Đôi điều về thế giới thời hậu khủng hoảng

Hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế 2008-2009 bắt nguồn từ Mỹ - động lực lớn nhất của tăng trưởng kinh tế toàn cầu theo chiều sâu, vẫn còn rất nặng nề. Bức tranh kinh tế thế giới năm 2013 theo dự báo là chưa mấy khả quan. Tình hình Đông Á đang căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ trên biển và vấn đề Triều Tiên. Các nước đều phải quan tâm tới nhiều vấn đề, nổi bật là:

Trong và ngoài

Trong thời hậu khủng hoảng hiện nay, các nước trên thế giới không kể phát triển hay đang phát triển, phương Tây hay phương Đông đều ưu tiên tập trung vào giải quyết các vấn đề trong nước. Định hướng chung trong ưu tiên đối ngoại của nhiều nước là phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế trong nước. Trọng tâm trong các nỗ lực phấn đấu của Mỹ là cam kết đổi mới nền kinh tế Mỹ vì nó là cội nguồn của sức mạnh Mỹ(1). Tân Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry cho rằng trong thời điểm kinh tế Mỹ và toàn cầu đang tăng trưởng chậm, “chính sách đối ngoại chính là chính sách kinh tế” và chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông là tới Anh, Pháp, Đức, Ý - vừa là đồng minh, vừa là những đối tác kinh tế quan trọng của Mỹ trong EU. Riêng trong năm 2011, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Mỹ với EU đạt trên 600 tỉ USD. Mỹ và EU đã nhất trí tiến hành các thủ tục cần thiết để khởi động các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương nhằm thúc đẩy kinh tế và thương mại song phương.

Cuộc khủng khoảng tài chính-kinh tế lần này đã phơi bày đầy đủ và rõ ràng hơn những khuyết tật cơ cấu của nền kinh tế và chính trị Nga. Cuối năm 2009, Tổng thống Medvedev khi đó đã phải nêu vấn đề: liệu nước Nga có nên mang vào tương lai một nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô sơ chế, một tệ tham nhũng thâm căn cố đế và một thói quen tuyệt đối dựa vào nhà nước hay không?(2). Nếu nước Nga không giải quyết có hiệu quả các vấn đề này trong một hai thập niên tới thì mục tiêu phấn đấu trở thành một trung tâm quyền lực có ảnh hưởng trên sân khấu chính trị quốc tế của Nga sẽ bị “cuốn theo chiều gió”. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Putin ở nhiệm kỳ này cũng là tập trung vào phát triển kinh tế trong nước. Trọng tâm của chính sách hướng Đông của Nga hiện nay là phục vụ cho phát triển kinh tế vùng Viễn Đông và Siberia và đối tác ưu tiên hàng đầu của chính sách này vẫn là Trung Quốc. Tổng thống Putin đã từng công khai bày tỏ mong muốn “mượn gió Trung Quốc để làm sống động nền kinh tế ở Viễn Đông”.

Sau cuộc khủng hoảng kép ở Fukushima (tháng 3/2011), nền kinh tế Nhật vốn đã trì trệ lại càng khó khăn hơn. Thủ tướng Abe tái đắc cử trong một bối cảnh đầy nghịch lý, trong đó có vấn đề tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc - vừa là đối tác thương mại hàng đầu cũng vừa là thị trường hàng đầu cho phục hồi và phát triển kinh tế Nhật trong những năm tới. Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế của Thủ tướng Abe sẽ bị thách thức nếu quan hệ với Trung Quốc bị đóng băng.

