Một người quen gọi điện cho tôi, chúc chuyến đi may mắn và nói là mùa đông Trung Quốc rất lạnh, cần mang theo măng tô, áo len, mũ lông và nhiều quần áo rét kẻo ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì thế, lúc ra sân bay, tôi xách một va li quần áo nặng trong khi nhà văn Tô Hoài chỉ có một chiếc cặp ngoại giao nhẹ nhàng với bộ com lê màu sáng trên người. Tôi ngạc nhiên:
- Anh không sợ rét sao? Có người bảo em mùa đông Trung Quốc băng tuyết như bên Nga cơ mà!
Nhà văn lão thành tủm tỉm:
- Đứa nào bảo cô Quảng Châu và Thâm Quyến mùa này lạnh? Nó đã đi Trung Quốc bao giờ chưa?
Tôi ngớ ra:
- Em không biết, nhưng em nghĩ người đó rất có lý và rất quan tâm nên nghe theo.
- Ừ, ai nói gì cũng tin như cô thì rồi còn là khổ!
Cả đoàn phá ra cười. Riêng tôi, cả chuyến đi nhăn nhó vì chiếc va li nặng chịch quần áo trong khi Quảng Châu và Thâm Quyến vào đầu năm dương lịch đầy nắng ấm và chỉ đôi khi se lạnh như chớm thu Hà Nội.
Khi Hội Hữu nghị các dân tộc Trung Quốc ở Quảng Đông, Hội Nhà văn Quảng Đông, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Quảng Đông rồi Hội Nhà văn Thâm Quyến tiếp đón, nhà văn Tô Hoài đều trân trọng giới thiệu nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn là Phó chủ tịch thứ nhất của Hội Văn nghệ Hà Nội. Tôi ngồi cạnh nhà văn, nhắc khẽ:
- Anh phải nói là nguyên phó chủ tịch chứ ạ, em có còn đương nhiệm nữa đâu!
Nhà văn lừ mắt cho tôi im. Khi về khách sạn, trước cả đoàn, bác nói:
- Cô này rất nhà quê. Người ta giới thiệu cho trang trọng lại cứ chối đây đẩy. Thế lúc họ gửi giấy mời, cô không là phó chủ tịch thường trực à? Vả lại câu trao đổi lúc gặp gỡ có gì quan trọng đâu mà cứ giãy nảy lên!
Tôi không nói gì nữa, nhưng ngẫm nghĩ, thấy nhà văn luôn chủ động và quyền biến, lúc nào cũng có thể nói “rất chính xác” mà không làm hại đến ai.
Mấy năm trước, khi mới chuyển về Hội Văn nghệ Hà Nội, tôi cùng làm báo với nhà văn. Một hôm, có cấp trên xuống họp với tòa soạn. Tổng biên tập Tô Hoài báo cáo tình hình cơ quan rất chi tiết:
- Báo chúng tôi có 32 chuyên mục. Xin kể vài mục mà theo tôi có nét riêng hấp dẫn. Đó là: Chuyện cũ Hà nội, Sổ tay phóng viên, Ngày thường không bình lặng, Trang viết đầu tay…
Các vị cấp trên nghe chăm chú và ghi vào sổ tay. Riêng tôi rất thắc mắc “làm sao báo có nổi 32 chuyên mục?”. Những ngày sau tôi thử xem lại và thấy chỉ có 18 chuyên mục mà thôi. Tôi nói riêng với Tổng biên tập:
- Sao phải nói con số cụ thể mà lại phải nâng lên nhiều thế ạ?
Nhà văn lại cười tủm:
- Cô này cù lần quá. Ai thời giờ đâu mà đi đếm từng mục như cô chứ! Đã gọi là báo cáo thì phải cụ thể. Mình cứ nêu đại một con số, họ nghe là tin ngay. Không ai dở hơi mở báo ra đếm lại đâu. Mà con số ấy có hại gì, ảnh hưởng đến ai nào?
Tôi cười:
- Mà lại rất thuyết phục nữa chứ!
Nhà văn giơ một ngón tay, ý là “im lặng”. Và tôi gật đầu.
Sau đó, tôi dự họp nhiều lần cùng bác Tô Hoài với các cấp trên, nghe báo cáo “rất chi tiết” với các con số cụ thể. Và tôi đều im lặng. Theo nhà văn Tô Hoài, thì những gì không làm xấu ai, không gây chết chóc, mà khiến người đối thoại phải kính phục thì cứ việc thật cụ thể và chi tiết. Giống như viết văn, có lần bác nói với tôi, điều quan trọng nhất, thuyết phục người đọc nhất, và làm nên tính cách nhà văn nhất, chính là chi tiết. Mà chi tiết thì chỉ có thể học được trong cuộc sống. Đến một độ từng trải nào đó rồi, thì những điều mình nói ra đều đủ sức thuyết phục, dù đó chỉ là những chi tiết “bịa như thật”.
