Tôi có niềm băn khoăn, day dứt suốt mấy ngày nay vì không được tiễn biệt anh lần cuối. Đã phải nhắn tin cho mấy người bạn thân thiết cho biết mình đang bệnh và nhờ “Đi viếng, thắp hộ nén hương cho anh Đạm”. Rồi, ghi lại vài dòng, coi như nén tâm nhang gửi theo hương hồn anh.
Năm 1960, khoa Văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội được hình thành với mấy nguồn nhân sự chính. Tôi được giữ lại trường và được gặp anh Đạm từ Trung cấp Sư phạm Trung ương về. Vậy là, trở thành đồng sự, cùng sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt Đảng suốt 15 năm cho đến 1975.
Trần Thanh Đạm chính là một điển hình thanh niên rất tiêu biểu của một thời được rèn luyện qua cuộc sống kháng chiến và môi trường giáo dục tiên tiến. Anh thuộc lớp người như sản phẩm từ con đẻ của cách mạng và kháng chiến, con người “cận vệ đỏ”, từ lò đúc thép thực tiễn vĩ đại.
Anh đến với cuộc đời, đến với giáo dục và văn học bằng một niềm tin yêu, bằng một tình yêu lớn. Đó cũng chính là tình yêu nhân dân, tình yêu đất nước, tình yêu kháng chiến và cách mạng mà anh đã bồi đắp nên từ thuở thiếu thời trong một gia đình Nho học cách mạng. Anh đã trải qua những năm tháng khốc liệt của Bình Trị Thiên khói lửa, của Khu 4, gan góc nơi anh học dự bị đại học và sư phạm cao cấp với các thầy Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh… Người học trò ấy rất xứng đáng với các thầy dạy nổi tiếng của mình về trình độ, sức suy nghĩ, sự uyên bác. Anh sử dụng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga và cả tiếng Hán cổ để làm thơ như một thích thú văn hóa và để dịch Văn tâm điêu long, một tác phẩm lý luận cổ xưa và rất khó của văn học Trung Quốc. Nhưng mặc dầu uyên bác như vậy, anh vẫn rất mực khiêm nhường, cái khiêm nhường đức độ của một thầy giáo, của một người càng biết nhiều thì càng thấy mình ít biết giữa cái mênh mông vô tận của kiến thức nhân loại.Nhưng trong cái cách mà GS Trần Văn Giàu, GS Đinh Gia Khánh… ứng xử với anh,tôi biết rằng họ quý trọng anh, thậm chí coi anh không chỉ là người kế nghiệp mà còn như một người đồng nghiệp để có thể góp ý, cố vấn khi cần thiết. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng Trần Thanh Đạm là một gương mặt trí thức rạng rỡ, đáng yêu,sản phẩm của thời đại cách mạng kháng chiến, thời đại Hồ Chí Minh. Anh là đứa con tinh thần xứng đáng của thời đại ấy. MAI QUỐC LIÊN (Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng) |
Dễ hiểu là vì sao trong cuộc đời làm thầy, anh được giao nhiều trọng trách như tham gia lãnh đạo khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội, rồi Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, có thời gian là Viện phó Viện Khoa học Giáo dục. Những năm trước khi nghỉ hưu, anh tham gia lãnh đạo chuyên môn ở khoa Ngữ văn - Báo chí (nay là khoa Văn học và Ngôn ngữ) Trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.Hồ Chí Minh.
Đó là vì đồng nghiệp và nhất là cấp trên thấy rõ ở anh một tài năng sư phạm có tầm vóc, nhưng quan trọng hơn là một khả năng lãnh đạo quán xuyến trên nhiều cương vị cần thiết. Như lời ca ngợi của GS Lê Trí Viễn, chính Trần Thanh Đạm cũng là một ngọn lửa. Ngọn lửa sáng tỏ nhiệt tình cách mạng, lòng yêu nước và thủy chung với nhân dân. Ngọn lửa không tắt của lòng yêu nghề, yêu văn. Anh đã bay vào đời bằng đôi cánh Giáo dục và Văn chương. Giờ đây, anh vào cõi vĩnh hằng với nguyên đôi cánh màu nhiệm ấy.
Trần Thanh Đạm là hình ảnh rõ nét của một trí thức cách mạng tiên tiến - sinh ra và trưởng thành trong chế độ mới.