Do ảnh hưởng của suy giảm tăng trưởng toàn cầu, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 của Ấn Độ cũng đã chậm lại chỉ còn khoảng gần 5%, so với tốc độ tuy giảm nhưng vẫn còn 7,5% của Trung Quốc. Từ nay tới 2020, Ấn Độ cũng phải tập trung vào tiếp tục phát triển kinh tế trong nước. Tuy có mâu thuẫn chiến lược với Trung Quốc, nhưng Ấn Độ không còn lựa chọn nào tối ưu hơn là tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Mặc dù đã có những giải pháp tích cực nhưng EU vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công. Triển vọng của các nền kinh tế hàng đầu như Đức, Anh, Pháp cũng không mấy sáng sủa. Tất cả các thành viên không kể mới hay cũ đều đang phải dồn sức vào “giữ nhà”. Trung Quốc vẫn tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong chính sách khu vực của EU. Kim ngạch thương mại hai bên năm 2010 là 479,7 tỉ USD(3).
Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã xác định mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế, tăng GDP/đầu người lên hai lần vào năm 2020 so với năm 2010. Chính sách đối ngoại tập trung vào tạo môi trường quốc tế thuận lợi hơn cho sự phát triển kinh tế-xã hội trong nước, phục vụ cho công cuộc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ quảng canh sang thâm canh. Mới đây Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói tới việc thực hiện “giấc mơ” và “sự phục hưng” Trung Quốc.

Kinh tế và chính trị

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và tác động kéo dài của khủng hoảng tài chính-kinh tế đã và đang buộc Mỹ phải điều chỉnh chính sách đối ngoại cả trên hai bình diện toàn cầu và khu vực. Tới cuối năm 2009, Tổng thống Mỹ Obama đã đồng ý chuyển đối thoại kinh tế-chiến lược với Trung Quốc thành đối thoại chiến lược-kinh tế. Sự thay đổi trật tự của “chiến lược” với “kinh tế”, đưa “chiến lược” lên trước có ý nghĩa hàm súc. Từ cuối năm 2011 tới nay, Mỹ triển khai chính sách “tái cân bằng” ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.

Trong bài Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ (America’s Pacific Century), đăng trên tạp chí Chính sách Đối ngoại tháng 11/2011, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton có nói tới việc cần phải kế thừa di sản trong quan hệ Mỹ-Trung 60 năm qua để xác định các bước can dự tiếp theo trong 60 năm tới. Con số 60 năm trùng khớp với một hoa giáp. Độ dài thời gian 60 năm này trong tư duy chiến lược của Mỹ gợi ý các nước tầm trung phải thật minh triết và cẩn trọng trong việc phân biệt mục tiêu chiến lược lâu dài với các phản ứng chính sách tình thế cùng các động tác tuyên truyền trong quan hệ quốc tế để tránh bị rơi vào “bẫy chiến lược” trong các trò chơi cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc.

Cơ hội phát triển lớn từ Trung Quốc trong thời gian tới và triển vọng kinh tế chưa mấy khả quan thời hậu khủng hoảng ở Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản có ảnh hưởng trực tiếp tới điều chỉnh chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế. Kết quả chuyến thăm mới đây của Thủ tướng Nhật Bản Abe tới Mỹ cho thấy rõ hơn giới hạn phản ứng chính sách của Mỹ trước những tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biển Đông và biển Hoa Đông ở Đông Á. Nhật Bản vừa là đồng minh “ruột” vừa là ưu tiên hàng đầu về liên minh an ninh với Mỹ ở khu vực, nhưng trong hội đàm với Thủ tướng Abe, Tổng thống Obama đã lảng tránh vấn đề “Senkaku/Điếu Ngư” mà phía Nhật kỳ vọng sẽ được Mỹ ủng hộ công khai. Mặc dù chiến lược của Mỹ cùng Nhật phong tỏa và kiềm chế Trung Quốc là không thay đổi, nhưng Mỹ chỉ muốn dừng lại ở tuyên bố khung là các hòn đảo tranh chấp thuộc phạm vi hiệu lực của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. Thời cơ cho phát triển kinh tế Mỹ từ quan hệ với Trung Quốc và hậu quả khó lường khi xảy ra kịch bản xung đột quân sự Nhật-Trung buộc Mỹ phải cẩn trọng.

