Lâu nay, một số người có những khẳng định sai sự thật về một số danh nhân Việt Nam, mà họ biến thành “lưỡng quốc (Việt - Pháp) danh nhân”, trở lên đến tận những năm 30 của thế kỉ XX. Đây là điều không thể có.
Thời những năm 30 của thế kỉ XX đó, Đại học (Université) ở Pháp, gồm 5 Facultés: Faculté des Sciences, Faculté des Lettres, Faculté de Droit, Faculté de Médecine và Faculté de Pharmacie. Phải có quốc tịch Pháp (hoặc nhập tịch Pháp thì phải có thâm niên tối thiểu 5 năm) mới được làm ứng viên vào các chức vụ professeurs ở đó (tiếng Việt Nam dịch không chính xác lắm là “giáo sư đại học”). Vả lại, muốn làm ứng viên vào các chức vụ đó, phải có những bằng cấp tối thiểu là Docteur d’Etat ès Sciences, Docteur d’Etat ès Lettres cho Faculté des Sciences, Faculté des Lettres; Agrégé des Facultés (còn gọi là Agrégé de l'Enseignement supérieur) cho Faculté de Droit, Faculté de Médecine, Faculté de Pharmacie.
Các “chaires” (chức vụ) trong các Universités của Pháp rất là hiếm và khó. Nhiều nhà khoa học nổi tiếng của Pháp cũng phải đợi, khi các vị tiền bối về hưu hay mất đi thì mới hy vọng thay thế - qua hình thức các người đã có chức vụ “bầu kết nạp” (cooptation).
Ngay cả đến thời của tôi (những năm 60 của thế kỉ XX), cũng vẫn phải có quốc tịch Pháp mới được là ứng viên vào chức vụ thực thụ professeurs des Universités (tên gọi mới của professeurs de Facultés). Việc mở rộng chức vụ professeurs des Universités cho người ngoại quốc chỉ xảy ra vào những năm gần đây (sau đạo luật năm 84 của thế kỉ XX).

GS Bùi Trọng Liễu (đứng giữa) và hai con, cùng trong lễ phục giáo sư Đại học Paris-Pháp, 2003.
Vả lại, những loại bằng cấp nêu trên là loại bằng cấp mà những người Việt Nam được tôn vinh (sai) là “lưỡng quốc (Việt - Pháp) danh nhân” thường không có. Thường các vị Việt Nam này chỉ có những bằng cấp “không phù hợp”: thí dụ bằng agrégé về Toán, agrégé về Triết, agrégé về Lý - Hoá, agrégé về Sử - Địa, là loại bằng dạy Trung học; bằng tốt nghiệp Ecole Polytechnique, là bằng kỹ sư... dù phải thi tuyển khó.
Cho nên, như tôi biết, câu chuyện “lưỡng quốc (Việt - Pháp) danh nhân” gán cho một số danh nhân Việt Nam, là câu chuyện hoang đường, các tác giả của những bài báo tâng bốc một số “danh nhân Việt Nam”, không tính đến hậu quả sau này, có khi làm cho người được vinh danh bị hậu thế nghi ngờ oan là chính các vị mạo nhận.
Một số danh nhân Việt Nam như các ông Tạ Quang Bửu, Hoàng Xuân Hãn, Trần Đức Thảo, Ngụy Như Kontum, Nguyễn Mạnh Tường, Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên,... (tuy không là danh nhân của Pháp) là những người đã có kỳ công xây dựng nền tảng giáo dục, khoa học và văn hóa cho một nước Việt Nam mới. Công lao của các vị cần được ghi nhận. Nhưng chớ khẳng định sai, hại đến thanh danh của các vị.
(*) | Đây là một trong những bài viết cuối cùng của GS Bùi Trọng Liễu gửi qua thư điện tử cho Tạp chí Hồn Việt. |