Quả nhiên, trong chuyến đi, nhà văn Tô Hoài bộc lộ nhiều chi tiết khiến tôi suy ngẫm và cảm phục.
Cả đoàn ở khách sạn 11 tầng, cửa kính san sát, xuống đường nhìn lên đố biết mình ở phòng nào. Nhưng một hôm nhà văn hỏi tôi:
- Đi không tắt đèn phải không?
Tôi nhìn lên, thấy rất nhiều phòng còn sáng đèn, rất ngạc nhiên:
- Sao anh biết phòng nào là phòng của em ạ?
- Thì cô ở cạnh phòng tôi với ông Phúc, tôi đã vén màn cửa để đánh dấu kia. Nhìn lên không biết mình ở chỗ nào, tức anh ách.
Một hôm khác, cả đoàn đi ăn sáng, bác Tô Hoài mệt, không đi. Sang đến bên kia đường, tôi bất giác nhìn lại thấy bác đứng giơ tay xoa nhẹ lên cửa kính, không biết là chào bọn tôi hay muốn xóa chút sương mù để nhìn xuống đường cho rõ.
Đường phố ở Quảng Châu nườm nượp xe đạp, xe máy, taxi, xe buýt… Nhà văn nhận xét:
- Họ thực tế hơn bên mình, cô có thấy không? Quần áo không nhiều màu sắc như Hà Nội. Xe cộ không bóng loáng và sang trọng như Hà Nội. Tôi chỉ thấy rất nhiều xe Mô kích, không phải Dream cô ạ. Còn taxi thì đủ loại, nào xe đỏ, xe xanh, xe màu bạc, xe vàng… Nhưng tôi chỉ thấy có xe sơn đỏ là nhiều khách, chắc là loại bình dân. Các loại khác trông sang trọng hơn chắc là có máy lạnh, thì chỉ chạy suông là nhiều.
Hôm đến Thẩm Quyến, chúng tôi đi thăm “Trung Hoa cẩm tú” là công viên thu nhỏ cảnh đẹp của 82 quần thể kiến trúc, danh thắng tiêu biểu ở Trung Quốc. Nào là rừng đá Côn Minh, chùa Hàn San trong thơ Trương Kế ở Triết Giang, Khổng Miếu ở Sơn Đông, Thành Đô ở Tứ Xuyên, mộ 13 vua ở Hà Bắc… Tôi rất háo hức, đến chỗ nào cũng muốn dừng lại để chụp ảnh và ngắm nhìn thật lâu. Nhưng cả đoàn thì lên ô tô đi xem lướt qua các thắng cảnh, chỉ dừng lại ở chuông chùa Hàn San với Thành Đô. Chưa đầy một tiếng đã xong cả 82 thắng cảnh nổi tiếng. Tôi phản đối:
- Thế này thì là cưỡi ô tô xem hoa chứ không còn là cưỡi ngựa xem hoa nữa rồi. Cho em đi bộ quay lại thôi.
Nhà văn cười:
- Tùy cô, cứ quay lại mà xem. Nhưng ông già này thì chỉ thích thắng cảnh thật thôi, chứ thắng cảnh giả thì chán chết.
Câu nói của bác Tô Hoài không làm tôi bớt hào hứng khi ngắm Vạn lý trường thành thu nhỏ 80 lần vẫn trải rất dài và quanh co qua bao đồi núi (giả), rồi Di hòa viên với chiếc thuyền đá của Từ Hy Thái Hậu mà tôi đã đến thăm từ 1977 ở Bắc Kinh, nay gặp lại, tuy nhỏ xíu nhưng vẫn quen thuộc như gặp người thân. Cố Cung với sân rồng và lầu gác nguy nga. Và bầy ngựa đá nhỏ xíu phi như bay trên thảo nguyên của Tần Thủy Hoàng… Tất cả thật hấp dẫn và sinh động. Thế là tôi một mình chậm rãi đi bộ quay trở lại với các thắng cảnh, chưa được một giờ đã thấy cậu bé hướng dẫn du lịch chạy đi tìm, nói là các cụ bảo về ngay để còn quay lại Quảng Châu kẻo tối!
