Từ thời thơ ấu, chúng ta đều đã mến yêu cô Tấm của chuyện cổ tích. Nhưng ít ai ngờ là cô Tấm được thờ ở đền Bà Tấm - xã Dương Xá - huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Thực ra, là thờ một nhân vật lịch sử có thật. Vương phi Ỷ Lan (thế kỷ 11-12), cũng từ thôn nữ trở thành vợ vua. Do sự trùng hợp đó, qua sương mù thời gian, nhân dân mến mộ bà, gắn bà với hình ảnh cô Tấm để thờ ở quê nhà.
Vào những năm 40 thế kỷ trước, học giả Hoàng Xuân Hãn sưu tầm tư liệu để viết cuốn Lý Thường Kiệt đã tìm thấy truyện thơ Nôm “Ỷ Lan” do một cung nữ của Chúa Trịnh viết vào năm 1759. Vì đó là tác phẩm thần tích, ông không sử dụng được, nhưng có ý đồ sẽ xuất bản là cuốn đầu tiên cho một bộ Tùng thư chuyện Nôm. Cuốn đầu là Chuyện Ỷ Lan khác các chuyện Nôm khác: gốc Việt, không dựa vào chuyện Trung Quốc, không khuyết danh mà biết rõ tác giả, lại liên quan đến một thời lịch sử. Nhưng rồi Chuyện Ỷ Lan của ông Hãn không ra đời được, mãi đến 1986 mới ra mắt độc giả ở Hà Nội.
Nhân vật Ỷ Lan, vừa sáng chói trong lịch sử vừa thấp thoáng trong huyền thoại, là một đề tài hấp dẫn cho tiểu thuyết lịch sử. Cuốn Mẫu Ỷ Lan của bác sĩ Ngô Ngọc Liễu đã khai thác đề tài này (NXB Hội Nhà Văn, 2013).
Kể cũng lạ! Hai ông bác sĩ tai mũi họng đầu ngành, BS Ngô Ngọc Liễu ở Việt Nam, và BS Bùi Minh Đức ở Mỹ, đã tạt sang con đường sử học và văn chương, với sự say mê của nghệ sĩ.
Ngô Ngọc Liễu xông vào lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử sau nhiều công trình nghiên cứu lịch sử. Theo một nhà văn Pháp giải Goncourt, lịch sử là tiểu thuyết đã thành hiện thực, còn tiểu thuyết là lịch sử có khả năng thành hiện thực. Lịch sử là cái chân, tiểu thuyết là cái hư ảo. Tiểu thuyết lịch sử kết hợp hai yếu tố đối lập, nhà văn tùy theo cảm hứng mà kéo mạnh về cực này hay cực kia. Nhà viết tiểu thuyết lịch sử là một thầy lang bốc hai vị thuốc kỵ nhau, nhưng liều lượng phải tính thế nào để chúng bổ sung cho nhau, để thuốc có hiệu quả - tác phẩm phải hay: vừa có vị tiểu thuyết vừa có vị lịch sử.
Sau khi đọc Mẫu Ỷ Lan, có thể thấy ngay Ngô Ngọc Liễu, cũng như Nguyễn Triệu Lịch, là một nhà sử học viết tiểu thuyết hơn là một nhà viết tiểu thuyết chỉ sử dụng lịch sử làm chất liệu xúc tác. Ông bỏ rất nhiều thời giờ nghiên cứu sử liệu, đi tìm dấu vết quê hương và những nơi Ỷ Lan đã từng qua. Ông cẩn thận đến mức bắt đầu mỗi chương, ông lại trích dẫn Đại Việt sử ký toàn thư làm gốc để kể chuyện. Tiểu thuyết gắn cuộc đời Ỷ Lan với lịch sử, nên có thể sử dụng sách này làm sách bổ sung cho việc dạy sử ở nhà trường và cho những ai muốn tìm hiểu tổng quát về đầu thời Lý. Viết về Lý Thường Kiệt, dưới góc độ sử học, Hoàng Xuân Hãn không dám đề cập đến Ỷ Lan vì thiếu tư liệu đáng tin cậy. Viết tiểu thuyết lịch sử, Ngô Ngọc Liễu đã ghép các chuyện dân gian vào chính sử. Tác giả có ý đồ làm rõ công lớn của Hoàng hậu Ỷ Lan đối với dân tộc, điều mà các sử gia phong kiến ít nói đến hoặc bỏ qua, phải chăng do ý thức hệ phong kiến coi thường phụ nữ - Ỷ Lan là phụ nữ duy nhất thật sự gánh vác giang sơn trong lịch sử ta. Ông không ngần ngại gắn Ỷ Lan với những thành tích lớn nhà Lý thời bà, về mặt giữ nước (dẹp Chiêm, phá Tống xâm lược cùng Lý Thường Kiệt), phát triển kinh tế (nông nghiệp) và văn hóa (Nho học: mở kỳ thi tuyển nhân tài, xây Văn Miếu; Phật học: xây chùa Một Cột nay là biểu tượng thủ đô và hàng trăm chùa). Tác giả cũng tô đậm công đức từ thiện của Ỷ Lan: mở kho thóc cứu đói dân, trừng phạt kẻ giết trâu để bảo vệ vật kéo cày, chuộc con gái nhà nghèo bị cầm cố để cho họ lấy chồng.
