Đối thoại trên bãi rác xưa

Trần Hữu Tòng

Tôi ngắm nhìn Công - chàng trai Hà Nội ra đời trong đêm 26/12/1972, đêm máy bay B52 rải thảm bom hủy diệt phố Khâm Thiên, tươi cười bắt tay Michael. Họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh và cả tiếng Việt. Tôi có cảm nhận: Lớp trẻ bây giờ là thế đấy. Vì nghĩa cả, họ dễ gác lại chuyện gay cấn của ông cha trước đây. Họ dễ kết bạn với mọi người. Họ sẵn sàng để cho dĩ vãng đi vào quá khứ… nhưng lương tâm thì không cho phép được quên. Vâng! Đó là nét đẹp thanh lịch của người Thăng Long. Nét đẹp văn hóa Việt Nam.

*

Tôi có cậu con trai út sang du học ở Mỹ. Cháu phải hoàn tất nhiều thủ tục pháp lý rất nghiêm ngặt. Một trong những thủ tục quyết định là phải trả lời phỏng vấn của người Đại diện sứ quán Mỹ ở phố Láng Hạ. Tôi dặn Công – con trai tôi:

- Người nước ngoài họ rất coi trọng nét lịch sự trong giao tiếp. Con phải mặc chỉnh tề, phải nói năng bình tĩnh, gãy gọn để chứng tỏ mình là người có văn hóa, nhưng chớ có khúm núm. Khúm núm đánh mất tự tin, là thiếu văn hoá đấy con ạ!

Hàng ngày, tôi thường nói vui với các con tôi rằng, ta là người “Song Hà” trong ta có cái cốt cách, chân thành, bộc trực, chặt chẽ của gốc quê mình - Hà Tĩnh, và ta có cả vẻ thanh lịch, hào hoa của người Hà Nội, ta phải hoà nhập hai cái đó.

Ông đại diện sứ quán Mỹ có cái nhìn mở hết độ sáng dõi thẳng vào người đối diện. Ông bắt đầu hỏi bằng tiếng Việt:

- Anh trả lời bằng tiếng Anh hay tiếng Việt?

- Ông hỏi tiếng Anh thì tôi trả lời bằng tiếng Anh. Ông hỏi tiếng Việt thì tôi trả lời bằng tiếng Việt. Tuy vậy, tôi muốn trả lời bằng tiếng Việt.

Đôi lông mày rậm của ông dãn ra. Ông hỏi những câu xã giao rồi lục vấn đến kinh tế gia đình, trình độ học vấn. Thỉnh thoảng, ông vặn vẹo lại câu ông đã hỏi. Ông gài thêm vào các chi tiết mâu thuẫn, bất ngờ để gây xáo trộn suy nghĩ nhằm thẩm tra sự trung thực. Thấy Công trả lời xuôi lọt, ông Đại diện sứ quán hỏi Công câu thường xuyên ông vẫn hỏi:

- Tại sao anh lại sang Mỹ học tiếng Anh? - Giọng ông dằn nặng tiếng cuối.

- Vì có trình độ tiếng Anh chuẩn thì rất thuận lợi để đọc tài liệu và học các chuyên ngành.

- Anh dự định học chuyên ngành gì?

- Tôi học nghề Y để thành thầy thuốc, thưa ông.

- Anh sẽ mở nhà bệnh viện ở Mỹ chứ? - Nhạc điệu câu nói của ông được nhấn mạnh chữ cuối.

- Không, thưa ông. Học xong tôi sẽ về Việt Nam ngay! - Ông đại diện sứ quán hỏi lại ngay:

- Tôi biết Việt Nam đâu có thiếu thầy thuốc giỏi. Việt Nam đang đưa thầy thuốc sang làm việc ở Algérie và ở các nước khác kia mà…

- Thưa ông, qua báo chí chúng tôi biết rằng ở Mỹ đã có cơ sở khoa học nghiên cứu được thuốc chữa cho người mắc bệnh ung thư vì nhiễm chất độc chiến tranh. Ông biết đấy, ở Việt Nam chúng tôi còn nhiều người nhiễm chất độc từ trong chiến tranh. Đến nay, thế hệ thứ hai, thứ ba vẫn mang di hại - Công ngập ngừng, chẳng lẽ anh nói toạc ra rằng: Tôi sang Mỹ học cách chữa bệnh cho người Việt Nam chúng tôi. Mà bệnh “nan y” đó lại chính do người Mỹ gây ra.

