Trước khi thảo luận về các bản dịch bài thơ, tôi xin nói rằng: có một số bản dịch theo mô hình chữ và vần rành rành - tan tành. Tôi thấy 2 tổ hợp từ này diễn đạt khá thành công chữ tiệt nhiên và bại hư trong nguyên tác, khí văn hùng tráng, thể hiện được ý chí của ta. Vì thế, xin đề nghị một bản dịch như sau để tham khảo:
Sông núi nước Nam vua Nam ngự
Thiên thư đã phân giới rành rành
Xâm phạm nước ta quân giặc dữ
Chúng bay sẽ bị đánh tan tành
Bản dịch Trần Trọng Kim dùng tơi bời cũng khá hay, nhưng thiết nghĩ tan tành mạnh hơn.
Lê Thước - Nam Trân là hai “đại gia”, bản dịch của hai cụ, tôi chắc cụ Lê Thước dịch phác, rồi sau đó Nam Trân chỉnh lý thôi, chứ Nam Trân và Lê Thước ít dịch với nhau. Nhưng có lẽ Nam Trân khi chỉnh lý bản Lê Thước, thì cũng cố gắng cho xong vậy thôi, chưa chắc đã “văn mình”. Câu thứ hai: Vằng vặc sách trời chia xứ sở - chữ vằng vặc hay lắm, vì nói sách trời, phải hiểu là sao trời, “tinh phân Dực Chẩn” (Vương Bột), sao trời nên vằng vặc. Tôi cho rằng nên giữ “thiên thư” cho trang trọng, dịch “sách trời” nghe khó hiểu vì không đơn giản.
Anh Ngô Linh Ngọc, bạn chí cốt của tôi, dùng chữ “ngự” là tuyệt! Bởi “cư” dịch thành “ở” là theo nghĩa đen, phải hiểu là cai quản, thống ngự…
Không có bản dịch nào thể hiện hoàn hảo nguyên tác. Khó lắm. Có người dịch hàng chục bản dịch Hamlet, rốt cuộc mỗi bản chỉ thể hiện được một phần Hamlet. Thay một bản dịch mới vào bản dịch cũ, chạm vào thói quen, “tập tục”, dễ bị dị ứng. Còn hay - dở thì vô cùng. Nhưng bàn bạc chung quanh bản dịch thì là dịp tốt để “khích dương phong nhã”, vừa bàn vừa học được cũng nhiều.