Đôi lời bàn cùng bộ phim Bước khẽ đến hạnh phúc

Bước khẽ đến hạnh phúc gợi tưởng những bước chân sẽ sàng, tràn đầy phấn chấn của ai đó may mắn được dẫn chân vào miền phước lạc của hạnh phúc... Vậy nhưng, đằng sau cái nhan đề ngọt ngào ấy, trong suốt tiến trình dõi theo bước chân Vivian - nhân vật chính của bộ phim mới chào rạp, người xem không khỏi bị rơi vào ngỡ ngàng, bởi phải liên tục chứng kiến bao điều gai chướng vô cớ và vô lý.

Câu chuyện phim trải dài cùng hành trình của nữ nhân vật... Vivian sinh ra, lớn lên tại đất nước Hoa kỳ, trong một gia đình gốc Việt. Ba cô, có vẻ là thành viên của chế độ cũ, tới nay vẫn ôm nặng mối hận thù chế độ nơi quê hương ông. Khi Vivian nhận nhiệm vụ từ một tổ chức của Hoa kỳ, về Việt nam cộng tác thực hiện chương trình mổ tim từ thiện cho trẻ em, ông đã phản ứng gay gắt, nhưng cô vẫn cương quyết trở về.

Sau khi đặt bước chân đầu tiên lên chốn quê cha đất tổ, cô gái đã luôn ngơ ngác xúc động, bằng một tấm lòng vô chừng trong trẻo... Song, những bước tiếp sau nữa của cô trên đất Sài thành hiện đại, lại không ngớt vướng phải bao chuyện cười ra nước mắt, không ngừng va đụng với hàng loạt sự biến dị kỳ, thậm chí bất nhẫn: nào chuyện hãi sợ trước những rối loạn xe cộ trên đường phố, mỗi khi phải băng qua đường – và tình cảnh ấy được nhấn mạnh bằng cái chết bẹp dí của chú cóc ngây ngô phóng qua đường; nào hành vi vô cảm của nhiều người mà cô bất chợt chạm mặt trên đường... Chừng ấy thứ rắc rối không ngớt giăng ra trước mặt cô gái ngây thơ đang háo hức khám phá quê nhà. Mặc dù bên cạnh đó là gương mặt thiện lành dễ thương của em bé đánh giày, anh bán cà phê dạo, cùng bà chủ sạp chợ đêm..., song những hình ảnh của họ chỉ như một mạch ngầm nhỏ chảy ngược chiều, luôn bị dìm át bởi những hình ảnh nổi bật của dòng thác đầy tiêu cực trên hè phố: nào cảnh cướp điện thoại khi cô gái đang nói chuyện với ba mẹ bên Mỹ, nào cảnh hàng rong vỉa hè nhếch nhác chạy trốn công an, cảnh kẻ ỷ thế nhiều tiền ngang ngược đòi sử dụng vũ trường trước giờ mở cửa, rồi cả tình trạng vô trách nhiệm của các bác sĩ phẫu thuật tim trẻ em – trong đó xuất hiện John như một tên du đãng hào hoa, trắng trợn buộc Vivian phải ký vào tờ hợp đồng tham nhũng của bọn ăn chặn... Nhân vật Quân xuất hiện đột ngột, vô cớ suốt từ bước hành trình đầu tiên của cô gái. Và, mối tình bụi bặm giữa họ cũng xuất hiện đường đột không kém, vô căn không kém; khiến người xem không thể không lấy làm dị kỳ. Một kiến trúc sư như Quân, luôn mang dáng vẻ của gã lang thang bí ẩn, cùng một cô gái Việt kiều - theo sắp xếp chủ quan của các tác giả, đã tạo nên một phong vị yêu đương chẳng giống ai. Cuối cùng là cuộc lang thang vô đích của các nhân vật trên đường phố, bất chấp thực tế đầy bất trắc và chua chát bao quanh, khi Vivian vì không chịu ký vào bản hợp đồng gian dối, cô đã bị mưu sát, bị tống ra khỏi khách sạn, lang thang giữa đêm, phải ngủ cùng những người vô gia cư nơi hè phố. Với những chi tiết này, có cảm giác như cái thành phố Hồ Chí Minh trong phim giống như là nơi không có luật pháp, để cho bọn mafia hoành hành (mà bọn này là ai lại có quyền ra lệnh cho khách sạn không được dung chứa cô và buộc cô phải về Mỹ ngay lập tức). Chẳng biết thế lực nào làm được những chuyện ghê gớm như thế? Vậy mà cô vẫn được tác giả cho là đang “bước khẽ đến hạnh phúc”. Toàn bộ câu chuyện được kể, với khung cảnh xã hội, lối sống con người như đang nói tới một miền xa lạ nào đó, chứ không thể là Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh.