Nghe đến đó ông đại diện sứ quán gấp tập hồ sơ lại. Không biết ông đang suy nghĩ gì. Ông nghĩ đến cuộc chiến tranh tàn khốc đã qua. Hay ông nghĩ đến trách nhiệm về chất độc dioxin, nghĩ đến những nạn nhân của nó, một vấn đề lớn đang làm xúc động đến những người có lương tri. Như ông Bill Clinton lúc còn đương nhiệm tổng thống sang thăm Việt Nam, nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh… cùng Việt Nam nghiên cứu di hại chất độc dioxin… Ông rút tấm giấy màu xanh trong hộp để trên bàn đưa cho Công. Đó là tấm giấy hẹn ngày làm hộ chiếu, xin visa và ngày bay sang California.

- OK!

- Thanh you very much!

Công cảm ơn ông. Ông đưa bàn tay to lớn cầm lấy tay Công.

*

Cùng ở phố Láng Hạ, nơi có tòa đại sứ Mỹ đóng có một gia đình người Mỹ thuê nhà ở. Anh ta là Michael. Biết Công sắp qua Mỹ du học, lại đến đúng bang California quê anh. Michael sang nhà tôi chơi. Vợ Michael là Eli, hai đứa con trai của anh đều sinh ra ở phố Láng Hạ. Đôi vợ chồng người Mỹ này đang dạy tiếng Anh ở một trường Đại học. Michael có dáng người cao, mảnh và mái tóc vàng như tơ, óng mượt.

Những ngày nghỉ, Michael thường sang nhà hàng phố chơi. Gặp ai từ xa, Michael đã tươi cười chào hỏi. Anh thích chuyện trò với mọi người. Cái gì anh cũng hỏi để qua câu chuyện anh học thêm tiếng Việt, biết thêm những ngôn ngữ dân gian trong tiếng Việt. Michael tìm hiểu về nếp sống, về ca dao tục ngữ Việt Nam… Chiều chiều Michael ra vườn hoa đá bóng, ăn kem với trẻ em. Đứa nào hỏi anh một câu, một từ khó tiếng Anh, Michael bày đến nơi đến chốn.

Cách vài ngày, anh lại cõng con sang nhà tôi, lúc thì anh hỏi về một món ăn, lúc thì anh tìm hiểu về một lễ hội. Anh đã nhiều lần nói với tôi và bà con phố Láng Hạ rằng: - Sống với người Hà Nội thật là tuyệt. Ấn tượng nhất là sự bình đẳng và sự đầm ấm, con người quan tâm đến nhau.

Anh kể nhiều về phố xá, về sinh hoạt, về khí hậu và con người ở California. Nói xong, anh cười và nhìn tôi:

- Thế là bác đã biết nhiều điều về quê hương cháu - Anh gọi tôi là bác - Còn cháu thì chưa hiểu tại sao phố ta đang ở đây lại có tên là phố Láng Hạ?

Tôi ngẫm nghĩ một chút rồi trả lời:

- Michael tìm đọc cuốn sách Hà Nội phố, làng… thì biết rõ. Chuyện dài lắm, nhưng đại loại là thế này. Michael ạ, xưa kia ở đây nguyên là thôn xóm, đồng ruộng, ao hồ của một làng có tên là Yên Lãng Hạ, thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận. Nó cũng giống như các làng Yên Lãng Trung, Yên Lãng Thượng nay là phố Láng Trung, Láng Thượng thôi mà. Vùng đất này trước đây người dân chuyên trồng rau mùi làm gia vị ngon cho bữa ăn…

- À, thưa bác. Vậy là cháu đã hiểu. Có phải là cây hành, cây rau húng, rau răm in trong cuốn Ca dao tục ngữ Việt Nam cháu đã đọc. Riêng rau răm thì buổi sáng vợ chồng cháu ăn với trứng vịt lộn đấy…

- Hà Nội mở rộng, khu đô thị phát triển thì cả vùng đất này thành phố xá sầm uất. Nơi ta đang ngồi đây, Michael có hình dung được không, chính là ao tù, ruộng rau muống, bãi tha ma chen lẫn với những khóm tre còi cọc. Kế bên một tí là bãi rác. Nơi ấy người ta đổ rác phế thải, rác sinh hoạt của cả Hà Nội đấy. Michael ạ! Cậu có biết không, Đại sứ quán Mỹ xây trên đỉnh một núi rác đấy. Nhà chiếu phim quốc gia, các siêu thị, các khách sạn, các ngân hàng, liền kề đó là hồ bơi, các công sở, các công ty ô-tô, xe máy, Trung tâm thể thao, Đài truyền hình… cả những khu nhà mười lăm, mười bảy tầng đều mọc trên những núi rác cả đấy.

