Đôi điều bàn phiếm xung quanh câu chuyện thơ tình Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ

Phải nhận rằng, tôi rất hứng thú với bài viết Về bài thơ tình của Nguyễn Trãi gửi Nguyễn Thị Lộ - bài thơ tình đầu tiên của văn học Việt Nam (Hồn Việt số 70, tháng 6-2013). Nhân đó, cũng muốn bàn phiếm như một “phụ họa” xung quanh câu chuyện này.

Trước hết, có vấn đề cần phải làm rõ, đó là nhân thân của Nguyễn Thị Lộ, bởi lâu nay nhân vật này vẫn còn khá mù mờ trong các bài viết. Quê hương của bà thì đã có một số tài liệu cho biết, bà quê ở làng Hới, còn gọi làng Hải Hồ (nay là làng Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Làng Hới có nghề dệt chiếu từ thế kỷ X-XI; đầu thời Lê sơ, chiếu gon (tức chiếu dệt bằng cỏ lác/cói) đã nổi tiếng khắp nơi và được đưa lên bán tận kinh đô Thăng Long. Bấy giờ Nguyễn Thị Lộ cũng theo phường lên bán chiếu ở kinh thành, và nhờ thế đã có cơ duyên gặp được Nguyễn Trãi qua giai thoại “Thiếp ở Hải Hồ bán chiếu gon”…(1).

Tuy nhiên, một cô thôn nữ bán chiếu gon mà lại biết họa thơ với một nhà thơ lớn, hẳn cô phải được học hành tử tế. Thế nên các bản chép giai thoại đều lý giải cô vốn xuất thân là con nhà gia thế, sau vì cửa nhà sa sút nên phải đi bán chiếu, do đó văn chương chữ nghĩa cũng không phải xoàng… Giải thích của người biên soạn giai thoại có thể còn làm cho người đọc nghi ngờ về độ tin cậy. Song tài văn chương của Nguyễn Thị Lộ thì rõ ràng là có thực. Bộ Đại Việt sử ký toàn thư, phần ghi chép về Lê Thái Tông có đoạn ghi: “Trước đây, vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người rất đẹp, văn chương rất hay, bèn gọi vào cung phong làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh”(2). Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, phần ghi về Nguyễn Trãi cũng cho biết: “Nguyễn Trãi gặp Nguyễn Thị Lộ, yêu về tài sắc mới lấy làm vợ. Ông lo việc nước, những chiếu thư, từ mệnh, nàng đều được dự nhuận sắc. Vua Lê Thái Tông nghe tin, vời nàng vào cung cho làm Lễ nghi học sĩ”(3). Như vậy, qua các tài liệu đáng tin cậy như Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí, chúng ta biết chắc Nguyễn Thị Lộ là một người rất đẹp và có tài văn chương, vì thế đã được ông vua đa tình Lê Thái Tông vời vào cung, phong làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh (Đại Việt sử ký toàn thư khen Lê Thái Tông là bậc vua tài giỏi, song chê nhà vua đam mê tửu sắc, không rõ có nhằm vào mối quan hệ với Thị Lộ?).