Có thể nói, gần như toàn bộ các tình huống, chi tiết đã để lộ nhiều sơ hở của người không hiểu nhiều về hiện thực xã hội thành phố Hồ Chí Minh, cũng như quá trình phát triển tâm lý nhân vật. Những chi tiết mà tác giả kể cho thấy rõ hàng loạt những áp đặt khiên cưỡng, tùy tiện. Tác giả đã cố ý tạo nên những chi tiết và tình huống mang tính “giăng lưới”, để cô gái Việt kiều lần đầu tiên háo hức trở về nước với một Sài Gòn hiện đại, nhưng lại bị nhấn chìm trong hàng lô sự cố tiêu cực mang tính hệ thống... đã làm đảo lộn hoàn toàn tuyên ngôn công khai, tưởng chừng chân thành của người kể, là đem lại cho cô gái một miền đất hứa hạnh phúc. Hạnh phúc thật sự, thông thường chỉ có thể nảy mầm trong môi trường trong sạch, an toàn, giữa những con người thông hiểu, cảm mến nhau từ đáy lòng; chứ đâu có thể tùy tiện nảy sinh một cách gượng ép trong hoàn cảnh đối đầu, giữa bụi bặm với lọc lừa như thế? Một cách hết sức bản năng, lạnh lùng, Quân xán tới Vivian như một gã cao bồi Mỹ xưa kia, bằng thái độ vô cùng suồng sã. Lần đầu tiên gặp nhau là cảnh Quân lôi cô ra khỏi luồng xe cộ bát nháo trên đường và suồng sã ôm hôn cô như hôn một cô gái đứng đường. Quân đến với Vivian như một kẻ cưỡng dâm, vậy mà cô vẫn chấp nhận. Hình ảnh hai người lăn lộn định làm tình trên đống rác giữa hè phố là hình ảnh gây lợm giọng nhất cho người xem. Tình cảm ấy – chứ không thể gọi là tình yêu ấy, sao có thể được gán là hạnh phúc? Mâu thuẫn và vô lý như vậy, thật khó có thể đem lại cho người xem niềm tin về sự nghiêm túc và chân thật giữa hai người. Hiện tượng thiếu nhất quán trong tâm tư của Vivian, khi cô nói với ba mẹ rằng “dòng máu Việt đang chảy trong con”, nhưng cũng chính là lúc cô đang phải hứng chịu bao cảnh ê chề mà cô đang va phải ngày ngày trên xứ sở quê hương mà cô một lòng muốn trở về, đã tạo nên cảm giác khiên cưỡng, khó chịu. Chủ đề không rõ, đường dây rời rạc, kết thúc mù mờ, vì vậy, cấu trúc truyện phim trở nên nhão loãng, đứt đoạn, khiến bộ phim chỉ như một sự kết nối lỏng lẻo của những mảnh ghép các hoạt cảnh riêng biệt.

Bằng cách đưa hàng loạt chi tiết sinh hoạt nhôm nhoam trên đường phố vào phim, tác giả như muốn phim nhuốm đậm màu dân dã đời thường, nhằm sống động hóa câu chuyện, đẩy nó tới gần người xem hơn; song thực tế cho thấy, tác động tâm lý lại trái ngược: người xem khó có thể tin vào cái thực trạng đầy chông gai mà Vivian nếm phải, ngay giữa phố xá ban ngày của Sài Gòn hôm nay và cũng chẳng thể đồng cảm với niềm hạnh phúc mà cô gái có thể thực sự được hưởng trong một hoàn cảnh trớ trêu như vậy.

Mặt khác, tác giả dường như cũng đã quên lãng xử lý một trong những chủ đề được quan tâm, chớm đặt ra ngay từ đầu câu chuyện, là chuyện “hận thù” và “hòa giải” giữa người ra đi cùng người ở lại trong nước, do hoàn cảnh đặc biệt của một thời lịch sử; mà sau lớp bụi đã dày của thời gian, vẫn còn những người chưa tan hết đau nhức. Đấy là một câu chuyện xác đáng, có tính thời sự cấp thiết cần được giải tỏa một cách tận tình, hợp lẽ, nhưng chủ đề ấy lại hoàn toàn bị bỏ qua để chăm chăm vào những tiêu cực có hệ thống ở nơi mà cô gái đang hăm hở trở về bằng một lý tưởng cực kỳ trong sáng. Cô gái lớn lên ở Mỹ quá thánh thiện đã trở về quê hương với niềm tin tốt đẹp, nhưng cô đã suýt bị nuốt chửng vì vô số những tiêu cực, những hành động bất nhân, tàn ác nơi quê hương cô. Vậy mà có thể gọi là hạnh phúc được sao?! Nhưng nếu tác giả chủ ý, qua chuyện phim, phê phán các hiện tượng không đẹp của xã hội đô thị đương đại, cùng những thói hư tật xấu của con người đô thị thời nay – mà ở đây, chỉ gồm toàn những chi tiết đã từ lâu trở nên cũ gỉ, vụn vặt – ví như thể hiện những người Sài Gòn bất lịch sự với phụ nữ, thú nhận lâu rồi quên mất cả lời “cảm ơn, xin lỗi” thì đó chỉ là vài hiện tượng đơn lẻ. Còn nếu cố tâm đặt chủ ý ấy vào trong tình huống trở về nước lần đầu của một cô gái gốc Việt nặng lòng quê hương, thì rõ ràng, tác giả đã vô tình hoặc hữu ý gây sốc cho người xem, vì đã cố tình gom những điều vụn vặt trở thành những tiêu cực điển hình có hệ thống.

Thói xấu cùng lòng tốt, tuy được các tác giả xếp đặt xen kẽ nhịp nhàng cạnh nhau, chúng vẫn không nổi lên, hay chìm đi trong mối tương tác kịch tính khách quan; mà chỉ như những nét chấm phá tùy tiện, ngẫu nhiên, thiếu mạch lạc và kém thuyết phục tự nhiên. Chúng lẫn vào nhau và xóa nhòa nhau, khiến chủ ý tác phẩm trở nên phai nhạt, bâng quơ. Lại do, không hiện thực cũng chẳng biểu tượng, không phê phán cũng chẳng khẳng định, bộ phim không tạo nên một thông điệp nào rõ ràng, khách quan, mạch lạc mà tuồng như chỉ cho thấy những thao tác lắp ghép lơi lỏng, lẫn lộn hư thực, xấu tốt một cách thờ ơ đến lợt lạt, vô bổ.

 

-------------------

* Nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam.

* Kịch bản: Lê Văn Nghĩa, Đạt Châu, Lưu Trọng Ninh; Đạo diễn: Lưu Trọng Ninh; Hồng Ngát phim và công ty VME sản xuất.

TRẦN LUÂN KIM*