- Cháu đã đến Hồ Trúc Bạch, nơi mà mùa hè năm 1967, người Hà Nội đã vớt Đại tá phi công John MacCain. Ngày ấy, báo chí Mỹ đã nói rằng ba đời nhà John lập nghiệp trên đại dương, đến đời ông ta thì mất nghiệp ở Hồ Trúc Bạch. Vì cụ nội rồi cụ ông nội của ông ta và đến cả đời bố đẻ của ông đều giữ chức Đô Đốc Hạm đội Thái Bình Dương. Đến ông ta nhận lệnh đánh phá một điểm tối quan trọng ở trung tâm Hà Nội thì bị thương rơi xuống hồ bác ạ.

Sau đó, vào ngày 23/12/1967, nhà báo Harrison… Tờ New York Times được đến Hà Nội (Cháu đọc sách, nếu nhớ không nhầm). Khi trở về Mỹ, ông ta kể lại rằng: sát bên hồ nước ấy có ngôi đền cổ kính. Trong đền có pho tượng thần linh bằng đồng nặng đến hàng mấy tấn. Người Việt Nam thường đến đứng cúi đầu trước tượng, đặt tay vào đầu gối ông để cầu nguyện sự may mắn, bình yên… Và họ khẳng định rằng vị thần linh thiêng đó trấn giữ một phương đất trời Hà Nội đã hạ “Con Ma" (Người Việt Nam gọi máy bay F4 là Con Ma).


Trận thắng trên sông Hồng, Hà Nội - 1972. Ảnh: Đoàn Công Tín

- Michael thấy điều nhà báo ấy nói đúng chứ?

- Phần đầu câu chuyện thì đúng. Còn phần cuối, theo cháu nghĩ đó là tâm linh, là niềm tin của người Việt Nam vào sự phù hộ của ông cha, vào truyền thống trong quá khứ. Và điều đó đã làm nên sức mạnh. Người Mỹ chúng cháu thời đó chả có gì để gửi gắm niềm tin - Michael cười - Họ chỉ tin cậy vào thế mạnh vật chất họ có. Đó là thuốc nổ và chất độc…

- Nên đã thất bại - Tôi nói chen lời Michael.

- Vâng, đã trả giá. Người Mỹ chúng cháu không quên lời tướng Taylor nói sau khi thua trận ở Việt Nam. Tháng 5 năm 1975 báo Sao & Vạch đã in lời ông. Cháu đọc trong đống báo lưu thấy ông ấy nói dài nhưng cháu chỉ nhớ đại ý rằng:

Chúng ta đã dùng vô số phương tiện, bom đạn và cả chất độc. Chúng ta đã dội bom vào dân cư, bệnh viện… ở thủ đô Bắc Việt để uy hiếp. Chúng ta đã rải chất độc huỷ diệt sự sống một vùng đất đai rộng lớn; xuất những tướng lĩnh tài giỏi; và con cháu các nhà võ binh ưu tú: dòng giống như John MacCain …; vạch cả một kế hoạch oanh kích vào khu trung tâm đầu não ở Hà Nội mà không chiến thắng…

Michael cười - Giờ đây lớp người Mỹ chúng cháu sống vì tương lai chứ không phải vì thuốc nổ và chất độc, nếu ai mù mờ mới giấu diếm sự chua xót ấy. Nay ông John là Thượng nghị sĩ. Năm 1994, ông John sang Hà Nội thăm nơi ông từng bị giam, ông nói rằng: “Tôi cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã đối xử rất tốt với tôi - một tù binh chiến tranh…”. Bác ạ, ông John nói câu ấy là biết điều, là thay lời những người dân Mỹ có lương tri đấy - Cháu nghĩ như vậy. Và ngay cả ngài Peter Peterson - Một thời là ông chủ của tòa Đại sứ ở phố Láng Hạ này cũng là tù binh chiến tranh vì máy bay của ông cũng bị rơi. Nay ông là con rể Việt Nam đấy!

Thấy tôi cười, Michael biết ý, anh quay về câu chuyện đang nói dở ban đầu:

- Bác cho em Công sang California học ngành gì ạ? Michael hỏi tôi. Tôi trả lời Michael giống như cậu con trai út đã trả lời ông Đại diện sứ quán Mỹ. Michael ngồi im một lúc rồi chậm rãi nói:

- Bác cho em Công học Công nghệ điện tử, vi tính hoặc ngành Quản trị kinh doanh thì hợp. Cháu biết người Việt Nam sang bên ấy ít ai tìm học ngành Y.