 |
Đền thờ Vương phi Ỷ Lan tại Dương Xá, quê hương của bà |
Yếu tố lịch sử trong cuốn Mẫu Ỷ Lan có thể còn là quá đầy đủ đối với thể loại tiểu thuyết. Người ta đọc tiểu thuyết không phải để học lịch sử, mà để giải trí. Vì vậy, phần văn chương và hư cấu rất quan trọng. Tác giả đã cố gắng vẽ lại bức tranh của dĩ vãng bằng cách pha những chi tiết hư cấu với chuyện có thật, giải thích cái huyền ảo dã sử (hoạn quan Nguyễn Bông đầu thai thác hóa, thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ…), theo tư duy logic. Nhiều đoạn khá hấp dẫn. Nhưng chất hấp dẫn của tiểu thuyết do hư cấu có phần bị hạn chế vì tác giả bị chi phối bởi cái “thật” của lịch sử. Ngay cách chia tiểu thuyết theo chương có chủ đề cũng làm mất yếu tố bất ngờ gây cái hấp dẫn của tiểu thuyết: đọc các tên chương “Đánh Tống giữ nước, Dựng nền Nho học”, độc giả biết ngay chương sẽ nói gì - sách nghiên cứu Mẫu Ỷ Lan có thể hấp dẫn hơn nữa nếu tác giả bớt quan tâm lịch sử hơn, hư cấu tăng chất lãng mạn và kịch tính như kiểu truyện của W.Scott hay A.Dumas. Ỷ Lan nguyên là một thôn nữ hiền hậu, lại có lòng từ bi của Phật tử, đạo đức của đạo Nho, mà lại phạm tội hạ sát Hoàng hậu và 72 cung nữ, nên sám hối cho đến khi mất - đây là một sự kiện đầy kịch tính, nên khai thác nhiều về mặt tâm lý và hành động để tác phẩm có bề sâu và thêm hấp dẫn. (Tôi chợt nghĩ đến nhân vật Raskolnikov sám hối kiểu Kitô giáo trong tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt của Dostoievsky).
Ngoài hai yếu tố “chân” và “giả” (hư cấu), tiểu thuyết lịch sử nào cũng mặc nhiên mang một thông điệp của dĩ vãng cho hiện tại. Bản thông điệp của Mẫu Ỷ Lan được Ngô Ngọc Liễu nói ra trong Lời cuối sách: giới thiệu một nữ kiệt ít được biết vì chính sử không ghi (thí dụ xây dựng Quốc Tử Giám vào thời bà nhiếp chính, chính sử chỉ nói đến Lý Nhân Tông khi đó mới 10 tuổi). Qua đó, giới thiệu một triều đại huy hoàng, nhân dân no ấm, đoàn kết, chống được ngoại xâm, có thể làm gương cho ngày nay. Tại cuộc hội thảo nói về cuốn Mẫu Ỷ Lan tại Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh đã đánh giá Mẫu Ỷ Lan là một tác phẩm đứng được trong mặt bằng tiểu thuyết lịch sử ngày nay của ta.