Trở lại với nội dung bài báo, nhìn chung tôi có nhiều điểm đồng tình, và coi đó là những phát hiện mới đối với bài Tích cảnh 10 trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Đương nhiên, đó là nói chung, còn ở một số chi tiết, người viết vẫn muốn trao đổi thêm vài phần. Chẳng hạn như nói chức quan Lễ nghi học sĩ của Nguyễn Thị Lộ chỉ là “hư chức” e không hẳn đúng với sự thực lịch sử. Nói về chức trách, nếu căn cứ theo phần ghi về “Lễ nghi chí” trong Lịch triều hiến chương loại chí, thì nội dung công việc về lễ nghi của triều đình là khá phức tạp, nó bao gồm từ quy chế mũ áo, nghi vệ xe kiệu, lễ tế trời tế đất, lễ tế tổ ở nhà tông miếu đến lễ sách phong, lễ tế cáo, lễ cầu đảo v.v… Nhưng theo một số tài liệu, thì chức quan Lễ nghi học sĩ của Nguyễn Thị Lộ không phải đảm nhiệm những công việc đó, mà chủ yếu chỉ là dạy chữ nghĩa và dạy giữ gìn lễ nghi phép tắc cho cung nữ. Còn do quan hệ riêng, đôi khi Lê Thái Tông cũng tham vấn Nguyễn Thị Lộ việc này việc nọ có liên quan đến triều chính. Chẳng hạn như việc giáo dục cung nhân, Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi rằng: “Bắt giam hạng đàn bà ngỗ ngược, đó là làm theo kế của Nguyễn Thị Lộ” (bản dịch, tr.354). Trường hợp Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ cũng tương tự trường hợp Nguyễn Thị Hinh (Bà huyện Thanh Quan) từng làm chức Cung trung giáo tập triều Minh Mệnh để dạy các công chúa và cung phi; tuy không phải “quyền cao chức trọng”, thậm chí có thể không có danh xưng trong biểu “Quan chức chí”, nhưng bằng tài đức dạy học của mình, bà Thanh Quan đã được Minh Mệnh tin dùng, quý mến và thường được mời đàm luận văn thơ với nhà vua. Về chiếc “áo lẻ”, tác giả bài báo đã giải thích đúng khi nói đó là “chiếc áo mỏng nhẹ”, phù hợp với giải thích của Từ nguyên là đơn y 單衣, bạc y 薄衣. Nhưng lại là không đúng khi nói đó là “chiếc áo đơn giản, một chiếc áo mặc trong chứ không phải áo khoác ngoài”. Bởi chiếc áo đó có thể thêu hoa thêu bướm thì không còn đơn giản nữa. Và chiếc áo dù chỉ là đơn y (áo một lớp, không có lót), dù chỉ là bạc y (áo mỏng) nhưng không phải là nội y (áo mặc trong) thì vẫn có thể khoác ngoài. Mà phụ nữ khoác ngoài một áo lụa mỏng thì cổ kim vẫn mang một vẻ rất kiêu sa. Ở câu 1 của bài thơ, mấy chữ “khách lầu hồng” cần được giải thích, bởi bản Bùi Văn Nguyên đã giải thích sai, cho khách lầu hồng là chỉ kẻ bề trên, bề trên cao nhất là vua. Hiểu như vậy thì còn gì là ý tình của Nguyễn Trãi – tình nhân với người tình Nguyễn Thị Lộ. Lầu hồng là dịch từ chữ hồng lâu 紅樓, chỉ tòa lầu màu hồng, phiếm chỉ lầu phòng hoa lệ, thường chỉ nơi ở của phụ nữ sang trọng (Từ nguyên). Vậy  khách lầu hồng chỉ có thể là người con gái sang trọng ở trong thâm cung mà nhà thơ đa tình ngày đêm thương nhớ, ngóng trông – người đó chính là Nguyễn Thị Lộ.

Tóm lại, xét về ngôn từ cũng như tứ thơ, Tích cảnh 10 đúng là một bài thơ tình của Nguyễn Trãi gửi Nguyễn Thị Lộ, vào thời điểm Nguyễn Trãi đang ẩn mình cô đơn, lạnh lẽo ở Côn Sơn, trong khi Nguyễn Thị Lộ đang làm Lễ nghi học sĩ ở trong cung “ngày đêm hầu bên cạnh” Lê Thái Tông, hoặc một đoạn khác còn ghi: “Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cợt nhả với thị” (nguyên văn của Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, tr.356). Có thấu hiểu khung cảnh trớ trêu ấy thì mới thấu hiểu nỗi đau, nỗi nhớ của Nguyễn Trãi đối với người “khách lầu hồng”.

Và điều thú vị là, chính trên cái nền cảnh lịch sử có thực này, đã làm nảy sinh một giai thoại văn học, chắc đã được lưu truyền từ lâu trong kho tàng truyện kể dân gian Lê – Nguyễn. Giai thoại được sưu tập và ghi chép trong cuốn Nam thiên trân dị tập  (tập truyện kể về những việc hiếm lạ dưới trời Nam), sách không có tên soạn giả, chỉ có một bài Tựa ngắn đề năm Khải Định 2 (1917), cũng không ghi tên người viết(4). Hẳn là dư luận cũng bất bình thay cho Nguyễn Trãi, nên đã phản ánh nỗi hờn ghen của ông trong một bài thơ lấy chữ Tình làm vần. Thơ như sau:

天高地厚四時成

可責何人道不明

鏡面雖清塵已染

德心方銳慾隨爭

仁聲曾學周王德

誓指將耽漢帝情

幸得天人相伴助

必然社則更春生

Phiên âm:

Thiên cao địa hậu tứ thời thành

Khả trách hà nhân đạo bất minh

Kính diện tuy thanh trần dĩ nhiễm

Đức tâm phương nhuệ dục tùy tranh

Nhân thanh tằng học Chu vương đức

Thệ chỉ tương đam Hán đế tình

Hạnh đắc thiên nhân tương bạn trợ

Tất nhiên xã tắc cánh xuân sinh.