- Michael biết đấy, cuộc chiến tranh tuy đã lùi xa rồi nhưng những người Việt Nam chúng tôi còn đau lòng lắm vì phải gánh chịu tai họa di hại của chất độc…

Michael quay lại nhìn tôi.

- Cháu biết, cháu biết, người Mỹ đã gây ra việc ấy ở Việt Nam. Nhưng thưa bác, đó là những người Mỹ thời ấy, lớp trước. Thưa bác, bố cháu đã kể lại và báo chí ở Mỹ đã nói đến nhiều. Ngày ấy, người Mỹ đã chi vào cuộc chiến tranh vô nghĩa và lầm lạc đến 350 tỷ đô la, rải xuống Việt Nam 72 triệu lít chất độc để huỷ diệt sự sống.

Nghe Michael nói, tôi lại nhớ tới các tư liệu tôi đã ghi được từ các bản tin, từ các báo… Đúng thế, từ năm 1961, quân Mỹ đã rải các loại chất độc xuống nước ta. 3.440.000 ha rừng núi, sông suối, đất đai bị nhiễm độc. Trong số 72 triệu lít chất độc, có tới gần 44 triệu lít chất độc dioxin. Loại chất độc này cỡ phần triệu gam trên một kilôgam trọng lượng là giết chết súc vật và người. Cỡ phần tỷ gam trên một kilôgam trọng lượng thì gây ra bệnh ung thư, tai biến sinh sản, teo não, mù, điếc, ngớ ngẩn… Chỉ cần 80 gam dioxin cho vào hệ thống cấp nước là đủ diệt toàn bộ dân số một thành phố lớn như New York - 8 triệu dân. Vậy mà thời đó có một số vùng nước ta Mỹ đã rải tới 170 kilôgam chất độc dioxin. Ba đến bốn triệu người Việt Nam chết trong chiến tranh thì có gần triệu người chết hoặc mang dị tật bởi loại chất độc này (Tư liệu của Uỷ ban điều tra hậu quả các loại chất độc dùng trong chiến tranh Việt Nam - An ninh thế giới số 221).

- Đúng vậy - Tôi nói - Việc đó đã gây ra nhiều đau khổ cho người dân chúng tôi và hiện nay còn có hơn ba vạn bà mẹ sinh con bị quái thai, chết yểu…báo Hà Nội mới đã đưa tin. Cả nước chúng tôi hiện có hơn 2 triệu trẻ em phải mang tật nguyền. Hầu hết là nạn nhân của chất độc dioxin thời chiến tranh.

- Thưa bác, nhiều người Mỹ có lương tri đã hổ thẹn và căm phẫn với những việc làm điên rồ đó. Lớp trẻ chúng cháu rất hối hận với những tội lỗi ấy. Bố cháu là người trực tiếp chứng kiến.

- Thế bố Michael…

Vâng, bố cháu là cựu chiến binh chiến tranh, ông đã bị đẩy sang Việt Nam. Ông là lính sư đoàn “Kỵ binh bay”. Ông nói, ông đã từng đến Khe Sanh, đến Cao Nguyên trung phần. Ông may mắn hơn nhiều đồng đội của ông là được sống sót trở về. Ông nói, hồi ấy ông không hề biết gì về Việt Nam. Ông được người ta tuyên truyền rằng, người Mỹ phải là “Hiệp sĩ của thế kỷ XX” cứu lấy một vùng đất của Chúa đang bị xâm lăng, đang bị áp đặt chế độ độc tài…

- Bác ạ! Về sau, chính bố cháu đã mắc chứng bệnh máu trắng vì nhiễm chất độc dioxin… Lúc nằm trên giường bệnh, bố cháu còn kể rằng Đô đốc E Zumwalt chỉ huy hải quân Mỹ ở chiến trường Việt Nam, đôn đốc việc rải chất độc xuống sông ngòi, kênh rạch Việt Nam. Con trai ông ta là Đại uý Elmo - Zumwalt chỉ huy chiến đoàn giang thuyền lấy vợ, sinh hai đứa con đều bị đần độn, ngớ ngẩn. Rồi anh ta chết vì bệnh ung thư…

Michael vẫn nói chậm rãi, vô tư:

- Bác ạ! Trước khi chết, bố cháu khóc nhiều, ông gọi các con đến. Ông nói, người Mỹ đã có tội với đất nước Việt Nam. Thế hệ các con phải chuộc lại lỗi lầm đó! Thế là cháu và vợ cháu sang đây. Chúng cháu dạy tiếng Anh cho trẻ em Việt Nam. Cháu học về văn hóa Việt Nam. Vợ cháu tên là Eli. Cháu gọi bằng cái tên cô gái Việt là Kim Liên. Có cái tên ấy là sau khi chúng cháu được vào thăm Thành phố Vinh. Còn hai đứa con trai của cháu, một đứa tên là Việt, một đứa tên Nam.