Trong khi CHDCND Triều Tiên đe dọa tấn công Hàn Quốc, Nhật Bản và mâu thuẫn tranh chấp lãnh thổ vẫn còn đó, thì ngày 26/3, Trung Quốc đã cùng hai nước này tiến hành vòng đàm phán đầu tiên về FTA tại Hàn Quốc. Trung Quốc đang là đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản, còn Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Tokyo. Tính chung, cả ba nền kinh tế châu Á này tương đương 20% tổng sản sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn thế giới. FTA này sẽ là đối trọng với TPP của Mỹ.

Trong bài phát biểu trước Diễn đàn kinh doanh hàng năm ở Bác Ngao (Hải Nam) ngày 7/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Không ai được phép ném khu vực và thậm chí là toàn bộ thế giới vào vòng hỗn loạn vì lợi ích riêng ích kỷ của bản thân”. Còn Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng đã tuyên bố: “Chúng tôi phản đối những lời nói và hành động khiêu khích từ bất kỳ phía nào trong khu vực và không cho phép ai gây rối ở ngay trước cửa ngõ của Trung Quốc”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” trước tình hình căng thẳng leo thang trong khu vực và yêu cầu Bình Nhưỡng “phải bảo đảm an toàn cho các nhà ngoại giao Trung Quốc đang làm việc ở Triều Tiên theo đúng Công ước Vienna cũng như luật pháp và thông lệ quốc tế”.

“Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác) - Khổng Tử đã dạy như vậy. Các nước xung quanh khu vực biển Đông cũng không muốn “ai gây rối ngay trước ngõ” vì “lợi ích riêng ích kỷ” và luôn mong rằng mọi vấn đề tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết theo “luật pháp và thông lệ quốc tế”.

Tiền và thời gian

Từ đầu thế kỷ XX tới nay có 3 cuộc khủng hoảng lớn theo chu kỳ 50-60 năm của Kondachev. Đó là cuộc khủng hoảng 1929-1933, cuộc khủng hoảng dầu lửa 1972-1973 và cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 với hậu quả còn kéo dài cho tới hôm nay. Một bài học lớn cho tất cả các quốc gia là cần phải có các thể chế hữu hiệu cả ở tầm quốc gia, khu vực và toàn cầu để kiểm soát tiền: các dòng tài chính đi đâu, về đâu, dùng vào việc gì, có hiệu quả và hậu quả trước mắt và lâu dài như thế nào. Riêng ở Đông Nam Á, nước nào kịp thời rút được kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998 bắt nguồn từ sự đổ vỡ “kinh tế bong bóng” ở Thái Lan thì đỡ bị tổn thương hơn. Cải cách các thể chế tài chính toàn cầu đang là chương trình nghị sự cấp thiết.

Trong thời kỳ hậu khủng hoảng này gần như tất cả các cường quốc đều lâm vào cảnh thiếu tiền nghiêm trọng, trừ Trung Quốc. Nhiều nước phải “thắt lưng, buộc bụng”. Về hình thức bên ngoài, chính quyền Tổng thống Obama đã nâng được mức trần nợ công và tránh được “vách đá tài chính”, nhưng về nội dung thì khó khăn tài chính đối với nước Mỹ vẫn còn nguyên vẹn. Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới. Trung Quốc đã trở thành chủ nợ của Mỹ. “Tiền cũng là súng và chính trị quyết định khi nào thì sẽ bóp cò”, vì vậy cả Mỹ, Ấn Độ, Nga và nhiều nước ASEAN đều không muốn đối đầu với Trung Quốc.