Lời dịch thơ:

Trời cao đất rộng bốn mùa thành

Đáng trách ai kia đạo chẳng minh

Mặt kính gương trong nhơ đã vấy

Đức cao dù đẹp dục còn tranh

Chu vương từng học lòng nhân đức

Hán đế còn đam chuyện ái tình

May được trời người cùng hiệp trợ

Nước nhà ắt hẳn lại hồi sinh.

Nguyễn Thị Lộ đọc thơ, biết Nguyễn Trãi có ý nghi ngờ mối quan hệ giữa nàng với nhà vua, nhất là câu “Kính diện tuy thanh trần dĩ nhiễm” (Mặt kính gương trong nhơ đã vấy) khiến nàng vô cùng đau lòng. Nàng đã theo nguyên vận gửi lại Nguyễn Trãi bài thơ rằng:

Xin cảm tạ GS Kiều Thu Hoạch đã có bài hưởng ứng về bài thơ tình đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam của Ức Trai tiên sinh. Thật là một cuộc “phát dương phong nhã” như người xưa nói. Bài của GS Kiều Thu Hoạch bổ sung nhiều cứ liệu quan trọng để làm rõ thêm bài thơ, rõ thêm sự việc. GS Kiều Thu Hoạch và chúng tôi là bạn đồng khoa Hán học, ông là một chuyên gia Hán-Nôm quý hiếm, cẩn trọng trong nghiên cứu và có uy tín cao trong học giới. Bài của ông cứ liệu dồi dào, công phu, đọc rất thích thú.

Nhân đây, xin nói lại vài chuyện nhỏ cho vui câu chuyện. Bài của tôi nói chuyện “Lễ nghi nữ học sĩ” của bà Lộ chỉ là chuyện “hư chức”, là có ý nói bà “hầu vua” chiều vua là chính, chứ chắc chuyện “lễ nghi” chỉ là chuyện phụ, chứ không phải tôi không chú ý đến cứ liệu của Đại Việt sử ký toàn thư, nói bà “bày mưu” cho việc xử lý cung nữ.

Cũng như nói cái “áo lẻ” là áo mỏng, mặc ngoài… là để phân biệt với cái “áo chầu” (Năm thức mây phong nếp áo chầu – thơ Bà Huyện Thanh Quan, vốn là Cung trung giáo tập…) mỗi khi “Lễ nghi nữ học sĩ” chầu hầu. “Áo lẻ”, áo đơn, “bạc y” là nói cái áo mặc trong nhà, nó nói lên cái cử chỉ thân mật-thân yêu của cuộc đối thoại này giữa Nguyễn Trãi và bà. Ý của Kiều giáo thụ là hoàn toàn đúng, nhưng tôi cũng không nghĩ khác.

M.Q.L.

丹心懇懇事由成

谁謂綱常道不明

日火何憂雲寸點

木樛豈負葛隨爭

英雄免代英雄志

女子非而女子情

福眷天緣琴瑟合

验諸孫子聖賢生

Phiên âm:

Đan tâm khẩn khẩn sự do thành

Thùy vị cương thường đạo bất minh

Nhật hỏa hà ưu vân thốn điểm

Mộc cù khởi phụ cát tùy tranh

Anh hùng miễn đại anh hùng chí

Nữ tử phi nhi nữ tử tình

Phúc quyến thiên duyên cầm sắt hợp

Nghiệm chư tôn tử thánh hiền sinh.

Lời dịch thơ:

Lòng son khăn khắn việc mong thành

Ai bảo cương thường đạo chẳng minh

Ngày nắng sao lo mây chút gợn

Cây cao há ngại sắn leo tranh

Anh hùng gắng giữ anh hùng chí

Phận gái đừng theo phận gái tình

Phúc luyến duyên trời cầm sắt hợp

Nghiệm xem con cháu thánh hiền sinh

Nguyễn Thị Lộ đã khéo léo, mềm mỏng giãi bày lòng mình với Nguyễn Trãi. Nàng vì lo hoàn thành công việc trong cung nên ít về nhà, chứ chẳng có ý gì mờ ám. Ý thơ cũng nói rõ, mình trong sáng thì lo gì những lời dị nghị. Lại tôn vinh ông là cây cao, là bậc anh hùng. Mong hai người hòa hợp sắt cầm, để chung hưởng hạnh phúc dài lâu mà xem con hiền cháu thánh…

