Về văn hóa nhận thức
Ngôi chùa đã là một phần không thể tách rời trong cộng đồng làng xã Việt Nam, đi lễ chùa là một nét văn hóa trong tâm thức người Việt. Để đáp ứng nhu cầu của người đi lễ, nhà chùa hiện nay hình thành hệ thống các dịch vụ nghi lễ nhằm thỏa mãn nhu cầu cho khách đến dự. Những người đi lễ chùa thực hiện việc cúng lễ để cầu mong Phật ban phát tài lộc đáp ứng cuộc sống trong đời thường của họ.
Thêm nữa, dân gian còn cho rằng vận mệnh con người có liên quan trực tiếp đến các vì sao trên trời, con người sinh ra ai cũng có họa phúc định sẵn, hễ làm việc gì đều phải cẩn trọng, xem ngày giờ có thích hợp hay không... Những tín ngưỡng dân gian như vậy sớm gắn chặt với chùa chiền qua tập tục dâng sao giải hạn, xem xăm bói quẻ, coi ngày tốt xấu. Người bình dân cho rằng, khi sống thì thân thể ở dương gian, nhưng lúc chết sẽ trở về với ông bà, người làm điều thiện sẽ được lên cõi Phật, người làm ác sẽ bị đọa vào địa ngục. Vì vậy, họ lại đến với chùa chiền để nhờ chư tăng tụng kinh, niệm Phật cầu siêu cho người đã mất được siêu thoát về cõi Phật an vui.
Tuy nhiên, thực trạng đi lễ chùa ngày nay nhìn chung khá nhốn nháo. Bên cạnh những người đi lễ thành tâm, tôn kính vẫn có những người “lệch hướng” làm mất dần vẻ đẹp của một nét văn hóa truyền thống.
Văn hóa ứng xử
* Ứng xử với môi trường tự nhiên
Trẩy lộc là một truyền thống của người đi lễ chùa. Thế nhưng điều này vô tình khiến những người đi lễ chùa mặc sức tận dụng cây cối, hoa cỏ trong chùa để hái, bẻ cành đem về nhà làm lộc với niềm tin được may mắn, tấn tài tấn lộc cả năm. Hình ảnh hái hoa, bẻ cành lá trong chùa nhốn nháo khiến việc hái lộc trở thành một nỗi khiếp sợ cho những tăng ni, Phật tử trong chùa.
+ Tận dụng sân chùa: Nhiều người lại biến chùa thành địa điểm kinh doanh, sân chùa thành nơi bày bán đủ thứ: nhang, hoa, chim phóng sinh, sách từ kinh phật cho đến sách bói toán… Khi khách vào lễ chùa thì những người buôn bán ở đây mặc sức chèo kéo và người mua kẻ bán nhộn nhạo khắp sân chùa gây ra khung cảnh ồn ào, mất tính tôn nghiêm nơi cửa Phật.
+ Xả rác: Không ít khách đi lễ chùa xem chùa, đường lên chùa là nơi xả rác vô tội vạ. Họ tận dụng mọi lúc mọi nơi bất cứ khi nào có thể. Chính vì vậy, nhiều chùa sau ngày lễ lớn, khách thập phương kéo nhau ra về thì quanh chùa ngổn ngang rác.
* Ứng xử với môi trường xã hội
Như một lẽ tự nhiên, lễ hội chùa được dân gian hóa, thấm đượm ý nghĩa tâm linh trong đời sống con người. Tuy nhiên, bên cạnh những ứng xử tốt đẹp, cũng chính con người với những hành vi không chuẩn mực đã làm hoen ố và mất đi phần nào mục đích, ý nghĩa nhân văn của việc đi lễ chùa.
+ Chen lấn, xô đẩy giành chỗ khấn vái: Vì lượng khách đến chùa khá đông nên thường xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy nhau để giành chỗ khấn vái hay ngồi nghỉ chân. Hàng loạt các dịch vụ ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu khách lễ chùa: giữ xe, viết sớ, xóc quẻ, bán mâm lễ… Những dịch vụ này thường đi kèm với giá trên trời chặt chém khách đi lễ. Khách đi lễ thường vào những ngày lễ lớn nên rất đông đúc; tận dụng môi trường thuận lợi này, nhiều vấn nạn đã nảy sinh: móc túi, cướp giật, cờ bạc trước cổng hay ngay trong sân chùa, bói toán mê tín dị đoan…
+ Ăn mặc: Có những người lên chùa, phần nhiều là ở phái nữ lại chọn cho mình trang phục không phù hợp khi đến cửa chùa. Những kiểu thời trang váy ngắn, áo dây hay quần lửng được mặc sức phô diễn.
+ Giao tiếp: Đến chùa là đến chốn linh thiêng, nói năng phải nhỏ nhẹ kính cẩn. Thế nhưng nhiều người vẫn vô tư hò hét, gọi nhau và rôm rả bàn chuyện. Việc nói điện thoại ầm ĩ, vừa thắp hương vừa nghe điện thoại của khách đi lễ cũng không phải là hiếm ở chốn cửa chùa ngày nay. Nhiều đôi trẻ lên chùa cầu xin tình duyên xong cũng tranh thủ ngồi tâm sự tình cảm, ôm ấp nhau, xem như đó là chốn riêng tư.
+ Coi thường thần thánh: Nhiều người giắt tiền lẻ lên tay Phật thay vì bỏ vào hòm công đức, một hành động hết sức vô văn hóa, như là cách hối lộ công khai thần thánh, mà lại hối lộ bằng thứ tiền lẽ giá trị thấp nhất.
Ở nước ta hiện nay, đạo Phật giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của con người. Đi lễ chùa là một việc tôn nghiêm, một giá trị tinh thần tốt đẹp, vì vậy cần gìn giữ và thanh lọc để nó xứng đáng là một nét văn hóa đẹp trong đời sống tâm linh người Việt.