Đường cao tốc từ Quảng Châu đi Thẩm Quyến dài 168km, cao hơn mặt đường, vượt qua các con sông, bờ mương, cánh đồng, làng mạc. Đến Thâm Quyến, qua một sân vận động lớn, nhà văn nói với anh Việt Tiến, trưởng đại diện hàng không Việt Nam ở Quảng Châu:
- Nếu mình nhớ không nhầm thì đây là nơi xử vụ án cướp xe trên đường Quảng Châu - Thâm Quyến. Bọn cướp có 18 tên thì 13 tên bị xử tử, đúng không ông?
Anh Tiến ngạc nhiên:
- Bác biết rõ thế cơ? Năm ngoái vụ án ấy chấn động cả nước Trung Hoa. Phải nói luật pháp của họ rất nghiêm. Từ dạo đó nạn cướp giảm hẳn.
Đến Quảng Châu, bác tâm sự:
- Sang đây nhìn ai lớn tuổi tôi cũng giật mình thấy hao hao như các em con bà dì tôi cô ạ. Ông chú tôi làm y tá trong lãnh sự quán Pháp ở Côn Minh, rồi loạn lạc không về được. Ba đứa em con chú dì đến nay đều ngoài 70 cả rồi. Chú dì nay đã mất, các em về cả Quảng Châu nhưng không biết ở đâu mà tìm. Thằng Bảo thỉnh thoảng vẫn viết thư cho tôi, nhưng nó không biết tiếng Việt nên tôi phải nhờ dịch. Giờ tôi muốn thư lại cho nó, lại nhờ cụ Phúc viết giúp. Rồi tôi sẽ gửi bằng cái phong bì của khách sạn ta ở, dán con tem Quảng Châu để nó biết là tôi đã đến đây, nơi nó và hai em nó lưu lạc cả một đời…
Từ lúc ấy, tôi cũng như bác Tô Hoài, cứ gặp những ông già Quảng Châu ung dung tập thái cực quyền ở công viên Sa Diện, đang lúi húi bán dầu cháo quẩy trên góc phố đông hay đang tay xách nách mang chen lên xe buýt cũng bất giác nghi ngờ: “Hay đây chính là ông Phùng Gia Bảo?”. Rồi gặp những bà già Quảng Châu, tóc cắt ngang tai, mặc áo bông giản dị, tay mang một giỏ rau quả đi chậm rãi trên hè… Tôi nhìn bác Tô Hoài thông cảm. Phải chăng đó là bà Châu, bà Nhâm - những người em con bà dì của nhà văn mà nếu có gặp họ cũng không thể nhận ra nhau, thậm chí nhận ra nhau rồi cũng không thể chuyện trò vì hơn 60 năm qua, những tiếng ầu ơ hồi thơ bé hai bà cũng đã quên rồi. Niềm trắc ẩn này đau đáu trong tim bác Tô Hoài khiến chuyến đi có nét buồn hoài niệm.
Luôn chú ý đến chi tiết và chỉ xúc động với những chi tiết, sau bữa tiệc Hội Hữu nghị với các dân tộc chiêu đãi ở khách sạn Bàn Khê, rất nhiều món sang và nhiều câu trao đổi long trọng, nhà văn hỏi tôi:
- Cô có biết hôm nay có gì làm tôi nhớ nhất không?
- Chắc là bài thơ ứng tác của ông chủ tịch Hội Nhà văn Quảng Châu Vương Tuấn Khang: “Vừa gặp mặt đã nói lời tạm biệt. Ôi ngán quá. Nhưng gặp nhau đã là một mối duyên. Duyên này quý hơn vàng” phải không ạ?
- Ồ, tôi không phải nhà thơ. Không, tôi nhớ cái mà chắc là cô không để ý. Đó là ly rượu Thiệu Hưng có thả quả ô mai. Rượu Thiệu Hưng của ông Lỗ Tấn đấy.
Chà, rượu Thiệu Hưng, quả là tôi đã không hề chú ý. Bác Tô Hoài tư lự:
- Bây giờ tôi có ăn được gì đâu, chỉ uống thôi. Ấy cái lúc mình ăn khỏe, đi khỏe thì phải một mình đi kiếm ăn, một mình đi bộ xuống Hải Phòng, lang thang kiếm sống ở Campuchia và Thái Lan. Bây giờ không ăn được, không đi được thì bao nhiêu nơi mời, xe đưa xe đón. Nhưng già quá rồi…
Bác nói như nói một mình, chúng tôi nghe ngậm ngùi im lặng.
Hôm khác, đến Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Quảng Đông, các nhà văn Thái Thời Anh chủ tịch hội, nữ họa sĩ Vương Ngọc Quyết, nhà thơ Liên Thư, nhà báo Hảo Ngọc đón tiếp rất trân trọng. Lúc về bác Tô Hoài hỏi:
- Cô có nhận xét gì không?
