Bước sang năm 2012, theo lịch âm là năm Nhâm Thìn, năm con Rồng, nhân dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài đang chờ mong, tin tưởng và hy vọng vào sự phát triển, tiến bộ của đất nước theo đúng với những định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu mà Hội nghị Trung ương 3 (khoá XI) và Quốc hội kỳ họp cuối năm đã đề ra…
Quả là năm 2011 - Tân Mão đã qua rồi nhưng vẫn còn để lại không ít những khó khăn khách quan và những yếu kém chủ quan làm cho bức tranh kinh tế - xã hội của cả nước có nhiều mảng tối rất đáng quan tâm.
Tuy nhiên, so với những biến động kinh hoàng trên thế giới, cả về thiên tai và cả về kinh tế, chính trị, bạo lực, khủng bố… thì nước ta vẫn được coi là địa bàn ổn định: kinh tế vẫn tăng trưởng đạt mức GDP tăng 5,8%-6%, nạn lạm phát đã được hạn chế và đẩy lùi vào những tháng cuối năm; xuất khẩu tăng; bị lũ lụt tàn phá nhưng nông nghiệp, nhất là đồng bằng sông Cửu Long vẫn được mùa; tỷ lệ hộ nghèo giảm. Nhìn chung, cuộc sống vẫn đi lên mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, bất trắc.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân
Dư luận đánh giá cao sự nhận định nghiêm túc, khách quan, không né tránh với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật trong bài phát biểu kết luận tại Hội nghị Trung ương 3 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng:
“Một số chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 chưa hoàn thành, nhất là mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định; lạm phát vẫn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; nợ công, đặc biệt là nợ nước ngoài tăng nhanh; dự trữ ngoại tệ mỏng, áp lực đối với tỷ giá còn lớn; thị trường tài chính, thị trường bất động sản giảm sút, tiềm ẩn nhiều rủi ro…
Sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng giá cả đầu vào lãi suất cao, hàng tồn kho lớn. Việc thực hiện các chủ trương của Đại hội XI về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm. Đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, người lao động ở các đô thị, khu công nghiệp, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn.
Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa còn nhiều bất cập. Tai nạn và ùn tắc giao thông chưa giảm, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; khiếu kiện đông người, đình công xảy ra ở nhiều nơi; số vụ tội phạm, tệ nạn xã hội gia tăng, gây lo lắng bức xúc trong nhân dân”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Báo cáo của Chính phủ về Tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011 và nhiệm vụ năm 2012 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội, cùng với việc nêu lên những thành tích, ưu điểm cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm.
Ngoài những nguyên nhân khách quan “do tác động nặng nề, phức tạp của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu; nguyên nhân chủ quan là do những yếu kém nội tại của nền kinh tế với mô hình và cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư kém hiệu quả tích cực từ nhiều năm chậm được khắc phục và do những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý nhất là trong quản lý kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, trong quản lý đầu tư công, quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý tài nguyên và trong chỉ đạo giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc…”.
Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2011 vừa qua, nhiều đại biểu đã phát biểu thẳng thắn, nêu nhiều ý kiến thiết thực, mạnh mẽ. Đặc biệt qua các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, việc nêu câu hỏi của các đại biểu và việc trả lời của các thành viên Chính phủ cho thấy còn quá nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội, những vướng mắc trong sản xuất kinh doanh; tình trạng xuống cấp trong giáo dục - đào tạo, tai nạn và ùn tắc giao thông đã trở thành những điểm nóng trong nghị trường…
Làm sao có thể yên tâm được khi kinh tế thị trường ngày càng lấn át định hướng xã hội chủ nghĩa khi mà giáo dục, y tế cũng chạy theo đồng tiền; nông dân bị bần cùng hóa khi không còn đất sản xuất trong lúc các dự án được cấp phép lấy đất “bờ xôi ruộng mật” vẫn khoanh vùng để đấy, thậm chí có chủ đầu tư còn cho nông dân thuê lại để trồng cấy;
Công nhân thì bị bóc lột và một số trường hợp còn bị đối xử tàn tệ bởi các nhà quản lý ngoại quốc nên đã xảy ra nhiều cuộc đình công; đội ngũ trí thức có nhiều tâm huyết với đất nước, với dân tộc, với chế độ chưa được bồi dưỡng, khai thác sử dụng tài năng, trí tuệ: bộ máy công quyền vẫn ngày càng cồng kềnh, tình trạng quan liêu, vô cảm, bất lực, tham nhũng… vẫn tiếp tục phát triển.