Sự nghiệp để đời của anh không chỉ được giới thiệu ngắn gọn trong Tuyển tập các bài viết về giáo dục và văn học với hơn 200 đầu mục bài viết, cùng nhiều quyển sách khác để lại. Đó chính là sự nghiệp lớn: trồng người, cả đời anh đã vun trồng cho bao thế hệ từ học sinh trung học và những học viên, nghiên cứu sinh bậc sau đại học khắp Trung, Nam, Bắc. Đó còn là sự nghiệp văn chương có ý nghĩa xã hội với tầm vóc quốc gia.
Tuy nhiên, phần thưởng cao quý nhất với anh chính là dấu ấn Trần Thanh Đạm - nhà giáo tài năng, đức độ trong lòng lớp lớp bạn bè, nhất là đồng nghiệp và học trò cả nước.
Mảng bài anh viết về những người đã đi xa thật thấm thía tình nghĩa. Với bậc thầy như các giáo sư Trần Văn Giàu, Nguyễn Lương Ngọc, Lê Trí Viễn hay bạn bè cộng sự lớn tuổi như Trần Duy Châu, rồi cả với những người anh, người bạn có thâm tình khác. Ở ai, anh cũng có được bài học về nhân cách và đạo lý, tài năng với lòng thương cảm, mến phục chân thành thực sự.
Trần Thanh Đạm coi GS Nguyễn Lương Ngọc là “bậc hiền nhân” sống mãi trong lòng và trong đời các thế thệ kế tiếp, GS Trần Văn Giàu là “Chu Văn An của thời nay, như núi Thái Sơn giữa đồng bằng sông Cửu Long”. Anh cũng rất thương cảm và tôn vinh GS Huỳnh Lý còn nằm ở nghĩa trang Gò Dưa, giữa những ngôi mộ bình thường của những người dân bình thường, nhưng đó là “một cuộc đời giản dị, khiêm nhường mà chứa chan, đầy đặn biết bao ý nghĩa cao quý”.
Với những tấm lòng đẹp, những tài năng lớn mà anh trân trọng, bao giờ cũng là một đối xử, giao cảm đầy nhiệt tình. Tôi đã có lần cùng anh đến thăm Viên Tĩnh Viên thắp hương cho Chế Lan Viên để lại có dịp suy tưởng qua vần thơ Anh tồn tại mãi (Trần Thanh Đạm). Lại cũng có dịp cùng đi dự lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh Tố Hữu ở Hà Nội, nhà thơ lớn mà cả hai đều ngưỡng mộ và có nhiều bài viết cùng được đưa vào thư mục nghiên cứu tác gia.
Mươi năm nay gần gũi, tôi càng nhận rõ hơn ở anh một tấm lòng nhân hậu sâu đằm. Luôn gặp ở anh nụ cười tươi, hiền minh, thân thiết... Tuy nhiên, cũng thấy ở anh một ánh mắt kiên cường, thậm chí có phần gay gắt, quyết liệt với những gì anh cho là sai trái, ngược chiều, không phù hợp. Cái sáng suốt của anh chính là ở chỗ đứng, ở cách nhìn chính xác bắt nguồn từ con mắt trái tim - trái tim son sắt, thủy chung với cách mạng.
Tất nhiên những điều ấy phải dựa trên cơ sở một cốt cách, bản lĩnh tri thức vững vàng. Được đào tạo trong nước, nhưng có thời gian anh đã được học tập, công tác ở nước ngoài (Trung Quốc, Liên Xô), tri thức sách vở và thực tiễn được mở rộng, đào sâu. Nắm được khá tốt tiếng Pháp, tiếng Anh và sau đó là tiếng Nga, Trần Thanh Đạm như có thêm chìa khóa để khám phá thế giới Âu Tây. Lại thêm Hán văn giúp tìm hiểu phương Đông. Gia đình hỗ trợ và cộng tác đắc lực: chị Phạm Thị Hảo - người bạn đời, là nhà Hán học uyên thâm mới; con gái Trần Thị Thanh Thanh đạt bằng Tiến sĩ Sử học, con gái Trần Thị Phương Phương đạt bằng Tiến sĩ Văn học. Đó là một thuận lợi rất hiếm có để giúp sức Trần Thanh Đạm tự tạo lập và bổ sung được vốn tri thức uyên bác cổ kim, Đông Tây, có thực chất, đáng nể trọng trong giới nghiên cứu - sáng tác đương đại.
