Bài viết dưới đây có tựa đề nguyên văn tiếng Pháp là “La création d’un langage universel” (tạm dịch theo nghĩa đen là “Sáng chế một ngôn ngữ hoàn cầu”), được tờ Courrier International (Pháp) ngày 11/3/2009, đăng tải lại từ tờ Le Devoir (Canada) của tác giả Amélie Daoust-Boisvert. Xin giới thiệu cùng bạn đọc…
… Hãy thử tưởng tượng rằng chúng ta đang ở vào năm 2025. Trước màn hình máy tính xách tay của mình, một chàng trai trẻ người Québec (Canada) - tạm gọi tên anh ta là Maxime Clairemont - đang tán dóc với người bạn Nga tên Dimitri Ivanovich: “Ở Montréal (thành phố lớn nhất Québec) trời rất đẹp, nhiệt độ ngoài trời 5 độ C và năm nay tuyết vẫn chưa rơi”.
Cuộc đàm thoại diễn ra trực tiếp, kèm theo lời văn là một đoạn phim hoạt hình 3D (không gian ba chiều) ngắn, khiến Dimitri hiểu ngay tức khắc: “Ở Moskva cũng vậy”. Tại Montréal, Maxime Clairemont có thể nhận thấy điều đó thông qua hình ảnh hoạt hình hồi âm: Quảng trường Đỏ ngập nắng, thảng hoặc có một khách bộ hành băng ngang, ăn vận nhẹ nhàng…
Một câu chuyện khoa học viễn tưởng? Chỉ phần nào thôi. Đó chính là giấc mơ chung của vị giáo sư Triết học Lionel Audant, con trai của giáo sư Pascal Audant - nhà kinh doanh, cùng các kỹ sư Benoit Ozell, Michel Gagnon và nhà ngôn ngữ học Nathan Ménard. Họ muốn hợp sức tạo ra một loại “ngôn ngữ hình ảnh” (nguyên văn là “interface graphique” - “giao diện đồ họa”) mà dẫu là một người Trung Quốc với một người Đức, hay một người Pháp với một người Nga, thì cũng đều có thể sử dụng để trao đổi trực tiếp với nhau trong chính tiếng mẹ đẻ của mình.
Tham gia vào dự án này còn có Trường Đại học Nam Khai, thành phố Thiên Tân, Trung Quốc. Hiện dự án có kinh phí 1,5 triệu đô-la Canada (khoảng 900.000 euro), phần lớn do tổ chức phi lợi nhuận Prompt Québec (mà một trong những hoạt động là tìm kiếm sự hợp tác nghiên cứu giữa giới công nghiệp và các trường đại học) cung cấp. Ủy ban cố vấn nghiên cứu khoa học, kỹ thuật nhà nước tài trợ một phần.

Làm sao thể hiện bằng hình ảnh cụ thể những khái niệm trừu tượng?

Trong việc này Hoa ngữ đã đi trước rất xa.
Theo các kỹ sư, một năm nữa, sẽ ra đời những “quy tắc ngữ pháp tin học” giúp chuyển đổi tự động những câu chuyện đơn giản thành những hình ảnh hoạt hình, đặt nền móng cơ sở ban đầu. Hai năm tiếp theo được dùng để hoàn tất chương trình mẫu (prototype) có khả năng chuyển đổi những đoạn văn giản dị - ví dụ như những mẩu chuyện dành cho trẻ em chẳng hạn - thành hình ảnh hoạt hình. Sau 4 năm, bất kỳ một bài viết nào, được viết dựa trên cơ sở một “kho” từ ngữ đã được xác định từ trước, cũng sẽ trở nên “sống động” trên màn hình. “Sau nữa thì sao?” - “Tất cả đều trở nên có thể”, Lionel Audant nói. Theo anh, ngành Điện ảnh cũng quan tâm tới thứ “công cụ ngôn ngữ” này.
Trong công cuộc tìm kiếm một thứ ngôn ngữ hoàn cầu (langage universelle), “chúng tôi nhanh chóng gặp phải vấn đề của sự vắn tắt, rút gọn (abstraction)” - Pascal Audant cho biết. “Trong việc này, tiếng Hoa đã đi trước rất xa, bởi tất cả đều đã được tượng hình hóa (nguyên văn “métaphorique”)”. Anh giải thích: “Từ “lòng tốt” trong tiếng Hoa được “viết” bằng hình ảnh cư xử của một bà mẹ với đứa con của mình. Đây là ví dụ điển hình minh họa cho việc tìm cách “hoạt hình hóa” từ “lòng tốt” một cách đơn giản, cụ thể”. Anh thừa nhận rằng, trong suy nghĩ của người phương Tây, hình ảnh người mẹ và đứa con không chỉ làm liên tưởng tới “lòng tốt, lòng nhân từ”, nhưng dù sao nó cũng gợi lên một cảm xúc tương tự.
Ngôn ngữ “hoạt hình” của họ cũng cần phải học, nhưng “khoảng 1 tỷ người có thể hiểu được không mấy khó khăn”. Như thế, sẽ không cần thiết phải hiểu ý nghĩa của các hình tượng đã được “chuẩn hóa” (idéogramme) mới học được ngôn ngữ mới. Thay vào đó, cần làm quen với triết lý ẩn sau toàn bộ hệ thống này - thể hiện một cách cụ thể những khái niệm trừu tượng, như “tình yêu”, “lòng tốt”…
Nathan Ménard, giáo sư ngôn ngữ học nay đã nghỉ hưu của Trường đại học Montréal kể lại rằng ông đã rất tò mò, xen lẫn nghi ngờ, khi được cha con giáo sư Audant mời tham gia dự án. Khi đó, ông cho đây lại là một cải tiến công nghệ mới, thêm một công cụ tin học nữa mà thôi. Hiện tại, theo ông, dự án hoàn toàn có khả năng trở thành hiện thực.
Kỹ sư Michel Gagnon thuộc Trường đại học bách khoa Ecole Polytechnique Montréal thì giải thích việc anh nhận làm cố vấn khoa học cho Audant vì thấy “đây là một dự án điên rồ”. Nó khác với dự án của “những người điên” ở chỗ có phương pháp khoa học một cách hệ thống. Đồng nghiệp của anh, Benoit Ozell, chuyên gia lĩnh vực trí thông minh nhân tạo (intelligence artificielle), đảm trách phần đồ họa, tức “dịch” các câu chữ thành những hình ảnh hoạt hình.

Máy bay và cánh diều có điểm gì chung? Ảnh: users.skynet.be
Những ai đã từng dùng Google để dịch một câu văn, theo từng chữ một (“mot à mot”), đôi khi nhận được kết quả rất nực cười. Michel Gagnon giải thích: “Cần tạo ra một công cụ có thể “giải mã” các câu văn, tìm nghĩa đúng cũng như những ý suy diễn chứa trong đó”. Để việc này có thể tiến hành tự động hóa hoàn toàn, ví dụ, cần tạo ra một “mã” (code) tương ứng với động từ “bay”, áp dụng được cho cả một con chim, một chiếc máy bay hay một cánh diều…
(Theo Le Devoir)