khi có mảnh bằng, dù học lực kém, họ hoặc luồn lách vào những cơ quan “ngon” ở những thành phố và “tạm biệt vĩnh viễn” địa phương đã cử họ và đài thọ chi phí cho việc học, hoặc về “làm quan” ở địa phương thì “quan vốn không giỏi” này sẽ không bao giờ hoặc rất khó dùng người tài giỏi hơn họ! Cho nên địa phương theo chính sách cử tuyển, thì rốt cuộc “mèo vẫn hoàn mèo”, vẫn không đủ người tài để phát triển. Hãy để ngân sách ấy mà chiêu hiền đãi sĩ. Không một thanh niên yêu nước nào lại không sẵn sàng tới một địa phương đang khó khăn, đem sở học của mình để góp phần phát triển địa phương ấy trong vòng 3 năm ngay sau khi tốt nghiệp đại học, nếu địa phương ấy tạo điều kiện dễ dàng cho họ làm việc, và sau 3 năm họ sẽ được về những nơi mà họ mong muốn. Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu chính sách tuyển dụng, thuyên chuyển được nhất trí từ trung ương đến địa phương thành như quy luật; chứ như hiện nay thì không một ai dù yêu nước đến đâu đi nữa cũng không thể đến một nơi lương không đủ sống, thiếu mọi phương tiện để phát triển nghề nghiệp, và bị ở đó mãi, không đi đâu được.

Còn điểm ưu tiên hiện nay cũng sử dụng không đúng và bị lợi dụng. Không đúng ở chỗ là điểm ưu tiên đã có thể làm loại đi những thí sinh thật sự giỏi hay xuất sắc, chẳng hạn thi 3 môn, tổng từ 27 trở lên là xuất sắc mà bị người được 23, 24...với ưu tiên đến 5 điểm loại đi là một sai lầm! Cho nên điểm ưu tiên chỉ nên áp dụng khi không làm loại đi những người giỏi hay xuất sắc. Có nhiều cách sử dụng điểm ưu tiên mà không loại đi những người giỏi hay xuất sắc. Sau đây là 2 cách:

Tổng quát: không cấp điểm ưu tiên cho thí sinh tuy có hộ khẩu ở vùng sâu, vùng xa nhưng thật sự học lớp 12 ở những thành phố không có ưu tiên, để tránh tình trạng tuy hộ khẩu ở vùng sâu, vùng xa nhưng được cho ăn học tại các thành phố hay như một số con nhà giàu “chạy” hộ khẩu để có điểm ưu tiên. Ngoài ra tổng số điểm ưu tiên tối đa không được vượt tổng số môn thi vào một ngành. Chẳng hạn thi 3 môn thì tổng tối đa điểm ưu tiên không vượt quá 3.Nếu thi 4 môn thì tổng điểm ưu tiên không quá 4.

Cách 1: Nếu thi 3 môn thì những thí sinh có tổng điểm (không kể điểm ưu tiên) từ điểm của thủ khoa (không kể điểm ưu tiên) xuống 3 điểm sẽ được tuyển trước. Chẳng hạn thủ khoa 27 điểm thì mọi thí sinh từ 24 điểm trở lên (không kể điểm ưu tiên) đều được chọn. Tất nhiên trong số này có thể có những thí sinh mặc dầu có điểm ưu tiên, nhưng không cần dùng điểm ưu tiên cũng đã được tuyển. Như vậy, những thí sinh có điểm ưu tiên mà điểm thi (không kể điểm ưu tiên) dưới 24 điểm sẽ được cộng điểm ưu tiên và xét chung với những thí sinh không ưu tiên dưới 24 điểm. Tương tự cho trường hợp thi 4 môn.

Cách 2: Ấn định trước một tỷ lệ dành cho thí sinh thuộc diện ưu tiên. Chẳng hạn dành 5% cho thí sinh có điểm ưu tiên mà tổng chỉ tiêu tuyển chọn là 500 sinh viên. Nghĩa là chọn 450 người trúng tuyển kể điểm từ trên xuống, không dùng điểm ưu tiên. Như vậy có những thí sinh dù có ưu tiên mà chưa cần điểm ưu tiên vẫn có thể đã được tuyển. Sau đó chọn 50 người theo diện ưu tiên: lấy tổng điểm thi cộng với điểm ưu tiên, xếp thứ tự từ cao xuống thấp, chọn 50 người từ 1 tới 50.

Điều đáng buồn cho nước ta là sau chiến tranh gần 40 năm, việc hội nhập vào khối ASEAN cũng như vào các thị trường quốc tế khác qua các hiệp ước đã ký kết sẽ được thực hiện nay mai, mà nền giáo dục, việc đào tạo, sử dụng nhân lực vẫn đang mò mẫm với đầu trong sương mù và chân trong vũng lầy!

QUẢNG THANH