Michael vẫn chậm rãi nói. Những âm tiếng Việt, anh ta nói trầm dần xuống vì thiếu dấu nên cứ lớ ra. Đôi mắt màu nâu nhạt của Michael đỏ rựng. Không biết anh thương tiếc người bố, hay anh đồng cảm với sự sám hối của người bố. Cổ họng tôi bỗng nghèn nghẹn, vì tôi đã từng đứng trong chiến hào mặt trận Khe Sanh, nơi lính “Kỵ binh bay” Mỹ gọi là “Cối xay thịt”.

Và tôi cũng từng giữ điểm cao chốt chặn ở chiến trường Đắc Tô - Tân Cảnh. Nơi ấy, lính “Kỵ binh bay” Mỹ gọi là “Nóc nhà Đông Dương”, ai chiếm được nơi ấy người đó sẽ thắng cuộc. Tôi đã chạm trán với họ trong lửa đạn. Hai vết thương trên cánh tay tôi đây, lúc này bỗng nhức nhối lạ lùng - biết đâu do chính băng đạn từ nòng súng AR15 cực nhanh của bố Michael…

Đúng là cái chất “Hà gốc” trong tôi đã thức dậy. Nhưng có lẽ cái chất “Hà thanh lịch” hòa nhập trong tôi 40 năm đã kìm giữ tôi. Tuy vậy, cái ấn tượng mạnh mẽ về một suy nghĩ cứ day dứt khôn nguôi: Nơi núi rác đầy ô nhiễm ở Láng Hạ đây, người Hà Nội đã làm sạch và xây nên các biệt thự, các nhà cao tầng sang trọng - Trong đó có tòa Đại sứ Mỹ. Còn tai họa những di hại của chất độc chiến tranh do người Mỹ gây ra thì biết đến bao giờ mới xóa sạch…!

Michael vẫn chậm rãi, thỉnh thoảng anh dừng lại lựa lời nói tiếp:

- Cháu biết, cháu biết. Báo chí của nước cháu như tờ New York Times hay Washington Post… và cả thế giới cũng đã nói nhiều đến điều ấy. Bác ạ! Chất độc dioxin còn đọng lại trong môi trường sinh thái…

- Đúng thế đấy. Đến nay không những người từ chiến trường về bị bệnh mà còn di hại đến con cháu, giống nòi họ. Mỗi năm có thêm hàng vạn người mắc bệnh ung thư. Ngay ở Hà Nội đây, khu phố nào cũng có người gánh chịu tai họa đó. Michael ạ, qua thông tin trên báo chí, truyền hình mới biết được ở Mỹ đã có nơi nghiên cứu chữa trị bệnh ung thư, đã thí nghiệm thành công trên cơ thể chuột.

Vừa lúc ấy, Công ở hiệu ảnh về. Công ra đấy phóng to, ép cứng tấm ảnh bố anh đội mũ cối, mang ba lô cốc, bế anh trên tay tươi cười đứng cạnh mẹ anh trong buổi vợ con tiễn ông đi vào chiến trường, để mang theo. Công cũng ghé vào “chợ thuốc” to nhất nhì Hà Nội ở ngã tư Láng Hạ mua thêm mấy hộp cao Trường Sơn, dầu gió, mươi gói bạc hà, dăm củ gừng mang sang xứ lạnh.

… Tôi ngắm nhìn Công - chàng trai Hà Nội ra đời trong đêm 26/12/1972, đêm máy bay B52 rải thảm bom hủy diệt phố Khâm Thiên, tươi cười bắt tay Michael. Họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh và cả tiếng Việt. Tôi có cảm nhận: Lớp trẻ bây giờ là thế đấy. Vì nghĩa cả, họ dễ gác lại chuyện gay cấn của ông cha trước đây. Họ dễ kết bạn với mọi người. Họ sẵn sàng để cho dĩ vãng đi vào quá khứ… nhưng lương tâm thì không cho phép được quên. Vâng! Đó là nét đẹp thanh lịch của người Thăng Long. Nét đẹp văn hóa Việt Nam.