- Em thấy tất cả bọn họ đều rất trẻ, còn đoàn mình thì quá già.
- Ờ, đó là bệnh của Việt Nam mình cô ạ.
Và chúng tôi cũng có những lúc thật vui. Đó là những bữa ăn chỉ có 5 người trong đoàn, không có hàng không, lãnh sự, phiên dịch đi cùng. Chúng tôi vào một quán nhỏ ngay cạnh khách sạn sang trọng “Trung Hoa tửu điếm” để… ăn cơm bình dân. Và người duy nhất biết chữ Hán trong đoàn, bác Nguyễn Vinh Phúc, tha hồ nói rồi viết kiểu gì mấy cô phục vụ cũng lắc đầu không hiểu. Nhà văn Tô Hoài gật gù:
- Mấy cô này đều từ “Nghệ An, Thái Bình, Nam Định” lên đây. Chữ thì không giỏi, nói thì nói tiếng địa phương. Thôi thì ông Phúc cứ bảo nó cho mình ăn cái gì cũng được.
Và thế là bữa nào chúng tôi cũng được các cô cho ăn ba món cố định: thịt gà luộc, rau cải xào đẫm dầu mỡ, rồi cá sốt cũng ngập mỡ dầu. Đến bữa thứ ba, ngán quá, tôi kêu:
- Thầy Phúc làm thế nào để nó cho mình ăn rau cải luộc, cá hấp không có mỡ, nếu không thì ít ra cũng phải có ớt thầy ạ.
Nhà văn Tô Hoài bảo:
- Nó cho ăn là phúc rồi, lại còn đòi thay món nữa cơ đấy!
Rồi bác cũng chợt nhớ ra:
- A, hình như người Tàu gọi tương ớt là “lạp chiu chương” thì phải, ông Phúc cứ thử gọi xem. Tôi nhớ Vũ Hoàng Chương viết thế mà.
Cụ Nguyễn Vinh Phúc gọi cô phục vụ bàn, ra hiệu và nói:
- Lạp chiu chương hà!
Cô bé lắc đầu không hiểu.
Nhà văn Tô Hoài gắp một miếng thịt, làm như đang chấm vào bát “lạp chiu chương” rồi hít hà ra vẻ cay lắm. Cô bé gật đầu, cười rất tươi:
- Nạp xi xen há!
Rồi cô nhanh nhẹn chạy đi. Nhưng đến 10 phút sau vẫn chưa thấy cô mang tương ớt ra. Bác Tô Hoài làm bộ thất vọng:
- Khoảng nửa giờ nữa nó mới bê lên món xương sườn ninh thì bỏ mẹ!
Chúng tôi rũ ra cười.
Nhưng rồi cuối cùng cô bé cũng mang ra một bát nhỏ tương ớt, ra hiệu là cô phải đi mua ở đâu đó xa xa…
Bác Tô Hoài rất vui:
- Không hiểu sao mình lại nhớ ra mấy chữ lạp chiu chương, cũng hay!
Tài nhớ của bác Tô Hoài, nó cứ bất ngờ và đúng lúc rất là chi tiết như thế đó.
Đi Trung Quốc với nhà văn lần này có thể là lần cuối cùng ra nước ngoài với bác chăng? Năm 1987, tôi cùng một số nhà văn trẻ sang học ở học viện Gorky (Liên xô), nhà văn Tô Hoài cũng cùng đi. Tôi nhớ lần ấy, lúc ngồi chờ đổi máy bay ở sân bay Karachi, bác dặn dò tôi:
- Cô cố gắng học tập và ghi chép, đừng bắt chước chúng nó, mua mua bán bán rồi cuối cùng chẳng còn lại gì đâu. Mỗi lần ra nước ngoài là một dịp rất may cô ạ.
Thế mà lần này, suốt chuyến đi, bác không hề nhắc nhở, dặn dò, chỉ bảo. Chỉ còn những phát biểu nghiêm túc trong hội nghị, những tâm sự đầy trắc ẩn và những câu đùa khiến cả đoàn phá ra cười. Ấn tượng chuyến đi lần này với bác Tô Hoài là thế: một người giản dị, cô đơn, luôn điềm đạm mà sâu sắc, chân thành mà hóm hỉnh. Một người luôn coi trọng chi tiết, những chi tiết nhỏ nhất như là nhận biết căn phòng mình ở giữa bao căn phòng sáng choang của khách sạn mấy trăm phòng.
-------------------
* Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.