Điều mà những người có lương tri lo lắng là hiện tượng đạo đức xuống cấp, phong hóa suy đồi, bạo lực phát triển, những nét đẹp của văn hóa dân tộc ngày càng bị phai nhạt, sự trong sáng của tiếng Việt không được bảo vệ, đang bị lai căng; tình trạng lợi dụng tổ chức hội hè để buôn thần bán thánh, kinh doanh tín ngưỡng ngày một nhiều. Môi trường thiên nhiên bị ô nhiễm nghiêm trọng, đến nỗi báo đài đã lên tiếng cho là “các dòng sông đều chết”!
Mà thật thế, nạn khai thác khoáng sản ồ ạt, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cũng bị phá; chất thải độc hại từ các nhà máy tha hồ thải ra các dòng sông đã gây nên những hậu quả đau lòng. Rồi tai nạn giao thông, mỗi năm con số người chết lên đến hàng vạn, số người bị thương cũng không kém… đã để lại cho gia đình nạn nhân và xã hội bao nhiêu là hệ lụy.
Nghị quyết về Nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và năm 2012 đã được Quốc hội thông qua với nhiều chỉ tiêu, nhiều giải pháp cụ thể, quan trọng làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành, quản lý của Nhà nước và sự phấn đấu của nhân dân trong việc kiềm chế lạm phát, chống đầu tư dàn trải, hạn chế nợ công và bội chi ngân sách, coi trọng hơn nữa việc phát triển nông nghiệp, giảm khó khăn cho nông dân; tăng cường những giải pháp có hiệu lực trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.
Trong cuộc tiếp xúc với cử tri Thành phố Hồ Chí Minh sau kỳ họp cuối năm 2011 của Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định: “Chống tham nhũng là vấn đề quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, đổi mới cách làm và bộ máy làm công tác phòng, chống tham nhũng để phù hợp với tình hình mới. Dù trong bối cảnh nợ công tăng cao, nhưng vấn đề giải quyết nạn ùn tắc giao thông vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và thay đổi cơ chế tài chính một cách hết sức căn bản”(1).
Những tháng cuối năm, các cuộc đi thăm và làm việc ở nước ngoài, dự các cuộc họp quốc tế quan trọng (ASEAN, APEC...) của các nguyên thủ quốc gia cùng với sự đón tiếp các đoàn khách cấp cao của nhiều nước trên thế giới diễn ra dồn dập.
Điều đó chứng tỏ vị trí quan trọng của Việt Nam và thắng lợi của nền ngoại giao nước ta trong tình hình phức tạp của thế giới. Chắc chắn là trong những cuộc viếng thăm, dự họp, làm việc và tiếp đón đó cũng là dịp để lãnh đạo Đảng và Nhà nước thể hiện rõ lập trường, quan điểm của nước ta trong việc kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo, về xử lý vấn đề tranh chấp biển Đông.
Có thêm niềm vui là Vịnh Hạ Long được bầu chọn là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, mặc dù việc bình chọn có phần không bình thường. Nhưng dù sao thì qua bình chọn cũng làm cho thế giới biết nhiều hơn về Vịnh Hạ Long, chắc sẽ thu hút nhiều du khách quốc tế đến thăm thắng cảnh này. Và Hát Xoan Phú Thọ được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn.
Tại SEA Games 26, đoàn Thể thao Việt Nam đã đạt được số huy chương vàng cao hơn chỉ tiêu đề ra. Nhưng lại có điều rất buồn là đội bóng đá nam U23 Việt Nam đã thua “toàn diện” trong trận bán kết và cả trong trận tranh huy chương đồng. Niềm mơ ước đạt huy chương vàng cho bóng đá nam của người hâm mộ đã qua bao kỳ SEA Games vẫn chưa thành hiện thực.
Đương nhiên là những niềm vui và nỗi buồn này rồi cũng sẽ qua đi vì trước mắt, bước vào năm mới vẫn còn bao nhiêu lo toan, trăn trở, hy vọng, ước mong…

"...Vẫn còn bao nhiêu lo toan, trăn trở, hy vọng, ước mong...". Hình minh họa. Nguồn: Internet
Một năm đã trôi qua và một năm nữa lại đến. Năm 2012 cũng là năm con Rồng. Rồng cũng là biểu tượng thiêng liêng, trong sáng, bay cao… trong tâm thức của người Việt Nam.
Ước mong là nhân dân ta sẽ đoàn kết, phấn đấu vượt qua những khó khăn mà năm 2011 đã để lại; hy vọng là các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương sẽ phát huy những kết quả đã đạt được; kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong chỉ đạo thực hiện những Nghị quyết của Đảng và Quốc hội với tinh thần “không bị tư duy nhiệm kỳ, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan, duy ý chí hay lợi ích nhóm chi phối”(2).
Và hy vọng là niềm tin tưởng đó sẽ trở thành hiện thực.
Cuối năm Tân Mão-2011
(1) | Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 29/11/2011. |
(2) | Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 3 (khoá XI) của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. |