Bản thân Trung Quốc cũng có các vấn đề nội bộ và “gót chân Asin”. Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bổ sung thêm hai chữ “Cùng thắng” vào công thức đối ngoại sáu chữ trước đây thành tám chữ: “Hòa bình, Phát triển, Hợp tác, Cùng thắng”. Trung Quốc có thặng dư lớn về thương mại và dự trữ ngoại tệ, nhưng đang bị thâm hụt lớn về sự tin tưởng chiến lược từ cả khu vực và thế giới. Trung Quốc có nhiều tiền, nhưng đang thiếu công nghệ cao mà đây mới là nền tảng lâu bền cho phát triển theo chiều sâu. Từ nay cho tới thời điểm 2030, có thể Trung Quốc đuổi kịp Mỹ về GDP, nhưng về GDP/đầu người của Trung Quốc thì vẫn còn rất thấp so với Mỹ, còn sức mạnh về công nghệ và quốc phòng thì Trung Quốc vẫn ở sau Mỹ một khoảng cách đáng kể. Mỹ sẽ vẫn là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu theo chiều sâu và là nước cung cấp dịch vụ công về an ninh lớn nhất cho thế giới.

Thời gian cũng là tiền bạc. Lãng phí thời gian, bỏ mất thời cơ cũng là câu chuyện chiến lược. Cơ hội không phải là cuộc gặp gỡ tình cờ, mà là kết quả của sự phát triển kéo theo, là thời điểm gặp gỡ mà sự khôn ngoan biết đón nhận. Cơ hội là điều mà nhà chiến lược biết khai thác, vì khi thời điểm trở thành cơ hội, nó đã bắt đầu có hình hài và biến thành đối tượng khách quan với một hình thể đặc biệt được cá thể hóa và tách riêng ra mà nhà chiến lược có thể chiếm lĩnh và dựa vào nó để có quyết sách kịp thời như kiểu “Chỉ thị Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

Trong Kinh Dịch có quẻ “Tùy”: “Toàn bộ thế giới tuân theo thời điểm, cái nghĩa tùy theo thời thật là to lớn” (Thiên hạ tùy thời, tùy thời chi nghĩa đại hĩ tai!). “Mọi thời điểm đều chứa đựng tính cơ hội, bày ra hoặc hé mở”. Kinh Dịch đã phác họa ra sự quá độ của cái sinh thành: sự “biến đổi” và sự “tiếp nối” được xem xét như là “cái đi theo chiều hướng của thời thế” (Biến thông giả, thú thời giả dã).

Các nước có thể giàu, nghèo khác nhau, nhưng họ đều có quỹ thời gian như nhau. Chiều hướng phát triển với gia tốc lớn của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ trong xã hội thông tin nhờ liên kết mạng toàn cầu đầu thế kỷ XXI vẫn đang tạo nhiều cơ hội cho bảo vệ an ninh và phát triển. Quốc gia nào tranh thủ được thời gian, có những quyết định hợp thời thế, hợp lòng dân và đúng lúc thì sẽ biến thời gian thành lực lượng vật chất hùng mạnh. Tất cả phụ thuộc vào trí tuệ, bản lĩnh và năng lực tổ chức thực hiện của mỗi quốc gia. Ở đây, sự khái quát ba chữ “khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng tháng Tám: “…vì ta khéo lợi dụng điều kiện quốc tế ở bên ngoài, vì ta khéo đoàn kết và khéo tổng động viên trong nước, cho nên ta đã đổi thế yếu thành thế mạnh, đã thắng ba kẻ địch, đã đưa cách mạng đến thắng lợi, độc lập đến thành công”(4), vẫn giữ nguyên ý nghĩa phương pháp luận đối với hoạch định và triển khai chính sách an ninh toàn diện và phát triển bền vững của Việt Nam trong thế giới thời hậu khủng khoảng.“Cạnh tranh-hợp tác chiến lược Mỹ-Trung và hành động của chúng ta” đang là vấn đề cấp thiết của Việt Nam.

 

--------------------

(1) NSS 2010, the US, p.2.

(2) Current History, October, 2010, p.273.

(3) TL TKĐB TTXVN, 9/9/2011,tr.21

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia, 2000, t.6, tr.60.

TS Nguyễn Đình Luân