Nguyễn Trãi xem thơ họa, cũng thấy đẹp ý, nên không trách gì Nguyễn Thị Lộ nữa. Mà khi nhà vua ngự giá đến Lệ Chi viên, ông cũng bằng lòng để nàng cùng thưởng ngoạn phong cảnh với đức vua. Đáng tiếc, chính tại Lệ Chi viên, nhà vua đã mất một cách đột ngột, khiến cả Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đều bị tội chết. Song dư luận đương thời đều cho rằng, Nguyễn Trãi bị hại, phải chết oan, cũng chính vì Nguyễn Thị Lộ gây nên(5).

 

_____

(1) Sách Giai thoại văn chương Thái Bình, Tập 1 (Sở VHTT Thái Bình, 1989) ghi chuyện Nguyễn Thị Lộ theo phường chiếu Hới lên kinh đô Thăng Long bán chiếu, gặp Nguyễn Trãi đọc mấy câu thơ rằng:

Cô ả từ đâu bán chiếu gon

Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn

Xuân thu mấy độ bao nhiêu tuổi,

Đã có chồng chưa được mấy con?

Nguyễn Thị Lộ cũng đọc một bài thơ họa lại rằng:

Thiếp ở Hải Hồ bán chiếu gon

Nỗi chi ông hỏi hết hay còn?

Xuân thu nay mới đôi mươi lẻ

Chồng còn chưa có, có chi con

Lời thơ mang đậm tính địa phương, có những câu chữ khác với giai thoại được chép trong sách Nam thiên trân dị tập, chẳng hạn như câu 1 trong bài họa của Thị Lộ là: “Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon” mà không phải là “Thiếp ở Hải Hồ…”

(2) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, bản dịch, NXB Khoa Học Xã Hội, 1985, tr.356.

(3) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, bản dịch của Viện Sử học, NXB Sử Học, 1960.

(4) Nam thiên trân dị tập, ký hiệu Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm: A 1517.

(5) Có hai dư luận về việc này: Một là theo huyền tích dân gian, đậm màu sắc tâm linh, nói Thị Lộ là hóa thân của rắn, lấy Nguyễn Trãi cốt để báo oán, vì trước kia, ông sai học trò dọn cái gò để làm nhà học, đã xúc phạm đến một ổ rắn, làm con rắn mẹ bị thương. Để báo thù, sau khi vua Lê Thái Tông chết, Thị Lộ đã khai là do Nguyễn Trãi xui nàng giết vua. Hai là vì Thị Lộ có nhan sắc, khiến vua mê, đêm ở Lệ Chi viên (thôn Đại Lai - xã Đại Lai - huyện Gia Bình - tỉnh Bắc Ninh nay), do nhà vua đã ngủ với nàng rồi bị phạm phòng mà chết. Lỗi do vua, nhưng Thị Lộ cũng có phần trách nhiệm (Theo Nam thiên trân dị tập và một số tài liệu khác).

Đương nhiên, đó chỉ là những quan niệm của một thời xưa cũ. Trước thềm kỷ niệm “1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, vào tháng 9-2006, một cuộc hội thảo khoa học đã được tổ chức tại Hà Nội, nhằm minh oan cho Nguyễn Thị Lộ, mọi người đều nhất trí: Vụ án Lệ Chi viên là âm mưu của một thế lực trong triều Lê muốn trừ khử một tài năng quá lỗi lạc, một nhân cách quá cao thượng là Nguyễn Trãi. Hiện nay, miếu thờ Đức Bà (Nguyễn Thị Lộ) đã được nhân dân khu dân cư thôn Khuyến Lương, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội quyên góp xây dựng lại trên nền hậu cung hoang tàn, đổ nát vốn có từ hơn 500 năm trước. Cách đó mấy trăm mét là đền thờ Nguyễn Trãi được dựng trên nền nhà dạy học của ông năm xưa. Cả hai ngôi đền đều bé nhỏ và khuất lấp, chưa hề có hồ sơ nào đề nghị công nhận cụm di tích này. (Theo Thanh Hằng: Cần đánh giá lại vai trò của Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, Báo Công An Nhân Dân, số 479, ngày 11-9-2006).

GS-TS Kiều Thu Hoạch